Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Hai tác phẩm của hai tác giả nữ tại Festival mỹ thuật trẻ năm 2011*

Như Huy


Nhìn từ một góc độ nào đó, thực hành nghệ thuật đương đại phải là một thực hành có tính đề hoá. Trái với các thực hành nghệ thuật đặt cơ sở hoàn toàn vào sự tương tác thị giác thuần tuý của người xem với tác phẩm- tức dạng thực hành nghệ thuật mà Duchamp gọi là “nghệ thuật võng mạc” (retinal art) , một thực hành đương đại sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu không tự mình đề hoá được một chủ đề diễn ngôn (dĩ nhiên cũng phải thông qua các hiệu ứng thị giác). Vì sao lại như vậy? Như chúng ta đều biết, một trong những động lực cho sự chuyển mình của nghệ thuật từ hiện đại tới đương đại chính là động lực chính trị và xã hội. Ở đây, trong luồng xoáy của động lực này, nghệ sĩ chợt khám phá ra vai trò của họ không chỉ là những nhà thuần tuý chủ nghĩa về mỹ học mà buộc phải là một kẻ “đọc văn bản chính trị xã hội”, và qua việc đọc ấy của mình, trình bày ra một góc nhìn riêng, mà trong góc nhìn đó, thực tại và bình luận của bản thân họ là không thể tách rời

Tuy nhiên ở đây ta cũng phải tỉnh táo để không rơi vào một góc nhìn đậm chất philistine về tính chính trị xã hội trong một thực hành nghệ thuật. Yếu tính chính trị, xã hội trong một thực hành nghệ thuật không hề là một bảo chứng tối cao cho sự thành công của nó. Trái lại, bởi là một tác phẩm nghệ thuật (techne)(1), nó cần phải làm lộ ra điều gì đó, làm cho điều gì đó xuất hiện ra, hay nói theo cách của Heidegger, thông qua tác phẩm nghệ thuật, sự thật phải được hiển lộ ra. Một tác phẩm nghệ thuật, nếu không làm cho sự thật được hiển lộ ra, mà chỉ dừng lại ở mức nói-về-sự-thật, hay nói cách khác, chỉ lấy sự-thật làm đề tài, chỉ là một tác phẩm xoàng. Chính ở đây tồn tại sự khác biệt giữa đề hoá (thematization) và chủ đề. Lấy ví dụ, rất có thể sẽ có một tác phẩm nào đó lấy phụ nữ, hay tính nữ, làm chủ đề. Tuy nhiên việc lấy phụ nữ hay tính nữ làm chủ đề này không thể là cơ sở đảm bảo tối cao cho việc nó là một tác phẩm thành công. Trái lại, việc đề hoá, phải là một công việc đặt cơ sở trên sự nghiên cứu sâu xa, trên sự cá nhân hoá của nghệ sĩ vào một chủ đề chung, và trên hết là trên sự độc đáo trong các cách xử lí chất liệu thị giác của mỗi nghệ sĩ, tức sự độc đáo sinh ra từ tiến trình đồng hoá cái cá nhân của nghệ sĩ vào cái chủ đề chung. Chỉ trên cơ sở này, một tác phẩm thành công sẽ là một tác phẩm mà ở đó sự thật được hiển lộ - thông qua sự hài hoà tuyệt đối giữa tất cả các hiệu ứng thị giác với chủ đề được đề hoá, hay nói cách khác, một tác phẩm thành công không phải là một tác phẩm mà ở đó chủ đề này hay chủ đề khác được đề cập, nhưng nó phải là nơi mà cái chủ đề, thông qua quá trình được đề hoá thành công, đã trở nên hợp nhất toàn bộ với mọi yếu tố và hiệu ứng thị giác của bản thân tác phẩm từ đó đạt tới tầm mức diễn ngôn, qua đó mở ra được các khả thể đồng sáng tạo cho người xem.

Trong bài viết này, tôi muốn đề cập tới hai tác phẩm của hai tác giả nữ, một ở Hà Nội, một ở Huế, cùng tham gia festival mỹ thuật trẻ năm 2011. Theo tôi, với hai tác giả này, chủ đề nữ, không chỉ đã được đề cập, mà còn đã được đề hoá thành công theo hai cách khác nhau, và qua đó, tạo nên hai không gian diễn ngôn riêng biệt rất đáng chú ý cho nghệ thuật Việt Nam gần đây.

Tác phẩm “ Sự nở“ của Nguyễn Thị Lan

Khi bước vào trong một căn phòng vuông vắn, khoảng 12 mét vuông, người xem hẳn sẽ cảm thấy bị áp đảo bởi cách sắp xếp của một cuộn vải lớn, trông vừa như thể một đoá hoa khổng lồ, vừa như thể một cơ quan nội tạng siêu thực, vừa như thể cửa vào một đường hầm kì bí. Điểu đặc biệt ở đây là, cảm giác chung siêu ngợp của người xem dường như rất khó cắt nghĩa. Họ không thể biết được họ đang đứng trước điều gì và phải ứng xử ra sao trong không gian hẹp này. Dưới các nếp vải mềm mại thả từ trần xuống bừng lên ánh sáng xanh biếc huyền bí, song bản thân hình khối được sắp xếp lại từ tấm vải lớn này- là một hình lỗ tròn ở giữa với các ống toả ra bốn phía lại gợi lên ẩn dụ có tính cụ thể về âm hộ


Tác phẩm "sự nở" của Nguyễn Thị Lan ( nghệ sĩ Huế)

Tác phẩm được nghệ sĩ đặt tên là "sự nở"- cái tên hàm ý (như nghệ sĩ xác nhận trực tiếp với tôi) -vừa là về sự nở hoa, vừa là về sự sinh nở. Rõ ràng ở đây, nghệ sĩ đã đề cập trực tiếp về một khoảnh khắc đẹp đẽ và viên mãn nhất của mọi phụ nữ, khoảnh khắc sinh nở. Không gian này đã chính là một không gian được tạo ra để soi chiếu về khoảnh khắc đó.

Tuy nhiên, bất chấp việc các hàm ý về hình ảnh và ngay cả tên tác phẩm đều có tính rất cụ thể hàm chiếu về tính nữ, theo tôi, ở đây nghệ sĩ hoàn toàn không tìm cách đưa ra một góc nhìn bản chất luận có tính gây hấn. Chúng ta đều biết âm hộ phụ nữ từng được các nghệ sĩ nữ quyền thời kì đầu sử dụng như thể một hình ảnh để đưa ra các thông điệp có tính bản chất luận, mà ở đó, tính nữ hay phụ nữ là điều được tôn vinh. Trong tác phẩm “bữa tiệc tối” (dinner party) của nghệ sĩ Judy Chicago, được trình bầy lần đầu vào năm 1979. Judy Chicago đã đặt lên trên các chiếc bàn được sắp xếp theo hình tam giác các đĩa an mà ở trên đó có hình cánh bướm hoặc các đoá hoa hình âm hộ kèm theo tên tuổi của các nghệ sĩ hay nhà khoa học nữ thành công. Gần đây hơn, nghệ sĩ nữ Trung Quốc Chen Lingyang đã lại sử dụng âm hộ một cách trắng trợn hơn , khi trong tác phẩm 12 tháng hoa ( twelves months of Flowers) của mình vào năm 2000, cô chụp âm hộ của bản thân khi đang trong kì kinh nguyệt, và sử dụng hình ảnh ấy để thiết kế nên các bức ảnh với định dạng theo các cách trang trí truyền thống của nghệ thuât và kiến trúc Trung Hoa. Chiến thuật của cả hai nghệ sĩ này, dù cách xa nhau một khoảng cách thời gian hai thập kỉ, và khoảng cách địa lí tầm châu lục, theo tôi đều có sự tương đồng ở việc họ đều tìm cách vinh danh cái gọi là một bản chất nữ để gây hấn với xã hội tuân theo một hệ phân cấp vừa vô thức, vừa ý thức mà ở đó nam giới luôn ở đẳng cấp cao hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận bản chất luận này đã bị các nhà nữ quyền thuộc thế hệ thứ hai phản đối, họ cho rằng ngay cả cái gọi là tính nữ cũng chỉ là điều gì đó do các bộ chuẩn tắc của nam giới tạo ra. Có nghĩa rằng họ cho là bản thân các bộ đặc tính nào đó, như dịu dàng, mềm mại, hay tinh tế, tức những đặc tính thường được quy cho nữ giới, là điều gì không có thực. Thật ra, đó chính là do cấu trúc của các bộ chuẩn tắc văn hoá đặt cơ sở trên mối quan hệ nhị phân. Do đó, nỗ lực của các nhà nữ quyền thuộc thế hệ thứ hai không hề tìm cách đi sâu vào cái gọi là tính nữ theo kiểu bản chất luận, mà mục tiêu của họ là nhằm tới việc giải kết cấu chính bộ chuẩn tắc văn hoá. Cách tiếp cận này có thể thấy rõ qua thực hành của nhóm nữ du kích, mà tiêu biểu là việc nhóm này viết lại sách về lịch sử nghệ thuật. Cuốn sách của họ mang tên “ sách hướng dẫn gối đầu giường về lịch sử nghệ thuật phương Tây của các nữ du kích” (The guerrilla girls’ bedside companion to the History of Western Art) . Trong cuốn sách này, bằng giọng điệu biếm giễu, các nữ du kích đòi hỏi phải đưa thêm các nghệ sĩ nữ vào lịch sử nghệ thuật. thậm chí họ đòi hỏi các giám tuyển nghệ thuật phải theo học các khoá nâng cao về lịch sử của ngành làm mền, tức một thực hành mà nhiều nữ nghệ sĩ nô lệ ngày xưa đã sử dụng để tạo ra các tác phẩm mền đẹp đẽ.


Tác phẩm bữa tiệc tối của Judy Chicago


tác phẩm "mười hai tháng hoa" của nghệ sĩ Chen Lingyang


“ sách hướng dẫn gối đầu giường về lịch sử nghệ thuật phương Tây của các nữ du kích” (The guerrilla girls’ bedside companion to the History of Western Art)

Điểm sơ lược qua sự phát triển của hai quan điểm nữ quyền luận thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai ở đây, mục đích của tôi nhằm nhấn mạnh rằng, theo tôi, việc nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Lan tạo nên một không gian với các ám gợi cả về không gian (thầm kín, riêng tư, huyền bí) cả về hình ảnh thị giác (hình ảnh âm hộ đang phô ra) hoàn toàn không phải là một cách tiếp cận có tính bản chất luận. Việc đây không chỉ là một không gian kiểu thầm kín, riêng tư và kín đáo của một âm hộ, mà hơn thế nó là không gian của sự huyền bí, đẹp đẽ và tinh tế của một khoảnh khắc khai hoa nở nhuỵ, khoảnh khắc sinh nở, theo tôi đã vượt hoàn toàn khỏi các mối quan tâm cả về bản chất luận, lẫn về cấu trúc văn hoá để đạt tới cái nhìn mang tính nhân bản bao quát hơn về con người. Ở đây điều quan trong không nằm ở việc ta nên coi nữ hay nam là kẻ quan trọng hơn trong thế giới này, hoặc nên tìm cách giải kết cấu cấu trúc xã hội và văn hoá do nam giới tạo nên. Điều quan trọng ở đây là việc bất kể dẫu là nữ hay nam, trong không gian đầy ấm áp, huyền bí, bao dung được tạo nên từ sự mịn màng của bề mặt vải, từ ánh sáng huyền ảo lấp lánh phía dưới mặt vải, từ cảm xúc được che chở, kín đáo và thân tình của toàn bộ căn phòng, dường như tất cả chúng ta đều đã được đem trở lại cái không gian tâm lý và vật lý quen thuộc nơi lòng mẹ, qua đó tìm lại mối quan hệ có tính cơ sở nhất của chúng ta với cơ thể chúng ta .

Tác phẩm "Nếp gấp" của Nguyễn Thị Diệp

Trái với cách tiếp cận có tính toàn nhập của Lan, mà ở đó, người xem được tạo cơ hội không chỉ thưởng thức mà còn đi vào trực tiếp, theo nghĩa đen, các hàm ngụ và thậm chí toàn bộ không gian tác phẩm, tác phẩm “nếp gấp”của Nguyễn Thị Diệp, một nữ nghệ sĩ Hà Nội, lại cho thấy một cách thức tư duy sắc sảo, tinh tế và không kém phần hóm hỉnh về chủ đề tính nữ

Tác phẩm của chị là một số vật dụng làm bằng gốm, tuy nhiên, ở đây, chúng không xuất hiện trong trạng thái bình thường. Hai chiếc bình gốm dài, một chiếc ấm, một chiếc bình tròn và một đôi đũa gốm, tất cả đều được “gấp” lại, theo kiểu các bộ quần áo được gấp lại gọn gàng. Cuối cùng, tất cả chúng đều được sắp xếp gọn ghẽ trên một chiếc bàn nhỏ, xinh xắn.


tác phẩm "Nếp gấp" của Nguyễn Thị Diệp ( nghệ sĩ Hà Nội)

Dù bề mặt, đây là một tác phẩm dễ nhìn, có vẻ trong trẻo, song tôi cho rằng tính phê phán của nó rất cao và đạt tới một tầm cấp diễn ngôn.

Về mặt chất liệu, gốm là một dạng chất liệu thường được quy cho vẻ đẹp á Đông, vẻ đẹp của sự dịu dàng, bền bỉ-ít ra là so với đồng, sắt hay thép. Gốm cũng gắn với các thao tác thủ công, cần tới sự khéo léo và kiên nhẫn, sự nhạy cảm, tức tất cả những gì thường được coi là các đặc tính tiêu biểu cho nữ giới, nhất là nữ giới Việt Nam.

Tuy nhiên, ở đây, trong tác phẩm “nếp gấp”, những vật dụng trang trí đẹp mắt- là các bình gốm được sắp xếp trên một mặt bàn nhỏ, y như kiểu những bộ quần áo được bàn tay của một phụ nữ đảm việc nhà xếp ngay ngắn trong tủ - đã bị làm biến nghĩa. Bản thân sự gọn gàng, ngay ngắn, và khéo léo ấy, qua tác phẩm của Diệp, đã bị cường điệu hoá để trở nên sự nghịch dị, và theo đó, sự đảm đang (thường được quy như một đặc tính đẹp đẽ của nữ giới) cũng đã bị cường điệu hoá để trở thành một trò đùa, một sự biếm giễu, hay môt bình luận phê phán vào chính tính đảm đang

Có thể coi đây là một trò đùa, song không hẳn vậy. Bởi sự tiếp cận rất thông minh và hóm hỉnh của Diệp, trò đùa này không chỉ dừng lại ở tầm mức một sự gây hấn, trêu chọc, mà còn là một lối bình chú đầy sắc sảo. Có thể nói, chính vì tính biếm giễu thông minh của nó, mà bản thân tác phẩm này của Diệp, giống như tác phẩm của Lan, song theo một kiểu khác, đã vượt khỏi thao tác kiểu tranh giành quyền lực – ví dụ như theo kiểu tác phẩm của Judy Chicago hay của Chen Lingyang, để đạt tới một dạng hành vi minh triết, hóm hỉnh, đầy chất hậu hiện đại. Trái với các dạng hành vi phê phán tự làm kiệt quệ bản thân trong mục đích tranh giành quyền lực, hay trong các thái độ kịch tính đậm chất sân khấu (mà theo tôi, nhiều nghệ sĩ Việt Nam làm việc với chủ đề Nữ thường sử dụng), sự hóm hỉnh và do đó, sự minh triết trong tác phẩm của Nguyễn Thị Diệp đã cho thấy khả thể của một lối tiếp cận nữ quyền khác. Trong lối tiếp cận này, bản thân kẻ phê phán, đã không tìm cách chiến thắng theo nghĩa đổi vế của mối quan hệ quyền lực giữa nam và nữ. Hơn thế, bằng chính sự giễu nhại vào cách nam giới diễn giải nữ giới, lối phê phán này thậm chí đã tìm cách giải hoá bản thân mối quan hệ quyền lực có tính nhị phân này.

Kết luận

Cuối cùng, xin trở lại với sự phân biệt được đặt ra ở đầu bài viết, tức sự phân biệt giữa một tác phẩm có chủ đề về Nữ hay tính nữ, và một tác phẩm, qua các hiệu ứng thị giác và tư duy của nó, đề hoá thành công chủ đề vê Nữ hay tính Nữ.

Theo tôi hai tác phẩm “sự nở” của Nguyễn Thị Lan, và “nếp gấp” của Nguyễn Thị Diệp, đều đã phần nào thành công trong việc đề hoá Nữ hay tính Nữ. Ở đây, chính tính Nữ hay Nữ đã trở nên một dạng chủ đề diễn ngôn, tức dạng chủ đề được tạo nên bằng sự suy ngẫm thông qua các hiệu ứng và yếu tố thị giác, chứ không phải chỉ được minh hoạ sơ sài bằng các tuyên bố kiểu cổ động hay bằng các hình ảnh một chiều về cơ thể phụ nữ - hoặc được tôn vinh như vẻ đẹp vĩnh cửu, hoặc được lâm li hoá trong một màn hành xác để vạch tội giống đực.

Tính nữ, hay Nữ xuất hiện ở đây không phải như một đề tài mà việc bình chú về nó một cách tích cực hay tiêu cực, kịch tính hay êm đềm chỉ là một công việc việc đậm chất minh hoạ. Trái lại, trong cả hai tác phẩm này, tính Nữ hay Nữ đã trở nên một địa bàn mở ra cho sự khám phá, cho sự phát hiện, cho sự khảo dò và trên hết, cho sự hân hưởng về mặt thị giác. Nói một cách khác, ở hai tác phẩm này, theo hai cách khác nhau, cái ý niệm (the conceptual) và cái thị giác (the visual) đã hợp một được với nhau, và qua đó tạo nên một địa bàn có tính diễn ngôn, mở ngỏ cho các suy tư tiếp nối của người xem chứ hoàn toàn không hạn định họ vào bất kỳ một vòng kim cô có tính tuyên truyền nào.

Vì lẽ đó, theo tôi “ Sự nở” và “nếp gấp” chính là hai tác phẩm thành công


----
* Festival mỹ thuật trẻ, khai mạc ngày 28-11, tại Trung tâm triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 vân Hồ, Hà Nội, và sẽ kéo dài tới ngày 9 tháng 12 năm 2011

1-Theo Heidegger, chữ techne của người Hy lạp được họ dùng để nói về nghệ thuật, hoàn toàn không đơn thuần là một chữ có nghĩa kĩ năng, hay kĩ thuật. Hơn thế, nó còn là một mẫu nhận thức. Trước khi biết ta phải thấy đã, có nghĩa là phải hiểu những gì đang có ở đó. Do vậy, techne, trong vai trò là một nhận thức được nghiệm trải theo kiểu của người Hy lạp, chính là một sự làm cho yếu tính được lộ ra ngoài, tức làm cho bản chất bị che giấu của sự vật được khai mở. Nhìn từ góc độ này, techne (nghệ thuật) không hề hàm chỉ đơn thuần một hành vi khéo léo.Vì lẽ đó, sáng tạo phải có nghĩa làm cho điều gì đó từ bên trong xuất hiện ra ngoài, hiển lộ ra [Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật ( the origin of the work of art) , trong Thi ca, ngôn ngữ, tư tưởng (Poetry, language, thought) Martin heidegger, tr.57-58, bản tiếng Anh do Albert Hofstadter dịch và giới thiệu, Harper and Row xuất bản năm 2001]

1 nhận xét:

  1. "Có thể coi đây là một trò đùa, song không hẳn vậy. Bởi sự tiếp cận rất thông minh và hóm hỉnh của Diệp, trò đùa này không chỉ dừng lại ở tầm mức một sự gây hấn, trêu chọc, mà còn là một lối bình chú đầy sắc sảo. Có thể nói, chính vì tính biếm giễu thông minh của nó, mà bản thân tác phẩm này của Diệp, giống như tác phẩm của Lan, song theo một kiểu khác, đã vượt khỏi thao tác kiểu tranh giành quyền lực – ví dụ như theo kiểu tác phẩm của Judy Chicago hay của Chen Lingyang, để đạt tới một dạng hành vi minh triết, hóm hỉnh, đầy chất hậu hiện đại. Trái với các dạng hành vi phê phán tự làm kiệt quệ bản thân trong mục đích tranh giành quyền lực, hay trong các thái độ kịch tính đậm chất sân khấu (mà theo tôi, nhiều nghệ sĩ Việt Nam làm việc với chủ đề Nữ thường sử dụng), sự hóm hỉnh và do đó, sự minh triết trong tác phẩm của Nguyễn Thị Diệp đã cho thấy khả thể của một lối tiếp cận nữ quyền khác. Trong lối tiếp cận này, bản thân kẻ phê phán, đã không tìm cách chiến thắng theo nghĩa đổi vế của mối quan hệ quyền lực giữa nam và nữ. Hơn thế, bằng chính sự giễu nhại vào cách nam giới diễn giải nữ giới, lối phê phán này thậm chí đã tìm cách giải hoá bản thân mối quan hệ quyền lực có tính nhị phân này."
    Có thể coi đây là đoạn bình luận hay của Như Huy trong những năm gần đây

    Trả lờiXóa