Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Tính phổ quát của đớn đau và sự vỡ mộng (về màn trình diễn “Dị Ứng” của Ngô Thị Thuỳ Duyên tại Ga 0 (www.zerostationvn.org)



Ali Riza Arican*
(Như Huy dịch)

Tự ngã là bộ trang phục duy nhất mà chúng ta không cởi bỏ được. Nó lớn dần lên cả từ bên trong lẫn bên ngoài chúng ta, bao bọc lấy chúng ta và thật ra, chiết cất từ chúng ta cả niềm tự hào lẫn mặc cảm tội lỗi. Nó bám chặt lấy tồn tại của chúng ta như thể lớp hồ dính và sẽ còn thế mãi cho tới khi ý thức của chúng ta tàn lụi. Ảo giác lớn lao nhất có lẽ là ý tưởng về một tự ngã bền vững, độc lập với cơ thể, và được chứa trong lớp vỏ là cơ thể chúng ta. Kết quả là, hình ảnh về tự ngã hiện ra trước mắt chúng ta sẽ như thể một đám thể lỏng có sức mạnh vô địch và không thể phá huỷ, mà hình dạng của nó biến thiên theo sự biến thiên qua hàng triệu năm của trái đất. Chúng ta (dù muốn) không thể bỏ qua nó, song cũng không thể sống thiếu nó. Chính danh xưng ego (cái tôi) , như thể một nhân vật khác nằm dưới lớp da chúng ta, đang thở cùng chúng ta, đang sống cùng chúng ta và quan trọng hơn cả, đang ăn mòn chúng ta.

Cũng giống như tự ngã, đớn đau là một sự thật phổ quát khác về con người. Chúng ta đến trái đất này như kết quả của một tiến trình đớn đau, và tiếng khóc chính là lời chào thế giới của chúng ta. Không kể tới các cơn đau vật lý, là kết quả từ sự tàn bạo xung quanh chúng ta, khía cạnh tâm lý của cơn đau nên được nhìn nhận như thể một thủ đoạn của tự ngã, tức một trò lừa đảo mà nó gây ra vô số lần với chúng ta qua việc làm cho chúng ta tưởng rằng sự tổn thương về tâm lý của chúng ta là do kẻ khác gây ra. Dẫu sự nhầm lẫn này có vẻ sẽ làm cho nỗi đau đớn được nhẹ bớt, khi có thể đổ lỗi cho kẻ khác, có thể tin rằng sự đam mê vào các giá trị đạo đức của chúng ta xuất phát hầu hết từ các nỗi đớn đau của chúng ta.

Màn trình diễn của Ngô Thị Thuỳ Duyên bắt đầu với các mơ ước được hình tượng hoá qua đôi mắt toàn cầu trong những nhãn hiệu Coca Cola, Channel, KFC, v.v. Nơi một thế giới mà hình ảnh về sự xa xỉ vượt quá nhu cầu thực sự và nơi một thế giới mà ở đó các sự vật vô dụng được tôn vinh và đánh bóng như thể các sự vật đáng ao ước nhất, kẻ mơ ước không thể làm gì khác ngoài việc mơ ước về tương lai. Tất cả những mơ ước ấy giam cầm con người hiện đại trong các ngọn sóng khổng lồ của nỗi sợ hãi và tuyệt vọng nơi các siêu đô thị, siêu cao ốc và các siêu giấc mơ tan vỡ

Từ “giận dữ”, theo ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kì, có thể dịch nghĩa đen sang Tiếng Anh Là “ vỡ mộng”, và cũng có một cách ngôn phổ biến ở Thổ Nhĩ Kì là “ đời sống chỉ là một chuỗi dài các giấc mộng tan vỡ”. Các giấc mộng này tan vỡ do nguyên nhân từ chính chúng ta, hay do nguyên nhân từ sự ích kỉ của kẻ khác là một câu hỏi được đặt ra trong màn trình diễn của Duyên.

Nữ vũ công trong màn trình diễn nhưthể đang mô phỏng các thần tượng của cô, gắng sức hết mức để được như họ và có lẽ vui thú trong nỗ lực khó khăn nhằm tìm lấy một sự thoả mãn nào đó. Bất thình lình, cơn dị ứng xuất hiện và làm da cô mẩn đỏ. Chúng đồng loạt nở bừng ra trên làn da cô như thể nấm sau mưa, chúng cưỡng ép cô phải gãi điên cuồng và làm cô xù ra như thể một con mèo đang quằn quại. Cơn ngứa loang rộng như mực tàu loang trong nước ấm, loang rộng và đầu độc bất cứ nơi nào nó chạm tới. Thế rồi, càng ngày càng cuống cuồng hơn, cô gãi, như thể việc gãi ấy sẽ làm ngưng cơn đau đớn đang lan dần nhanh trên khắp cơ thể. Song tất cả đều vô hiệu. Càng gãi, các điểm ngứa mới càng xuất lộ và ăn sâu trên da thịt cô như thể các trũng cát vô tận trong sa mạc. Có lẽ sự cào cấu của cô đang làm lộ ra chính tự ngã của cô, hoặc làm lộ ra cái tự ngã do kẻ khác áp đặt vào cô – tuy nhiên ở đây có lẽ chúng ta phải công nhận ra rằng theo cách nào đó, và tại một vài khoảnh khắc nào đó, qua sự gãi của mình, cô cũng đang đón mời – hoặc là ý thức hoặc là vô thức, chính cái tự ngã được áp đặt từ bên ngoài đó, vào cô

Càng về sau, hình như cô càng tìm cách đào bới sâu hơn dưới lớp da thịt mình để tìm tới cái tự-ngã-khác đó, tức điều ẩn trú lâu nay như thể một con đười ươi đã bị quên lãng trong đại ngàn, và đang chờ đợi được khám phá. Nỗ lực không ngơi nghỉ của cô hoàn toàn không đem lại kết quả đáng mong đợi nào ngoài sự mệt mỏi và có lẽ là sự tổn thương do long căm ghét chính mình tạo ra. Cái vỏ bọc của cô – một lần nữa, với ai đó, chỉ là một câu hỏi không lời đáp- vẫn không hề suy suyển, bất kể việc cô đã cố gắng bao nhiêu đi nữa để phá vỡ nó, bất kể việc cô đã tự nhủ bao nhiêu đi nữa rằng nó không phải là cô

Sinh ra đã là một nô lệ trong lồng kín là một chuyện, không ngơi nghỉ chống lại chiếc lồng ấy lại là một chuyện khác. Màn trình diễn mạnh bạo của Duyên tại Ga 0 vào đêm mùng 5 tháng 11đã cho chúng ta thấy rằng việc có thể hay không thể phá vỡ được lớp vỏ và thoát ra khỏi mê cung giam cầm chúng ta không hẳn là việc quan trọng. Việc quan trọng chính là sự kháng cự lại lớp vỏ đó, việc dấy loạn và chống lại nó không ngơi nghỉ, và với bất kì giá nào. Không ai có thể hứa hẹn về một thế giới mới, không ai có thể đảm bảo về một thế giới không có đớn đau.

Đớn đau là chuyện chẳng có gì mới cả, song chẳng phải chúng ta có mặt ở đây là để chiến đấu chống lại nó hay sao?

----------

* Ali Riza Arican sinh tại Istanbun năm 1977. Anh học toán học tại đại học Bosporus. Sau khi tốt nghiệp vào năm 2000, anh đã làm việc tại Thái Lan 6 năm trong vai trò thầy giáo day toán học và vật lý học. Từ năm 2006, anh dạy thống kê học và kinh tế học tại Việt Nam. Ali bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 2001 và đã đoat giải thưởng truyện ngắn Gençlik Kitabevi cùng năm đó cho ba truyện ngắn đầu tay. Bắt đầu từ đó, anh đã viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, thơ và các bài điểm sách. Tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của anh xuất bản năm 2007 có nhan đề Pasifik Öyküleri (câu chuyện Thái Bình Dương). Tuyển tập truyện ngắn thứ hai của anh có nhan đề Motorsiklet Üzerinde Aşk (tình yêu trên xe máy), in năm 2009. “Xe đạp” là nhan đề tập truyện thứ ba của anh, và cũng là tập truyện đầu tiên của anh được xuất bản bằng tiếng Anh. Ali sắp xuất bản một tuyển tập truyện ngắn khác tại Thổ Nhĩ Kì vào năm 2012.

Blog của anh: http://rizaarican.blogspot.com

4 nhận xét:

  1. nếu Duyên cứ gãi mãi để kháng cự cơn ngứa thì có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây hoại tử, chưa nói đến khả năng tử vong ^.^

    Trả lờiXóa
  2. Living2love27: giá Liv cũng biết còm chậm như viết

    Trả lờiXóa
  3. Những ví von về tự ngã: trang phục, được chứa trong cơ thể, rồi lại nằm dưới lớp da... Đúng là không năm bắt được "nàng" là cái gì. :-D

    Trả lờiXóa