Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

All dressed up của Teddy Tedholm

1. Sự-im-lặng-đang-được-vang-lên

Trong "Alexis Zorba, con người hoan lạc" (Nikos Kazantzakis, bản dịch Dương Tường, NXB Văn Học 2006) có một đoạn kể về việc nhân vật Alexis Zorba gặp gỡ một cựu binh Nga. Cả hai người đều không hiểu ngôn ngữ của nhau. Sau một hồi tìm đủ mọi cách mà vẫn không hiểu được người kia muốn nói gì, cả hai quyết định: nhảy múa. Thế là, thay vì trao đổi bằng ngôn ngữ, họ luân phiên nhảy múa. Kỳ lạ thay, ngay sau đó, cả hai bỗng lập tức hiểu hết đến chân tơ kẽ tóc về nhau, về các sự kiện trong cuộc đời của nhau, nào là anh lính Nga đã mấy lần lấy vợ, đã yêu cô nào, đã suýt chết ra sao, cũng như các sự kiện khác trong cuộc đời của Zorba.

Tôi cho rằng đây là một đoạn viết có tính minh triết rất cao. Ở trong đoạn viết này, Kazantzakis đã trình bày ra một sự đối lập có tính tận căn của con người. Đó là sự đối lập giữa ngôn ngữ và cơ thể, hay sử dụng cách nói của Wittgenstein, sự đối lập giữa những gì có thể tường thuật với những gì chỉ có thể thấy, song không thể mô tả (Tractatus Logical-Philosophicus, 4.1212 “What can be shown, cannot be said”) giữa ngôn ngữ, như một toàn thể bị giới hạn, với những gì nằm ngoài giới hạn đó, tức những gì thuộc về sự huyền bí (Tractatus Logical-Philosophicus, “ 6.45…the world as a limited whole - it is this that is mystical)

Tôi vẫn luôn có một cảm giác rằng, nếu số phận đưa đẩy làm sao để Wittgenstein trở nên một thi sĩ (mà tôi tin chắc nếu vậy, ông có thể là một thi sĩ cỡ lớn, tức kẻ có thể “khuấy động đam mê, ban bố viễn tượng, sự sáng suốt, lòng can đảm và niềm tin [Henry Miller – Thời của những kẻ giết người, Nguyễn Hữu Hiệu dịch NXB văn hóa Sài Gòn 2008, tr.62]), không ai dám chắc là sự đóng góp của một Wittgenstein-thi sĩ cho nhân loại, lại kém hơn so với sự đóng góp ấy của một Wittgenstein-triết gia. Điều này không phải là một giả định vô căn cứ, bởi chẳng phải sao, mọi thi sĩ tuyệt vời nhất, từ Rimbaud, Walt Whitman hay Nguyễn Du, Bùi Giáng ở Việt Nam đều ý thức một cách vô cùng rõ ràng về hố thẳm nơi khe sâu giữa những gì có thể nói, và những gì không thể nói. Wittgenstein đã kết thúc cuốn Tractatus của mình bằng câu: “Những gì không thể nói ra, chúng ta buộc phải để chúng chìm vào thinh lặng.” (Tractatus Logical-Philosophicus, 7-what we can not speak about, we must pass over in silence”)

Đây chẳng phải là một tuyên ngôn đẹp đẽ nhất của thi ca sao? bởi có loại thi ca tuyệt diệu (“Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ” *) nào mà không phải chính là sự-im-lặng-đang-được-vang-lên?

Trong sự im-lặng-đang-được-vang-lên đó, dù chỉ diễn ra vài chục giây đồng hồ, từ khi Bụt đưa tay nâng cành sen lên đến khi nụ cười nở rạng trên đôi môi Kasipa, hay diễn ra thiên thu từ khi Rimbaud từ giã các trang giấy mà chàng từng kê lên đầu gối để viết (cũng chiếc đầu gối ấy- sau này bị nhiễm độc và phải cưa đi- hình như là nơi có lần chàng đã để cái đẹp lên đó và cảm thấy tuyệt cùng cay đắng), để đi vào cuộc im lặng thăm thẳm ảo lâu sa mạc nhất ( chữ của Trần Dần); Chính trong sự im-lặng- đang-được-vang-lên đó, thi ca đã lên ngôi, và cùng với đó, sự cảm thụ đã lên ngôi, đạo đức học đã lên ngôi, mỹ học đã lên ngôi (Mỹ học chính là đạo đức học) [Tractatus Logical-Philosophcus-6.421- Ethics and Aesthetics are one...].

Xin các bạn đừng coi Sự-im-lặng-đang-được-vang-lên là một mệnh đề hũ nút. Khi tôi viết Sự-im-lặng-đang-được-vang-lên, thì xin hiểu cho rằng, cái-vang-lên ấy, chính là một sự-vang-lên nơi độc giả, sự-vang-lên nơi nụ cười Kasipa, hay sự vang lên nơi những dòng chữ của Henry Miller trong cuốn sách vô tiền khoáng hậu-"Thời của những kẻ giết người", viết về Rimbaud. Chính ngay khi nghe thấy Sự-im-lặng-đang-được-vang-lên ấy, bản thân người nghe đó, dù là Henry Miller, Kasipa, hay ai đi nữa cũng đã trở nên là một với sự im lặng ấy, hay ngân rung trong sự-vang-lên ấy, để rồi tự bản thân mình, cũng đã trở nên một Sự-im-lặng khác, chờ được vang lên.

Và đây chính là lý do mà tôi viết, trong Sự-im-lặng-đang-được-vang-lên này, cảm thụ đã lên ngôi, mỹ học đã lên ngôi, đạo đức học đã lên ngôi, bởi chẳng phải sao? sự cảm thụ, mỹ học, hay đạo đức học đều khởi nguồn từ chính khoảnh khắc khi con người vượt khỏi mọi giới hạn của ngôn ngữ để gặp nhau, gặp bản thân, và gặp gỡ với cái vô cùng vô thủy vô chung. Một khoảnh khắc mà nhà Thiền sẽ gọi là satori, hay đốn ngộ.

2. 1 phút 12 giây của Teddy Tedholm

Cả video trên youtube dài 4 phút 04 giây, tuy nhiên, thời gian thực sự mà Teddy Tedholm trình diễn trong buổi diễn để dành vé đi Las Vegas tham dự cuộc thi Do you think you can dance chỉ có 1 phút 12 giây.

Thú thực rằng, tất cả các tư duy của tôi ở phần trên đều như thể một tia chớp xẹt qua đầu óc chính vào lúc tôi chứng kiến màn trình diễn của Teddy.

Xin đừng hỏi tôi liệu có logic hay lý lẽ (reasoning) gì không, khi liên hệ màn múa vô cùng hiện đại, và “hiện tại” của Teddy ở đây với các tư duy của tôi về sự giới của hạn ngôn ngữ, về Sự-im-lặng-đang-được-vang-lên, về cảm thụ, đạo đức học, về Rimbaud, Wittgenstein, Bụt, Kasipa, Alexis Zorba hay Kazantzakis.

Cơ chế liên tưởng và tư duy của con người, kể cả sau khi có Freud, hay Jung, vẫn là một cơ chế vô cùng lạ lùng và không thể lường trước

Thật sự ,1 phút 12 giây của Teddy Tedholm, với tôi vào khoảnh khắc đầu tiên khi được xem màn trình diễn của chàng trai 18 tuổi này trên TV, cũng như vào những lần sau khi tôi xem đi xem lại màn trình diễn đó trên youtube, chính là thi ca; bởi trong nó có sự im lặng chờ đợi được vang lên, và đã vang lên. Nó cũng chính là cơ-thể; bởi đó không phải là một điệu múa, mà là cơ- thể-đang-lên-tiếng, với một sự thấu hiểu trọn vẹn bản thân, để không còn là một màn trình diễn trên sân khấu nữa, mà trở nên khoảnh khắc ảo diệu nhất khi chủ thể và đối tượng gặp nhau, khi khách thể tính và chủ thể tính gặp nhau, khi cơ, da, gân, mạch máu, mầu tóc, mầu da, trang phục, âm nhạc, cũng như mỗi nét dạng biến đổi tinh vi của khuôn mặt Teddy đã như thể hợp một với từng mi-li-mét không khí nơi một gian phòng như chỉ sinh ra cho màn diễn sáng chói ( Brilliant-lời của một vị giám khảo) này

Và vì thế, đây chính là khoảnh-khắc-cảm-thụ, khi Nghệ Thuật đã vượt qua mọi giới hạn và rào cản của ngôn ngữ để gặp gỡ với mỹ học, do đó, với đạo đức học-tức nơi ngôn ngữ không thể nào miêu tả nổi, nơi cái hữu hạn của sức biểu lộ thuộc con người gặp gỡ với cái vô hạn của khả năng thấu hiểu đến tận chân tơ kẽ tóc của sức cảm thụ thuộc con người

3. …

Xin trở lại với câu chuyện về Alexis Zorba và gã lính Nga nọ ở đầu bài viết. Có thể nói, màn diễn của Teddy Tedholm sẽ là một minh họa hoàn hảo nhất cho những gì mà Kazantzakis muốn truyền tải qua câu chuyện về hai kẻ xa lạ và bất đồng về ngôn ngữ, song thông qua cơ thể, đã hiểu được nhau.

Sự truyền tải ấy không chỉ là về cái KHOẢNG CÁCH KHÔNG THỂ LẤP ĐẦY giữa những gì có thể nói ra và những gì chỉ có thể thấy

Sự truyền tải ấy còn là về KHOẢNH KHẮC HỘI NGỘ giữa những gì có thể nói ra và những gì chỉ có thể thấy.

-------
* « Lời văn rất hay để lại nghìn năm nước Đại Việt », câu thơ đề KIỀU của ông Tú làng Minh-hương, tự Tiểu-Minh, tên là Phan-Thạch-Sơ, do Tản-Đà trích dẫn và phiên dịch, trong quyển Vương-Thúy-Kiều chú giải tân truyện


N.H.2011


Bây giờ mời các bạn xem lại cùng tôi một lần nữa clip này: