Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011
2 suy nghĩ nhỏ về việc dịch bài thơ "Cúng Dường" của thầy Tuệ Sỹ [bài cũ]
Thầy Tuệ Sỹ
Suy nghĩ I:
Cúng Dường
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
Tuệ Sỹ
Thượng Tọa Viên Lý dịch lại như sau:
Hai tay nâng chén cơm tù
Dâng lên từ phụ bậc thầy nhân thiên
Thế gian huyết hận triền miên
Bưng bình cơm độn lặng yên lệ trào.
Nhà thơ Vân Nguyên cũng có dịch như sau:
Dâng chén cơm tù lên
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian tràn oán hận
Ôm chén lòng khóc thầm.
Tôi rất thích bài thơ này. Thích thôi, không làm sao giải thích được. Bài thơ rất ngắn, và thực sự là dẫu không rành Hán văn, tôi cho là ai cũng sẽ mang máng được nội dung bài thơ trong tiếng Hán. Hoàn cảnh và nội dung bài thơ, chắc có lẽ, tìm trên mạng, mọi người sẽ rõ. Ở đây, tôi chỉ muốn nói tới việc dịch bài thơ này qua tiếng Việt – mà qua hai bản dịch trên, riêng tôi cảm thấy không ổn. Cái cảm giác không ổn này cứ ám ảnh tôi lâu nay– vì sao lại không ổn? và, thế nào thì sẽ ổn? để rồi bản dịch sẽ trở nên thanh thoát –thành ra một “tương đương tạo sinh” ( productive equivalent) chứ không chỉ là một tấm gương thụ động, dù có thể sáng rõ song khô xác. Mà muốn tìm một phương cách nào đó để tạo ra một tương đương tạo sinh, trước hết không gì bằng thử cắt nghĩa nguyên nhân tại sao hai bản dịch kia – với riêng tôi, chưa được thỏa mãn.
Bởi chỉ là một cú blogging, nên ở đây tôi cũng chỉ tìm cách đi vào câu cuối của bài thơ gốc, và hai câu Việt dịch của nó.
Câu cuối của bài thơ gốc là:
“Bỉnh bát lệ vô ngôn”
Hai câu dịch từ hai bản dịch khác nhau là:
a/ “Bưng bình cơm độn lặng yên lệ trào”
b/ “Ôm chén lòng khóc thầm”
Tạm để qua một bên các khía cạnh ngữ nghĩa của cả hai câu dịch,(1) tôi muốn quan tâm đến khía cạnh ngữ âm, cũng như khía cạnh ý động học của câu thơ gốc – và từ đó, tìm ra nguyên nhân( theo tôi) hai câu thơ dịch, vì sao chưa thỏa mãn.
Theo tôi, câu thơ gốc:
“Bỉnh bát lệ vô ngôn”
dù là một câu thơ chỉ có năm chữ, song các tác dụng ngữ âm và ý động học dầy đặc của nó đã tạo cho nó một sức kìm nén rất căng thẳng, mà khi dịch, nếu không quan tâm tới chúng, câu thơ dịch khó mà đạt tới độ tương đương tạo sinh.
Cụ thể ở đây là, chử “ Bỉnh”. Trong cách hiểu của người Việt, xét về mặt ý động học, bởi là một âm được người Việt phát âm bằng cách tạo ra một cú đẩy hơi đi vòng từ đỉnh mũi, uốn xuống vòm xoang và mất hút vào trong cổ, một trong nhiều liên tưởng hình ảnh mà âm này hẳn sẽ gây ra – đó là liên tưởng về hình dấu "?"
Về mặt ngữ nghĩa, chữ “Bỉnh bát” trong tiếng Hán – được sử dụng trong bài thơ này có nghĩa là dâng ( nâng, đưa )chiếc bát lên ( để cúng dường đức Phật).
Kết hợp chiều kích ngữ nghĩa và ngữ âm (ý động học) của câu “Bỉnh bát” ( cùng ký ức cần có của người đọc văn chương về câu thơ đầu – “cúng dường tối thắng tôn”)- hai chữ “bỉnh bát” đã không chỉ còn là một hành vi theo nghĩa đen – nâng bát – mà có lẽ đã vẽ nên cả một không gian hình ảnh đầy ắp- miêu tả một tù nhân đang quỳ, lưng cong, đầu cúi, nâng cao bát cơm tù – để “cúng dường Tối Thắng tôn”
Ba chữ cuối ” lệ vô ngôn” của câu thơ kết trong bản gốc cũng vậy. Ở đây, ta cần lưu ý, trong cấu trúc “ lệ Vô Ngôn”, riêng chữ ‘lệ” thuộc thanh “trắc”, níu xuống, còn hai chữ “ vô ngôn” thuộc thanh bằng (đi ngang). Chính cấu trúc về thanh này đã làm cho chữ “lệ”- về mặt ngữ nghĩa ở đây chỉ “giọt lệ”- có sức nặng trĩu của một nỗi buồn sâu, tiết-chiết ra từ sự trầm quán và ngẫm suy, nỗi buồn của từ bi khi đối diện trước “ thế gian trường huyết hận” chứ không chỉ là một giọt lệ thông thường, túa ra liên miên từ những tương tác trực thời và trực tiếp khi lục căn xung đột với ngoại giới.
Và có lẽ cũng bởi sự nặng trĩu của chữ “lệ” này, mà rôi, ngữ nghĩa của hai chữ “vô ngôn” đến sau cũng đã không chỉ còn hàm chỉ sự “ không nói ra”hoặc “không nói được”, hoặc” không nói”, dù sao vẫn là một hành vi có chủ ý của chủ thể– để thoắt thành cả một khoảng không mênh mông bao la của im-lặng, của sự toàn nhập giữa chủ thể vào thế giới. Do đó, cái “vô ngôn” này, không chỉ còn là”vô ngôn” thuộc phạm vi chủ thể nữa, mà trở thành cả một “không-gian-vô-ngôn”, một không gian của sự lặng-im-tuyệt-đối, của lòng từ bi nẩy sinh khi chủ thể và ngoại giới nhập vào làm một
Cũng nên lưu ý tới khía cạnh ngữ âm của chữ “ngôn”. Đây là một âm nửa khép, có nghĩa là, khi phát âm âm này, người phát âm khó có thể ngân nga nó(khác với khi phát âm các các âm mở, như a, ô, ê, v.v.,). Thực sự là, đây là một âm mà khi phát âm trong tình huống thông thường ( không phải trong kịch nghệ hay ca hát ), gần như là nó sẽ tự biến mất ngay sau khi được phát ra ( khác với âm “a” chẳng hạn, khi muốn ngắt, người phát âm bắt buộc phải có hành vi ngắt hơi chủ ý).
Có lẽ, chính sự mất-hút-vào-trong của âm này, trong tình huống nó được đặt ở cuối chót bài thơ, cũng đã làm cho cả bài thơ hình như, đột-nhiên-rơi-vào-im-lặng, theo kiểu một nhát thư pháp, đột ngột theo tay phất của thư pháp gia, sau khi trườn mình đen rức trên lụa trắng, bất ngờ mất hút vào hư không.
Nhìn từ góc nhìn này, cả hai câu dịch:
“ Ôm chén lòng khóc thầm"
Và
“Bưng bình cơm độn lặng yên lệ trào
có lẽ đều chưa thể thỏa mãn.
-------------------------------------------------------------------
(1)Với câu dịch b, theo tôi, dịch giả đã tự ý thêm vào một khía cạnh diễn giải – “lòng khóc thầm”, có lẽ khác xa với “lệ vô ngôn” – về mặt ngữ nghĩa, diễn tả hình ảnh khách quan của một giọt lệ rơi, giọt lệ rơi lặng lẽ, không nói, chứ không phải sự khóc thầm, là một sự dịch đi quá xa khỏi giọt lệ để diễn giải thẳng tâm trạng ( chưa nói – “bỉnh”, không phải là “ôm”). Theo tôi cái hay của ba chữ “ lệ vô ngôn” nằm ở việc nó chỉ đưa ra một nhân-hình-ảnh – và đợi quả tự -nẩy-lên-lặng-lẽ trong lòng người đọc. Câu thơ dịch “lòng khóc thầm” dường như đã quá vội vàng, không đủ kiên nhẫn và nén giữ, để biến câu thơ gốc – đang từ chỗ là chỉ một gợn lệ thoáng-chậm-buông chờ đợi sự tương tác nơi tâm giác người đọc để trở thành một bâng khuâng vang âm, bỗng hóa thành một cuộc vượt rào nóng vội, diễn giải thẳng thừng.
Trong khi đó, ở câu dịch a, dù có lẽ cũng đã ý thức giữ được sự tương đương với bản gốc – “lặng yên lệ trào”, song có lẽ thể thơ 8 chữ đã xóa mất đi khía cạnh đột ngột và chiu chắt của hình ảnh một giọt lệ tự trào ra, để biến nó từ “vô ngôn”, trở thành, “hữu ngôn”. Lẽ dị nhiên, ở đây ta cũng cần quan tâm tới cấu trúc tổng thể chung – bởi ngữ nghĩa của một phát ngôn trọn vẹn, theo tôi không chỉ nằm ở một đoạn, câu lẻ nào, mà cần được xem xét trong một tổng thể phát ngôn - bởi lẽ ngôn ngữ văn thơ chính là một thực thể tạo nghĩa theo tuyến tính, diễn ra trong một quãng thời gian từ đầu đến cuối, thế nên, các thao tác ( của người viết/dịch) thêm bớt, nhấn nhá, để tạo nên bố cục chung chính là các thao tác tạo nghĩa chủ yếu– và vì thế- khía cạnh ngữ nghĩa cần được quan tâm xa hơn việc chỉ trích ra một đoạn/câu nào để xem xét.
Việc trích ra chỉ một câu thơ cuối trong tổng thể-để phân tích đôi chút về mặt ngữ nghĩa - như tôi đang làm ở đây – vì thế sẽ không đạt được kết quả thỏa mãn. Thế cho nên, ở đây, tôi sẽ gạt hẳn qua bên các phần tích thiên về ngữ nghĩa và cú pháp – để chỉ quan tâm vào khía cạnh ngữ âm và chút gì đó thuộc ý động học – coi như một trò chơi nhỏ mà thôi.
----
suy nghĩ II
Tôi nghĩ cái khó của bài thơ này, không chỉ nằm ở các vấn đề về ngữ pháp, ngữ nghĩa, mà có lẽ còn nằm ở góc độ tiếp nhận. Thật sự là, với người đọc Việt Nam, bài thơ gốc của thầy Tuệ Sỹ, dù hoàn toàn bằng tiếng Hán, song, ở góc độ tiếp nhận, nó lại không thuần túy như vậy.
Các chữ như, “lệ”, “vô ngôn”, “trường huyết hận”, “cúng dường”, hay thậm chí” tối thắng tôn”, "ngục tù”, “thế gian”, “bát” (tổng cộng có đến 16 chữ), so với tổng số 20 chữ của bản gốc – đều là những chữ mà trong trường tiếp nhận của người Việt, không thể gọi là ngoại ngữ thuần túy – đóng khép tuyệt đối– bởi chúng ít nhiều đều quen thuộc với người Việt, thậm chí phần lớn số đó đều đã được người việt đưa vào sử dụng trong các trạng huống giao tiếp (thậm chí) đời thường (ví dụ, “lệ”, “bát”, “vô ngôn”, "cúng dường”, “ngục tù”, “thế gian”, chẳng hạn).
Ở đây, tôi muốn lưu ý có 1 góc độ lý thú về mặt tiếp nhận - góc độ mà bản thân tôi đã một lần nghe cụ Cao Xuân Hạo nói qua. Đó là về trường trường hợp của một chữ Hán gốc nào đó, khi được dùng trong một tình huống giao tiếp bằng tiếng Việt (với điều kiện người nghe, người tiếp nhận chữ đó, trong tình huống ấy, hiểu nghĩa của chữ Hán gốc đó), bản thân chữ gốc ấy, với sắc thái Hán ngữ vốn có của mình, sẽ tự động chuyển đổi trạng thái gốc, không phải về mặt ngữ nghĩa, mà về mặt thi vị.
Ví dụ, chữ “thảo hài”(tiếng Hán) chẳng hạn – về mặt ngữ nghĩa, nó là một với chữ” giầy cỏ” (tiếng Việt) – song, khi sử dụng nguyên như vậy, trong môi trường giao tiếp nói ở trên – qua sự tiếp nhận của người Việt màng máng hiểu Hán ngữ, khía cạnh thi vị của chữ “thảo hài” đã được kích hoạt hơn hẳn chữ” giầy cỏ” – trong trường hợp này chỉ mang tính biểu vật*.
Một ví dụ khác, mà bản thân tôi từng trải qua. Hồi đó, khi đọc cuốn "Triết Học Về Tánh Không” của thầy Tuệ Sỹ. Ở đoạn cuối phần dẫn luận, thầy Tuệ Sỹ có viết một câu, “ …con chim tung mình bay trong thương khung, đem lông cánh làm đẹp cho bầu trời”. Đoạn văn này, với tôi, đã tạo ra một cảm giác đầy thi vị(1), đặc biệt là ở chữ "thương khung (2).
Sau này, khi tôi được gặp trực tiếp thầy Tuệ Sỹ, và hỏi thầy, thì thầy trả lời đơn giản, "thương khung", tiếng Hán - có nghĩa là "khung xanh" (bầu trời). Như vậy là ở đây, trong đoạn văn "...tung mình bay trong "thương khung", đem lông cánh làm đẹp cho bầu trời", theo tôi thầy Tuệ Sỹ đã sử dụng phương pháp tuyển lựa, ghép nguyên một khái niệm tiếng Hán thuần túy "thương khung", vào một cấu trúc biểu nghĩa thuần Việt - nhằm tạo ra một kết hợp làm nổi bật tính thi vị của phát ngôn–một thao tác tạo nghĩa tiêu biểu trong các hành vi tạo nghĩa thi ca mà Jakobson đã từng nói(3)
Quay trở lại với bài thơ “ Cúng Dường”, xét trên góc độ, hầu hết các chữ Hán trong bản gốc đều là những chữ đã được thông-nghĩa trong tiếng Việt, tuy nhiên,cùng lúc, chúng cũng vẫn mang theo một sắc thái đầy thi vị khác, mà cả tiếng Việt (trong trường tiếp nhận của người đọc Việt hiểu mang máng Hán ngữ) lẫn tiếng Hán ở bản gốc đều không có được.
Nhìn từ góc độ này, có thể nói, bản thân bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sỹ đã vượt khỏi thân phận “ngoại ngữ”thuần túy để bước vào khu vực ngữ nghĩa “bản ngữ”, thế nhưng, cùng lúc đó, vì vẫn đang choàng lên mình các "bộ quốc phục Hán ngữ" - bản thân nghĩa biểu vật (được người Việt mang máng hiểu ra) cũng đã không thuần túy biểu vật nữa, mà bị lẫn nhòa vào một khung cảnh mờ ảo đầy ắp thi vị.
Nhìn một cách nào đó, bản thân bài thơ chữ Hán “ Cúng Dường” của thầy Tuệ Sỹ, trong góc độ tiếp nhận của người Việt, đã thoắt chuyển vào một không gian thứ ba – một không gian mơ hồ miên viễn, mãi mãi mở ra cho các cuộc tương tác muôn hình vạn trạng với người tiếp nhận (hiểu mang máng Hán ngữ). Một không gian không là bản gốc, mà cũng chẳng phải là bản dịch.
Có lẽ chính cái không gian mơ hồ này đã biến bài thơ của thầy Tuệ Sỹ thành một “ảo ảnh” không thể nắm bắt và mô tả lại bởi bất kỳ một dịch giả tiếng Việt (4) nào, dù là tài ba nhất
Lý do cho điều này thật đơn giản;
tìm cách dịch một “ khoảng giữa” là một nhiệm vụ bất khả thi
--------------------------------------------------------------------
(1) Ở một chiều kích cực đoan - sự diễn giải kiểu này có lẽ có mối liên quan nào đó tới hiện tượng "từ nguyên học dân gian"
(2) trong trường hợp này của tôi - dẫu thậm chí tự ban đầu tôi không hề hiểu nghĩa đen của chữ "thương khung" , song cảm giác thi vị vẫn xuất hiện - có lẽ bởi phản ứng suy đoán và liên tưởng một cách luận lý xẩy ra tự động trong hành vi đọc của tôi về nghĩa của chữ ấy trong cấu trúc-" con chim tung mình bay trong "thương khung", đem lông cánh làm đẹp cho bầu trời...".
(3)chức năng của thi ca chiếu nguyên tắc tương đương của trục tuyển lựa lên trục kết hợp”, có nghĩa là” sự tuyển lựa được tiến hành trên cơ sở của sự tương đương (equivlence’), sự tương tự, (similarite’) và sự khác loại (dissimilarite’), của sự đồng nghĩa (synonyme) và phản nghĩa(antonymie) , Thi Học và ngữ Học”, Trần Duy Châu biên khảo, NXB văn Học, 2008, tr.23, 24
(4)Trường hợp cụ thể này giới hạn trong sự tương giao giữa tiếng Việt và tiếng Hán – tuy nhiên, theo tôi, nó cũng có thể xảy ra với hai ngôn ngữ nào đó có lịch sử ngữ nghĩa và hoàn cảnh tiếp nhận tương tự
©Như Huy
-----
Dưới đây là bản tiếng Hán bài thơ này, do bạn Đức Trần cung cấp
供養
奉此獄囚飯
供養最勝尊
世間長血恨
秉缽淚無言
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
"Bỉnh bát lệ vô ngôn" hay!! Bưng bát cơm nước mắt chảy không nói nên lời... càng đọc càng ngấm...
Trả lờiXóa