Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Thuật ngữ "Khái Niệm" (được hiểu trong bối cảnh triết học Kant)

Khái niệm (Anh:concept, Đức:Begrieff), xem thêm PHẠM TRÙ, NHẬN THỨC HỌC, TƯỞNG TƯỢNG (SỰ), SIÊU HÌNH HỌC, BIỂU TƯỢNG, TỔNG HỢP(SỰ), GIÁC TÍNH, NHẤT THỂ(SỰ)*

------

Chữ tiếng Đức cho thuật ngữ khái niệm là Begrieff, dịch ra từ quá khứ phân từ của động từ Latin Concipere: “ nắm bắt lại, lấy và cầm giữ” Trong vai trò một danh từ, nó không xuất hiện trong từ vựng triết học cho mãi tới cuối thế kỷ 17, trước đó, nó có nghĩa một “ tóm lược nhanh” ( provisional sketch) về một tài liệu hay thỏa thuận pháp lý, hay thậm chí một hình tượng thi ca. Nó được sử dụng lần đầu tiên trong văn cảnh nhận thức học và lo-gic học của Leibniz, chủ yếu có lẽ trong tác phẩm quan trọng Suy tư về nhận thức, chân lý và ý niệm [Meditations on Knowledge,Truth and Ideas] (1784, xem Leibniz, 1976, tr 291-5). Cuốn sách này đặt tên cho sản phẩm của sự khái niệm hóa là “khái niệm”, một thuật ngữ chế tác (neologism) cố ý nhằm chống lại việc lệ thuộc theo kiểu Descartes vào những thuật ngữ như “ ý niệm”(idea)“quan niệm”(conception) [mặc dù vậy, Leibniz cũng sử dụng cả những thuật ngữ này].

Thuật ngữ chế tác này đã được Wolff chấp nhận trong tác phẩm Lo-gic của ông, và nhờ đó, trở nên bộ phận của ngôn ngữ triết học Đức. Tác phẩm Từ điển triết học [Philosophisches Lexicon] (1737) của Meissner cho rằng hai thuật ngữ notioidea là đồng nghĩa với Begriff, song chúng rõ rệt là đang trong tiến trình phân biệt khỏi nhau. Khái niệm được Leibniz và những đệ tử của ông định nghĩa rộng là “ bất kỳ biểu tượng nào về sự vật” và được phân loại theo các cấp độ sáng rõ, phân biệt, hoàn tất, và thích đáng của chúng. Đây chính là văn cảnh khi Kant bắt đầu sử dụng thuật ngữ khái niệm trong các trước tác tiền phê phán của mình, và những sự nhập nhằng tồn đọng trong cách sử dụng thuật ngữ này đã được Kant mang vào triết học phê phán, đặc biệt là ở mối quan hệ giữa các nét nghĩa có tính nhận thức học và lo-gic học của thuật ngữ. Nghiên cứu của Descartes về sự khái niệm hóa từng bị Leibniz bác bỏ tự nó đã là một sự can dự vào trong phạm vi một cuộc tranh cãi triết học cực đoan thời cổ đại về bản chất của nhận thức và nguồn mạch của nó. Aristotle đặt ra các thuật ngữ cho cuộc tranh luận này trong tường thuật của ông về triết học Hy Lạp thời kỳ đầu ở cuốn Siêu hình học [Metaphysics]. Ông phê phán các tiền bối của mình về việc “giả định rằng nhận thức là cảm xúc” và việc đi tìm các nguồn gốc của nhận thức nơi sự “biến thiên thuộc vật chất” (physical alternation) [Aristotle, 1941, 1009b]. Ông đã giới thiệu một sự phân biệt giữa hai hoạt động của tâm thức – noiesisaisthesis –“tri giác” và “tư duy”. Sự phân biệt này, trong khi giải quyết được một số vấn đề, cũng đặt ra những vấn đề khác, tức những gì chịu số phận có một tương lai không minh bạch rất lâu về sau. Nói một cách cơ bản, nếu noesis aisthesis thực sự là những hoạt động triệt để khác nhau, làm sao chúng có thể quan hệ với nhau để sinh ra nhận thức? Một lựa chọn ở đây là noeta sinh ra từ aisthesta, khi cảm xúc nắm quyền, và lựa chọn khác là aistheta sinh ra từ noeta, khi tư duy nắm quyền. Lựa chọn thứ nhất được những nhà nguyên tử luận (atomism) như Democritus (song như chúng ta sẽ thấy, không phải Epicurus) theo đuổi, trong khi lựa chọn thứ hai được những người theo phái Platon và sau này là tân Platon theo đuổi. Quan điểm của Aristotle là một sự kết hợp phức tạp từ hai quan điểm coi cả aisthetanoeta đều là những mô thức khả niệm và cảm tính được trừu tượng hóa mà ra. Trường phái Epicurus phát triển một thỏa hiệp xa hơn, và rất có ý nghĩa với Kant: Trong thỏa hiệp đó các giác quan được cho là sản tạo ra những hình ảnhcảm tính, là những gì được tâm thức tiền hình dung ra. Những noeta, nói cách khác, báo trước hình dạng (shapes) của những aistheta, song không có nghĩa là tách rời khỏi chúng.

Những nhà theo thuyết Aristotle vào thời Trung cổ đã phát triển một phiên bản phức tạp một cách cực đoan đối với nghiên cứu của Aristotle về sự trừu tượng hoá ra các mô thức khả niệm và cảm tính. Tuy nhiên, vào thế kỷ 17, nghiên cứu này đã bị thu hẹp do sự tập trung vào vấn đề khái niệm hóa, hay vấn đề trừu tượng hóa các ý niệm và quan niệm từ kinh nghiệm cảm tính. Chủ thể người bị phân chia thành các quan năng của cảm năng và trí năng (intellect), và vấn đề của việc làm thế nào đưa các dữ liệu của cảm năng (dữ liệu thuộc trực quan-ND) và ý niệm thuộctrí năng lại bên nhau đã được giải quyết, hoặc theo lối duy lý, coi cảm năng sinh ra từ ý niệm, hoặc theo lối duy nghiệm, coi các ý niệm sinh ra từ cảm năng. Để vượt qua sự bế tắc này, Leibniz đã đặt các dữ liệu cảm năng và ý niệm vào cùng một chuỗi biểu tượng và tạo cho chúng cái tên chung là “khái niệm”. Tuy nhiên, đệ tử của ông là Christian Wolff đã tạo cho thuật ngữ này một sự chuyển hướng kiểu thuyết duy lí, tức điều đã gây nên những phản đối thuộc thuyết duy nghiệm cải cách. Những phản đối này, đến lượt nó, vào những năm 1730 đã dẫn tới nỗ lực của triết gia theo trường phái Wolff là Baumgarten, tức người tìm cách làm sáng tỏ vấn đề qua việc tái nhấn mạnh sự phân biệt cổ xưa giữa aisthesisnoesis

Chính trong văn cảnh không nhất quán về thuật ngữ này, mà Kant đã phát triển nghiên cứu của ông về khái niệm. Phiên bản của ông phức tạp không chỉ bởi tính mập mờ sẵn có trong thuật ngữ, mà còn bởi mối quan hệ gần gũi giữa vấn đề có tính nhận thức học của sự khái niệm hóa, bao gồm việc liệu có tồn tại tính hiệu lực nơi một mối liên hệ của một khái niệm với thế giới, và vấn đề về lo-gic của sự phán đoán, hay về việc sử dụng các khái niệm để tạo ra những phán đoán có hiệu lực. Kant nối kết cả hai vấn đề trong chương lo-gic học siêu nghiệm ở cuốn phê phán đầu tiên (Phê phán lý tính thuần tuý [PPLTTT] ), song trước đó ông cũng đã chuẩn bị cho bước đi này ở các trước tác tiền phê phán. Trong những trước tác đó, ông từ chối những sự cực đoan sinh ra từ việc đối lập duy lý-duy nghiệm bằng cách bác bỏ việc các khái niệm sinh ra, hoặc từ sự trừu tượng hóa từ tri giác cảm tính, hoặc từ các nguyên tắc duy lý của sự phi đối lập (non-contracdition); thay vào đó, ông tìm đến tiến trình phản tư có tính tưởng tượng nhắm vào hình thức và nội dung của kinh nghiệm. Trong tiểu luận Chứng minh sự tinh tế sai lầm của bốn dạng tam đoạn luận [ The False Subtlety of the Four Syllogistic Figures] , ông nhắc đến” năng lực nền tảng của tâm thức con người trong việc:” biến các biểu tượng thành các đối tượng của tư duy của họ ( tr 60, tr.104), để từ đó sinh ra các khái niệm. Bởi vậy, khái niệm về một thể rắn không sinh ra từ kinh nghiệm về một thể như vậy, cũng không từ sự tất yếu duy lý về thể rắn ấy, mà nhờ việc triết gia tái hiện (hình dung) cho bản thân những gì được biết về một thể như thế, và phản tư về chính sự tái hiện(hình dung) này. Sự phản tư coi những gì được biết một cách lập tức về một vật là thuộc tính của vật ấy, và nếu nó thấy một vật sẽ không thể quan niệm được nếu thiếu đi các thuộc tính ấy, nó liền chuyển hóa thuộc tính đó thành khái niệm về vật. Trong trường hợp của một thể rắn, thuộc tính “ không thể thâm nhập” trước hết được trừu tượng hóa, rồi sau đó được phản tư; sau khi nó được nhận ra (recognized) là bất ly thân với những gì được nghĩ về thể ấy, có lẽ nó sẽ được chấp nhận là một khái niệm (tr.58, tr.102).

Trong quá trình phân tích về tiến trình của sự khái niệm hóa này, Kant đã khám phá ra hai loại khái niệm. Loại đầu gồm có những khái niệm phái sinh hay phức hợp (complex), mở ngỏ cho sự phân tích, và loại thứ hai bao gồm những khái niệm được miêu tả trong Cuốn Siêu hình học Đức Lý [SHHDL], là “đơn giản và không thể phân tích”, cũng như được miêu tả ở chỗ khác là “cơ sở”(basic) và “ nguyên thủy” (elementary). Kant cũng miêu tả các khái niệm gốc như là“những phán đoán” thuộc cơ sở, và không thể chứng minh”, tức là những công cụ sản tạo ra nhận thức. Ở giai đoạn này, Kant không có ý tưởng cụ thể gì về các đặc tính của những khái niệm cơ sở kiểu ấy, trừ việc chúng “không thể phân tích”. Cuộc khảo sát của ông về những đặc tính của chúng sẽ chứng minh một trong những nguồn mạch của triết học phê phán sau này.

Sau hơn một thập kỷ phản tư về những nguồn mạch và phạm vi của các khái niệm cơ sở, Kant đã biến chúng, trong bộ dạng của những “phạm trù”, thành đối tượng đệ nhất của khảo sát siêu hình học. Ông khám phá rằng chúng có một số đặc tính quan trọng phân biệt chúng khỏi các sản phẩm khác của sự khái niệm hóa. Cả khái niệm cơ sở lẫn khái niệm phức hợp đều cùng khác với các trực quan.Tuy tất cả đều là những sự nhận thức (cognitions), song các trực quan là có tính riêng biệt [khác nhau-ND] trong khi các khái niệm lànhững biểu tượng được tái hiện hoặc có tính tổng quát. Các khái niệm phái sinh hay “duy nghiệm” được rút ra từ kinh nghiệm bằng những công cụ là sự so sánh, sự phản tư và sự trừu tượng hóa, trong khi “các khái niệm cơ sở hay thuần túy” không được trừu tượng hóa từ kinh nghiệm”(Logic[ LG], tr.590) và được khảo sát bởi Siêu hình học. Khi tạo ra sự phân biệt này, Kant phải đối mặt với vấn đề của việc làm thế nào các khái niệm thuần túy này có quan hệ với các trực quan. Nếu sử dụng chúng mà không có các đối tượng kèm theo, chúng sẽ trở thành các ý niệm, tức những khái niệm không cần co bất kỳ đối tượng có thể có nào của kinh nghiệm kèm theo

Song, điều gì sẽ ngăn cản những khái niệm thuần túy đó không trở nên các ý niệm?. Giải pháp của Kant trong PPLTTT là sẽ coi các khái niệm tiên nghiệm thuần túy của giác tính là nền tảng (fundamental) cho kinh nghiệm. Bắt đầu với các chức năng khác nhaucủa sự phán đoán do giác tính thực hiện, Kant tiến tới việc miêu tả các khái niệm trong vai trò một trật tự (order) song song của “các khái niệm về trực quan nói chung”, tức điều sẽ dẫn lối các trực quan tới các phán đoán. Các phán đoán thống nhất cái đa tạp, và những sự thống nhất có tính nền tảng ( sẵn có-ND) mà hành vi phán đoán phải dựa vào để hoàn tất được tác vụ thống nhất này, chính là các phạm trù. Bởi vậy các khái niệm thuần túy của giác tính hay các phạm trù được sinh ra từ bảng phán đoán (tạo thành bốn nhóm ba dưới các tên gọi lượng, chất, tương quan và tình thái).

Những khái niệm thuần tuý này tự làm tương ứng với các điều kiện cho các hiện tượng trong không gian và thời gian, tức một tiến trình mà Kant diễn tả là niệm thức (schematism), hoặc làm cho các trực quan tương ứng với bản thân chúng nhờ vào sự dự báo trước các trực quan trong hình dạng (shape) của hệ thống các nguyên tắc. Trong PPLTTT, Kant tập trung vào cách sau, phát triển quan điểm kiểu Epicure rằng noeta (các khái niệm) dự báo trước hình dạng của các aestheta (các trực quan) được tái hiện với giác tính.

Tham vọng của “lo-gic học siêu nghiệm” trong cuốn PPLTTT là cải tổ siêu hình học trên cơ sở một sự trộn lẫn các phương diện nhận thức học và lo-gic học của khái niệm. Một phương diện nhìn nhận khái niệm như một chức năng của sự thống nhất của phán đoán, trong khi phương diện kia coi nó như một noeta có quan hệ với một aestheta. Trong phương diện sau, khái niệm thuộc phạm vi của vấn đề chung theo kiểu Kant về sự tổng hợp, với hàm ý của nó về sự tự do, tính tự khởi và sự vô hạn. Phương diện này được phát triển trong môn lo-gic học hệ thống của các nhà duy tâm Đức – Fichte, Schelling, và trên hết là Hegel. Trong tác phẩm Khoa học Lo-gic (1812) Hegel đã khai thác những sự nhập nhằng (giữa khái niệm và trực quan-ND) trong nghiên cứu kiểu Kant về khái niệm, qua đó trình bầy rằng nỗ lực hòa giải lo-gic và hiện tượng học đã có nguồn mạch từ môn bản thể học, và rằng mối quan hệ nhập nhằng giữa khái niệm và trực quan có thể được phân tích theo kiểu mối quan hệ giữa tính phổ quát, tính cá biệt và tính cá nhân.

Chương trình của lo-gic siêu nghiệm bị thách thức nghiêm trọng trong thế kỷ Kant, với sự chỉ trích tập trung vào bản chất của khái niệm. Với Frege, các khái niệm là khách quan và chỉ tuân theo luật lo-gic; không được lẫn lộn chúng với các “ý niệm” theo kiểu hiện tượng học. Chỉ trích Kant một cách trực tiếp, Frege khẳng định rằng” khái niệm có một quyền lực thâu tóm (a power of collecting together) cao siêu hơn nhiều quyền lực thống nhất của sự thông giác tổng hợp (Frege, 1950, § 47). Wittgenstein đã thực hiện một sự chuyển vị (dislocation) tương tự đối với lo-gic siêu nghiệm khi ông ứng xử với khái niệm không trong mối liên hệ của nó với thế giới thông qua tri giác, mà trong mối liên hệ cú pháp của nó với các khái niệm khác. Các phê phán theo kiểu học thuyết Kant mới về những nghiên cứu có tính duy nghiệm và tâm lý lo-gic cũng đưa ra một cách tiếp cận khác về nguồn gốc của khái niệm. Bàn thảo của họ về sự “hình thành khái niệm” coi nó không phải là một tiến trình tâm lý có tính nội chiếu, cũng không phải một tiến trình của sự trừu tượng hóa từ các dữ liệu trực quan kiểu duy nghiệm, mà họ trở về với Kant để coi nó như một hình thức phản tư siêu nghiệm. Husserl đã phát triển một phiên bản quan trọng từ cách tiếp cận này qua việc tìm tiến trình hình thành khái niệm nơi tác vụ của sự tưởng tượng, phân biệt “kinh nghiệm trực tiếp của sự tưởng tượng” khỏi cả tiến trình tâm lý lẫn trừu tượng.



*Như Huy dịch từ Từ điển Kant, (a Kant dictionary) Howard Caygill, Blackwell xuất bản năm 1995, tr.118 đến tr.121

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét