Như Huy dịch
Nguồn: chương 11 trong "Nghệ thuật của kỷ nguyên hậu hiện đại" [ Art of the Postmodern Era], Iving Sandler, Westview Press xuất bản 1998, USA.
----
Phương cách tạo ra các hình ảnh của hình ảnh của John Baldessari, Richard Prince và những nghệ sỹ khác trong cuộc triển lãm “Các hình ảnh" [Pictures] - đã gợi hứng không chỉ cho Douglas Crimp và Craig Owens mà còn cho cả những phê bình gia nghệ thuật khác, tức những người viết cho tuần san phê bình nghệ thuật mang tên October [ tháng Mười] , xuất bản từ năm 1976. Tuần san này đề cao mỹ học hình ảnh (pictures asthetic) như bộ phận của nhiệm vụ mà nó phát động nhằm chống lại chủ nghĩa hình thức [formalism] và chủ nghĩa hiện đại [ modernism] cũng như sử dụng các ý niệm hậu hiện đại và những cách tiếp cận rút ra từ trước tác của Rolan Barthes, Jacques Derrida, Michael Foucault, Jean Baudrillard, Jacques Lacan hay những trí thức Pháp khác - trong vai trò là vũ khí của nó (1)
Chủ nghĩa hình thức từng có những kẻ thù ghê gớm trong thập kỷ 60, khi nó thống trị lý thuyết nghệ thuật. Song trong thập niên tiếp theo, nó thậm chí còn bị tấn công với cường độ mãnh liệt hơn bởi một thế hệ của các nghệ sỹ, phê bình gia, nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật mới xuất hiện. Cuộc tấn công mới này khởi đầu vào đầu thập kỷ 70, khi một nhóm phê bình và sử gia nghệ thuật cấp tiến cùng nhau thành lập một hội nghệ thuật mới (New Art Assocation ) đối lập với hội nghệ thuật trường ốc (College Art Association). Nhóm này đã công bố bức thư ngỏ như sau;
“…Chúng tôi chống lại cái huyền thoại về sự trung tính của nghệ thuật
Chúng tôi từ chối dạng kinh nghiệm thẩm mỹ chỉ đem lại những kinh nghiệm thẩm mỹ xa hơn, bởi chúng tôi tin rằng có một mối dây liên kết mạnh mẽ giữa tưởng tượng thẩm mỹ và tưởng tượng xã hội.
Chúng tôi từ chối coi nghiên cứu nghệ thuật như một hành vi tách biệt khỏi những mối quan tâm khác của con người
Chúng tôi chống lại sự quy giảm nghệ thuật thành một vật thể dành cho sự tư biện và thành một món trang sức hào nhoáng
Chúng tôi chống lại việc phân chia giả tạo trong nghiên cứu nghệ thuật theo những quy tắc khác nhau như - nhân học , lịch sử, v.v.… , và sự ngăn ngừa nghệ thuật khỏi các đề tài xã hội. Chúng tôi chống lại sự phân khu vực nhận thức, tức điều sẽ che giấu đi hậu quả thực tế của những di sản văn hóa của chúng ta thông qua việc cung cấp ý thức hệ cổ vũ cho kết cấu có tính giai cấp, phân cấp và phân biệt chủng tộc của xã hội chúng ta …”(2)
Tuyên ngôn của hội nghệ thuật mới đã được lập thức vào thời điểm cao trào của cuộc chiến tranh VN, và nó phản ánh sự dấn thân chính trị của các học giả trẻ, tức những người đặt câu hỏi về các tiên kiến nền móng tồn tại ngầm ẩn trong mọi nguyên tắc trí tuệ.
Sự lập vấn này, hay lý thuyết phê phán này - như rồi nó sẽ được gọi như thế - có thể được coi là di sản của thuyết cấp tiến thuộc thập kỷ 60 – nhưng ở đây, nó đã rút khỏi học thuyết hành động chính trị để đi vào diễn ngôn hàn lâm. Những chủ đề được các lý thuyết gia phê phán đặt ra rồi sẽ thống trị nghị trình lịch sử nghệ thuật và phê bình nghệ thuật suốt gần hai thập kỷ sau.
Dĩ nhiên là các phê bình gia theo chủ nghĩa hình thức, do Greenberg và nhóm của ông dẫn đạo, đã bác bỏ cách tiếp cận trên. Họ tiếp tục nhấn mạnh rằng tác phẩm nghệ thuật là một vật thể biệt lập và do đó, các phê bình gia phải chú ý vào những đặc tính hình thức của vật thể ấy và bỏ qua những chủ đề ngoại vi. Nghệ thuật không nên bị hạ cấp vào việc minh họa cho lịch sử xã hội hay lý thuyết phê phán. Sự nghiên cứu phải đặt trọng tâm vào việc trình bầy tỉ mỷ những thành tố thẩm mỹ nơi các tác phẩm có tính cá nhân, cũng như vào chất lượng của chúng- dẫu cái chất lượng ấy khó có thể được minh định rạch ròi. Những nhà hình thức luận còn gièm pha các phê bình gia buộc nghệ thuật phải tuân theo lý thuyết khi chê bai những phê bình gia ấy thiếu cảm năng để trải nghiệm các chiều kích thị giác và xúc giác của nghệ thuật, và vì thế, áp đặt một trật tự và giới hạn ngoại thẩm mỹ lên nghệ thuật, tức những gì đẩy họ xa khỏi tác phẩm và dẫn họ đến việc phán đoán sai về chúng. Điều tối quan trọng ở đây là, bức tranh chỉ là bức tranh mà thôi. Ai có thể không công nhận chân lý ấy? Như lá thư viết cho tạp chí New York time: “ [Việc nhấn mạnh đến lý thuyết trong nghệ thuật] giống như việc một hội nghị của các quan hoạn công bố rằng trên đời này chẳng bao giờ có cái gọi là thỏa mãn tình dục” [3]
Nhiều nhà hình thức luận cũng thừa nhận rằng các trông đợi và sự thiên ái trong nghệ thuật phần nào đó bị điều kiện hóa bởi các tình huống xã hội và chúng cần phải được khảo sát, song họ cũng đòi hỏi rằng nghệ thuật phải được xem xét chủ yếu trong vai trò thuần túy nghệ thuật. Một số nhà hình thức luận thậm chí còn thừa nhận rằng chất lượng thầm mỹ phần nào đó sinh ra từ một nền văn hóa cụ thể, từ lịch sử và những tiên kiến của nền văn hóa ấy về những gì nó coi là có giá trị. Song tựu chung tất cả những người này đều khăng khăng về sự tồn tại của chất lượng thẩm mỹ, rằng ta có thể chiêm ngưỡng nó mà không hề chịu sự tác động của nền văn hóa mà trong đó, nghệ thuật được tạo ra, rằng chất lượng thẩm mỹ ấy có thể siêu vượt lên khỏi các quan tâm chính trị học và giai cấp của bất kỳ nơi chốn hay thời gian nào, và rằng, ở trường hợp hoàn hảo nhất của nó – chất lượng thẩm mỹ thậm chí có thể sở hữu sự quyến rũ có tính phổ quát.
Tuy nhiên có vẻ ngày càng ít dần đi các phê bình gia, học giả và trí thức trẻ lắng nghe sự thuyết phục của các nhà hình thức luận. Thay vào đó, những người này đã thấy ra cái khe sâu không thể lấp đầy giữa các phê bình gia nghệ thuật quan tâm đặc biệt tới những gì chỉ tồn tại trong phạm vi tác phẩm nghệ thuật; những yếu tố hình thức, - với những phê bình gia nghệ thuật nhìn xa hơn tới những văn cảnh xã hội, chính trị , kinh tế . Những văn cảnh mà trong đó nghệ thuật xuất hiện và phục vụ cho các định chế thuộc văn cảnh ấy. Các lý thuyết gia nghệ thuật chú tâm cụ thể tới giai cấp và giống, tức những gì họ coi là đã ngầm ẩn tạo hình hài cho nghệ thuật. Họ chuyển sự chú ý về mặt phê bình của mình từ tác phẩm nghệ thuật cụ thể sang văn cảnh xã hội của tác phẩm ấy, đòi hỏi rằng chỉ có thể hiểu được nghệ thuật nhờ việc khảo sát các tình huống ngoại thẩm mỹ mà trong phạm vi các tình huống ấy, nghệ thuật được sản tạo và trưng bày. Trên hết, họ khẳng quyết rằng, những gì cần khảo sát trong nghệ thuật phải là điều mà nghệ thuật tái hiện [chứ không phải bàn thân nghệ thuật-ND]. Sự tái hiện ở đây được định nghĩa như là sự phức hợp của hình ảnh và văn bản, mà qua đó, một xã hội tái hiện bản thân– có nghĩa là các hình ảnh và văn bản đã thấm sâu vào chúng ta đến mức không ai nghĩ đến việc đặt câu hỏi về chúng. Việc ứng xử với tác phẩm nghệ thuật như thể một dạng văn bản dẫn đến một diễn ngôn về sự tái hiện. Thay vì tập trung vào yếu tính độc nhất của vật thể nghệ thuật, các lý thuyết gia nghệ thuật quan tâm tới các văn cảnh đa bội của nó, tới vô số tầng nghĩa của nó, tới tính liên văn bản của nó, và đặc biệt hơn cả, tới các khách hàng của nó, tới các mối quan tâm về giai cấp mà nó phục vụ, và tới mối quan hệ của nó với nền văn hóa đại chúng. Điều này dẫn tới tính đa dạng đáng kể trong những lối tiếp cận của của lý thuyết gia nghệ thuật. Họ phân tích nội dung nghệ thuật từ các góc độ thường xuyên xung đột với nhau như học thuyết Mác-xít, Nữ quyền luận, lịch sử (chứ không phải lịch sử nghệ thuật), xã hội học, tâm phân học, ký hiệu học, và ngôn ngữ học. Dù xung đột với nhau, song điểm chung quan trọng nhất của các cách tiếp cận này nằm ở việc; tất cả chúng đều nhìn nhận nghệ thuật ở góc độ [là công cụ] tái hiện, chứ không phải ở các chủ đề hình thức của nghệ thuật [4]
------
1-Jeremy Gilbert-Rolfe đã rút khỏi tạp chí sau số thứ 3
2-Thư ngỏ của Hội Nghệ Thuật Mới, tháng 9, 1970, trong "chính trị học", tạp chí Art Forum, tháng 11, 1970, tr.39
3-L.S.Kleep," Những lá thư độc giả", New York Time Magazine, Mar., tháng 10 năm 1991, tr.16
4-Xem Sara Day, " Lịch sử nghệ thuật: Thảm họa hay những chân trời mới: giống nòi các chiến binh mới của lịch sử nghệ thuật" [Art History: Crisis or New Horizons: Art History's New Warrior Breed" , Art International, số Mùa xuân 1989, tr. 78-89
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét