Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

“ Cuộc hội ngộ của các mạng không gian nghệ thuật châu Á”, 2011 | Asian Art Spaces Network Meeting 2011, a brief report

(please scroll down for English)


Hai chủ đề chính của cuộc hội thảo chuyên đề “Cuộc hội ngộ của các mạng không gian nghệ thuật châu Á”, 2011, tại Gwangju city là, 1/ Tìm cách kết hợp làm việc gữa các không gian này, và 2/ tìm cách trao đổi thông tin nghệ thuật giữa các không gian này. Có thể nói, sau Gwangju biennale 2002, mà lõi cốt của nó là một cuộc nhìn lại tầm ảnh hưởng, diễn ngôn và các cơ cấu hoạt động của toàn bộ các không gian phá cách khắp thế giới, đây là lần đầu tiên, một cuộc tụ họp cỡ lớn, quy tụ các không gian phá cách năng động nhất ở China, Indonesia, Malaysia, Japan, Taiwan, và Philippines, cùng các không gian nghệ thuật tại địa phương ở Korea đã được diễn ra.


Thị trưởng Gwangju đọc diễn văn chào mừng hội thảo

Cấu trúc của cuộc hội thảo chuyên đề này gồm hai phần. Phần 1 là các cuộc thảo luận nội bộ và thảo luận với công chúng, và phần thứ hai là một triển lãm mang tên Asian Arts Mobility, mà ở đó các không gian nghệ thuật tại châu Á và Korea sẽ giới thiệu về các hoạt động của bản thân thông qua các phim tài liệu.

1-Tại sao châu Á, tại sao Phá cách?


Giám đốc của không gian phá cách Loop (Seoul), Jin Suk Suh, trong bài phát biểu của mình, nhấn mạnh về đặc tính châu Á trong các diễn ngôn nghệ thuật đương đại thế giới hiện nay. Ông lưu ý về hai cách tiếp cận thế giới của hai mô hình châu Á và phương Tây, mà ở đó, đặc tính duy nghiệm, chủ biệt chính là đặc tính chủ đạo trong cách tiếp cận thế giới kiểu phương Tây, còn đặc tính siêu nghiệm, và chủ toàn chính là đặc tính chủ đạo trong cách tiếp cận thế giới kiểu châu Á. Chính hai cách tiếp cận này đã tạo nên toàn bộ góc nhìn vào thế giới của con người nói chung. Giám đốc của không gian phá cách Loop cũng nhấn mạnh vào tính ưu việt của góc nhìn chủ toàn trong cách tiếp cận thế giới kiểu châu Á, mà qua đó, đặc tính toàn thể và khía cạnh tinh thần của thực tại sẽ được nắm bắt trọn vẹn hơn cách tiếp cận thế giới theo kiểu phương Tây.

Dù hoàn toàn đồng tình với sự phân chia rất tinh tế của Jin Suk Suh về hai cách tiếp cận thực tại, dẫn tới hai kết quả khác nhau, cá nhân tôi vẫn có chút băn khoăn nhỏ về việc liệu thực sự có cái gọi là đặc tính châu Á hay đặc tính phương Tây hay không? Nhìn từ một góc độ lý thuyết, người ta cũng có thể đặt ra vấn đề rằng, bản thân cái gọi là đặc tính châu Á, và đặc tính phương Tây, cái Ta và cái Họ này, cũng chính là một sản phẩm thuộc mô hình Đông phương luận (Orientalism) thuộc phương Tây, và việc nhấn mạnh có tính bản chất luận vào châu Á, như một phản đề với phương Tây cũng có khía cạnh nguy hiểm của nó ở việc chính sự nhấn mạnh này sẽ đối mặt với nguy cơ rơi vào bản thân diễn ngôn của điều mà nó tìm cách chống lại.


Thảo luận với công chúng

Đây chính là ý kiến của nghệ sỹ Hong Ju, giám đốc của không Happy Imagination Studio ( Seoul). Nữ nghệ sỹ này đã cùng chia sẻ với ý kiến của chúng tôi, từ Ga 0, Việt Nam, về việc có lẽ chúng ta không nên nhấn mạnh vào cái đặc tính châu Á, nhìn từ góc độ bản sắc ở đây, mà nên đi xa hơn nữa, nhấn mạnh vào đặc tính nhân loại nói chung, được phân biệt bởi các đặc tính định phương khác nhau (different localities). Bởi đặt cơ sở trên tiến trình loại thải (exclusive process), các cách tiếp cận dựa trên diễn ngôn về bản sắc hay bản chất luận tất yếu sẽ đưa các hành vi diễn giải của con người vào một không gian đối đầu giữa Ta và Họ. Trong khi đó, bởi đặt cơ sở trên tiếp trình bao gộp ( inclusive process) , các cách tiếp cận dựa trên diễn ngôn về tính địa phương sẽ tất yếu đưa các hành vi diễn giải của con người vào không gian đối thoại miên viễn, không gian của sự mở rộng tầm nhìn. Chính trong không gian này, theo chúng tôi, sẽmở ra con đường mới, không chỉ cho nghệ thuật châu Á nói riêng, mà còn đề nghị một mô hình khác cho các cách tiếp cận nghệ thuật đương đại thế giới nói chung.

Cũng nhìn nhận vấn đề từ một góc độ tương tự, song đi sâu vào một phân tích có tính phê phán vào tiến trình kết mạng lưới nghệ thuật. Ade Darmawan, giám đốc của không giqan nghệ thuật Ruangrupa, (Indonesia), chỉ ra sự không hiệu quả trong các hành vi kết mạng lưới trước đây. Theo anh, hầu hết cách hành vi kết mạng lưới hoạt động trước đây đều có đặt cơ sở trên việc tạo cấu trúc chứ không hề cung cấp các nội dung và chủ đề diễn ngôn mà các thành viên trong mạng lưới có thể chia sẻ và phát triển. Từ điểm nhìn này, anh đề ra một cách kết mạng mới, đó là cách kết mạng đặt cơ sở trên việc cấu tạo diễn ngôn và nội dung chung, để làm các mạng lưới trở nên các think-tank, nơi mọi thành viên đều có thể chia sẻ, thảo luận, thương thỏa, tranh cãi và qua đó tạo nên chủ đề diễn ngôn chung. Theo anh, chính mạng lưới kiểu này sẽ trở nên một bệ đỡ mở ra một đồ bản về những chủ đề cần thiết và thích hợp trong xã hội đương đại châu Á, và phát triển một diễn ngôn bao quát hơn qua việc sản xuất, chia sẻ, và phân bố tri thức nhờ vào các thực hành nghệ thuật, tức điều có thể trở nên sự đóng góp quan trọng cho khu vực.

Hu Fan, cựu sinh viên văn chương, hiện là giám đốc của một không gian nghệ thuật đương đại quan trọng, Vitamin Creative Space, có trụ sở ở cả Guangzhou, và Beijing, China, lại lưu ý về bản chất của không gian phá cách. Theo anh, không gian phá cách không (chỉ) là một không gian vật lý. Hơn thế, nó là một không gian tinh thần và tâm lý. Anh lưu ý về khía cạnh “khí vận sinh động” của một không gian phá cách. Điều gì làm cho một không gian cụ thể trở nên một không gian phá cách? Làm thế nào tạo ra năng lượng phá cách trong một không gian cụ thể trong các mối quan hệ đa tầng nơi chính không gian ấy?. Phát biểu của Hu Fan thật ra đã nhấn mạnh vào các đặc tính cốt lõi của các không gian phá cách, đó là đặc tính vận động liên tục, đặc tính gắn chặt với các nhu cầu hiện đương, đặc tính ràng buộc chặt chẽ với thực tại của mọi không gian phá cách nói chung. Phát biểu này của Hu Fan dường như được minh họa rất hoàn hảo bởi phát biểu của Jennifer Teo, giám đốc của Post-Museum (Singapore). Dù đã rất ấn tượng bởi các hoạt động trước đây trong không gian của Post-Museum, mà tiền đề của nó là nhóm nghệ sĩ p-10, chúng tôi còn ấn tượng hơn khi Jennifer, khi kết thúc phần phát biểu của mình cho biết hiện tại Post-Museum không có địa điểm cụ thể, có nghĩa rằng, không có không gian vật lý. Và tình trạng nowhere này của Post-Museum, theo Jennifer, sẽ kéo dài cho tới khi nào cô và các đồng sự của mình tím được lý do cần thiết để phải có một không gian vật lý.


thảo luận nội bộ

Có thể nói rằng, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với ý tưởng này của Jennifer Teo về việc liệu có cần phải có một địa chỉ vật lý hay không để có thể tạo ra được một không gian phá cách- theo cách nhìn nhận của Hufan. Tôi nhớ lại hồi năm 2003-2005, khi tôi còn chung nhóm hoạt động có tên là a little blah blah với hai nghệ sỹ là Motoko Uda và Sue Hajdu. Trong toàn bộ khoảng thời gian này, a Little Blah Blah hoàn toàn không có địa chỉ cụ thể. Tất cả các hoạt động của a Little Blah Blah đều, hoặc là sử dụng các địa điểm công cộng như quán coffe, nhà văn hóa, gallery, hoặc các địa điểm riêng tư như nhà riêng của các thành viên. Phải nhấn mạnh rằng các hoạt động của nhóm ngày ấy là vô cùng đa dạng, từ việc tổ chức mời nghệ sỹ nước ngoài talks, workshop, và thậm chí tham dự residency, cho tới tổ chức triển lãm. Như vậy, có thể nói, điều xác lập nên không gian phá cách rõ ràng không chỉ là một không gian vật lý cụ thể, mà quan trọng hơn, chính là viễn kiến và sự thông hiểu địa phương của chúng. Chính cái viễn kiến và sự thông hiểu địa phương mới là thứ tạo ra cho không gian phá cách cái “khí vận”, và qua đó, sinh ra “năng lượng phá cách”, nói cách khác, sinh ra khả năng hòa mình vào thực tại cũng như khả năng di chuyển không ngưng nghỉ trong các mo-ment đương đại của đời sống. Theo tôi, chính khả năng hòa mình vào thực tại cũng như khả năng di chuyển không ngưng nghỉ trong các mo-ment đương đại của đời sống mới tạo nghĩa được cho một không gian phá cách, có nghĩa là, mới làm cho một không gian vật lý trở nên một không gian phá cách chứ không chỉ là một nơi trưng bày thông thường của các vật thể nghệ thuật.

Một đặc điểm rất rõ rệt mà chúng tôi nhận ra qua các bản trình bày của rất nhiều không gian phá cách tại Korea và châu Á khác, như không gian Lost Generation tại Malaysia, không gian Lost Project tại Philippines, không gian Ruangrupa, Indonesia, chính là đặc tính đặt cơ sở trên các hoạt động công cộng và thông qua các dự án của chúng. Như Yeo, giám đốc của Lost Generation, Malaysia phát biểu “ nếu công chúng không đến với nghệ thuật đương đại, chúng tôi sẽ đến với công chúng”. Không cần phải nói rằng Ga 0 Việt Nam hoàn toàn chia sẻ với ý tưởng này của Yeo. Thật sự là, trong những năm gần đây, đã xuất hiện một quan điểm thực hành nghệ thuật mới trong phạm vi các không gian phá cách ở châu Á, mà trong quan điểm nghệ thuật ấy, nghệ sỹ không chỉ còn là một nhân vật thuộc giới nghệ thuật, trái lại, họ còn đã nhận lãnh vai trò mới của một nhà thực hành văn hóa. Trái với xã hội phương Tây, nơi mà các cơ sở hạ tầng về văn hóa, nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật đã tiến tới một tầm mức ổn định và phát triển cao, nhờ đó, các chẩn mực văn hóa nghệ thuật được xác lập và tham chiếu đầy đủ, tại châu Á nói chung, và nhất là tại khu vực Đông Nam Á nói riêng, có lẽ trừ China, Japan, và Korea, các cơ sở hạ tầng về văn hóa, nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật, đang thiếu thốn trầm trọng.

Lấy Việt Nam làm thí dụ. Cho tới hiện tại, các trường nghệ thuật ở Việt Nam, dù đã có một số ít thay đổi trên bề mặt, nhìn chung, vẫn đặt cơ sở trên một khung giáo dục cũ xưa, bắt nguồn từ thời thực dân, có kết hợp với các quan điểm mới về chủ nghĩa hiện thực XHCN. Để phân tích về cơ cấu giáo dục này thì sẽ khá dài dòng, tuy nhiên, điểm cốt yếu ở đây cần phải nêu ra là, chương trình giáo dục tại các trường nghệ thuật ở Việt Nam, cho tới hiện tại, vẫn đặt cơ sở trên sự phân biệt Mỹ Thuật và Nghệ Thuật Ứng Dụng theo kiểu Kant. Mô hình này, dù đã có kết hợp với các quan điểm sau này về chủ nghĩa hiện thực XHCN, hay gần đây, với các hình thức nghệ thuật mới như video, song bởi về bản chất, nó đặt cơ sở lý thuyết trên quan điểm nghệ thuật như sự mô phỏng, có từ thời Hy lạp, hay cơ sở mỹ học (không đầy đủ) của Kant, thế nên, các nghệ sỹ trẻ khi ra trường, nếu tìm cách tiếp cận với nghệ thuật đương đại, đặt cơ sở trên tính ý niệm và tính phản tư, phê phán, sẽ phải đối mặt với những khó khăn lớn của việc áp dụng những gì mình được dạy vào thực hành nghệ thuật.

Về mặt công chúng địa phương, việc hoàn toàn thiếu thốn các bệ đỡ giúp họ có thể làm quen và hiều nghệ thuật đương đại như các bảo tàng đương đại, các sách báo nghệ thuật đương đại, tiếng Anh hay dịch tiếng Việt, các hình thức giáo dục kiến thức nghệ thuật đương đại thường thức, hay các không gian mở giữa nghệ sỹ đương đại và công chúng cũng đã đưa họ vào một ma trận của sự hiểu lầm về không chỉ ý nghĩa, mà còn thực hành của nghệ thuật đương đại trong đời sống của họ. Tình trạng này đã biến không gian nghệ thuật đương đại Việt Nam thành một không gian đối đầu mà ở đó công chúng có vẻ luôn cho rằng nghệ sỹ đang lừa đảo mình, còn nghệ sỹ có vẻ luôn cho rằng công chúng kém cỏi- không hiểu gì về việc họ làm.

Kết quả sau cuối là công chúng và nghệ sỹ đương đại Việt Nam hiện tại hình như đang trở thành hai biệt cư (ghetto), mà biệt cư này luôn xác định về biệt cư kia trên các thông tin sai và mang nặng tính suy diễn bởi hoàn toàn thiếu đi sự đối thoại có phê phán được khởi hoạt từ các công cụ đối thoại có hiệu lực

Tình trạng này theo tôi hoàn toàn không chỉ là một tình trạng của duy nhất Việt Nam, mà còn ở các xã hội nơi nghệ thuật đương đại là một thực hành có tính du nhập theo quá trình hiện đại hóa thông qua các biến cố thuộc địa hay tiến trình hậu thuộc địa. Chính ở tại các xã hội này, các không gian phá cách phải đối mặt với các thách thức lớn về mặt nhận thức xảy ra giữa các thực hành của chúng và sự tiếp nhận của công chúng địa phương. Tuy nhiên, chính trong những thách thức, mà các cơ hội mới mẻ sẽ được mở ra. Một trong những cơ hội đó chính là cơ hội để bước ra khỏi ghetto của bản thân và tham gia vào trong đời sống ở các cấp độ cơ sở nhất của nó, tức các cấp độ đặt yếu tính trên không gian trải nghiệm chứ không phải trên không gian nhận thức học.


Gwangju Kunsthalle, nơi diễn gia các cuộc thảo luận

Các ví dụ từ Ruangrupa, Post-Museum, Lost-Generation, hay Lost-project hoặc Vitamin Creative Space, etc, đều cho thấy rõ việc chính các môi trường mang tính trải nghiệm mới là các đóng góp quan trọng nhất mà các địa chỉ phá cách thuộc Nam Á này đang tạo ra cho các xã hội địa phương. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên nhầm lẫn khi nghĩ rằng các môi trường trải nghiệm này chỉ có tính thuần túy giải trí. Để nhìn nhận một cách thấu đáo, có lẽ ta phải nhìn nhận rằng các môi trường trải nghiệm đó, do các địa chỉ phá cách này tạo ra trong quá trình dấn thân vào đời sống, chỉ là các cú pháp, để qua đó, đạt tới sự chia sẻ diễn ngôn về mặt nhận thức với công chúng địa phương. Thực tế cho thấy rằng, trong một văn cảnh thiếu vắng đi toàn bộ các cơ sở hạ tầng về mặt nhận thức học về nghệ thuật và văn hóa, việc khởi hoạt các thực hành chỉ thông qua cú pháp nhận thức học sẽ luôn thất bại bởi sự tồn tại song song của các chuẩn nhận thức văn hóa nghệ thuật khác nhau giữa không chỉ công chúng và nghệ sỹ, mà còn giữa nghệ sỹ và nghệ sỹ, công chúng và công chúng.Việc khởi hoạt các thực hành thông qua cú pháp nhận thức học có lẽ sẽ chỉ làm sâu thêm hố sâu ngăn cách giữa công chúng và nghệ sỹ, nghệ thuật và đời sống hiện đương mà thôi. Rõ ràng trong tình huống này, việc lựa chọn mô hình thực hành dựa trên cú pháp mang tính trải nghiệm, để qua đó đạt tới một nhận thức thông qua đối thoại với công chúng địa phương sẽ có nhiều lợi thế hơn, đặc biệt là trong phạm vi các khu vực văn hóa xã hội thuộc Nam Á. Ngoài các lợi thế về việc mở ra được một kênh đối thoại với công chúng, các địa chỉ phá cách thuộc Nam Á, khi sử dụng cú pháp mang tính trải nghiệm để khởi hoạt các hành vi của mình, sẽ còn có điều kiện để đi vào chính đời sống hiện đương, và từ đó, gặp gỡ, phát hiện, xây dưng các nội dung, hay các chủ đề diễn ngôn mới về văn hóa và nghệ thuật trực tiếp và trực thời

2-“ Cuộc hội ngộ của các mạng không gian nghệ thuật châu Á”, 2011, tiền đề mới cho sự hợp tác và chia sẻ thông tin

Trong bài nói của mình, Chan Dong Kim, phê bình gia nghệ thuật nổi tiếng, cựu giám đốc của Arko Art Center ( Seoul) đã nhấn mạnh về việc phải đưa ra một ý tưởng mới cho dự án kết mạng làm việc của các không gian phá cách châu á. Ông cũng cho biết, vào đầu thập kỷ 1990, các không gian phá cách tại Korea, hay các hành vi nghệ thuật của nó đã thiết lập bản thân như một hệ thống mới mẻ đồng thời cũng đưa ra các đề nghị mới cho nghệ thuật thuộc định chế. Tuy nhiên, vào thời điểm này, sự nhấn mạnh lớn hơn của các không gian phá cách không nằm ở việc đưa ra các đề nghị mới mẻ cho dạng nghệ thuật thuộc định chế, mà ở việc mở rộng các không gian nghệ thuật phá cách để cổ vũ các nghệ sỹ mới mẻ. Ông cũng lưu ý về việc nên diễn giải các chủ đề và thực hành của không gian phá cách châu Á trong chính hoàn cảnh thực tế của nó tại châu Á, chứ không chỉ trong mô hình chung có nguồn gốc từ phương Tây. Kết thúc bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh “ Dù không cần thiết phải phân biệt rạch ròi giữa Đông và Tây, điều quan trọng mà các không gian phá cách châu Á cần lưu ý là phải duy trì một quan điểm thoát khỏi các góc nhìn hay định niệm thực dân chỉ phản ánh môn Đông phương luận mà thôi. Một quan điểm cá nhân và triết lý nghệ thuật riêng của không gian phá cách sẽ là những gì tạo ra được nội dung thực sự cho nó”

Jin Suk Suh, giám đốc của không gian phá cách Loop (Seoul) đã đưa ra sáng kiến là một dự án lưu trữ thông tin cho các không gian phá cách châu Á. Theo ông, dự án này sẽ giúp các không gian phá cách ở Taiwan, Malaysia, Vietnam, Singapore, Indonesia, Japan, China, Thailand, Philippines, và Hongkong có thể chia sẻ thong tin về triển lãm, các dự án, và các ấn phẩm. Một trong những ý tưởng của ông về dự án chia sẻ thông tin này, mà chúng tôi rất đồng tình, là ý tưởng xuất bản và chia sẻ ấn phẩm. Các không gian phá cách châu Á, vào mỗi năm, sẽ xuất bản từ 1, đến 4 cuốn sách về một số chủ đề chung nhất định. Sau đó, sẽ trao đổi lẫn nhau các ấn phẩm đó của mình. Như vậy, trong vòng 10 năm, từ khoảng, chẳng hạn, 10 không gian phá cách khắp châu Á, mỗi không gian sẽ lưu trữ được khoảng từ 100-400 cuốn sách từ các không gian bạn, qua đó tạo nên một kho lưu trữ dữ liệu thông tin cho riêng mình. Cần nhấn mạnh rằng các thông tin được lưu trữ này không chỉ là các thông tin đơn thuần, mà bởi đều là những cuốn sách được xây dựng nên từ một số chủ đề chung, thế nên đều có tính diễn ngôn và lý thuyết/lý thuyết hóa. Chính vì lẽ đó, các thông tin ấy sẽ không chỉ tạo nên một kho dữ liệu đơn thuần, mà còn là cả một không gian nhận thức có tính phê phán, qua đó, tạo thành nguồn mạch chia sẻ tạo sinh và có tính so sánh, tạo nên một hệ thống hiểu biết thực sự về cả hai mặt thực hành và lý thuyết về nhau.

Nhìn ở góc độ lý thuyết, đề nghị của Jin Suk Suh theo tôi, chắn chắn đã là một đề nghị tạo nên một hệ thống dây mơ rễ má (rhizomic system) – thách thức với hệ thống cũ xưa đặt cơ sở trên cấu trúc tuyến tính. Hai triết gia Gilles Deleuze và Felix Guattari đã đề nghị ra một hệ thống quan hệ mới, mà các ông gọi là rhizome để cổ vũ cho tính đa nguyên và các kết hợp phi phân cấp, đối lập với các khung xương quan hệ và kết hợp kiểu cũ, mà ở đó nhấn mạnh vào các kết nối có tính thời gian, tính hai chiều, và cấu trúc tuyến tính của sự “tăng trưởng” – tức tất cả những gì là xương sống cho tư duy về sự “phát triển” thuộc phương Tây. Trong hệ thống dây mơ rễ má này, hoàn toàn không tồn tại mối quan hệ có tính phân cấp giữa trung tâm và ngoại biên. Nói cách khác, ở đây, tất cả đều là trung tâm và đồng thời tất cả đều là ngoại biên trong một chuyển động miên viễn của các kết nối đa hướng sẽ liên tiếp tạo nên các nội dung mới

Không cần phải nói rằng Ga 0 hoàn toàn đồng tình với ý tưởng này. Lý do chính yếu cho sự đón chào và đồng tình của bản thân tôi với ý tưởng của Jin Suk Suh nằm ở chính kinh nghiệm cá nhân của tôi, vừa trong vai trò là giám đốc nghệ thuật của không gian phá cách Ga 0, Việt Nam, vừa là một giám tuyển độc lập và nghệ sỹ. Thật sự là trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, tôi đã luôn cảm thấy thiếu thông tin, không phải về nghệ thuật phương Tây, bởi dù sao, trong thời buổi toàn cầu hóa và internet này, và nhất là với sự hùng mạnh của ngành xuất bản và truyền thông phương Tây, các thông tin dạng đó không hề thiếu thốn, nếu không muốn nói là thừa thãi. Sự thiếu thông tin của tôi là về chính các không gian nghệ thuật gần gũi với mình nhất, trong cùng khu vực với mình, tức các không gian phải đối diện với những hoàn cảnh tương tự với Việt nam, và cũng phải tạo ra những nỗ lực sống sót trong thực tại tương tự với nỗ lực của các nghệ sĩ Việt Nam. Từ kinh nghiệm này, tôi thực sự hy vọng rằng ý tưởng của Jin Suk Suh sẽ sớm trở thành hiện thực.


Toàn cảnh cuộc thảo luận với công chúng

Ade Darmawan từ Ruangrupa, Indonesia, cũng đóng góp vào hội thảo với ý tưởng đề ra một nghiên cứu về việc nghệ thuật phương tiện truyền thông mới đã du nhập, và rồi thay đổi ra sao, không chỉ cách tiếp cận của các nghệ sỹ châu Á với thực tại, mà còn chính các thực tại văn hóa, xã hội tại châu Á. Trong vai trò giám đốc của Ruangrupa, một không gian nghệ thuật phá cách vô cùng năng động tại Indonesia, với các liên hoan video quốc tế rất có uy tín hai năm 1 lần, mang tên Ok Video, phải nói rằng ý kiến của Ade Darmawan là rất đáng lưu tâm.

Dĩ nhiên là cùng lúc cũng đã có rất nhiều ý tưởng khác được nêu ra, trong đó có các ý tưởng về việc giám tuyển các triển lãm chung, theo từng chủ đề nhất định, tức các chủ đề mà ở đó có sự chia sẻ chung của các nước châu Á, chẳng hạn như sự tác động của tôn giáo trong cái nhìn của nghệ thuật đương đại, vai trò của nghệ sỹ đương đại như một thực thể chính trị, xã hội trong không gian của các biến cố chính trị, xã hội thuộc châu Á, hoặc tác động của thời chiến vào thời bình, ở mọi góc độ vô thức, ngôn ngữ là ra sao, và qua đó, tạo ra những ảnh hưởng gì với đời sống thực tại của con người, etc.

3-Kết luận

Cuộc hội thảo, dù rất ngắn ngày, phải nói đã được tổ chức hoàn hảo. Tất cả các chương trình đều được thực hiện trọn vẹn. Phần triển lãm được tổ chức tại Geumanamro Gallery, trực thuộc bảo tàng nghệ thuật Gwangju đã được tổ chức rất tốt. Mỗi không gian phá cách thuộc châu Á đều đã tham dự triển lãm bằng một video giới thiệu về các hoạt động của mình. Ga 0, Việt Nam đã đem tới triển lãm bộ phim tài liệu ngắn, “Graffiti in the alley, an art project, a real life”, giới thiệu về dự án mới nhất của ga 0.

Để kết thúc bài review ngắn, và còn xa mới là đầy đủ này, tôi xin được trích lời của bà Jeongsuk Nam, giám đốc của mạng không gian nghệ thuật châu Á, giáo sư thỉnh giảng tại đại học Sungkyukwan.

“một giấc mơ chỉ một người mơ thì sẽ mãi chỉ là huyễn tưởng, song một giấc mơ được chia sẻ bởi nhiều người sẽ biến thành một hy vọng khổng lồ”

Đúng như vậy, theo tôi, cuộc gặp gỡ đầu tiên này giữa các không gian nghệ thuật châu Á, với các đề nghị cụ thể, với các cuộc thảo luận cụ thể, với các kế hoạch làm việc cụ thể giữa các không gian với nhau, đã không còn chỉ là một huyễn tưởng nữa, mà chắc chắn đã trở nên một niềm hy vọng mới cho tất cả chúng ta.





Như Huy

Ga 0 (www.zerostationvn.org)



----------


Click here to read English version of this report

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét