Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Sự giống và khác trong thực hành nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang và Hương Giang, một suy nghĩ nhỏ về lời buộc tội "đạo văn"

Nói về chuyện copy, hay nôm na là "bắt chước", trong nghệ thuật Việt Nam hiện tại, tôi e là một việc rất khó. Sự khó nói ở đây không phải là về việc rất ít có tham chiếu về hiện tượng này ở Việt Nam. Trái lại, trong cả âm nhạc,và nhất là trong nghệ thuật, ai cũng biết là có vô số tác phẩm đã được nêu tên, cả ở các phương tiện truyền thông đại chúng công khai, cả ở các cuộc trà dư tửu hậu riêng tư. Sự khó nói ở đây, với tôi, nằm ở việc, thật sự là hiện tượng này là một hiện tượng mà để có thể bàn về nó một cách nghiêm túc, rất cần phải có một mặt bằng lý thuyết khả tín. Có thể nói rằng, hiện tượng một tác phẩm này trông giống một tác phẩm khác không hề là một hiện tượng đơn giản như có vẻ nhiều ngưới thường cho rằng như thế. Hiện tượng này, nằm dưới nó là vô số lý thuyết thuộc khu vực của chủ nghĩa hậu hiện đại, như lý thuyết về biếm phỏng (theory of parody), lý thuyết về châm biếm (theory of irony), cũng như của vô số các thủ pháp có tính hậu hiện đại khác, như thủ pháp tiếp đoạt (appropriation – nghệ sỹ Trần Hậu Yên Thế dịch là “chuyển dụng”- tôi thấy cũng rất hợp lý, dù với tôi, thì khi so sánh thuật ngữ chuyển dụng này với các thực hành của một số các nghệ sỹ tiêu biểu có sử dụng thủ pháp đó như Sherrie Levine, hay gần đây là Xu Zhen (khi nghệ sỹ này làm lại y nguyên tác phẩm nổi tiếng cắt đôi con cá mập của Damien Hirst, và chỉ thay con cá mập thật bằng con khủng long giả)- thì có vẻ hơi nhẹ, sự “đ(nh)ạo văn” ( plaYgiarism), hay “nhại văn” (patische).



Tác phẩm gốc của Damien Hirst



Tác phẩm của Xu Zhen



Tác phẩm của Sherrie Levine mà ở đó, nghệ sỹ đã chụp lại nguyên si bức ảnh của Walker Evans , và đặt cho nó một cái tên mới là "after Walker Evans"


Để bàn về các lý thuyết hay thủ pháp này không phải là mục đích nơi bài viết ngắn này của tôi. Đưa ra các ví dụ trên, điều tôi muốn chỉ là nhấn mạnh việc hiện tượng một tác phẩm này giống một tác phẩm khác về mặt bề ngoài, không chỉ thuộc lĩnh vực đạo lý, bản quyền, hay cảm giác, mà là một hiện tượng có tính đặc thù lý thuyết, và để bàn về nó một cách rành mạch, ta cần phải có một nền tảng lý thuyết nhất định, nếu không muốn rơi vào các cuộc cãi vã vô tận.

Bài viết nhỏ này của tôi chỉ nhằm đưa ra một cái nhìn thuần túy kỹ thuật của cá nhân vào một trường hợp mà theo tôi có liên quan tới chủ đề tác phẩm này giống (và khác) một tác phẩm khác, qua đó, tìm cách nêu lên sự khó khăn trong việc định dạng một cái tên chính xác cho hiện tượng ấy. Trường hợp tôi đưa ra khảo sát ở đây là trường hợp của sự giống (và khác) nhau giữa tác phẩm của Hương Giang và Lý Trần Quỳnh Giang

Từ 14 – 18. 11. 2010
Việt Art Center, 42 Yết Kiêu đã diễn ra triển lãm Những Mảnh ghép của nghệ sỹ Nguyễn Hương Giang. Xin đưa ra hai tác phẩm trong triển lãm này của Hương Giang





(nguồn ảnh: soi)

Trên truyền thông đại chúng, có thể nói đây là một triển lãm khá thành công. Tuy nhiên, tại một số diễn đàn công cộng, đã có một số ý kiến cho rằng tác phẩm của Hương Giang chỉ là sự “bắt chước” ( copy) tác phẩm của một nữ nghệ sỹ khác, đó là Lý Trần Quỳnh Giang


Xin đưa ra hai tác phẩm của Lý Trần Quỳnh Giang






( nguồn ảnh: internet)

Thoạt nhỉn, có lẽ hầu hết chúng ta đều có thể thấy ra một điều gì đó “giông giống” giữa hai thực hành của hai nghệ sỹ, mà người sau là người có triển lãm trước người trước, nên về nguyên tắc, có thể có một giả thiết ở đây là người trước “bắt chước” (copy) của người sau.

Tuy nhiên theo tôi, vấn đề sẽ phức tạp hơn một chút, nếu ta tìm cách đi xa hơn bề mặt để tìm cách nhận diện sự giống và khác nhau giữa hai thực hành nêu trên

Ở đây, sự giống nhau rõ nét nhất chính là ở cách cả hai nghệ sỹ này thao tác với chất liệu. Cả hai cùng sử dụng các tấm gỗ- thường chỉ có vai trò là bản khắc trong đồ họa khắc gỗ - nay được chuyển hóa thành chính bản thành phẩm. Các phiến gỗ đều được đục đẽo tay, và đều được ghép lại thành các bố bục xô lệch, và rồi được treo trên tường trong vai trò là các “bức tranh”

Tuy nhiên, theo tôi, sự giống nhau chỉ dừng lại ở mức đó. Ở đây cần phải nhấn mạnh, trong vai trò là các thực hành có tính đề hóa, khía cạnh đề tài, với các tác phẩm đương đại là một khía cạnh vô cùng quan trọng. Thật sự là, với các tác phẩm đương đại chính khía cạnh đề tài mới là phần chủ yếu tạo nên không gian diễn ngôn cho chúng, và qua đó, thực hữu hóa sự dấn thân của nghệ sỹ vào đời sống. Với các tác phẩm hiện đại thì lại khác, luôn có một số chủ đề được lặp đi lặp lại khắp thế giới như tĩnh vật, bố cục, phong cảnh hay nội thất. Với các tác phẩm dạng này, điều làm nên cái anh hoa (aura) , hay nói chính xác hơn, cái tính chứng thực ( authenticity), tính nguyên gốc (originality), và tính duy nhất (uniquity) cho mỗi tác phẩm ấy, để qua đó ngõ hầu có thể phân biệt/đánh giá các thực hành khác nhau của các nghệ sỹ khác nhau, chỉ là phong cách riêng, tài năng riêng của các nghệ sỹ thể hiện qua các yếu tố như facture, cách giải quyết các bất ngờ trong bố cục, hay bảng mầu của nghệ sỹ. Trong khi đó, trái hẳn lại, mọi thực hành đương đaị luôn phải là các thực hành có tính đề hóa và ý niệm. Chính hai khía cạnh đề hóa và ý niệm này của các thực hành đương đại đã giúp nó vượt xa khỏi lãnh địa của “tài năng thao tác” hay của “phong cách” nghệ thuật, để tiến vào lãnh địa của việc thiết tạo nên các chủ đề diễn ngôn xã hội và văn hóa. Chính bởi lý do này, mà rồi điều làm nên sự khác biệt giữa, chẳng hạn như Sherrie Levine và Walker Evans ( Sherrie Levine từng chụp lại chính tác phẩm của Walker Evanslàm tác phẩm của mình và chỉ thay tên tác phẩm và ký tên mình vào đó), hay giữa Richard Hamilton (Richard Hamilton là một trong những cha đẻ của Pop Art tại Anh), với Andy Warhol ( một tượng đài Pop Art tại Mỹ) hoặc giữa Nguyễn Văn X với Nguyễn Văn Y nào đó chính là cách tư duy, hay chủ đề diễn ngôn mà họ phát hiện ra thông qua các hành vi khái niệm hóa và tư duy.

Lẽ dĩ nhiên- bởi là các tác phẩm thị giác, sự tư duy và khái niệm hóa được bàn tới ở đây buộc phải là sự tư duy qua và bằng hình ảnh, và điều này không hề có ngoại lệ. Bởi dẫu với các tác phẩm vị niệm (conceptual art) triệt để đi chăng nữa, kể cả khi ở đó các nghệ sỹ sử dụng chữ viết làm yếu tố để tạo nên tác phẩm, cách sắp xếp chúng trong không gian cũng vẫn đòi hỏi một tư duy về/thông qua hình ảnh. Do đó, điều cần thiết lưu ý ở đây là ( và tôi rất muốn nhấn mạnh điều này) , việc cái ý niệm (the conceptual) được nâng cao không hề đồng nghĩa với việc cái thị giác ( the visual) bị xuống giá. Tình trạng như vậy sẽ chỉ dẫn tới một hiệu ứng philistine, hay tệ hơn, hiệu ứng đần hóa ( dumbing down) cho nghệ thuật, khi ở đây, mọi nỗ lực tư duy và khái niệm hóa qua hình ảnh sẽ bị quy giảm kiệt cùng để chỉ còn là các thông điệp đơn sơ- [ phục vụ cho sự diễn giải đơn sơ ( tức sự diễn giải mà trong bài viết nổi tiếng của mình, "Chống diễn giải", Susan Sontag cho là " chỉ làm bần hóa tác phẩm"] -theo dạng các thực hành cổ động (propaganda), mà mục đích cuối chỉ để “truyền thông điệp môt chiều” cho công chúng.

Trái lại, ta cần hiểu, việc cái ý niệm được nâng cao ở đây đồng nghĩa với việc nó được nâng cao qua và nhờ vào ( tôi nhấn mạnh) cái thị giác, có nghĩa là cái thị giác ở đây đã không chỉ thuần túy có tín “võng mạc” (theo cách nói của Duchamp) nữa, mà sẽ hồi phản, cộng hưởng và phát tán cái ý niệm, hợp một với cái ý niệm thành một thể thống nhất, luôn luôn chuyển động, luôn luôn mở rộng và có tính tạo sinh để sẵn sàng đối thoại với các hồi phản khác nhau từ các công chúng khác nhau- tức những người sở hữu các tiên kiến văn hóa, thị giác, kí ức, và giáo dục khác nhau. Nói cụ thể hơn, cái thị giác ở đây sẽ trở nên vừa là cầu nối, vừa là tiền đề cho cái ý niệm đạt tới độ thăng hoa của nó.

Trở lại với trường hợp của Hương Giang và Lý Trần Quỳnh Giang. Như đã nói ở trên, ngoài sự giống nhau về cách chọn và thao tác với ‘chất liệu”, nhìn ở góc độ chủ đề, theo tôi, sự khác biệt giữa hai nghệ sỹ là rất rõ. Với Lý Trần Quỳnh Giang, có thể nói chủ đề diễn ngôn của cô là một chủ đề mà ở đó, nỗi cô đơn của con người đã được đề hóa thành công thông qua các motive thị giác khắc khổ, kiệt cùng của những bàn tay co quắp hay như thể đang níu kéo một điều gì vừa trượt mất ( sao xót xa như rụng bàn tay-Hoàng Cầm), của các thân thể với những dáng vẻ không thể biết được đang trong cơn ngột hứng đến co giật cơ bắp, hay đang trong nỗi cô liêu và sợ hãi tới mức rùm ró vào nhau. Rõ ràng là với Quỳnh Giang, chất liệu các phiến gỗ cong queo, với các sắc mầu đen trắng, cùng các nhát dao khắc sâu vào thớ gỗ, tạo nên các vệt trượt chuệch choạc cố ý, đã giúp cô, tạo ra được một không gian thị giác ám ảnh, qua đó, khởi hoạt triệt để được cái ý niệm nơi tư duy nghệ sỹ. Chính sự hòa hợp này giữa cái thị giác và cái ý niệm nơi thực hành của Quỳnh Giang đã giúp cho nghệ thuật của cô đạt được thành công nhất định khi nó đã trình ra được với người xem một cuộc đối thoại, dù khó khăn, trúc trắc, song vẫn rất nối khớp và đầy bản lĩnh.

Trong khi đó, với nghệ sỹ Hương Giang, khía cạnh chủ đề diễn ngôn nơi tác phẩm của cô là hoàn toàn khác. Có thể nói, theo tôi, sự khác nhau ở khía cạnh chủ đề diễn ngôn giữa Hương Giang và Quỳnh Giang đã đạt đến mức đối cực. Nhìn từ góc độ này, theo tôi, những gì được viết trong thông cáo báo chí của nghệ sỹ Hương Giang là rất đáng quan tâm. Cho triển lãm “Những mảnh ghép”, thông cáo báo chí viết rằng:

“Hương Giang quan tâm nhiều đến tình yêu, nỗi ám ảnh của tình mẫu tử, những đứa trẻ trong hoài niệm và mong ước của người đàn bà”

Dĩ nhiên là chúng ta cũng rất nên cẩn thận với sự chênh lệch thường thấy nơi các thông cáo báo chí và thực hành thực của nghệ sỹ Việt Nam hiện nay, khi tinh trạng thông cáo báo chí một đằng và thực hành một nẻo [xẩy ra do việc nhiều khi chỉ cho đến sau khi đã treo tác phẩm, nghệ sỹ mới bắt đầu suy nghĩ về chủ đề chon nó] là không khó thấy nơi nhiều triển lãm. Tuy nhiên đây lại là trường hợp khác, và có lẽ tôi sẽ dành nó cho một bài viết khác .Ở đây tôi chỉ muốn lưu ý một chút rằng, trường hợp thông cáo báo chí một đằng và thực hành một nẻo cũng là một trong những hậu quả của việc cho tới hiện nay, với rất nhiều nghệ sỹ, cái thị giác và cái ý niệm vẫn là hai thứ riêng biệt, và thường chỉ sắm vai trò là trang sức cho nhau chứ chưa đạt tới độ trở nên một hợp thể gắn bó sinh huyết với nhau, như lẽ ra nó phải thế

Trở lại với trường hợp mối quan hệ giữa thông cáo báo chí của Hương Giang và thực hành của cô, trong sự kiện cụ thể là triển lãm Những Mảnh Vỡ, tôi tin rằng những gì được viết trong thông cáo báo chí, ít ra phần lớn của nó, là thực. Niềm tin này của tôi không hề võ đoán, mà sinh ra từ thao tác liên nối của tôi đối với thực hành nghệ thuật của Hương Giang và bản thông cáo báo chí cho triển lãm của nghệ sỹ. Trái với Quỳnh Giang, các phiến gỗ trong tổng thể tác phẩm của Hương Giang, dù ở đó ta vẫn thấy các vết trượt của đục lộng hay của dao khắc chuệch chọac trên mặt thớ gỗ, song nếu quan sát kỹ, ta sẽ còn nhận ra rằng các sự chuệch choạc ấy hình như không còn mang chở các ý tưởng về sự cô đơn đến mức cằn kiệt nữa. Có vẻ là, chính vào lúc các vết dao hay đục lộng của Hương Giang mở ra các vệt trắng ngà mềm mại trên phiến gỗ ( đôi khi những vệt này được phối hợp với màu sơn đỏ thắm , hay với các hình trang trí theo kiểu tương tự các mẫu trang trí của trào lưu Art Nouveaux-dù rõ rệt là đơn sơ hơn nhiều), ta chợt nhận ra một cảm giác gì đó khác hẳn, như thể ấm áp, ngọt mềm và thậm chí sảng khoái.

Rõ ràng là, với Hương Giang, các phiến gỗ đã không còn là địa bàn để qua đó cô đề hóa nỗi cô đơn lên đến mức thân phận của kiếp người- như trong trường hợp Quỳnh Giang. Cũng các phiến gỗ ấy, với Hương Giang, giờ đây lại trở thành một miền ngầm bí mật của tình yêu, hạnh phúc, chỉ chờ được ứa ra qua sự khai phá của nghệ sỹ, bằng các nhát dao hay đục lộng ngọt ngào và chậm rãi.

Sự đối cực nơi thực hành của hai nghệ sỹ Lý Trần Quỳnh Giang và Hương Giang, theo tôi, thậm chí còn mạnh đến mức chuyển hóa nguồn ánh sáng vật lý giống nhau vào các tác phẩm của hai người thành ra hai dạng ánh sáng có tính diễn ngôn khác nhau; Với Hương Giang, là một thứ ánh sáng ấm áp, tỏa rạng và có tính bao bọc, trong khi đó, với Quỳnh Giang, là một thứ ánh sáng của những ngọn đèn pha trong phòng tra khảo, xoáy sâu nhức nhối vào trí não của tội nhân, buộc họ phải thú nhận những gì mà họ luôn hằng giấu - nỗi cô liêu vĩnh cửu của con người.

Kết luận của tôi ở đây là; theo tôi, ở trường hợp của Lý Trần Quỳnh Giang và Hương Giang, việc (có một số ý kiến) “buộc tội” Hương Giang “đạo văn” của Quỳnh Giang hình như là hơi...vội vã. Bởi nếu đúng như tôi phân tích sơ qua ở trên, khía cạnh chủ đề diễn ngôn- tức khía cạnh quan trọng nhất cho một thực hành nghệ thuật đương đại của hai nghệ sỹ Hương Giang và Quỳnh Giang là hoàn toàn trái nghịch. Tuy nhiên, bởi khía cạnh ý niệm, như cũng đã phân tích, không hề là một khía cạnh có tính biệt lập với khía cạnh thị giác, mà ở đây, trong phạm vi của khía cạnh thị giác, -tức những gì được xây dựng nên từ chất liệu thao tác của nghệ sỹ, mà ở đây là các phiến gỗ được khắc chạm lộng và ghép lại thành các bố cục xô lệch,- Hương Giang đã, về mặt chính danh (vì là người sử dụng sau) học tập theo Quỳnh Giang ( điều này cũng đã được nói rõ rang trong bản thông cáo báo chí của nghệ sỹ). Chính vì lý do này, mà rồi với người xem nói chung, sự xuất hiện của (ít nhiều) một “cảm giác” (tôi nhấn mạnh) về sự giống nhau nơi thực hành nghệ thuật của Hương Giang và Lý Trần Quỳnh Giang là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, cũng chính vì yếu tố đề hóa của một thực hành nghệ thuật đương đại như tôi đã phân tích sơ qua ở trên, mà theo tôi vấn đề thực sự ở đây sẽ ít nằm ở câu hỏi; liệu Hương Giang có tìm cách “bắt chước” Lý Trần Quỳnh Giang hay không, khi sử dụng các phiến gỗ và thao tác khắc chạm giống như cách Lý Trần Quỳnh Giang đã sử dụng. Điều này- nói một cách cực đoan, theo tôi cũng sẽ phi lý như việc nói một nghệ sỹ nào đó copy của một nghệ sỹ khác chỉ vì nghệ sỹ ấy sử dụng cùng loại sơn dầu, cùng loại cọ, bay, và cùng khổ tranh với nghệ sỹ kia.

Vấn đề chủ yếu ở đây sẽ phải nằm ở câu hỏi, liệu với chủ đề diễn ngôn của mình, Hương Giang có đủ bản lĩnh để thao tác sao đó với dạng chất liệu (mà Lý Trần Quỳnh Giang từng sử dụng trước đây ) theo một phương cách sao đó, có thể giúp cho cái thị giác hòa hợp, bắc cầu, và phát lộ được cái ý niệm, và rồi nhờ vậy, tạo cho cách sử dụng chất liệu của mình một sức thuyết phục cao hơn cách sử dụng chất liệu mà Lý Trần Quỳnh Giang từng sử dụng hay không?

Câu trả lời ở đây, có lẽ xin nhường lại cho các bạn




Như Huy 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét