Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

nghệ thuật và shit :-)

1-“Cứt nghệ sỹ” ( Merda d’artist) của Pierre Manzoni


Vào ngày 12 tháng 8 năm 1961, Pierre Manzoni đã cho trưng bày tại Gallerie Pescetto 90 hộp, mỗi hộp khoảng 30 gram phân của chính ông. Mỗi chiếc hộp này đều được đóng theo lối công nghiệp và đều được gắn nhãn “ cứt nghệ sỹ” ( Merda d’artist)




Rất nhiều điều đã được nói về tác phẩm này, và một trong những cách đọc về nó có lẽ là cách coi hành vi đóng hộp chính phân của mình, và đưa nó vào khung cảnh nghệ thuật, để rồi quy cho nó một năng biểu của nghệ phẩm (gần đầy, mỗi hộp “cứt nghệ sỹ” này đã được mua bán với giá của vàng 10), đã như một tuyên ngôn của Pierre Manzoni về sự sụp đổ niềm tin vào vai trò truyền thống của nghệ sỹ như thể người anh hùng ( thiên tài) sản tạo tác phẩm, hay một nghệ nhân khéo léo. Cả nghệ thuật, nghệ phẩm, cùng vai trò nghệ sỹ giờ đây với Manzoni chỉ như một ảo tưởng hết thời khi soi chiếu chúng vào hiện trạng nơi thế giới mà ông đang sống, với cuộc chiến tranh Việt Nam, với sự chia rẽ Đông Tây sinh ra bởi cuộc chiến tranh lạnh, với tâm trạng ngợp thở khi bắt đầu chứng kiến sự lớn mạnh của xã hội tiêu dùng, của truyền thông đại chúng, của các hình ảnh quảng cáo.

Nhìn từ góc độ này, có lẽ chúng ta cũng có thể thấy rõ điều gì thật sự ẩn dưới hành vi giải hoặc cực đoan của Manzoni; đó chính là một tâm trạng thất vọng triệt để của người nghệ sỹ, tức kẻ, bằng tuệ kiến của mình, đã nhìn thấu vào bản chất của đời sống.



Về mặt nghệ thuật học, cũng không thể từ khước sự tham chiếu, hay có thể nói, sự ảnh hưởng nào đó của tác phẩm này, với tác phẩm từ đầu thế kỷ 20 của Duchamp, có tên: Vòi Nước( Fountain) - tức tác phẩm mà ở đó Duchamp đã đưa chính một cái bồn tiểu vào giữa Gallery nghệ thuật và coi nó là nghệ phẩm.


2- Toilet Sô-viết của Ilia Kabakov


… Năm 1992, tại triển lãm Documenta ở Kassel, Đức, Ilya Kabakov đã cho dựng một phiên bản chính xác một toilet kiểu Sô-viết dùng ở nông thôn – kiểu toilet ở bến xe bus và tầu lửa. Tác phẩm sắp đặt này mang lại cho công chúng nhiều cảm xúc đồng thời, vừa trìu mến gần gũi, vừa ghê tởm, vừa có tính tự thú, vừa có tính khái niệm. Sau khi kết thúc thời gian trưng bày tại Kassel, Kabakov đã quyết định để lại tác phẩm ở đó. Toilet này được dựng ngay phía sau tòa nhà triển lãm chính, Fridericianum, tức một địa điểm rất đắc địa cho một tác phẩm xuất sắc như vậy. Kabakov miêu tả tác phẩm sắp đặt này như thể các kết cấu u buồn với những bức tường vôi trắng nhơ bẩn và tồi tàn, trên đó đầy những hình vẽ và chữ viết mà nếu đọc và xem chúng, người ta không thể không cảm thấy tuyệt vọng và lộn mửa. Toilet chuẩn tại Sô-viết không có các cửa ngăn. Ai cũng có thể thấy người khác “đang đi theo tiếng gọi của thiên nhiên” ở nơi mà người Nga gọi là “tổ đại bàng” ngay phía trên “lỗ đen”. Toilet là nơi chốn công cộng, và là chỗ trú ngụ của dân cùng đinh. Ở đó, thói thị dâm trở nên gần như lỗi mốt. Chả có ai dám nhìn ngó gì khi họ ngồi ngay trước mặt nhau. Mọi kẻ đi toilet đều buộc phải chấp nhận điều kiện của việc trần trụi ra trước mắt người khác như thế. Tuy nhiên, khi bước vào trong tác phẩm sắp đặt của Kabakov, nếu người xem có ý chờ đợi để mong thấy được một nơi chốn có tính chức năng phục vụ cho nhu cầu cơ thể, hay một triển lãm kiểu báng bổ đầy tính nghệ thuật, nơi ta có thể gặp gỡ những sự kiện bất ngờ, họ sẽ thực sự ngạc nhiên. Phía trong tác phẩm sắp đặt-toilet là một căn hộ hai phòng theo kiểu Sô-viết.

“Ngay bên cạnh các lỗ đen đó”, đời sống thường nhật vẫn đều đều tiếp diễn. Một chiếc bàn nhỏ với khăn trải bàn, trên đó có một lọ thủy tinh, một giá sách, một ghế sofa với gối dựa, và thậm chí một phiên bản của một bức tranh Hà Lan, tiêu biểu cho dạng nghệ thuật phòng khách. Có một cảm thức về một hiện diện nào đó được nắm bắt lại, một khoảnh khắc bị cầm giữ; những chiếc đĩa ăn chưa được rửa sạch, chiếc áo khoác vắt hờ lên tay ghế. Đồ chơi của trẻ con để dựa ngay cạnh lỗ đen toilet, giờ đã không còn tỏa mùi nữa. Mọi thứ ở đây đều đúng đắn, và không tạo cảm giác tục tĩu. Các khách du lịch Nga và Đông Âu, từ thế kỷ Khai Minh cho tới nay, đã bình luận về sự thay đổi chất lượng vệ sinh cá nhân như thể một chứng nhận cho tiến trình văn minh. “Sự tới ngưỡng cửa của văn minh” luôn được định nghĩa nhờ vào chất lượng của toilet. Thời Perestroika bắt đầu, nhìn một cách nào đó, trong chính sự cải tổ nơi toilet riêng tư và công cộng. Thậm chí Thái tử Charles còn sẳn sàng cung hiến một toilet công cộng cho Học viện Pushkin tại Petersburg. Trong các thành phố lớn, các toilet phải trả tiền được thiết kế bởi phong cách quảng cáo kiểu Mỹ và hình ảnh các mỹ nhân Trung Hoa đã thay thế cho các toilet công cộng theo kiểu toilet được Kabakov thiết kế lại, và những kẻ giầu có mới nổi tại Nga luôn tự hào về các căn hộ theo kiểu châu Âu của họ, bao gồm cả toilet lẫn bồn tắm.

Trong sự hình dung văn hóa, toilet nằm ở điểm giữa của công cộng và riêng tư, Nga và phương Tây, thiêng liêng và nhơ nhớp, văn hóa cao và văn hóa thấp. Kabakov đã đặt toilet của ông ngay nơi giao cắt của các diễn giải xung đột. Liệu tác phẩm sắp đặt này nên được đọc theo nghĩa đen, hay đó là một ẩn dụ về đời sống Sô-viết đã biến mất, hay đây có thể là một ẩn dụ tâm phân học về không gian của người mẹ [martenal space]? Kabakov có hai câu chuyện cho tác phẩm này, có can hệ tới tiểu sử tự thuật và lịch sử nghệ thuật. Chuyện kể thứ nhất bao gồm rất nhiều câu chuyện của nghệ sĩ và mẹ ông về sự tha hương ngay trong liên bang Sô-viết, và sự mất mát cái nơi chốn mà ta gọi là ngôi nhà. Ông kể, “ký ức thơ ấu của tôi trở lại với thời gian khi tôi được gọi vào trường nghệ thuật tại Moscow và mẹ tôi đã quyết định bỏ việc [tại thành phố Dniepropetrovsk] để tới trông coi tôi. Bà trở thành người giặt là tại trường. Song bà không có được một căn hộ ở Moscow [bởi căn hộ chỉ được phân cho người có hộ khẩu] và do đó bà sống ngay tại phòng giặt là ở trường – và đó chính là một toilet cũ. Lẽ dĩ nhiên, đó không phải là một toilet bẩn thỉu, mà là một toilet đặc trưng trong các trường học nam sinh được chuyển chức năng thành phòng giặt ủi. Mẹ tôi đã bị bà hiệu trưởng gây khó dễ nhưng bà không có khả năng để thuê dù là một góc nhỏ trong thành phố. Bà từng phải ngủ bất hợp pháp một đêm tại ở toilet. Sau này bà có một cái giường xếp và ở tại đó cho đến khi người lao công và thầy giáo báo cáo lên hiệu trưởng. Mẹ tôi cảm thấy mình như kẻ vô gia cư và trắng tay trước các nhà chức trách, song mặt khác bà ngăn nắp và kỹ lưỡng đến mức sự trung chính và cương quyết của bà đã cho phép bà sống sót tại một nơi chốn không thể tưởng tượng. Tâm lý tôi khi ấy bị ám ảnh buồn đau về việc cả tôi và mẹ chẳng có một xó nào để cư trú.”

Trái với ký ức bị tác động mạnh mẽ bởi tình trạng bị làm nhục trong quá khứ, câu chuyện về ý tưởng cho dự án lại là một câu chuyện kiểu cợt đùa về một nghệ sĩ khốn khổ người Nga được triệu đến thánh địa nghệ thuật phương Tây, triển lãm Documenta. “Tôi có ấn tượng rằng tôi đã được mời đến để gặp nữ vương, kẻ mang quyền trượng có thể quyết định số phận của nghệ thuật. Với các nghệ sĩ, Documenta như thể một cuộc thi Olympic… Cái tâm hồn đáng thương của một gã bất lương người Nga dường như đang hấp hối trước các đại diện hợp pháp của nghệ thuật đương đại… cảm thấy mình đang rơi vào trạng thái kinh hãi, gần như đến mức tự tử, tôi bắt mình tránh nghĩ về những tay tổ ở Documenta đó và đến gần cửa sổ để tìm chút không khí trong lành… ‘Mẹ ơi, cứu con’, tôi tự thốt lên như thế. Lúc đó căng thẳng như thể ở trong chiến trận vậy… và cuối cùng dường như mẹ tôi đã nói với tôi từ thế giới bên kia và bắt tôi nhìn qua cửa số đến khu sân sau – chính ở đó, tôi đã thấy cái toilet. Ngay lập tức toàn bộ ý tưởng về dự án nẩy ra trong tôi, tôi đã được giải cứu.”





3-Tác phẩm Cloaca-New and Improved, 2001 của nghệ sỹ Bỉ Wim Delvoye.

Trong tác phẩm này, Delvoye đã tạo ra tạo ra một bộ máy tái sản xuất hoàn hảo phân người. Chiếc máy này được tiếp thực phẩm 3 lần một ngày, và bài tiết một lần một ngày. Sản phẩm cuối được bọc lại và bán như một phiên bản kèm theo một bằng chứng nhận trên đó có ghi các thành phần món ăn tạo ra gói phân đó. Tác phẩm sắp đặt bao gồm một gian bếp được trang bị đầy đủ, với người tiếp phẩm sẽ nhận nhiệm vụ cung cấp thức ăn cho chiếc máy. Ở đây, Delvoye đã đùa chơi với ranh giới nhập nhòa giữa văn hóa cao và văn hóa thấp, khi tác phẩm của ông vừa là một công việc cực kỳ thủ công kỹ lưỡng và có tính máy móc chức năng, song cũng tuyệt đối phi lý và ngớ ngẩn. Thêm vào đó, ở góc độ triết lý, tác phẩm này cũng chiếu một cái nhìn giễu nhại [ và ở một cấp độ nào đó] không kém u mặc và phản siêu hình học vào bản chất của tồn tại người – một bản thể thường được gắn với những phẩm chất cao quý, trừu tượng và đôi khi siêu nhiên, tuy nhiên ở đây, nó lại đã bị lột trần ra trong một màn giải phẫu đậm chất khoa học kỹ thuật để chỉ còn hiện hữu trong vai trò một tiến trình triệt để có tính chức năng







4-Shit show [ Triển lãm phân] của Serrano

“Phân”, là một loạt 66 bức hình chụp các vẻ dạng của phân( tất cả đều được thực hiện vào năm 2008). Trong triển lãm tại Yvon Lambert Gallery, chỉ có 18 bức hình được trưng bày, tuy nhiên, chỉ với chừng ấy thôi cũng đủ để hình dung ra mùi vị của chúng lan khắp phòng gallery. Chủ đề của triển lãm là một trong các chủ đề đã làm nên danh tiếng của Serrano ( hai cái kia là trẻ em và tình dục). Các đống phân trong hình được cho là của thú vật, và lẽ dĩ nhiên của chính nghệ sỹ. Với một camera chụp ảnh khổ lớn để có thể nắm bắt được độ sâu của hình ảnh, Serrano đã sang tận Ecuador để chụp hình phân của gia súc và thú hoang. Ông chụp một cách mộc mạc, không xen vào bất kỳ một kỹ thuật digital nào. Đồng nghiệp của ông, Irina Movmyga chịu trách nhiệm vẽ phông phía sau đống phân, tạo nên một vùng tràn đầy ánh sáng theo kiểu bầu trời do Tiepolo vẽ [Gianbattista or Giambattista Tiepolo (March 5, 1696 – March 27, 1770), nghệ sỹ Venice]









N.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét