Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Sue Hajdu| Nguyễn Như Huy - hậu New York (2003)

Mai Chi dịch
( vèo cái, đã 7 năm:-) )


"Tôi biết nghệ thuật phải là một điều gì khác hẳn". Đó là những ý nghĩ của Huy khi anh khởi hành sang Mỹ vào đầu năm 2003 để làm việc ba tháng tại Vermont Studio Center.

Có những điều cần phải chấm dứt, và có những điều cần phải thay đổi. Thế mạnh của người nghệ sĩ tạo hình trong Huy được thể hiện rõ hơn hết qua ý thức tự nghiêm khắc với bản thân, lòng quyết tâm lên đường để vượt qua những ranh giới quen thuộc, cộng với khả năng tiếp nhận những gì mà nước Mỹ có thể đem lại. Thêm vào đó là trí thông minh, sự hóm hỉnh, lòng nhiệt tình của anh. Thời gian ở Mỹ chỉ có thể đem lại những kết quả tốt mà thôi.

Sau khi tự mình đi xem một loạt các phòng tranh ở khu Chelsea, Huy đã không chút hoài nghi mà nhận ra rằng những gì anh đã từng làm, hay từng nghĩ, không phải là nghệ thuật đương đại. Nhưng đi đâu bây giờ, và đi như thế nào?

Hành trình 1. Bảy bức tranh đặt trong khung lớn. Loạt sáng tác đầu tiên của anh sau thời gian ở Mỹ. Những hình vuông nhỏ bằng giấy bóng mờ được đặt thành nhiều lớp chồng lên nhau trên một tờ giấy nền, tạo ra cảm giác của một lớp vẩy cá. Sau đó, anh vẽ những chấm đơn mầu lên trên giấy nền, lên trên giấy bóng mờ. Tác phẩm trông to tát về kích thước, nhưng mỏng manh trong mầu sắc và chất liệu.


(click vào hình để xem lớn)

Ở đây chúng ta đang chứng kiến một sự lên đường. Lên đường để bỏ lại tính trừu tượng vốn đặc trưng cho phần lớn các sáng tác của Huy từ trước tới nay. Bỏ lại chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện đại của phần lớn nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Hành trình 1 là một cam kết trí thức với hội họa, với công việc của một họa sĩ. Bạn ngừng vẽ. Tác phẩm không hề quan tâm tới khái niệm lãng mạn hay cái đẹp, mặc dù chắc chắn trông nó không phải là không ưa mắt. (chúng ta hãy cùng nhau tiếc thương sự thống trị của "cái đẹp"). Bề mặt của vải toan "xù lên" bởi những hình vuông mỏng bằng giấy, và cái vấn đề đau đầu muôn thủa về bố cục và mầu sắc cũng biến mất luôn. Thay vào đó chúng ta có những đốm hồng, xanh da trời, da cam và xanh huỳng quang - mỗi mầu được dùng cho một tranh. Đây là một bước rẽ ngang có chủ ý, tách khỏi văn hoá hàn lâm, khỏi những mầu sắc mà một vị họa sĩ Việt Nam nghiêm nghị sử dụng, bước vào thế giới của đồ rởm (kitsch), hay của những vết bôi không đều đặn của một cây bút đánh dấu bài. Điều này tương tác với hình thức của tác phẩm để tạo ra một hiệu quả hóm hỉnh, nhí nhảnh, mà vẫn duyên dáng. Tất nhiên, nó là một trò đùa, nhưng không phải một cú lừa, mà là một lối chơi.

Nhưng sự chơi đùa này nằm trên một nền tảng trí thức chắc chắn. Rất đặc trưng Huy.

Hành trình 2, một tác phẩm khác cũng trong triển lãm hiện nay của mai gallery, thành phố Hồ Chí Minh, cũng quan tâm tới hội họa vượt ra ngoài ranh giới của vải toan. Cũng giống như Hành trình 1, tác phẩm này thể hiện sự cam kết với một thái độ ý niệm và sự quan tâm sâu sắc tới lịch sử nghệ thuật, lý thuyết nghệ thuật và các đàm luận tri thức khác.


(click vào hình để xem lớn)

Hành trình 2 không hẳn ra đời từ những thí nghệm ở Vermont của Huy, mà từ những đặc thù của không gian hình dạng như một cái ao của phòng tranh. Mấy chục cốc thủy tinh, loại cốc mà bạn hay dùng để uống chè ở các quán đầu đường, chạy bọc sườn đường viền trong của ao, đôi khi táo tợn thoát ra ngoài theo những vòng cung cong vào, cong ra, và cuối cùng lại nhập vào đường viền ao. Những cốc thủy tinh chứa mầu xanh blue tông trung, cái mầu Việt Nam nhất trong tất cả các mầu. Lượng mầu nhiều ít khác nhau, từ đầy cốc cho tới rỗng không, tạo ra những làn sóng nhấp nhô của sự đầy / vơi luân phiên nhau - mầu sắc và sự thiếu vắng của nó. Đây là một ám chỉ dễ thương tới tính vật chất của hội hoạ và công việc của họa sĩ - gam mầu, dung tích, pha mầu, những chai lọ đựng đầy chổi vẽ cũ.

Hai tác phẩm này đánh dấu sự tới nơi của Huy. Anh đã chỉ cho chúng ta thấy tư duy của anh về nghệ thuật / hội họa, từ một chỗ đứng được trình bày trong một ngữ cảnh mỹ thuật quốc tế đương đại, tại một thời điểm nhất định của lịch sử.

Phương pháp tiếp cận của Huy còn quá hiếm hoi tại Việt Nam, nó hết sức cần thiết để có thể đưa nghệ thuật Việt Nam tới một ví trí xác đáng trong cuộc tranh luận đương đại. Tôi không coi vấn đề là ở sự phân rẽ bên trong / bên ngoài, mà là ở việc tạo ra được những sáng tác thuộc về thời đại của nó (tính vùng, tính địa phương, bản sắc - tất cả đều có chỗ đứng ở đây). Những kinh nghiệm của Huy cho thấy những kết quả có thể đạt được qua một cách tiếp cận tự phê phán và sự điều chỉnh chỗ đứng đối với thế giới bên ngoài. Rằng lên đường không có nghĩa là đánh mất nơi đứng, mà có nghĩa mở rộng ra tới một vị trí mạnh mẽ hơn và uyển chuyển hơn, vượt qua định nghĩa về "chúng ta" và "họ".


Một câu đùa ( a Joke)
(click vào hình để xem lớn)

Trong khi đó, tôi thấy Huy tiếp tục tiến với một động lực lớn, phát triển từ vựng của Hành trình 1 và Hành trình 2, và cũng có thể để lại chúng ở phía sau hoàn toàn. Tôi theo dõi những bước đi của anh với một niềm hy vọng và thích thú lớn.





© 2003 talawas

1 nhận xét:

  1. Oài, anh là họa sĩ à? Vậy mà em cứ tưởng anh là nhà phê bình nghệ thực chứ :-D
    EM thích bức Hành trình 2, nhìn không chán mắt. Bức Hành trình 1 có lẽ phải được xem tận nơi mới dám có ý kiến ạ :-)

    Trả lờiXóa