Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

Vấn đề công chúng/nghệ sĩ của nghệ thuật đương đại Việt Nam, nhìn từ mắt một giám tuyển"*

Như Huy


Hình trang bài trong tạp chí Đẹp, số 154 tháng 11 năm 2011


Như chúng ta đều biết, sự phát triển của nghệ thuật, không chỉ là sự phát triển của bản thân các kĩ thuật hay các quan niệm mỹ học đối với tác phẩm- vật thể. Hơn thế nữa, nó còn là một sự phát triển về vai trò và chức năng của nghệ sĩ và công chúng, trong mối quan hệ với nhau, cũng như trong mối quan hệ với tác phẩm nghệ thuật.

Lấy ví dụ, đã có một khoảng cách rất dài từ quan niệm của triết gia Immanuel Kant, thế kỷ 17, về nghệ thuật như một lãnh địa của cái đẹp, của mỹ thuật, đặt cơ sở trên tài năng tạo tác của một thiên tài với quan niệm của triết gia Arthur C. Danto vào những năm cuối thiên niên kĩ trước khi tuyên xướng về việc “ bất kỳ vật thể nào cũng có thể là một tác phẩm nghệ thuật, miễn là nó được một cộng đồng lý thuyết gia cung cấp cho một nghĩa lý thuyết xuyên suốt và đồng bộ”. Chính quan niệm đầu tiên đã dẫn đến việc coi vai trò của nghệ sĩ như một kẻ sở hữu tính độc nhất vô nhị, tính không lặp lại của nghệ phẩm, và rồi dẫn tới quan niệm về công chúng như thể một kẻ chiêm ngưỡng thụ động, đứng trước tác phẩm với một “độ lùi phê phán”,trong khi đó, quan niệm thứ hai chắc chắn đã dẫn tới quan niệm về việc bất kỳ điều gì cũng có thể trở nên một tác phẩm nghệ thuật và dĩ nhiên, theo đó, bất kì ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ.


Immanuel Kant


Arthur C. Danto


Dĩ nhiên, hai cặp quan niệm đối lập của Kant và của Arthur C. Danto về nghệ sĩ, công chúng, và nghệ phẩm chỉ là hai trong số ( ít ra) là gấp mười lần chúng sinh ra trong sự phát triển của nghệ thuật từ thế kỉ thứ 17 tới nay

Việc đưa ra ví dụ trên của tôi không hề theo nghĩa làm cho sự việc đã rối càng rối thêm lên. Vấn đề ở đây không nên được nhìn nhận theo kiểu khoa học duy nghiệm, mà ở đó luôn phải có một kết quả đúng nhất, đứng trên tất cả các kết quả khác. Trái lại, theo tôi, cách tiếp cận các vấn đề thuộc lãnh vực nghệ thuật và văn hoá, luôn được xây dựng trên mô hình của một cuộc đối thoại hai chiều. Nói cách khác, khác với một cuộc tranh cãi, hay một cuộc thuyết phục, mô hình của một cuộc đối thoại luôn được xây dựng trên cơ sở của hành vi lắng nghe lẫn nhau, hành vi tìm cách thấu hiểu người đối thoại, hay hành vi tự do phát triển các chủ đề đối thoại theo những hướng bất ngờ nhất. Và theo đó, thành quả của một cuộc đối thoại không phải là việc bên đối thoại này thuyết phục được bên đối thoại kia về điều gì. Trái lại, thành quả thực sự của một cuộc đối thoại phải là việc mỗi bên đối thoại đều mở rộng được tầm nhìn của mình về thế giới, không phải qua hành vi ngăn chặn những gì khác với mình, mà qua hành vi thông dịch những gì khác với mình vào những gì quen thuộc với mình

Lấy ví dụ cụ thể hơn, chẳng hạn như trong một cuộc đối thoại giữa tác phẩm của một nghệ sĩ theo quan điểm của Arthur C. Danto với một công chúng tin tưởng vào quan điểm của Kant về nghệ phẩm và nghệ sĩ chẳng hạn. Dĩ nhiên, từ góc độ cơ sở, hai quan niệm này là trái nghịch nhau. Tuy nhiên, điều này theo tôi không hề ngăn cản người xem theo quan điểm của Kant tìm cách đối thoại với tác phẩm nọ nhờ vào hành vi thông dịch của bản thân. Ví dụ như với người xem này, (chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm của Kant về mỹ thuật và khiếu thẩm mỹ, điểm cốt yếu của nghệ sỹ phải là tài năng thiên bẩm, tức điều không ai có thể có được ngoài anh ta)- khi xem tác phẩm của một nghệ sĩ theo quan điểm của Arthur C. Danto (ví dụ tác phẩm của Andy Warhol chẳng hạn- là một đống hộp xà phòng brillo, được nghệ sĩ làm lại giống y đúc các hộp xà phòng brillo bán ở siêu thị,), hẳn anh ta sẽ rất khó cho rằng đây là một nghệ phẩm, mang chứa cái đẹp, và được một tài năng thiên bẩm tạo ra theo nghĩa nghệ phẩm đó độc đáo, không giống ai từ trước tới nay.


Tác phẩm hộp xà bông Brillo của Andy Warhol-là các hộp bằng gỗ được chế tác vô cùng khéo léo và tinh xảo trông y như những hộp xà bông Brillo thật, bằng giấy bán đầy ở siêu thị


Bức tượng David của Michelangello

Tuy nhiên, nếu chẳng hạn công chúng này có ý định đối thoại với nghệ phẩm của Andy Warhol. Tôi cho rằng anh ta vẫn có thể đối thoại dược, dựa trên hành vi thông dịch. Ví dụ, anh ta có thể thông dịch rằng, tuy về mặt kỹ thuật tạo tác sản phẩm, Andy Warhol không hề làm điều gì độc đáo theo kiểu Michelangello, người bằng tài năng tạo tác của mình, tạo nên bức tượng David mà sau đó không ai có thể bắt chước. Song về mặt ý tưởng, ý niệm, chính Andy Warhol đã là một thiên tài, bởi trước ông, chưa hề ai có thể nẩy ra ý tưởng mô phỏng lại một đồ vật tầm thường, đưa nó vào khung cảnh nghệ thuật, và rồi cấp nghĩa nghệ thuật cho nó. Nhìn về mặt lý thuyết, hành vi này của Andy warhol cũng không phải là không có sự tiếp nối từ truyền thống- ví dụ, nó có sự tiếp nối từ hành vi vô tiền khoáng hậu của Duchamp, khi ông này dám mang một cái bồn tiểu bỏ vào gallery và coi nó là tác phẩm nghệ thuật, và trở nên cha đẻ của nghệ thuật vị niệm (conceptual art). Như vậy, nhìn từ góc độ thông dịch, tác phẩm các hộp xà phòng brillo của Andy Warhol, trong trường hợp này, đã được thông dịch toàn bộ qua quan niệm về tài năng thiên bẩm, hay sự sáng tạo độc nhất vô nhị theo quan niệm về nghệ phẩm của Kant. Và cũng chính tại khoảnh khắc này, một moment đối thoại đã được tạo ra, nhờ đó, người xem đã tìm được lối tiếp cận vào một tác phẩm nghệ thuật khác-hoàn-toàn với quan niệm về tác phẩm nghệ thuật của mình.

Cũng như một cuộc đối thoại trong đời thực, các định kiến có trước là điều không ai trong chúng ta không có. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta cần sẵn sàng để cải biến các định kiến trong quá trình đối thoại. Ở đây, tôi muốn đề cập tới một điểm khác, mà tiếng Anh gọi là Will, tôi xin dịch tạm là “khao khát/ý chí”. Cũng như một người có sự sáng tạo, có tài năng tạo tác phải cần có sự khao khát để qua đó chuyển hoá bản thân thành một nghệ sĩ, một người ghé xem triển lãm cũng cần phải có khao khát này để nhờ đó trở thành một công chúng. Sự thật cho thấy là, chỉ khi sở hữu khao khát này, một người ghé xem triển lãm mới có thể trở thành một công chúng đúng nghĩa, nhìn từ góc độ, là một thành phần đối thoại với tác phẩm nghệ thuật.

Lâu nay chúng ta có vẻ như chưa hẳn đã rạch ròi trong quan niệm này về công chúng. Hay nói đúng hơn, lâu nay chúng ta vẫn chỉ dựa vào thước đo “gout” hay “taste” ( khiếu thẩm mỹ), để định vị công chúng nghệ thuật. Thực ra, chính thước đo này không hề là điều gì có sẵn từ khi khai thiên lập địa. Nói cho chính xác, đây là một vật tạo chế văn hoá (cultural artifact), và chỉ trong vòng thế kỷ 17, nhân vật người có khiếu thẩm mỹ (the man of taste) mới bắt đầu xuất hiện trong xã hội châu Âu. Đây là một ý niệm được hình thành vào thời điểm thế kỉ 17, trùng với thời điểm ra đời của học thuyết của Kant về Mỹ học/Cảm năng học và theo đó, là về cái đẹp, về Mỹ thuật và về tài năng thiên bẩm. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên rằng quan niệm này về công chúng nghệ thuật lắp vừa khít với quan niệm về cái Đẹp của Kant, khi ở đó, công chúng đích thực nghệ thuật là kẻ có khả năng nhận ra cái Đẹp từ tác phẩm nghệ thuật .

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, với sự phát triển vô tiền khoáng hậu, không chỉ ở các cách quan niệm về nghệ thuật từ thời Kant cho đến nay, mà còn ở chính các công cụ tiếp nhận và cảm thụ tác phẩm nghệ thuật từ đó tới này ( ví dụ sự ra đời của máy ảnh, của điện ảnh, của video, của các công cụ số hoá), quan niệm về công chúng nghệ thuật đặt cơ sở trên khiếu thẩm mỹ, vào thời điểm này, chắc chắn là không đầy đủ.


Buổi thảo luận tại Ga 0 (www.zerostationvn.org) về giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam với thành phần tham dự là công chúng, nghệ sĩ, nhà báo, nhà sưu tập, trong dự án "làm thế nào trở thành nghệ sĩ" của Tạ Mỹ Nhàn


Buổi thảo luận giữa giám tuyển và công chúng tại Ga 0

Theo tôi, vào thời điểm hiện tại, và nhất là tại Việt Nam, chính cái ý chí, hay cái khao khát trở thành công chúng nghệ thuật mới là điểm lõi cốt để phân biệt một công chúng nghệ thuật và một người ghé xem tác phẩm. Chính ý chí hay khao khát này mới xác định và mới tạo động lực đối thoại cho một người xem, hơn thế nữa, mới tạo cho anh/chị ta nỗ lực tìm hiểu về tác phẩm, về nghệ sĩ, cũng như vượt qua được các trở ngại khác trong hoàn cảnh cơ sở hạ tầng về nghệ thuật yếu kém của nghệ thuật Việt Nam hiện tại để đạt tới một cuộc đối thoại trung thực, và có tính sáng tạo với các tác phẩm nghệ thuật khác với tiêu chuẩn cũ của anh hay chị ta. Nếu không có đủ cái ý chí hay khao khát này, tôi cho rằng sẽ rất khó có bất kỳ một cuộc đối thoại nào xảy ra được, và như vậy, các vách ngăn cố hữu giữa nghệ thuật đương đại và công chúng tại Việt Nam sẽ chỉ ngày càng sâu thêm qua các cuộc triển lãm mà thôi.

Về phần nghệ sĩ, theo tôi, khi đang hoạt động tại Việt Nam, cũng rất cần phải có một ý thức về đối thoại. Tuy nhiên, với các nghệ sĩ, theo tôi, ý thức đối thoại này chủ yếu là rất cần ở giai đoạn hậu sản xuất, tức giai đoạn triển lãm hay trình diễn/trình bày tác phẩm. Thực tế cho thấy là, dù có rất nhiều các nghệ sĩ có những tác phẩm không hề xoàng, tuy nhiên, ý thức về đối thoại của nghệ sĩ trong quá trình xây dựng và trình bày tác phẩm lại rất yếu. Ý thức này không hề là một điều gì trừu tượng. Nó nằm ở ngay các hành vi như viết statement, ở thái độ xây dựng khi tham gia đối thoại với công chúng trong các cuộc artist hay curator talk.

Thực sự là, trong hoàn cảnh Việt Nam hiện tại, việc đòi hỏi công chúng phải tự mình “đi mà hiểu” tác phẩm của nghệ sĩ là một việc rất khó. Cơ sở giáo dục nghệ thuật của Việt Nam rất yếu kém. Sách vở lý thuyết về nghệ thuật tại Việt Nam hầu như vắng bóng. Các không gian bảo tàng, gallery tại Việt Nam hầu như không hề tồn tại các chương trình giáo dục nghệ thuật, thậm chí theo kiểu thường thức. Vì lẽ đó, một thái độ “đóng” về đối thoại của bất kỳ bên này ( nghệ sĩ) hay bên kia ( công chúng), trong hành vi truyền thông với nhau, cả ở góc độ triển lãm nghệ thuật lẫn góc độ hậu sản xuất, chắc chắn sẽ chỉ tạo ra hố sâu ngăn cách giữa nghệ sĩ và công chúng, và dĩ nhiên là sẽ dẫn tới một hậu quả nhãn tiền là việc, vì đánh mất mối quan hệ cả về mặt đời sống lẫn mặt diễn ngôn với công chúng, nghệ thuật đương đại rơi vào vị thế của một biệt cư trong đời sống và qua đó, đánh mất đi vai trò, hay ý nghĩa của nó trong đời sống thực tại của con người.

Như vậy, để đạt tới một cuộc đối thoại, để vượt qua các hạn chế về mặt định kiến cố hữu nhờ đó một cuộc đối thoại sẽ xảy ra và tạo cơ hội mở rộng tầm nhìn, về mặt người xem, họ cần phải có khao khát hay ý chí để trở thành công chúng, và về mặt nghệ sĩ, họ phải có ý thức về tính đối thoại của tác phẩm nghệ thuật và ý thức này nên hiện diện trong nghệ sĩ, không chỉ ở quá trình tạo nên tác phẩm (thông qua các bước nghiên cứu, khảo sát kĩ lưỡng về chủ đề mà mình tiếp cận), mà còn ở các hành vi cụ thể trong quá trình hậu sản xuất, như việc viết statement, việc in ấn catalogue, hoặc việc tham dự các cuộc artist talk với một thái độ mang tính xây dựng.

Không phải sự thiếu vắng các cơ sở hạ tầng giáo dục và lý thuyết nghệ thuật tại Việt Nam, mà chính sự thiếu vắng ý chí hay khao khát trở thành công chúng nghệ thuật nằm ở khu vực người xem tác phẩm, và sự thiếu vắng ý thức về tính đối thoại của nghệ phẩm nằm ở khu vực các nghệ sĩ mới là nguyên nhân chính cho sự đi chậm của nghệ thuật đương đại Việt Nam so với thế giới. Ý thức rõ về nguyên nhânnày, và tìm cách cải biến nó, theo tôi sẽ là một bước tiến quan trọng , và tạo ra tác dụng vô cùng lớn lao, không chỉ làm thay đổi khuôn mặt nghệ thuật Việt Nam, mà còn tạo ý nghĩa cho chính các thực hành nghệ thuật đương đại, giúp chúng không trở thành các trò chơi tiền phong, phần nào vô bổ, trong các biệt cư tự hài lòng với nhau.



*tựa đề trên tạp chí Đẹp số 154 tháng 11 năm 2011 "là Khi công chúng không buồn đối thoại*". Bản trên Đẹp cũng là bản rút gọn so với bản này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét