Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Thư của Sol Lewitt, một trong những cha đẻ của chủ nghĩa tối giản, gửi cho Eva Hesse, nữ nghệ sĩ hậu tối giản


Như Huy dịch

Sol Lewitt


Eva thân mến

Có lẽ đã đến cả tháng trời rồi kể từ khi cô viết cho tôi, và bây giờ có khi cô đã quên tâm trạng mình lúc ấy (tôi đoán vậy). Cô có vẻ không hề thay đổi, và luôn như thế- căm ghét bản thân mình. Đừng. Hãy học cách thỉnh thoảng chửi đụ-mẹ thẳng vào thế giới. Cô có toàn quyền làm điều đó. Hãy ngưng nghĩ ngợi lòng vòng, lo lắng quẩn quanh, nhìn trước ngó sau, so đo, suy đoán, sợ hãi, tổn thương, hy vọng có lối thoát dễ dàng, vật vã, ôm đồm, lúng túng, ngứa ngáy, gãi ghẻ, lẩm bẩm, lúng búng, gầm gừ, may nhờ rủi chịu, lộn xộn, hóc xương gà, dẫm cứt, chẻ sởi tóc làm tư, bới lông tìm vết, vừa đái vừa run, chõ mũi vào việc không phải của mình, móc đít, tự chọc mù mắt, chỉ tay năm ngón, chui rúc xó xỉnh, chờ đợi đến chảy nhão ra, rón ra rón rén, mắt long sòng sọc lên, giở thói ông rút chân giò bà thò chai rượu, tìm kiếm, đi trên mây, bôi bẩn mọi thứ, mài mòn, mài mòn, và mài mòn năng lực bản thân. Hãy ngưng hết lại. Chỉ làm thôi. Từ những gì cô mô tả, và từ những gì tôi biết về các tác phẩm trước đây của cô, và về tài năng (sic) của cô; tác phẩm cô đang làm có vẻ rất hay đấy- “Vẽ sạch và rõ, nhưng điên rồ như những cỗ máy, to lớn, hơn, và dữ tợn hơn…thực sự vô nghĩa”. Có vẻ hay đó, tuyệt vời đó- cái sự thực sự vô nghĩa ấy. Làm nữa đi. Vô nghĩa thêm nữa đi, điên nữa đi, máy móc nữa đi, vú vê, lồn cặc nữa đi, bất cứ điều gì- hãy làm chúng trông càng vô nghĩa càng tốt. Hãy cố gắng, và hãy khêu gợi điểu gì đó từ bên trong cô, sự “hài hước kì dị” của cô. Cô thuộc về phần bí mật nhất trong cô. Đừng nghĩ nhiều về việc phải oách, hãy tạo ra cái hai-lúa của chính mình. Hãy để mình là mình, là thế giới của mình. Nếu sợ hãi thì hãy bắt sự sợ hãi đó phải hầu cô- hãy vẽ kí hoạ hay vẽ sơn nỗi sợ hãi và âu lo đó. Hãy ngưng nghĩ về các thứ lớn lao to tát sâu xa như là “ quyết định một mục đích và một lối sống, một tiếp cận (sic) kiên quyết tới thậm chí vài mục đích bất khả hay thậm chí một mục đích tưởng tượng”. Cô phải thực hành việc là một kẻ ngốc, ngu dốt, rỗng tuếch. Và lúc đó, cô sẽ có thể LÀM!

Tôi có sự tin tưởng lớn vào cô và mặc dù cô đang tự dằn vặt, tác phẩm của cô vẫn rất hay. Hãy cố làm ra tác phẩm DỞ- dở nhất theo như cô tưởng tượng, nhưng hãy cứ kệ mẹ nó đấy, và thoải mái thư giãn thôi- cô chả có trách nhiệm đéo gì với thế giới- mà chỉ có trách nhiệm với công việc của mình mà thôi- và nếu vậy, hãy LÀM đi. Đừng nghĩ là tác phẩm của cô phải giống với bất kì ý tưởng hay khẩu vị nào cô tưởng tượng ra trước khi làm nó. Nó có thể là bất cứ điều gì cô muốn. Song nếu cô thấy khi không làm nghệ thuật thì lại sướng hơn, vậy thì ngưng làm luôn. Và đừng trừng phạt bản thân vì điều đó. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ nghệ thuật đã ăn sâu vào trong cô đến mức mà cô sẽ cảm thấy nếu không làm thì không có gì sung sướng cả.

Eva Hesse

Dù sao đi nữa, có vẻ là tôi hiểu được điều gì đó trong thái độ của cô bởi chính tôi cũng đã từng thường xuyên trải qua giai đoạn kiểu này. Tôi có một “sự tự phê đớn đau” về tác phẩm của mình và sau đó tìm cách thay đổi mọi điều có thể thay đổi. Điều này không khác gì việc căm ghét tất cả những gì mình đã làm, và tìm cách làm ra điều gì đó  triệt để khác, và hay ho hơn. Có lẽ kiểu quá trình này là cần thiết với tôi ở chỗ nó cứ thúc tôi phải chạy, và chạy, không cho dừng lại. Có lẽ đó là cảm giác rằng mình có thể làm ra điều gì đó tốt hơn đống cứt mà mình đã trót làm ra. Có lẽ cần tới sự thống khổ để có thể hoàn tất những gì ta  làm chăng?. Và có lẽ cảm giác này sẽ kích thích cô làm việc hay ho hơn. Nhưng đúng là sẽ rất đau đớn đấy, tôi biết quá rõ điều này. Tốt hơn hết là nếu cô có sự tự tin thì  cứ làm, làm, và làm mà không nghĩ ngợi cho lắm làm gì.  Cô không thể cứ mặc mẹ “ thế giới” và “NGHỆ THUẬT” cũng như ngưng vuốt ve xoa dịu cái tôi của mình sao? Tôi biết cô ( hay bất kỳ ai) chỉ có thể làm việc rất nhiều và toàn bộ thời gian không làm việc thì lại bận rộn với các suy nghĩ lòng vòng. Thế nhưng, khi làm việc, hay trước khi làm việc cô phải làm rỗng tâm trí và tập trung vào công việc. Sau khi cô xong, thì tác phẩm thế nào sẽ là thế ấy. Một lúc sau nữa, cô có thể thấy tác phẩm này hay hơn tác phẩm kia, nhưng điều quan trọng là cô cũng thấy được hướng đi tiếp. Tôi chắc cô biết tất cả những điều này. Cô cũng cần phải biết là cô không việc gì phải phán xét tác phẩm của mình cả-ngay cả bản thân cô nữa, cô cũng đừng phán xét nó. Nói thế nào nhỉ? Tôi thực sự ngưỡng mộ các tác phẩm của cô và không tài nào hiểu vì sao mà cô lại cứ lấn cấn về chúng? Nhưng cô mới là người có thể thấy ra các tác phẩm sắp tới của mình, còn tôi thì không thể. Cô phải tin vào chính tài năng của mình. Tôi nghĩ cô tin đấy. Nếu vậy, hãy cố gắng làm những việc khủng điên nhất mà cô có thể- hãy tự làm mình sốc đi. Bản thân cô sở hữu sức mạnh để có thể làm bất cứ điều gì.

Tôi muốn xem tác phẩm của cô và sẽ phải chấp nhận chờ đến tháng Tám hay tháng Chín. Tôi đã xem ảnh một số tác phẩm mới của Tom (Doyle- chồng của Eva Hesse, một điêu khắc gia- - chú thích của người dịch) tại nhà Lucy (Lippard- phê bình gia nghệ thuật Mỹ- chú thích của người dịch). Chúng rất ấn tượng- đặc biệt các tác phẩm với hình thức đậm chất tinh xác: các tác phẩm đơn giản. Tôi nghĩ sắp tới anh ấy sẽ gửi nhiều ảnh nữa. Cho tôi biết các cuộc triển lãm và tác phẩm trông ra sao nhé.

Tác phẩm của tôi đã thay đổi sau lần gặp cô và nó tốt hơn nhiều. Tôi sẽ có một triển lãm từ 4-9 tháng Năm tại Daniels Gallery 17E 64yh St (từng là chỗ của Emmerich (Andre, gốc Đức, chủ gallery nổi tiếng thập niên 50s-60s tại New York- chú thích của người dịch ). Tôi mong gặp cô ở đó. Yêu hai vợ chồng cô


Sol


@Như Huy 2013


Để biết thêm về Sol Lewitt, xem tại đây:


Để biết thêm về Eva Hesse, xem tại đây:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét