Candice Breitz sinh tại Johanesburg năm 1972, hiện đang sống và làm việc tại Berlin. Cô hiện là một trong những nghệ sỹ video xuất sắc nhất thế hệ của mình. Tác phẩm của cô thường được liệt kê vào khu vực nằm giữa điện ảnh và nghệ thuật video.
Để nói về dạng thực hành mới mẻ này, một trong những ví dụ kinh điển mà Michael Rush đưa ra trong cuốn nghệ thuật video , do Thame and Hudson xuất bản vào năm 2007, là tác phẩm Zidane: Một chân dung của thế kỷ 21 ( 2006) [ Zidane: A 21st. century portrait) của Douglas Gordon và Philipe Parreno. Đây là một tác phẩm dài 90 phút, dùng 17 máy quay theo sát mọi hành động của huyền thoại bóng đá Zinédine Zidane trong trận bóng đá giữa Real Madrid và Villareal vào tháng 4 năm 2005) Tác phẩm này, theo Rush, đã tạo ra một ví dụ kinh điển của sự khó phân định giữa điện ảnh và nghệ thuật video
Hình ảnh trong tác phẩm Zidane: Một chân dung của thế kỷ 21
Vào lúc nghệ thuật video ra đời vào năm 1965, khi xuất hiện máy quay camera cầm tay, bộ phim kinh điển công dân Kane đã tròn 24 tuổi. Chính vì thế, một trong những động lực cho các nghệ sỹ tại thời điểm đó khi thực hiện nghệ thuật video, có lẽ chính là việc tạo ra một không gian hình ảnh khác biệt hẳn với không gian hiện thực của điện ảnh và truyền hình.
Tuy nhiên, với sự ra đời các tác phẩm nghệ thuật video với format điện ảnh, mà Zidane: Một chân dung của thế kỷ 21 là một trong những tác phẩm tiêu biểu, cái ranh giới giả định này giữa nghệ thuật video và điện ảnh đã được xóa nhòa. Nói cách khác, cái ranh giới ấy giờ đây không còn nằm ở nội dung hình ảnh nữa, mà nằm ở quan niệm và cách ứng xử với thực tại của nghệ sỹ. Nói một cách nào đó, điện ảnh, giờ đây đã trở nên một dạng nghệ thuật video.
Một ví dụ khác mà tôi muốn giới thiệu ở đây chính là tác phẩm Vua ( một chân dung của Michael Jackson [King ( A Portrait of Michael Jackson)] của nữ nghệ sỹ Candice Breitz. Bản thân tôi đã được xem tác phẩm này tại Seoul vào năm 2006. Trong một căn phòng kín và tối, người xem chợt đối diện với hình ảnh từ từ hiện nơi bức tường trước mặt ( cũng là một màn chiếu rộng suốt dọc bức tường). Những hình ảnh ấy là chân dung theo tỉ lệ thực của khoảng vài chục con người khác nhau về thời trang, mầu da, lứa tuổi, và giới tính.
Thế rồi tất cả những con người này, sau khi đi vào khung hình của mình và sửa soạn tư thế, đều bắt đầu cất tiếng cùng hát một bài hát nổi tiếng của Michael Jackson. [Những nhân vật này là những người tình nguyện từ trong đời thực, và đều là fan của Michael Jackson. Tất cả họ đều được ghi hình riêng, và sau này mới được ghép chung lại với nhau]. Ngay vào lúc giọng thật của họ cất lên ( không đều nhau) theo tiếng nhạc đệm, tất cả sự khác nhau của những con người này chợt biến mất. Trước mắt người xem giờ đây không còn là những căn tính cá nhân về mặt sinh học, văn hóa hay chủng tộc nữa, mà chỉ là một cộng đồng những “thực thể” được tạo chế bởi nền văn hóa đại chúng. Đây là một cộng đồng được tạo ra bởi sự tưởng tượng, sự khao khát, sự đam mê của họ đối với một ngẫu tượng văn hóa đại chúng hiện đại, là vị vua nhạc Pop, Michael Jackson
Đứng giữa không gian của những con người với kích thước giống y hệt mình, đang mê say như thể trong một cơn lên đồng tập thể, đang chìm đắm vào chính vô thức riêng để nhằm đồng hóa động tác, và giọng điệu của bản thân với một ảo ảnh văn hóa đại chúng, người xem như thể chứng kiến một lễ tế vừa mang chất ma quái nguyên thủy, vừa đậm tính hài nhạo hậu hiện đại.
Chính ngay tại nơi đây, người xem sẽ có cơ hội nhận diện dạng quyền lực vô hình được xây nên bởi thế giới tiêu dùng, bởi truyền thông đại chúng, bởi các diễn cảnh văn hóa, v.v.-, tức dạng quyền lực đang chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta.
N.H 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét