Có một cậu bé rất ngoan, một ngày ba mẹ đi vắng, và dặn cậu ở nhà chơi. Bé hỏi;"mẹ ơi, thế con chơi với ai hở mẹ?". Mẹ mỉm cười nói: "Con ở nhà, sang chơi với bác Cô Đơn, cô Buồn và chú Băn Khoăn con nhé". Ba nói xen vào:" thế nhưng ba mẹ sẽ để cả chìa khóa lại cho con. Bất cứ khi nào con cũng có thể về lại nhà-mình.Trong nhà có kẹo, có bánh mì, có pate hộp, có mì gói và nước sôi để con nấu ăn, mà nấu ăn thì chẳng phải mẹ đã dậy con rồi sao ?"
Cậu bé ngoan vui sướng, bởi đây là lần đầu tiên cậu bé được ở nhà một mình, và cũng bởi, dù ở chung trong khu tập thể, cậu chưa bao giờ có dịp sang chơi nhà mấy người hàng xóm nọ
Bác Cô Đơn
Không ai biết quê quán của bác Cô Đơn ở đâu cả. Mọi người trong khu tập thể thấy bác ở đó từ lâu lắm-lâu có khi cũng bằng tuổi của cái bể nước tập thể đã lên rêu xanh kín từ bao lâu nay vẫn ở cuối hành lang. Bác có một nụ cười rất dịu dàng, bác nấu ăn rất ngon, nhà bác có nuôi một con chó tên là Bợm, mà thỉnh thoảng lúc vui, bác hay cho nó uống rượu. Mỗi lúc như thế nó lọang chọang trông rất yêu. Nhà bác lúc nào cũng đông khách, và khách thì rất nhiều dạng, nhưng nói chung, đông nhất vẫn là những- người-đang-yêu.
Cô Buồn
Cô Buồn thoạt nhìn giống hệt bác cô đơn. Cũng dáng đi tất tả như vậy, cũng vẻ dịu dàng như vậy, cũng nấu ăn rất ngon. Món tủ của cô là những món ăn Ấn Độ, bởi, nghe đâu, cha mẹ cô là người gốc Ấn. Khách đến nhà cô ai cũng được cô thết món Kebab thịt trâu. Cô yêu thích thiên nhiên và có thói quen chiều chiều đi bộ quanh công viên gần nhà và rất niềm nở với mọi người cô gặp trên đường. Nhà cô cũng rất đông khách, và khách thì rất nhiều dạng, nhưng nói chung đông nhất vẫn là những-người-đang-yêu
Chú Băn Khoăn
Chú Băn Khoăn là một người ái nam ái nữ. Chú thích son phấn, song lại đá bóng rất cừ. Chiều nào chú cũng đi ra sân vận động và khi về thường mệt nhoài mồ hôi. Chú rất yêu trẻ con, đặc biệt là những đứa trẻ ngoan. Chú hay làm đồ chơi cho tụi nó. Các đồ chơi chú làm đều tuyệt đẹp, chỉ có điều chúng luôn được làm bằng thủy tinh nên rất dễ vỡ, và khi vỡ thì các mảnh thủy tinh sẽ đâm vào tay chân bọn trẻ.Thế nhưng chú cũng có 1 tủ thuốc lạ lùng mà bất cứ đứa trẻ nào bị thương bởi các món đồ chơi của chú, chỉ cần uống 1 viên thuốc từ tủ thuốc ấy, các vết thương đều lành ngay lập tức và lại tiếp tục vòi chú làm đồ chơi cho. Nhà chú cũng rất đông khách, và khách thì rất nhiều dạng, nhưng nói chung đông nhất vẫn là những-người-đang-yêu.
***
2. Cuộc gặp gỡ giữa cậu bé ngoan và bác Cô Đơn
Sau khi ba mẹ vừa đi khỏi, cậu bé ngoan ra khỏi nhà và sang ngay nhà bác Cô Đơn. Thật vừa may, bác Cô Đơn cũng mới đi chợ về mang theo cả một túi đồ. Điều kỳ lạ là, trong túi đồ của bác, tất cả mọi đồ vật được gói vào với nhau, không phải theo từng đôi giống nhau, mà mỗi thứ đều luôn bị cặp vào cùng một vật hoàn toàn khác. Bó hành được gói cùng một lọ dầu hỏa. Ba lạng thịt lợn bác mua để làm món thịt heo xào cà chua được gói cùng bó đinh đóng guốc. Chai nước mắm cốt bác đặt từ Quảng Ninh được gói cùng hộp Phomai đầu bò, Một đống dép cũ bác gom từ các gánh đồng nát về để đi trong nhà thì chiếc nào cũng đều lệch đôi, cho tới cả một tá bánh Donus bác mua để làm quà cho lũ trẻ, thì chiếc nào cũng được bọc tròn trĩnh trong một mảnh lá chuối khô. Thấy cậu bé ngoan sang chơi, bác cô đơn mừng lắm. Lục lọi trong túi một lúc, bác lấy ra một món quà tặng cậu. Đó là một chai rượu nhỏ được thiết kế vô cùng tinh xảo, nặng tới 40 độ cồn”.
+Sau đây là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa cậu bé và bác Cô Đơn:
Cậu bé ngoan; Bác ơi, bác giảng cho cháu về tên của bác đi
Bác Cô Đơn; Tên của bác ư?, sao cháu lại hỏi bác thế?
Cậu bé ngoan; À, ấy là vì ba mẹ cháu từng bảo, khi thấy có điều gì mà mình chưa hiểu, chưa gặp bao giờ và làm mình e ngại, tốt nhất là mình gọi tên nó ra, và nếu có thể, tìm hiểu kỹ về cái tên ấy để rồi tìm cách đi cạnh nó mà không-e-ngại-nữa
Bác Cô Đơn cười nhẹ; Ồ, ba mẹ cháu thật là…thế bác hỏi nhé, vậy nếu cái điều-gì-làm- cháu-e-ngại-ấy có nhiều tên thì sao? hoặc giả, nó là một-điều-không-thể-đặt-tên thì sao nào? Vì cháu ạ, mỗi cái tên chỉ là một-quy-ước thôi cháu. Ngay khi cháu đặt tên cho một điều gì đó, cháu cũng đã đánh mất đi toàn bộ phần còn lại, phần mà một tên gọi không thể bao trùm hết. Và mỗi khi phần ấy tiếp tục tách ra như thể các tế bào nhân đôi vào vô tận, thì cháu lại sẽ phải bắt đầu một nỗ lực đặt tên mới, cứ mãi như thế, cháu sẽ đi đến đâu nào, cậu bé ngoan ?
Cậu bé ngoan ngẫm nghĩ một lát; Thế cháu phải làm gì bây giờ hở bác ?
Bác Cô Đơn; À, chỉ có một việc thôi cháu, đó là; Đừng e ngại nữa
Cậu bé; Làm thế nào đừng e ngại nữa được hở bác, khi mà thậm chí mình còn không thể gọi tên điều làm mình e ngại ?
Bác Cô Đơn; À, thì dẫu sao, cũng còn hơn việc cháu cứ phải đuổi theo tìm một lý do để không-e-ngại-nữa. Cháu biết không, nếu tiền đề của mọi e ngại luôn là những lý do, thì điều kiện tiên quyết của việc hết e ngại chính là; không-có-lý-do. Đó là một trạng thái thanh thoát nhất, không phải được hình thành bởi môt-hay-nhiều-đòn-bẩy-lý-do, mà bởi lúc đó, cháu đã bước vào một không gian khác-hẳn và rồi, bỗng chẳng còn nhớ nổi những gì đã từng làm cháu e ngại nữa
Cậu bé chưa hết băn khoăn; Thế trong lúc chưa vào được không gian ấy, thì khi e ngại, cháu có thể làm gì hở bác?
Bác Cô Đơn; À, lúc đó, tuyệt diệu và may mắn nhất là khi ta có một người bạn để chuyện trò, không phải để tìm cách đặt tên nỗi e ngại, mà tìm cách giúp nhau giữ mối dây liên hệ với bản thân và cơ thể. Cháu biết không ? bác luôn sẵn sàng làm một trong những người bạn như thế của mọi người, và cả của cháu đó. Chắc cháu đã thấy, nhà bác luôn đông khách. Đó cũng chính là những-người-đang-cảm-thấy-nỗi-e ngại–cháu-nói, những người chưa may mắn ở được trong không-gian-khác-hẳn bác nói. Còn nữa, điều thú vị nhất ở đây là, những người ấy không chỉ tới chơi với bác đâu, họ còn đến-tìm-nhau nữa đấy. Nhà bác luôn đủ rộng cho tất cả bọn họ.
...
Ngay khi bác Cô Đơn vừa nói dứt lời, bỗng có tiếng gõ cửa khẽ. Bác bảo với cậu bé; ”cháu cứ ngồi đấy chơi với con chó Bợm nhé, bác chắc rằng, hẳn đây là hai kẻ-đang-yêu vào giờ này vẫn thường đến tìm bác, để bác ra mở cửa cho họ vào”.
Cậu bé ngoan nhìn ra cửa, và thấy từ ngoài cửa bước vào một cặp trai gái trẻ. Có điều kỳ lạ là, dường như hai người này, dù đi cùng nhau, song không hề nhận ra sự hiện diện của nhau. Ánh mắt họ nhìn trượt qua nhau như thễ vào hư vô. Hành vi của họ, mỗi lúc phải xoay hướng vào nhau, như khi cùng cúi xuống cởi giày chẳng hạn, như thể là trước mặt họ chẳng hề có ai. Và rồi khi cả hai cùng lúc đưa tay ra bắt tay bác Cô Đơn, thì bàn tay họ trùm lên nhau và trùm luôn vào tay bác Cô Đơn, như thể mỗi người đều là những người duy nhất đối diện với bác Cô đơn trong gian phòng.
Bắt tay và đưa họ vào nhà xong, bác Cô Đơn quay qua nói với cậu bé: “ Cháu biết không, hai người này tìm tới bác, bởi chỉ mỗi khi tới với bác, họ mới có thể nhìn-được-thấy-nhau. Vấn đề của họ là họ bị một căn bệnh có tên là “nỗi-lạc-vĩnh-viễn”. Chỉ khi nào được bác đón tiếp trong chính căn nhà này, họ mới có thể dần-thấy-lại-được nhau. Song, như cháu thấy đó, bởi tính tạm bợ trong hành vi thấy-lại-được-nhau này của họ, thế nên, sau khi rời nhà bác, họ lại tiếp tục chìm vào cơn lạc-nhau-vĩnh-viễn.
“Thế có khi nào họ thoát khỏi căn bệnh này không bác”, cậu bé hỏi khẽ.
“Không đâu cháu, căn bệnh này cũng nan y như bệnh tiểu đường vậy, số phận họ không may mắn, bác e là họ sẽ phải cùng bác trị liệu suốt cuộc đời còn lại của họ thôi”, bác Cô Đơn trả lời. “ thế nhưng cháu biết không”, bác Cô Đơn nói tiếp, “ đôi khi bác cũng phải tiếp một số người và vật khác hẳn, như chính con chó Bợm đang gặm gặm tay cháu chẳng hạn. Chú chó này lại mắc một căn bệnh khác, mà không chỉ có chó thôi đâu cháu ạ, căn bệnh này rất nhiều người cũng mắc phải - bởi lẽ chúng ta, kể cả bác và cháu nữa cháu yêu, chẳng phải cũng là một loài vật và phải chịu đựng đủ các nỗi nguy hiểm và bất an của loài-chó, như bệnh tật, sự già nua, cơn đói và sự chết đó sao? Căn bệnh này của Bợm có tên là“Nỗi-lạc-trong-hội-ngộ”. Cháu đừng tưởng Bợm không có tên thật và không có chủ, thậm chí không có bạn tình. Xinh,oai và bợm như nó mà không ư?, nó có hết đó đấy cháu. Song chính căn bệnh “ Nỗi-lạc-trong-hội-ngộ” này của nó đã khiến nó, cứ mỗi lần gặp gỡ chủ hoặc bạn tình, nghe chủ hoặc bạn tình gọi tên thật của mình ra, hoặc khi được chủ và bạn tình âu yếm (dĩ nhiên bác phải nhấn mạnh là theo những cách cực-kỳ-khác-nhau), thì lại có một xung-lực-dã-man nào đó phá tan và làm rỗng toác buồng phổi của Bợm, quật Bợm ngã xuống và chìm thiếp đi với bốn móng xuôi quặt lại. Cứ mỗi lúc như thế, chỉ khi lần mò được về nhà bác, Bợm mới tìm lại được sự yên tĩnh và bình ổn. Lẽ dĩ nhiên, bác biết, đây không phải là một sự yên-tĩnh-và-bình-ổn vĩnh-hằng giống như sự chết, song, ý nghĩa, dù chỉ mang tính sử-dụng-một-lần cũng sẽ giúp ích cho Bợm đôi chút cháu ạ.
“ Thế có khi nào nó thoát khỏi căn bệnh này không bác”, cậu bé ngoan hỏi, mắt nhòa lệ bởi dù không hiểu lắm, song cậu cũng mang máng nhận ra nỗi bất hạnh nào đó của Bợm qua lời bác Cô Đơn.
“Trường hợp này thì có thể cháu ạ”, bác Cô Đơn trả lời,“song với xắc suất rất hiếm, bởi chỉ khi nào chủ và bạn tình của Bợm tìm được đến đây, trong căn nhà này và đón Bợm về - mà điều này thì quả rất khó, bởi đơn giản, họ là những-người-sống-trong-thế-giới-khác, lúc đó tự nhiên Bợm sẽ hết bệnh. “ Bác ơi, thế vì sao họ sống trong thế giới khác mà Bợm lại phải tìm đến họ”, cậu bé ngoan lại hỏi ; “Cháu à, riêng điều này thì thú thực bác không hiểu lắm đâu. Theo bác, có lẽ khát- khao-tìm-đến-họ của Bợm có liên quan gì đó đến cái gọi là tình-yêu-thương và nhu-cầu-thuộc-về. Mà cháu biết không, không giống với tự-do, vốn là khía cạnh tham chiếu lớn lao nhất của bác, tình-yêu-thương và nhu-cầu-thuộc-về chỉ là những khía cạnh rất nhỏ nhoi thôi, thế nên sự bí ẩn của khả năng tìm-lại, vượt-qua và vượt-thoát của tình-yêu-thương và nhu-cầu-thuộc-về chính là những gì bác hoàn toàn mù tịt. Thậm chí ngay cả nguyên nhân vì sao, mà rồi chủ và bạn tình của Bợm, những-người-sống-trong thế-giới-khác với Bợm, một ngày lại muốn tìm và tìm- được tới nhà bác đề rồi đón Bợm về, bác cũng mù tịt nốt. Mà thú thực cùng cháu, với bác, tất cả những gì rắc rối phi lý hay nhố nhăng nhất làm cho bác không- hiểu-nổi, bác đều quy hết cho tình-yêu-thương và nhu-cầu-thuộc-về. Cũng y như một chủ vườn dưa chuột nọ, với hắn, bất cứ ai đi qua vườn dưa nhà hắn, mà chẳng may, đã từng cúi xuống, không cần biết đó là người-ngay, cúi xuống chỉ để buộc lại dây giày, hay một kẻ-gian, cúi xuống lúi húi chôn giấu đồ do cướp của giết người mà có, đều bị hắn quy cho là kẻ trộm dưa chuột"
Ngay lúc ấy, tiếng cười đùa khúc khích vang lên từ phòng trong của đôi trai gái nhiễm căn bệnh mà bác Cô Đơn nói, đã cắt ngang câu chuyện của hai bác cháu.
[đây là 1 truyện cũ, viết dang dở, chưa có cảm hứng viết tiếp :) ]
©Như Huy
Cám ơn anh về bài viết.
Trả lờiXóaEm thấy anh giống bác sĩ tâm hồn vậy đó.