Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Giới thiệu về dự án mới của Ga 0: Vẽ graffiti lên tường hẻm


Một phim ngắn về nhóm graffiti Click 9, do Ga 0 (www.zerostationvn.org) thực hiện

Vài suy nghĩ ngắn về sự diễn giải tha thể

Như mọi hình thái nghệ thuật có nguồn gốc phương Tây khác được du nhập vào Việt Nam, sự hiện diện của hình thức nghệ thuật graffiti cũng tạo ra nhiều ý kiến và cắt nghĩa trái chiều từ phía, không chỉ người dân sở tại, mà còn các nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật. Mang bản chất là một phong cách nghệ thuật có tính phản/phi định chế, và thuộc văn hóa ngoài luồng (subculture), cũng như thuộc văn hóa đô thị, khi xuất hiện tại một số xã hội có các chính sách văn hóa mang tính định chế cao như Việt Nam, nó thường được đọc và diễn giải theo hướng một thực hành phản kháng chính trị và xã hội, qua đó, chuyển tải các thông điệp ít nhiều mang tính hương xa văn hóa và chính trị đặt cơ sở trên một góc nhìn duy sử quan về sự phát triển xã hội theo mẫu hình phương Tây tại các quốc gia đang phát triển và thuộc thế giới thứ 3.Đây là một cách diễn giải không sai. Tuy nhiên, Chính cách diễn giải này cũng hàm chứa nhiều mối nguy. Mối nguy quan trọng nhất, theo tôi, là việc cách diễn giải kiểu này không đặt cơ sở trên một sự đối thoại mở, mà do đặt cơ sở chủ yếu của nó trên chính tiên kiến của kẻ diễn giải (về một mô hình phát triển trong vai trò là một hình mẫu tiên nghiệm), thế nên, rất nhiều khi nó đã bỏ qua các chân trời khả niệm khác có thể có từ phía cái được diễn giải.Nói cách khác, cách diễn giải này, bởi sư dễ dàng của nó khi hiểu người khác, sẽ luôn có nguy cơ đưa kẻ diễn giải vào một không gian hiểu có tính vị chủng, như trong một bài viết về triết học của Gadamer, giáo sư Charles taylor đã giải thích rất rõ:

“Bởi vấn đề của sự cám dỗ có tính vị chủng nằm ở chỗ nó sẽ giúp người ta hiểu rất nhanh kẻ lạ, ví dụ: hiểu kẻ ấy bằng các phạm trù của mình. Các chủng giống nhỏ bé hơn sẽ không sở hữu quy luật nào cả, bởi ở chúng chẳng có gì cho chúng ta nhận thấy như là quy luật. Và bước dẫn tới việc dán nhãn chúng là phi quy luật hoặc đặt chúng ra ngoài quy luật cũng dễ dàng như việc coi chúng là không hợp lệ và tùy thuộc vào số phận” (1)

Một ví dụ ở đây có thể thấy trong một bài phỏng vấn giữa giám tuyển Jérôme Sans với nghệ sỹ Trung Hoa Qiu Zhijie. Trong bài phỏng vấn đó, Qiu Zhijie đã đưa ra một quan điểm khác về Graffiti kiểu Trung Quốc:

“Đúng vậy. Tôi nhớ chúng ta có lần trò chuyện về graffiti. Thật sự là tôi đã suy nghĩ rất nhiều về nó bởi hiện graffiti đang có mặt rộng khắp tại các đô thị châu Âu, và thường xuyên bị coi là dạng thực hành bất hợp pháp. Tuy nhiên, tại Trung Hoa cổ đại, đã có một dạng Grafiti hợp pháp, đó là khi một thi sĩ hay một thư pháp gia đi tới một phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ nào đó và nếu khi ấy anh ta nẩy sinh cảm hứng, anh ta có thể viết một bài thơ lên vách đá hay các cây cột trụ ở đó. Chúng tôi chưa bao giờ coi hành vi này có tính phá hoại; trái lại, chúng tôi coi nó như điều gì thanh nhã và có giáo dục. Thậm chí chúng tôi còn cho khắc các tác phẩm tiêu biểu về thư pháp hay thi ca lên vách đá để lưu giữ chúng thành một bộ phận mãi mãi thuộc về thiên nhiên”.(2)

Lẽ dĩ nhiên, ở đây, không khó khăn gì để thấy cách đọc của Qiu Zhijie về graffiti cũng đối mặt các vấn đề giống y hệt với cách đọc trái ngược với nó – khi bằng cách đọc ấy, nghệ sĩ cũng đã triệt để phủ nhận chân trời của “tha thể”, để rồi quy tất cả vào chính tiên kiến hay khung khái niệm có sẵn của bản thân.

Như vậy, ở đây, điều chúng ta thấy rõ nhất sẽ là việc, tất cả các cách đọc về tha thể đặt cơ sở chỉ trên tiên kiến và khung khái niệm sẵn của kẻ đọc, bởi bản chất làm cho thế giới nghèo nàn đi, sẽ chỉ luôn dẫn đến tính bất khả niệm về thế giới.

Thực tế cho thấy rằng, ngay chính tại phương Tây, nơi thường được coi là chiếc nôi của nghệ thuật graffiti hiện đại, việc nhìn nhận nó hoặc là như một thực hành phản kháng xã hội, thuộc văn hóa ngoài luồng, hay việc nhìn nhận nó như một thực hành thường mại hóa, cũng là việc vẫn còn đang tranh cãi và chưa đi tới hồi kết.

Trong cuốn sách “Thế mà là nghệ thuật ư” của mình, khi viết về một số nghệ sĩ Graffiti nổi tiếng như Barry Mc Gee hay Jean Michael Basquiat, tức những nghệ sĩ được truyền thông Mỹ vẽ nên như những người hùng- từ khước hệ thống thương mại để sống cuộc đời du mục lang thang (có thể tham khảo thêm bộ phim về Jean Michael Basquiat của Julian Schnabel, trong đó, Jean Michael Basquiat xuất hiện như một nhân vật trong sáng, đẹp đẽ như một thiên thần, như một phản đề với thế giới nghệ thuật thương mại hóa), - chính Cynthie Freeland cũng đã phải công nhận rằng: “…như Jean Michael Basquiat và Barry Mc Gee chẳng hạn, những người này đã bị hệ thống thị trường thu nạp khi tác phẩm của họ trở nên khả mại” (3). Cynthia Freeland thậm chí còn, với chút giọng giễu cợt, viết rằng :

”Tác phẩm của ông (Barry Mc Gee) đã được trưng bày ở nhiều gallery từ San Fransisco tới Mineapolis hay São Paulo. Tôi phải thú nhận rằng đã nảy ra vài kế hoạch đen tối nhắm vào những ô cửa kính của gallery trưng bày tác phẩm của Mac Gee, vào chính lúc đọc catalogue triển lãm của ông, trong đó Mc Gee viết:” Đôi khi một hòn đã ném vỡ toang một cái đĩa hay chiếc ly có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn và tuyệt nhất mà tôi từng thấy” (4)

Graffiti tại Việt Nam

Một trong những chìa khóa để đọc về nghệ thuật Graffiti tại Việt Nam, theo tôi, chính là ở tính chất du nhập của nó. Xét về mặt văn hóa, khi một sự du nhập xảy ra, luôn luôn sẽ kèm theo đó một tiến trình tự động của loại thải và tiếp nhận. Vấn đề ở đây là, một thực kiện (fact) chỉ có thể trở nên một khoảnh khắc lịch sử khi và chỉ khi nó tìm được lý do tồn tại cho nó trong thực tại, có nghĩa rằng, khi và chỉ khi nó có được bảo chứng bằng sự chấp nhận hoàn toàn của cái văn cảnh nơi nó xuất hiện. Triết gia Arthur C. Danto từng phân tích một cách rất thú vị về mối quan hệ giữa văn cảnh và thực kiện này trong bài viết "Các đại tự sự và các nguyên tắc phê phán", ở đó, ông đã đặt giả thiết về các họa sĩ Trung Hoa vào đời Thanh “từng biết về phép viễn cận kiểu Phục Hưng thông qua họa sĩ và cha truyền giáo Castiglione, song không hề sử dụng phát minh quan trọng này của thời Phục Hưng, tức điều đã làm thay đổi hoàn toàn khuôn mặt của nghệ thuật phương Tây bởi họ cảm thấy trong truyền thống nghệ thuật của họ, không có chỗ cho phát minh về phép viễn cận đó" (5). Đây có lẽ là trường hợp tiêu biểu của việc một thực kiện đã không thể trở nên một khoảnh khắc lịch sử và đã bị loại thải triệt để.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp một sự du nhập được tiếp nhận đi nữa, nó cũng sẽ phải trải qua một loạt màng lọc, để có thể được khả niệm trong một văn cảnh mới. Nói cách khác, sự du nhập ấy sẽ phải đi theo một tiến trình mà Homi Bhabha gọi là”thông dịch văn hóa”, tức sự thông dịch mà theo ông ”…là một phương cách mô phỏng, song trong một cảm thức chuyển vị, và vi phạm – theo một cách mà quyền tiên khởi của bản gốc không được củng cố mà sẽ bị sao chép, chuyển biến, chuyển hóa, và bị biến thành một bản thế vì, v.v., và v.v.” (6). Có nghĩa là ở đây, một sự du nhập, sau khi trải qua quá trình thông dịch, sẽ trở nên “một không gian thứ ba”, khác hẳn với bản gốc, và cũng khác hẳn với bản dịch (theo nghĩa mô phỏng chính xác), mà ở đó:”các quan điểm khác có thể xuất hiện”

Ví dụ cho trường hợp của sự thông dịch này có thể dẫn ra đây từ một dự án graffiti có tên là G.A.S (graffiti in art school). Đây là một dự án được thành lập vào năm 2007, do nghệ sỹ Phan Hải Bằng, giảng viên đồ họa khoa nghệ thuật ứng dụng trường đại học nghệ thuật Huế là trưởng nhóm. Trong chính bản tuyên bố thành lập dự án, Hải Bằng đã viết :”…sử dụng hình thái nghệ thuật graffiti như một công cụ, không phải để phản kháng xã hội, trái lại, để hòa hợp vào khung cảnh địa phương, để ứng xử văn hóa, kích thích sáng tạo với ý thức tôn trọng và bảo vệ cảnh quan thành phố…”(7). Một trong những dự án tiêu biểu của nhóm này là dự án “Vẽ mũ bảo hiểm” (từ 7 tháng 9 -15 tháng 11 năm 2007 ( tại Huế), và từ 23-31 tháng 9 năm 2009 (tại TP HCM). Vào khoảng nữa cuối năm 2007, chính phủ Việt nam chính thức yêu cầu toàn dân phải đội mụ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe máy. Đây là một yêu cầu tưởng như rất khó thực hiện bởi nó động chạm tới rất nhiều thói quen sinh hoạt đã tồn tại từ rất lâu của người dân Việt Nam, trong đó có thói quen về thẩm mỹ, đó là việc: người dân rất khó chấp nhận việc phải đội mội chiếc mũ giống nhau qua đó đánh đồng mọi đặc điểm riêng tư vào một vẻ dạng tập thể ( không biết nỗi sợ này có phải di chứng từ một thời màtoàn dân phải ăn mặc và cư xử một kiểu giống nhau hay không? ). Các nghệ sỹ thuộc nhóm G.A.S. đã tổ chức dùng sơn xịt vẽ lên mũ bảo hiểm miễn phí cho người dân tại những địa điểm công cộng tại TP HCM và Huế. Người dân có thể nghĩ ra các motif trang trí, hay sử dụng một trong nhiều mẫu có sẵn của nhóm. Dự án này đã thu hút nhiều người tham gia và sự chú ý của truyền thông đại chúng Việt Nam.

Dự án: Vẽ Graffiti Lên Tường Hẻm

Trong dự án này, không gian Ga 0 sẽ kết hợp cùng nhóm graffiti Click 9, một trong nhiều nhóm graffiti của thành phố, tạo ra một dự án nghệ thuật sử dụng graffiti như công cụ để đánh thức sự tương tác thông qua nghệ thuật đối với những người dân sống ngay trong khu phố nơi Ga 0 đang đặt trụ sở.



Đây là một khu phố tiêu biểu giữa lòng đô thị Sài Gòn, với một sân rộng chiều chiều lũ trẻ chơi đùa và người lớn trò chuyện. các nghệ sĩ graffiti của nhóm Click 9 sẽ sử dụng chính bức tường của trụ sở Ga 0 trong vòng gần một tháng ( từ ngày 12 tháng Bẩy đến ngày mùng 7 tháng 8 năm 2011) để luân phiên vẽ các bức graffiti của họ lên đó. Chính trong gần một tháng này, các nghệ sĩ sẽ có dịp không chỉ vẽ graffiti và qua đó tạo sự sinh động về thị giác và nghệ thuật cho khu phố, mà họ còn có cơ hội trao đổi, tương tác trực tiếp cũng như hướng dẫn cho những cư dân muốn biết them về graffiti- trong vai trò một hình thái nghệ thuật- về hình thái nghệ thuật này thông qua việc đề nghị người dân tham gia vào quá trình vẽ cùng họ.

Trong gần một tháng, sẽ có rất nhiều bức graffiti được vẽ, xóa, và vẽ đè lên, qua đó, nhấn mạnh vào bản chất phù du của các thực hành nghệ thuật đường phố và phi định chế cũng như nhấn mạnh vào tính tiến trình của một dự án nghệ thuật công cộng không (chỉ) đặt cơ sở vào vật thể thẩm mỹ, và (còn) chủ yếu là vào tính quan hệ và tính mở ngỏ của đối thoại.

Nhìn từ góc độ của các suy nghĩ nơi các phần trên của bài viết về sự du nhập, sự loại thải, cách đọc đặt cơ sở trên tiên kiến và khung khái niệm có sẵn, phản lại cách đọc dựa trên sự đối thoại và thông dịch, ga 0 của chúng tôi coi dự án nghệ thuật này như thể một sự thử nghiệm của việc thông dịch, không chỉ nghệ thuật graffiti vào không gian văn hóa địa phương, mà qua sự xuất hiện luân phiên của các bức graffiti cỡ lớn trên bức tường của ga 0 trong khu dân cư, còn thông dịch chính không gian văn hóa địa phương vào nghệ thuật graffiti.

Chính qua sự thông dịch hai chiều này, chúng tôi hy vọng mở ra được một không gian thứ ba, tức không gian của sự đối thoại năng động, đa chiều và có tính tạo sinh

Giám đốc nghệ thuật ga 0
Như Huy
-------------------
1- Charles Taylor, Gadamer về Khoa Học Nhân Văn, in trong The cambridge companion to Gadamer, Robert J. Dostal biên tập, Cambridge University Press; 1st edition, January 21, 2002, tr. 138)

2- All we see can only disappear, Jérôme Sans phỏng vấn Qiu Zhijie, trong China talks, interviews with 32 contemporary artists, Jérôme Sans, Time zone 8 xuất bản năm 2009, tr.58

3- Cynthia Freeland, But is it art, Oxford University press, 2001, tr.112

4- nt.

5- Arthur C. Danto, After the End of Art, the pale of history, Princeton university press, princeton, New Jersey, 1997, tr.42

6- “The third space", interview with Homi Bhabha, trong Identity, Community, Culture, Difference, Jonathan Rutheford biên tập (London: Lawrence and Wishart, 2003, tr.210

7- Như Huy, Tái định nghĩa quá khứ và chuyển hóa không gian công cộng,: Hai chiến thuật mới của các nghệ sỹ đương đại Việt Nam trong những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới” , trong” Essays on Modern and contemporary vietnamese art, published by Singapore art museum, 2009, tr.268

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét