Triết học phê phán ( Đức: kritische philosophie Anh: critical philosophy) xem thêm BỘ CHUẨN TẮC, KHAI MINH, LỊCH SỬ TRIẾT HỌC, PHÁN ĐOÁN(NĂNG LỰC), HÒA BÌNH, TRIẾT HỌC, TÍNH CÔNG KHAI (PUBLICITY), CHIẾN TRANH
Nguồn: A Kant dictionary, [Howard Caygill, Blackwell Publishers published 2004]
Mục từ triết học phê phán, từ tr.138-149
-----
Triết học phê phán là tên dự án triết học Kant tiến hành trong ba cuốn phê phán, Phê phán Lý Tính Thuần Túy (PPLTTT), Phê Phán LýTính Thực Hành (PPLTTH) và Phê Phán Năng Lực Phán Đoán (PPNLPĐ). Dự án này chính là phản hồi của Kant cho những gì ông miêu tả về thời đại của mình:” Thời đại của chúng ta, ở cấp độ đặc biệt, là thời đại của sự phê phán. Và tất cả buộc phải phục tùng sự phê phán” (PPLTTT Axiii). Không chỉ “ Tôn giáo, thông qua tính thiêng liêng của nó, và sự lập pháp, thông qua tính tôn nghiêm của nó”, mà thậm chí ngay cả lý tính nữa, cũng phải phục tùng bài kiểm tra nơi sự thẩm xét tự do và công khai của chính lý tính.Óc phán đoán đã chín muồi của thời đại” tạo ra”một sự kêu đòi rằng; lý tính hãy, một lần nữa, làm công việc khó khăn, vất vả nhất trong mọi công việc, đó là tự nhận thức bản thân”(PPLTTT A xi) và để thực hiện công việc này, nó phải thiết lập một “phiên tòa để bảo vệ các yêu sách chính đáng”, là nơi “nghiêm khắc nhưng công bình” (PPLTTT A 395) Việc sử dụng ẩn dụ pháp lý cho sự tự thẩm xét của lý tính không hề ngẫu nhiên, bởi với Kant, nếu không có tòa án này, lý tính sẽ ở trong “ trạng thái tự nhiên [mông muội] và không thể đòi sự thừa nhận hay bảo vệ được các khẳng định và yêu sách của mình bằng cách nào khác hơn là chiến tranh” (PPLTTT A 751/B 779). Trong khi các phe phái thuộc thuyết giáo điều và hoài nghi hiếu chiến giải quyết các tranh cãi của họ bằng “ sự chiến thắng mà bên nào cũng giành về cho mình và [sau đó thì] chỉ đạt được một cuộc hưu chiến tạm thời, sự phê phán lý tính sẽ điều hành toàn bộ công việc của nó “ bằng các phương pháp đã được thừa nhận là hành vi hợp pháp”. Nó làm thế căn cứ trên “các bộ luật của tòa án tối cao -tức một định chế sở hữu uy tín không thể nghi ngờ”(PPLTTT A 751/B 779).
Triết học phê phán thu được các nguyên tắc nền tảng không nhờ vào “sự phê phán các tác phẩm và hệ thống triết học”, mà thông qua “sự phê phán quan năng lý tính nói chung” (PPLTTT A xii). Quy trình của nó là “khảo sát quan năng lý tính trong mọi nhận thức thuần túy tiên nghiệm của chính nó” (A 841/ B 870) và là một môn dự bị hay chuẩn bị cho một hệ thống siêu hình học của các nguyên tắc trong tương lai. Kant diễn đạt bản chất có tính chuẩn bị của triết học phê phán theo vài cách như sau: một cuộc khảo sát các chuẩn tắc của lý tính trước khi nó đươc tổ chức thành công cụ tư duy (organon), một sự phân loại phủ định về những giới hạn của lý tính trước khi lý tính thực hiện công việc trình bầy có tính khẳng định, và thậm chí” để dành chỗ cho lòng tin”(PPLTTT xxx). Triết học phê phán khác với thuyết giáo điều và thuyết hoài nghi ở chỗ nó “ không đòi hỏi phải hiểu biết về đối tượng của nó trong mức độ cần thiết để có thể phán đoán phủ định hay khẳng định” mà “tự han chế trong việc vạch ra rằng người ta đã khẳng quyết dựa trên một giả định vô hiệu và đơn thuần bịa đặt” (PPLTTT A 389). Nói khác đi, triết học phê phán không “xem xét vấn đề theo kiểu khách quan, trái lại, xem xét ngay cơ sở của nhận thức mà vấn đề ấy dựa vào” ( PPLTTT A 484/ B 512).
Xác nhận của Kant rằng xã hội phương Tây đã tiến vào một kỷ nguyên phê phán mà ở đó không điều gì có thể thoát khỏi sự phê phán đã được minh chứng hùng hồn trong hai thế kỷ tiếp theo, sau khi Kant xuất bản các cuốn phê phán. Đối tượng của phê phán đi từ tôn giáo, kinh tế chính trị, cho tới văn chương và sự phê phán đã sản tạo ra các định chế hay các “phiên tòa” phê phán đầy quyền lực. Dẫu những người đương thời với Kant đã khám phá rằng đòi hỏi thiết lập phiên tòa phê phán của Kant là thiếu thành thực, thậm chí trong các “siêu phê phán” của mình Hamann (1967) và Herder (1953) còn chỉ ra thêm rằng “chủ nghĩa thuần túy” của lý tính đã bỏ qua sự lệ thuộc tuyệt đối của nó vào một định chế hiện tồn, đó là ngôn ngữ. Thế hệ các triết gia tiếp ngay sau Kant, như Hegel cũng không bị thuyết phục rằng lý tính ở vào một vị trí thích hợp để có thể tự phê phán. Các triết gia sau này như Marx và Nietzsche đều hoài nghi “phiên tòa phê phán”. Họ, tuy khen ngợi bước chuyển (moment) có tính phê phán, phủ định của triết học Kant, song lấy làm tiếc cho các nỗ lực muốn trở thành một triết gia-nhà lập pháp của ông. Với họ, cũng như với rất nhiều triết gia của thế kỷ 20, sự phê phán phải luôn cảnh giác trước khả năng tái phạm vào thuyết giáo điều trí tuệ và định chế. Ethos (tinh thần) này thậm chí đã trở lại trong bình chú gần đây về Kant, khi nó hạ thấp giá trị các khía cạnh “bảo căn”(fundamentional) của triết học phê phán để đánh giá cao phương pháp luận “phản bảo căn”
Phê phán năng lực phán đoán( Đức: Kritik der Urteilskraft, Anh: Critique of Practical Reason)
Xuất bản năm 1700, cuốn phê phán này là tác phẩm thứ 3 trong bộ ba phê phán và là một tác phẩm mà với nó, Kant quả quyết “ đã hoàn tất toàn bộ công cuộc phê phán của mình”. Toàn bộ những gì ông muốn chuyển tải qua sự quả quyết này là một chủ đề gây bàn cãi. Cuốn phê phán thứ ba có thể được coi là văn bản mà ở đó tập trung lại các phương diện đối lập của Tự nhiên và Tự do, từng được thảo luận trong Triết học lý thuyết ở cuốn phê phán đầu tiên, và trong Triết học thực hành ở cuốn phê phán thứ hai. Hoặc cũng có thể coi đây là văn bản đóng khép lại cuộc thảo luận về quan năng của giác tính trong cuốn phê phán thứ nhất, và của lý tính trong cuốn phê phán thứ hai với một cuộc thảo luận về quan năng phán đoán; hay nói cách khác, quan năng của vui sướng và đau khổ. Thậm chí có lẽ cuốn phê phán thứ ba còn đã hoàn tất được công cuộc phê phán bằng cách đơn giản đưa thêm một cuộc thảo luận phê phán về các phán đoán mỹ học (aesthetic judgement) của sở thích vào những cuộc thảo luận lý thuyết và thực hành được khảo sát (ventured) trong hai cuốn phê phán đầu tiên. Rõ rệt là hai lời tựa cho cuốn PPNLPĐ (lời tựa đầu, là phiên bản dài hơn, và thoạt tiên đã bị loại vì quá dài, song sau này được xuất bản riêng) có thể được viện ra để chứng thực cho các diễn giải nói trên về tầm quan trọng của văn bản này trong bộ ba cuốn phê phán. Tuy nhiên, chúng còn đi xa hơn nội dung của bản thân để trở thành một diễn giải bao quát hơn về tất cả các chủ đề nói trên, và nhiều chủ đề khác nữa.
Cần phải nhớ rằng thật ra PPNLPĐ gồm có hai sự phê phán, và mỗi sự phê phán đều có đầy đủ phần phân tích pháp và biện chứng pháp của riêng nó. Đầu tiên là một sự phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ của sở thích, và thứ đến là một sự phê phán năng lực phán đoán mục đích luận. Bởi vậy, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào về vị trí của cuốn phê phán thứ ba trong bộ ba phê phán, việc đặt câu hỏi về sự tổ chức nội tại của văn bản là cần thiết. Dấu vết để giải quyết cả hai vấn đề nằm sẵn ngay nơi tựa đề tác phẩm: Đây là một sự phê phán năng lực (power) của sự phán đoán (Urteilskraft), hay một sự phê phán năng lực tạo ra các phán đoán của chúng ta. Dưới góc độ này, văn bản định vị vào những gì đã được coi là mặc định trong hai cuốn phê phán trước. Cả hai cuốn đó đềucho rằng: khả thể của việc đưa ra các phán đoán lý thuyết và thực hành là có thật và bắt đầu biện minh cho các điều kiện của khả thể đó. Tuy nhiên, cuốn phê phán thứ ba không khảo sát vào các điều kiện khả thể cho các phán đoán lý thuyết và thực hành cụ thể, mà vào chính bản thân sự phán đoán. Nó thực hiện điều này nhờ vào một cuộc phân tích hai hình thức phán đoán mà chính xác là đều có vấn đề; (problematic), phán đoán thẩm mỹ của sở thích và phán đoán mục đích luận..
Những hình thức phán đoán này có vấn đề là ở chỗ chúng không thừa nhận sự cho sẵn (givenness) một quy luật hay điều kiện nào cho việc tổng hợp cái đa tạp. Bởi vậy chúng dường như làm lộ ra một cơ cấu hoạt động của năng lực phán đoán, khác với, và có lẽ có trước, cái cơ cấu hoạt động từng được phân tích trong hai cuốn đầu. Về mặt hình thức, Kant tuyên bố, sự phân biệt này nằm ở sự khác nhau giữa phán đoán xác định và phán đoán phản tư. Phán đoán trước phân loại cái đa tạp của trực quan dưới một khái niệm hay một quy luật do giác tính ban ra. Phán đoán sau khám phá quy luật của bản thân trong chính quá trình phản tư trên cái đa tạp được mang lại cho nó. Quá trình phản tư này, Kant đề nghị, có lẽ nên được coi là xảy ra ngay nơi nguồn gốc của chính các phạm trù. Có nghĩa là, phán đoán xác định có lẽ là một chủng loài thuộc một phán đoán phản tư chung. Thêm nữa, không thể chia tách tiến trình này của phán đoán phản tư khỏi kinh nghiệm về sự vui sướng, tức điều chắc chắn có mặt trong phán đoán phản tư. Thậm chí, Kant còn gợi ý, kinh nghiệm này có lúc đã đi kèm với phán đoán xác định, tức phán đoán mà giờ đây trở thành thói quen và không còn gây được sự chú ý (PPNLPĐ)
Mối quan hệ được gợi ý ở đây giữa sự phán đoán và sự vui sướng chứa đựng một số ngụ ý hứng thú và đặc biệt. Trước hết, nó đề nghị một quan điểm mở rộng về sự tưởng tượng, là điều không còn phục vụ như một trung giới giữa trực quan và giác tính, và trong cuốn phê phán thứ nhất-chỉ đơn thuần là kẻ chạy việc cho sự tổng hợp. Sự tưởng tượng giờ đây nằm ngay nơi nguồn gốc của cả hai quan năng[trực quan và giác tính]. Thứ đến, việc tạo cho sự vui sướng một vai trò bình đẳng cho thấy một quan hệ mới mẻ giữa chủ thể nhận thức, đối tượng nhận thức và các phán đoán. Chủ thể này không còn là một cái “TÔI” thông giác trừu tượng, mà đã trở nên một hiện thể, là một bộ phận sống động của Tự nhiên. Suốt cuộc “phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ”, Kant nhắc đi nhắc lại về “tình cảm với đời sống”, tức là điều được nâng cao nhờ sự vui sướng và bị giảm trừ vì đau khổ. Tình cảm này chính là một bộ phận quan yếu của bản chất người. Phân tích về sự vui sướng và đau khổ của hiện thể (embodiment) thuộc giới tự nhiên được miêu tả trong “phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ” có lẽ được bổ sung bằng phân tích về bản thân giới tự nhiên, nơi các hữu thể người là một bộ phận, được thực hiện trong “ phê phán năng lực phán đoán mục đích luận”. Cả hai phần phê phán này của cuốn PPNLPĐ có lẽ nên được đọc như là sự mời gọi đi vào kinh nghiệm uyên nguyên của năng lực phán đoán, tức năng lực mà nhờ vào đó, một chủ thể có hình dạng và sống động dấn thân vào thế giới của mình. Chính chủ thể có hình dạng và hữu hạn này nhờ vào sự tưởng tượng, cư ngụ nơi quá khứ, hiện tại và tương lai, để trải nghiệm sự vui sướng hay đau khổ từ các phán đoán của nó.
Trong PPNLPĐ aesthetic không còn đơn giản là cảm năng, tức điều được thảo luận trong cảm năng học (the aesthetic) của cuốn PPLTTT, mà cũng không bị giới hạn trong sự phân tích kinh nghiệm của chúng ta về các nghệ phẩm. Thay vào đó, nó khảo sát địa chỉ (place) của thể xác (body) trong tự nhiên và những vui sướng hay đau khổ xảy ra nơi thể xác ấy. “Sự phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ” xem xét mối liên hệ này với tự nhiên nhờ vào việc phân tích các phán đoán của sở thích, tức các phán đoán nhấn mạnh vai trò của kinh nghiệm”chủ quan” của sự tưởng tượng và phán đoán phản tư trong sự vui sướng, trong khi “sự phê phán năng lực phán đoán mục đích luận” xem xét vai trò của kinh nghiệm “khách quan” của sự tưởng tượng và phán đoán phản tư trong tính mục đích (zweckmaessigkeit), tức tính chất chúng ta gán cho tự nhiên. Cả hai phê phán này cùng nhau trình bầy ra một nghiên cứu về tự nhiên và về vị trí của các hữu thể người trong đó. Đây là một nghiên cứu vượt khỏi hệ thống đối lập (oppositional frame) từng là cảm hứng cho một số phần của cuốn phê phán đầu và cho toàn bộ cuốn phê phán thứ hai.
Phần “phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ” phỏng theo cấu trúc của các cuốn phê phán trước với một học thuyết về các yếu tố và một phương pháp luận. Học thuyết về các yếu tố được chia đều thành phân tích pháp và biện chứng pháp. Tuy nhiên, sự trình bày luận cứ lại tiến hành nhờ vào một phép đối lập không/mà cũng không, đối lập cái luận cứ được rút ra từ lý thuyết kiểu Anh về sở thích ( bao gồm Burke, Hutcheson, Hume và Kames) với luận cứ rút ra từ lý thuyết kiểu Đức về mỹ học (Baumgarten). Đi theo sơ đồ (schema) của bảng phạm trù, Kant khẳng quyết rằng , về chất, phán đoán của sở thích là có tính bất vị lợi. Khẳng định này khác với các luận cứ được những truyền thống có tính cạnh tranh đưa ra. Về lượng, phán đoán này có tính phổ quát. Chính điều này phân biệt nó khỏi sự thiếu vắng tính phổ quát trong lý thuyết về sở thích, cũng như khỏi tính phổ quát duy lý được được truyền thống mỹ học đề nghị. Về tương quan, khác với lý thuyết về sở thích, một phán đoán của sở thích có tính “mục đích”, song, đó là một sự hợp mục đích mà không có một mục đích. Tương tự thế, về tình thái, một phán đoán của sở thích là có tính tất yếu. Điều này phân biệt nó khỏi lý thuyết về thẩm mỹ. Tuy nhiên, đây không phải là tính tất yếu duy lý của một sự hoàn hảo được tri giác không minh bạch mà lý thuyết mỹ học từng khẳng quyết.
Quyển hai của chương phân tích pháp tiến tới việc xem xét về cái cao cả. Cái cao cả ở đây được phân chia ra thành cái cao cả theo cách toán học và theo cách năng động [của tự nhiên]. Trong khi cái đẹp mang lại sự vui sướng một cách trực tiếp, với cái cao cả, sự vui sướng khởi lên từ việc khắc chế được cái kinh nghiệm có trước đó về đau khổ. Phân tích pháp về cái cao cả được tiếp tục bằng một diễn dịch về năng lực phán đoán thẩm mỹ của sở thích, tức năng lực phân loại các nguồn mạch khả hữu khác nhau. Phân tích này nhằm biện minh cho tính phổ quát và tất yếu lạ lùng tồn tại nơi các phán đoán này, được gọi là “cảm quan chung [lương thức]” (sensus communis), tức “giọng nói phổ quát”(universal voice) , hay một cơ sở chung (ground) siêu cảm tính. Chương “phân tích pháp về năng lực phán đoán thẩm mỹ” bao gồm một khảo sát về nghịch lý nơi nguyên tắc của sở thích, với chính đề khẳng quyết rằng; phán đoán của sở thích không đặt cơ sở trên những khái niệm, và phản đề thì khẳng quyết ngược lại (ss56). Nghịch lý được giải quyết dựa trên cơ sở các kết quả của phân tích pháp nhờ vào việc xác nhận rằng năng lực phán đoán thẩm mỹ của sở thích dựa vào một khái niệm không xác quyết. Cuối cùng, sau một số bình luận lôi cuốn về cái đẹp như thể biểu tượng của tính luân lý, theo phương cách của một phương pháp luận, Kant trình bầy một vài suy nghĩ về sự giáo dục sở thích
Với những cứ liệu hiển nhiên trong hầu hết các diễn giải về PPNLPĐ, một người đọc sẽ bị thuyết phục để cho rằng cuốn sách kết thúc bằng “sự phê phán năng lực phán đoán thẩm mỹ”; thật ra, sự phê phán này chỉ có trong nửa đầu của cuốn sách, để rồi tiếp sau đó là “sự phê phán năng lực phán đoán mục đích luận”. Phần này bị bỏ rơi một cách không công bằng, bởi đây chính là một trong những văn bản tinh túy, thách thức, và hứng thú nhất sau này của Kant. Chương phân tích pháp chứng minh rằng một tường giải mục đích luận là đối lập với một tường giải cơ học về tự nhiên, song cũng chỉ ra các điều kiện nghiêm cẩn mà sự tường giải mục đích luận phải thỏa mãn. Những điều kiện này xuất hiện trong trường hợp mục đích luận có lẽ chỉ được coi là một phương cách phán đoán, và chỉ khi tính mục đính trong tự nhiên có thể được xét như thể đó là tính mục đích khách quan. Bằng cách này, Kant chuẩn bị cho giải pháp của mình đối với nghịch lý từng được thảo luận trong chương biện chứng pháp. Đó là nghịch lý giữa chính đề; coi tất cả sự vật vật chất (material things) đều được tác tạo theo các quy luật cơ học, và phản đề; coi một số sự vật vật chất đòi hỏi một nguyên lý nhân quả khác: nguyên lý nhân quả có mục đích.
Nghịch lý được hóa giải thông qua việc coi cả chính đề và phản đề đều là những nguyên tắc của sự phản tư. Phần dài hơn của chương “Phê phán năng lực phán đoán mục đích luận” được dành cho phương pháp, nói cách khác, cho sự sử dụng năng lực phán đoán mục đích luận như là một phương tiện có tính phương pháp luận để mở rộng nhận thức của chúng ta về tự nhiên. Kant kết thúc văn bản với các suy tư mở (suspended reflections) về thần học luân lý và vật lý, cũng như với sự nhắc lại các phê phán trước đây của ông về những chứng cớ bản thể học và vũ trụ học về sự hiện hữu của thượng đế.
Hai cuốn phê phán đầu giả định một địa chỉ cho các hữu thể người trong tự nhiên, hoặc đối lập với tự nhiên theo kiểu chủ thể/khách thể, hoặc cư ngụ một cách khó khăn đồng thời cả trong lãnh địa tự nhiên lẫn lãnh địa khả niệm. Trong cuốn PPNLPĐ, địa chỉ của các hữu thể người trong tự nhiên được mô tả phức tạp hơn nhiều với sự giới thiệu về các chủ đề: sự vui sướng, hiện thể, sự tưởng tượng và năng lực phán đoán. Sự đối lập giữa cảm tính và tính khả niệm là nguồn cảm hứng cho hai cuốn phê phán trước bị xóa bỏ và thay thế bằng một nghiên cứu phức tạp về sự tự định hướng (self-otientation) của chúng ta trong tự nhiên và lịch sử. Khía cạnh tư duy này của Kant đã tạo cảm hứng cho trí tưởng tượng của rất nhiều người đọc ông, từ Goethe tới Nietzsche, cho tới sự tập trung của các chú ý mang tính phê phán của thời đương đại vào cuốn phê phán thứ ba. Thật sự là việc theo nghĩa nào mà cuốn phê phán thứ ba lại đóng được dấu mốc kết thúc cho công cuộc phê phán, vẫn là việc còn để ngỏ cho diễn giải. Thậm chí còn có thể biện luận rằng cuốn PPLTTH và cuốn PPNLPĐ chính là dấu mốc cho những sự phát triển khác biệt và không thể hòa giải nơi các xu hướng hiện diện trong PPLTTT và rằng cuốn PPNLPĐ còn đánh dấu bước ngoặt của Kant thoát khỏi xu hướng nhị nguyên trong triết học phê phán, tức xu hướng được đẩy tới một mức độ cực đoan không lành mạnh trong cuốn PPLTTH
Phê phán lý tính thực hành( Đức: Kritik der Praktischen Verunft, Anh: Critique of practial reason)
Xuất bản năm 1788, cuốn phê phán này là văn bản thứ hai trong bộ ba phê phán và cũng là văn bản thứ hai trong ba tác phẩm sâu sắc về Triết học đức lý [đạo đức học]. Bộ ba này được khởi đầu vào năm 1785 bằng cuốn “Đặt nền tảng cho siêu hình học về đức lý” (Đức: Grundlegung zur Metaphysik der Sitten, Anh: Grounding for the Metaphysics of Morals), tiếp đến vào năm 1797 với cuốn “Siêu hình học của đức lý”( Đức: Metaphysik der Sitten, Anh: The Metaphysics of Morals). Cũng như trong cuốn PPLTTT, PPLTTH đi theo một phương pháp trình bày tổng hợp, khởi từ các nguyên tắc luân lý, đi qua quy luật luân lý rồi tới tự do. Trong sự biện minh cho các định đề về Thượng đế, tự do và sự bất tử, nó đã thực hiện lời hứa đưa ra trong lời tựa hai của cuốn PPLTTT “ dẹp bỏ nhận thức để dành chỗ cho lòng tin”(B XXX). Tác phẩm lặp theo lối tổ chức văn bản phê phán được thiết lập trong PPLTTT, với một “Học thuyết về các yếu tố của lý tính thực hành thuần túy”, tiếp theo đó là một “Phương pháp luận của lý tính thực hành thuần túy”. Cũng như trong PPLTTT, “Học thuyết về các yếu tố được chia thành phân tích pháp và biện chứng pháp. Phân tích pháp bắt đầu bằng định nghĩa về một nguyên tắc thực hành như “ một sự quy định phổ biến đối với ý chí”. Nguyên tắc này được phân biệt thành các câu châm ngôn, nếu chúng có giá trị chủ quan, và thành các quy luật, nếu chúng có giá trị khách quan.
Chương đầu của PPLTTH mở ra bằng 8 định lý theo kiểu bút chiến, thiết lập nên bản chất của các nguyên tắc thực hành, chống lại các nguyên tắc của phán đoán luân lý, ví dụ: hạnh phúc, tình cảm luân lý, sự hoàn hảo,tức những gì mà các triết gia luân lý trước Kant đã bảo vệ. Sau khi thiết lập cơ sở cho quy luật luân lý trong tự do, và mối quan hệ của nó với sự tự trị và mệnh lệnh nhất quyết, Kant tiến hành một diễn dịch về các nguyên tắc của tính nhân quả thuộc quy luật luân lý “ trong một thế giới khả niệm (Tính nhân quả bằng tự do) (PPLTTH tr.[49], [50]). Trên cơ sở này Kant đưa ra một “ bảng các phạm trù của tự do” được tổ chức theo sơ đồ quen thuộc về chất, về lượng, về tương quan và tình thá ( tr. [66], [68-9]). Tiếp theo đó là một phần thú vị về “Điển hình luận của năng lực phán đoánthuần túy thực hành”, là phần tương tự với phần thảo luận về Thuyết niệm thức trong PPLTTT. Sau phần này đến phần có tính then chốt: “Về những động cơ của lý tính thuần túy thực hành”. Ở đó, Kant thảo luận về tình cảm tôn kính quy luật luân lý như một cách thức của sự tự quy định thuộc ý chí, và tạo nên một sự phân biệt quan trọng giữa hành động theo, hoặc từ nghĩa vụ. Hành động sau được Kant định dạng là hành động có chứa đựng sự tôn kính quy luật [luân lý].
Quyển ”Biện chứng pháp của lý tính thuần túy thực hành” tập trung vào các định nghĩa nghịch lý (antinomic definitions) về sự thiện tối cao, được trình bày bằng cách đưa hai trường phái Epicuro và Khắc kỷ vào thế mâu thuẫn với nhau. Tình thế này được cụ thể hóa thành các quan điểm đối nghịch, hoặc sự ham muốn hạnh phúc là động cơ cho các châm ngôn về đức hạnh; hoặc châm ngôn của đức hạnh phải là nguyên nhân tác động của hạnh phúc (PPLTTH, tr[114], [117-18]). Kant thoát khỏi thế mâu thuẫn này bằng cách xác nhận rằng cả hai nguyên tắc trên đều giả định “sự hiện hữu trong thế giới cảm tính là cách thức hiện hữu duy nhất của một hữu thể có lý tính” bởi vậy đã không thấy được rằng” chúng ta-với tư cách là Noumena [ vật tự thân] -cũng còn hiện hữu trong một thế giới của giác tính[thế giới khả niệm] nữa (tr.[114], [115]). Điều này sẽ dẫn tới phần “Về các định đề của lý tính thực hành nói chung”. Các định đề này đi từ sự hiện hữu của quy luật luân lý: gồm định đề về sự Bất tử (cung cấp một sự kéo dài [sự sống] tương ứng trọn vẹn với việc thực hiện hoàn chỉnh quy luật luân lý), sự Tự do (thỏa mãn các điều kiện về sự độc lập với thế giới cảm tính và về quan năng quy định ý chí của ta dựa theo quy luật của một thế giới khả niệm), và Thượng đế (như điều kiện tất yếu của sự Thiện tối cao ở trong một thế giới khả niệm) (tr.[114], [119]). Các định đề này, sau đó được sử dụng để, về mặt thực hành, thỏa mãn các đòi hỏi của lý tính mà sự mở rộng [nhận thức về phương diện] tư biện của chúng bị “Biện chứng pháp siêu nghiệm” trong PPLTTT hạn chế gắt gao. Cuốn sách kết thúc ở phần học thuyết về phương pháp[phương pháp luận] với một số bình luận về sự mở rộng ảnh hưởng của lý tính thực hành, nói khác đi, về “ cách chúng ta biến lý tính thực hành khách quan thành lý tính thực hành chủ quan” (tr.[151], [155]).
Từ tập hợp vô số các phê phán và bình chú về cuốn PPLTTH, tôi lựa ra đây một đoạn văn đặc biệt gợi suy nghĩ và rất bóng bẩy trong tác phẩm “The Gay Science” [Nietszhe]
“Giờ đây tôi không dẫn mệnh lệnh nhất quyết ra nữa, bạn của tôi! Thuật ngữ đó cù tai tôi và làm tôi, chẳng còn màng tới bộ dạng nghiêm cẩn của bạn, cười phá lên. Nó bắt tôi nhớ về lão cố Kant, kẻ đạt tới “vật tự thân” nhờ ngón trộm cắp- lại thêm một vụ tức cười nữa -và rồi bị trừng phạt bởi chính điều ấy - khi “mệnh lệnh nhất quyết” lén lút trườn vào tim óc lão để dẫn dụ lão lạc nẻo-tìm về với “Thượng đế”, “Linh hồn”, “Tự Do”, và “sự Bất Tử”, y như thể một con cáo lạc đường quay trở lại lồng giam xưa cũ - một cái lồng giam mà trước đó, bằng sức mạnh và năng lực tưởng tượng đầy sáng tạo (cleverness) của mình, chính nó đã phá bung ra”!(Nietzsche, 1882, ss335)
-----
NOTE: Bản thân tôi rất biết có nhiều thuật ngữ và khái niệm cần được minh định thì mới có thể hiểu được đoạn văn trên- tuy nhiên việc làm chú thích ở đây sẽ là môt việc thừa vì tất cả những khái niệm và thuật ngữ ấy đều đã được minh định rõ ràng và đầy đủ trong bộ ba cuốn Phê phán của Kant, do thầy Bùi Văn Nam Sơn dịch, giới thiệu, chú thích và chú giải. Các thuật ngữ ở đây đều đi theo chính xác các thuật ngữ được dịch và chú giải trong bộ ba cuốn Phê phán đó
Phê phán lý tính thuần túy (Đức: Kritik der Reinen Vernunft, Anh: Critique of Pure Reason)
Là cuốn đầu tiên trong các cuốn phê phán, xuất bản năm 1781, với một ấn bản thứ hai có sửa đổi đáng kể, xuất bản vào năm 1787. Ấn bản gốc được biết tới như bản “A”, và bản sửa đổi là bản “B”. Cuốn phê phán này được viết trong hơn mười năm, và được nối tiếp bằng cuốn PPLTTH, xuất bản năm 1788, sau đó là cuốn PPNLPĐ, xuất bản năm 1790.
Bên cạnh một số vấn đề khác, tác phẩm này trình bầy những tư duy phản tư sâu sắc của Kant về Siêu hình học, Hiện tượng học, Vũ trụ học , Tâm lý học và Thần học. Nó được vinh danh là văn bản nền tảng của triết học”phê phán” và “siêu nghiệm”, cũng như là một trong những văn bản được diễn giải nhiều nhất trong lịch sử triết học, đồng thời tạo lập nên nghị trình cho nhiều sự phát triển tiếp sau. Những khó khăn cho việc tiếp cận với tác phẩm này, như chính bản thân Kant công nhận, là rất lớn, song cũng không nên quá cường điệu về chúng. Bởi chướng ngại chính cho những người đọc đương đại nằm ở cách thức tổ chức nội dung không quen thuộc của tác phẩm. Trong mục từ (entry) này, tôi sẽ giới thiệu tập trung vào tham vọng tổng quát của văn bản, cùng những cách thức giúp cho các phần khác nhau của nó hòa hợp được với nhau. Thông tin chi tiết về các phần của PPLTTT có lẽ sẽ được tập trung lại ở những mục từ khác (đặc biệt lưu ý các mục từ : KHÁI NIỆM, VŨ TRỤ HỌC, TRỰC QUAN, SIÊU HÌNH HỌC, NGUYÊN TẮC, TÂM LÝ HỌC, LÝ TÍNH, THẦN HỌC, GIÁC TÍNH)
Nhìn từ nhiều góc độ, PPLTTT là một văn bản nhị trùng, tức một văn bản [cùng lúc]vừa nhìn trở lại truyền thống triết học, vừa hướng tới những sự phát triển mới trong cả triết học lẫn khoa học tự nhiên. Trong suốt văn bản, những nghiên cứu này không chỉ đã kết hợp các sự phân biệt và thuật ngữ theo kiểu truyền thống và kiểu hiện đại lại với nhau [ví dụ như: “sự thống nhất siêu nghiệm của thông giác”, là thuật ngữ kết hợp giữa thuật ngữ “siêu nghiệm” kinh viện với thuật ngữ “thông giác” hiện đại] mà còn kết hợp chính các chủ để và sự tổ chức của chúng với nhau. PPLTTT cung cấp một học thuyết về các phạm trù, song lại đặt cơ sở cho các phạm trù này trên cogito hay chủ thể tư duy hiện đại. Nó tiếp nhận một khái niệm truyền thống như bản thể, và tái tạo lại khái niệm ấy để biện minh cho vật lý học Newton. Nó tuyên bố về một “cuộc cách mạng Copernic” của triết học, đòi hỏi rằng “các đối tượng phải hướng theo nhận thức của ta”, và rồi lại trình bầy kỹ lưỡng các kết quả trong dáng vẻ của một luận thuyết siêu hình học truyền thống. Việc thấu hiểu ý nghĩa những cách tiếp cận nhị nguyên này –tức điều mà bản thân Kant ý thức rất rõ-, có thể góp phần đáng kể cho việc tiếp nhận thành công văn bản. Bởi nếu không thế, văn bản ngay lập tức sẽ trở nên một gánh nặng. Trong SL Kant miêu tả kế hoạch cho PPLTTT là: “ sẽ được thực hiện theo phong cách tổng hợp” (tr.263, tr.8). Điều này có nghĩa là “ cấu trúc của một quan năng nhận thức đặc biệt” sẽ được trình bày ngay trong “sự nối kết tự nhiên” của nó. Tất cả đều được thể hiện rất rõ nơi nội dung của PPLTTT, bắt đầu từ các Lời tựa, cho tới Lời dẫn nhập, được trình bày trong bảng minh họa số 3 [ sorry tôi chưa có time vẽ lại bản sơ đồ này . Sẽ update sau-N.H.]
Về mặt cấu trúc, sự phân chia chủ yếu là giữa các học thuyết siêu nghiệm về “các yếu tố” và “phương pháp”. Không thể nào định cho thuật ngữ”siêu nghiệm” và “học thuyết” trong các trước tác của Kant một nghĩa ổn định, song ở trường hợp này, ý nghĩa của chúng là: học thuyết (teaching) về các yếu tố và phương pháp là những gì không được rút ra từ kinh nghiệm thường nghiệm. Bản thân sự phân chia các yếu tố và phương pháp thì lại đã từng được hình thành trong các thao tác (parts) của phép hùng biện cổ điển. Đó là “sự phát kiến” (invention), hay sự khám phá ra các yếu tố cơ bản của một bài nói (speech); sự “hoán vị" (disposition), tức sự tổ chức các yếu tố ấy trong một bài nói; và “sự lập-từ” (elocution), tức sự phát biểu hay trình bầy bài nói. Ramus đã sử dụng một biến thể của sơ đồ này trong việc tổ chức lại logic học Aristotle, tức tập hợp lại các thao tác của phép hùng biện trong vai trò "phương pháp", tập trung vào sự phát kiến và sự hoán vị (xem Ong, 1983). Ở Kant, sơ đồ này được một cách thức tổ chức trung thành hơn với Aristotle đặt chồng lên. Học thuyết về phương pháp của ông quan tâm tới sự bố cục các yếu tố của lý tính thuần túy, tức những gì được phát hiện trong học thuyết về các yếu tố, thành một “hệ thống lý tính thuần túy hoàn tất”. Học thuyết về các yếu tố- học thuyết tạo nên tầm vóc của PPLTTT-, quan tâm tới việc phát hiện ra những yếu tố cơ bản của nhận thức, là những gì có thể được bố cục và trình bầy một cách hệ thống nhờ vào phương pháp.
PPLTTT dốc toàn tâm toàn ý vào việc thẩm định học thuyết về các yếu tố, tức học thuyết trình bày về các yếu tố cơ sở, không được phái sinh từ đâu, của kinh nghiệm.Tuy nhiên, nó cũng đối mặt với một số khó khăn, mà không ít trong đó là do đặc tính phức hợp của nó; Học thuyết ấy hàm chứa một số định hướng về mặt chủ đề và sự nối khớp phức tạp, thường xuyên chồng lớp và xung đột trong nội tại. Phần đầu về “Cảm năng học siêu nghiệm và hai phân khu (divisions) của phần tiếp theo “Logic học siêu nghiệm” có lẽ nên hiểu như là sự phân tích về các thành phần của một “quan năng nhận thức”, khởi từ cảm năng và trực quan của nó về đối tượng, đi qua giác tính, và việc giác tính sử dụng khái niệm để tạo ra các phán đoán về đối tượng được trực quan, rồi đến lý tính và việc lý tính suy luận từ các phán đoán ấy, rồi đi xa hơn chúng. Song, cũng những phần này lại có thể được đọc như là một sự phân tích về một hình thức phán đoán đặc biệt, mà trong đó vị ngữ [từ] cung cấp thêm thông tin (enlarges meaning) cho chủ ngữ, và nó làm thế theo những phương cách sao cho tính phổ quát và tất yếu của phán đoán ấy vẫn được duy trì. Để có thể có được các “phán đoán tổng hợp tiên nghiệm” như thế, cả hai điều kiện của kinh nghiệm là không gian và thời gian, cũng như các khái niệm của kinh nghiệm ấy, phải được trình ra để đảm bảo giá trị hiệu lực tất yếu và phổ quát, tức giá trị được Kant tạo lập trên cơ sở của một biến tố đặc biệt từ cái cogito, hay cái “Tôi tư duy” của Descartes.
Hai cách đọc này đối với học thuyết về các yếu tố hoàn toàn không phải là những cách đọc duy nhất, bởi vẫn còn có những cách đọc khác nữa, ví dụ coi nó như một cuộc giải kết cấu môn Siêu hình học truyền thống. Song, kiểu đọc này cũng lại có ít nhất hai cách. Khả tín nhất là có lẽ là cách đọc nó như một phân tích phê phán có hệ thống nhắm vào truyền thống Siêu hình học do Christian Wolff(1719) thiết lập, mà vào lúc đó, đang thống trị triết học. Ở cách đọc này, Phân tích pháp siêu nghiệm đã thế chỗ cho Siêu hình học tổng quát, hay Bản thể học, qua việc ba bộ môn của Siêu hình học chuyên biệt – Tâm lý học, Vũ trụ học, và Thần học đã trở nên chủ đề cho sự khảo sát kỹ lưỡng trong Biện chứng pháp siêu nghiệm. cách đọc thứ hai, và có lẽ không khả tín mấy,là coi toàn bộ học thuyết về các yếu tố như sự tái tạo hiện đại tác phẩm Bộ công cụ [Phương pháp](Organon) của Aristotle, với phần Cảm năng học siêu nghiệm, qua việc cung cấp các yếu tố cơ bản của nhận thức, thay thế cho phẩn Các phạm trù; phần Phân tích pháp siêu nghiệm, với nghiên cứu của nó về sự phán đoán, thay thế cho phần Về lý giải (Of intepretation), hoặc có lẽ cho phần Phân tích pháp trước và sau (Prior and Posterior Analytics); và Biện chứng pháp siêu nghiệm thay thế cho Các luận đề và Sự phản bác ngụy biện (Topics and Sophistical Refutations)
Mỗi lối, cách đọc nói trên đều sở hữu đôi chút sự thật, và tạo nên một khối lượng đồ sộ khi được tập hợp bên nhau.Tuy thế, chúng vẫn không đi hết nổi phạm vi các mối quan tâm được khảo sát trong “Học thuyết siêu nghiệm về các yếu tố”. Tất cả chúng, với những cấp độ khác nhau, đều nỗ lực gây một ảnh hưởng lên các lập luận riêng hoặc chung, và từ góc độ ấy, luôn cuốn những người diễn giải vào niềm say mê. Những người diễn giải này thường xuyên phô bày ra năng lực tưởng tượng sáng tạo lớn lao (nếu không muốn nói là cố chấp nữa) trong việc đẩy chiều hướng chủ đề này chống lại chiều hướng chủ đề khác (phần về “quan năng nhận thức” chính là một mục tiêu ưa thích). Tuy nhiên, sự sắc sảo của những mánh khóe như thế cũng như sự chú tâm của những người diễn giải vào tiểu tiết tinh vi (fine grain) của lập luận đã thường xuyên che khuất đi tính đơn giản tân-cổ điển trong sự trình bầy của Kant.
Có thể nhận ra hệ thống lập luận tổng thể của Kant phía sau những sự điều biến chủ đề đa dạng. Kant đi theo Baumgarten trong việc chia các yếu tố của kinh nghiệm thành ra aestheta và noeta, sự vật được cảm và sự vật được hiểu, tương ứng với hai phần: “Cảm năng học siêu nghiệm” và “Logic học siêu nghiệm”. Phần đầu xem xét những phương cách trực quan đối tượng, và đề xuất rằng điều này xảy ra là nhờ vào các mô thức không gian, thời gian. Các mô thức này không có tính khách quan thuần túy, cũng không thuộc về nơi các đối tượng, mà là những điều kiện cần thiết cho kinh nghiệm đầu tiên của chúng ta về thế giới. Tiếp sau phần này là phân khu đầu tiên của “Logic học siêu nghiệm”, có tên là “ Phân tích pháp siêu nghiệm”. Phân khu này trình bầy về các yếu tố khả niệm thuộc kinh nghiệm của chúng ta, và đi theo hai hướng lập luận cơ bản. Hướng đầu tiên, bao gồm “Phân tích pháp về các khái niệm”, sẽ thu được hệ thống “các khái niệm thuần túy của giác tính” từ các mô thức đa dạng của phán đoán logic, và bằng một sự diễn dịch, sẽ biện minh cho đặc tính tận căn (fundamental), tiên nghiệm (có nghĩa là không được phái sinh từ đâu hết) của chúng trong vai trò là các yếu tố. Tiếp theo là hướng thứ hai, trong “Phân tích pháp về các nguyên tắc”, tìm kiếm những phương cách đưa phạm trù vào các điều kiện không-thời gian nơi trực quan của chúng ta về đối tượng, thông qua thuyết niệm thức và hệ thống các nguyên tắc tương ứng với mỗi phạm trù.
Bài học cơ bản của phân tích pháp và cảm năng học siêu nghiêm được tổng kết nơi trang A 158/B 197 của PPLTTT như sau: “ Các điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm nói chung cũng đồng thời là những điều kiện cho khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm”. Bài học này đơn giản có nghĩa là: chúng ta chỉ có thể có kinh nghiệm về các đối tượng thuộc phạm vi kinh nghiệm của chúng ta mà thôi. Đó là những đối tượng xuất hiện ra cho ta,không phải là “những sự vật tự thân”, được giả định là nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm của chúng ta. Từ đây dẫn đến việc, các đối tượng vượt khỏi năng lực kinh nghiệm của chúng ta đó không phải là những đối tượng hợp lệ của nhận thức, mà chỉ là đối tượng phục vụ cho mối quan tâm lớn lao của con người mà thôi. Trong phần B của “Logic học siêu nghiệm”, có tiêu đề là “Biện chứng pháp siêu nghiệm”, Kant vạch ra việc, nếu đặt cơ sở trong phạm vi kinh nghiệm của chúng ta để bàn về các đối tượng ấy [vật tự thân] thì sẽ bất nhất ngay từ nội tại đến thế nào. Các nỗ lực của ngành Tâm lý học tìm cách hiểu về linh hồn như thể một đối tượng của kinh nghiệm dẫn tới võng luận; các nỗ lực của ngành Vũ trụ học tìm cách hiểu phạm vi không gian và thời gian của vũ trụ như thể một đối tượng của kinh nghiệm dẫn tới các mâu thuẫn; còn các nỗ lực của ngành Thần học tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Thượng Đế bị vạch trần ra là ảo tưởng biện chứng.Vì vậy, trong “Học thuyết siêu nghiệm về các yếu tố”, Kant thiết định ra các giới hạn cho kinh nghiệm, và phê phán những nỗ lực suy lý coi các giới hạn ấy như thể không tồn tại. Điều này đưa tới “Học thuyết siêu nghiệm về phương pháp” và sự trình bầy của nó về các phương tiện (means) để suy lý và thu được nhận thức trong phạm vi các giới hạn được thiết định một cách phê phán nơi kinh nghiệm của chúng ta.
Một lưu ý có tính phát hiện mà Kant ghi vội khi viết cuốn PPLTTT đã cho chúng ta biết về động lực phía sau tác phẩm đang được viết này. Đó là dự án bảo vệ Siêu hình học, tương tự với dự án được tuyên bố trong tác phẩm GM: Các hữu thể người bị thúc bách phải đặt ra các câu hỏi siêu hình như: “Tôi từ đâu mà ra ? Điều gì là nguồn gốc của tất cả những thứ đang tồn tại?” ( SN tr.128). Để tạo nên bất kỳ biện giải nào trước những câu hỏi này, người ta tất yếu phải tìm tới Siêu hình học. Song lãnh địa này không nằm ở ngoài, mà ở trong ta, và do đó “ sự phê phán lý tính thuần túy sẽ tìm cách thắp lên một ngọn đuốc nơi tranh tối tranh sáng này, song không với mục đích làm sáng tỏ những sự vật bất khả tri nằm ngoài thế giới giác quan của chúng ta, mà là để chiếu sáng không gian bí ẩn nơi giác tính của chính chúng ta” (SN, tr.128). Ẩn dụ này nắm bắt chính xác đặc tính nhị trùng của PPLTTT: Ngọn đuốc chiếu sáng không gian bí ẩn, song nó cũng thiêu cháy mọi thứ trong không gian ấy. Thượng Đế, Thế giới và linh hồn bị vạch trần ra chỉ là các bóng đổ của chính chúng ta, tức các sản phẩm từ sự thiếu khai minh của chúng ta, hay nói theo thuật ngữ của Kant, từ “sự giám hộ [mà chúng ta] tự áp đặt”.
Ảnh hưởng của PPLTTT cũng lớn lao như khát vọng của nó. Nỗ lực đặt cơ sở cho các điều kiện khả thể của đối tượng trong phạm vi điều kiện khả thể của kinh nghiệm dẫn tới các xu hướng tổng hợp có hệ thống của chủ nghĩa duy tâm Đức. Tuy nhiên, phương diện có tính xây dựng (constructive) này của cuốn phê phán đã bị các triết gia quan tâm tới khả năng giải kết cấu tiềm tàng của nó, bao gồm các triết gia trẻ đi theo hướng Hegel, như Bauer, Feuerbach, Marx, và có lẽ trên hết là Nietzsche bác bỏ. Trong thuyết Kant cấp tiến của Nietzsche, Thượng đế, thế giới, linh hồn, và ngay cả bản thân lý tính cũng bị tuyên án tử.
Chống lại xu hướng cấp tiến này, các cách đọc PPLTTT kiểu khác lại nhấn mạnh sự biện minh bằng triết học của nó cho khoa học (ví dụ: những cách đọc của các nhà tân Kant ở cuối thế kỷ 19 như Cohen và Rickert), cho Bản thể học (Heiddeger và Heimsoeth), cho phân tích của nó về các giới hạn của giác quan (Strawson), và gần đây hơn cả, là cho nỗ lực của nó hướng tới một giác tính hữu hạn ở bên trong phạm vi thế giới và các biến cố lịch sử (Arendt và Lyotard)
Như Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét