Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012
Nhớ chú Chu Trung Can
Chụp cùng chú Chu Trung Can tại nhà của Lê Quảng Hà
Cũng không nhớ rõ lắm, hình như tôi quen chú Chu Trung Can qua bác An Chi thì phải. Gọi là quen qua vậy thôi, nhưng thật ra chúng tôi cùng biết nhau trên Facebook. Tôi chỉ nhớ có lần chú Can nhắn vào inbox của tôi rằng chú vừa vào Sài Gòn, muốn rủ tôi đi coffe, mà lần đó tôi lại đang ở nước ngoài. Tuy nhiên tôi đã được gặp chú ngay sau đó, khi tôi ra Hà Nội và tìm tới chú
Theo tôi, chú Can là một con người rất hóm hỉnh, sự hóm hỉnh của một con người đã đủ từng trải và tri thức để hiểu rằng nếu đã là sự thật -một sự thật đúng nghĩa là sự thật, và do đó luôn là một dị bản của tình yêu thương và sự thấu hiểu- thì nó ( sự thật ấy) sẽ phải luôn-biết-mỉm-cười.
Chú Can, với tôi còn là một quý ông ( gentleman) đúng nghĩa- theo nghĩa một con người luôn muốn-thấy-mình-thanh-lịch. Tôi muốn dùng chữ Muốn-thấy-mình-thanh-lịch, chứ không phải chữ thanh lịch thông thường bởi, theo tôi, trên hậu cảnh của một Hà Nội, của một Việt Nam đang ở thời kì xuống cấp về mọi mặt –sự thanh lịch mà tôi cảm thấy từ chú Can đã không chỉ còn là một sự thanh lịch theo kiểu bề mặt - mà là một sự thanh lịch theo nghĩa một thái độ, một hành vi phản ứng, một tỏ bày hơn là một điều gì đó vô thức. Hay nói đúng hơn, sự thanh lịch tôi cảm thấy ở chú Can chính là một điều gì đó ( dĩ nhiên là luôn bản năng, tự nhiên song), đã được ý thức nhận diện và kiên quyết duy trì thành một thái-độ-sống. Chính vì thế phía sau sự thanh lịch kiểu này của chú, tôi tin rằng chúng ta luôn tìm thấy một chiều-sâu-hồn-hậu của tình người, và do đó, nó khác hoàn toàn với mọi kiểu thanh lịch bề mặt, mà dị bản cực đoan của chúng chỉ là các thái độ khách sáo, mầu mè rườm rà.
Chính ở góc độ này, tôi thấy ở chú có phảng phất đôi nét gì đó với bác Cao Xuân Hạo, cũng là một người thầy của tôi. Và tôi đã không hề ngạc nhiên khi nghe chú Can kể trước đây chú và bác Hạo cũng chơi với nhau và rất quý nhau, vào thời bác Hạo còn sống ở Hà Nội.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi diễn ra trong vòng…20 tiếng, chia làm ba đợt. Đợt đầu là coffe sáng tại Viet Art Center, đợt hai là rượu buổi chiều tại nhà hoạ sĩ Lê Quảng Hà, và đợt ba là cữ rượu đêm tại chính quán Bar của hoạ sĩ Lê Quảng Hà – Factory, với món gà nướng do chủ quán đãi. Có bao-nhiêu-những-chuyện-gì để mà có thể nói và ngồi bên nhau lâu đến thế? Thú thực là chẳng có chuyện gì cả. Chỉ toàn chuyện đùa mà thôi. Thật ra, ngồi bên những người như chú Can, như đã có lần tôi nghĩ về việc ở bên thầy Hạo, hay bên bác An Chi, v.v., những người trẻ tuổi hơn như chúng tôi dường như cảm thấy một sự hạnh phúc lớn lao của việc được chứng kiến những con người mà sau khi họ trải qua cả một chặng dài trong những thời kì “Chỉ toàn những lời nói thô lỗ vì ngu dốt/Những vầng trán phẳng lì vì không thể cảm thụ/Có kẻ đang cười đâu đó - thì chỉ vì chưa nhận được tin dữ mà thôi” (“Gửi những kẻ sinh sau”, thơ Bertolt Brecht, Như Huy dịch) – lương thức và lương tâm của họ vẫn không hề suy suyển. Chính ở đây, họ đã như thể trở thành những tấm gương cho chúng tôi – khi chúng tôi chợt nhìn lại thời kì mình đang sống và giật mình thấy ra rằng, hoá ra cũng chẳng hơn gì thời kì mà họ từng đã trải qua.
Sau lần ấy, với tôi, chú Can đã như một người thân, người anh, người chú. Mỗi lần ra Hà Nội,tôi đều đến chơi với chú.
Với tôi, chú Can đã thành một địa chỉ, một chốn-về.
Lần cuối cùng tôi gặp chú Can là vào trước ngày chú mất một ngày. Tôi đến thăm chú với em Lang Minh. Cũng như mọi khi,câu chuyện của chú là về sách, về tri thức, về ngôn ngữ, về dịch thuật, một câu chuyện luôn có kèm theo những nụ-cười-nheo-mắt quen thuộc không lẫn đi đâu của chú. Hôm đó chú có khoe rằng hiện chú đang học tiếng Tây Ban Nha, và doạ tôi rằng chỉ tới cuối năm là chú có thể đọc Wittgenstein bằng tiếng Tây Ban Nha^^
Câu chuyện giữa chú và chúng tôi trong buổi nói chuyện cuối cùng này dẫn tới cách dịch và hiểu chữ Participation. Thường chúng ta dịch và hiểu chữ này như là sự tham dự/ tham gia. Tuy nhiên theo chú dịch/hiểu như vậy chưa hoàn toàn đến đáy nghĩa, vì tham dự và tham gia thường được hiểu theo nghĩa phải có gì đó trước rồi, thì người ta mới tham dự và tham gia vào được. Participation- tiếng Anh, với từ gốc là (partake of/in) theo chú phải hiểu như là một sự dự phần vào một cái gì đó mà trước đó chưa có, và chỉ sau khi mọi người cùng dự phần vào, thì cái gì đó mới hình thành. Chú cho biết có một chữ khác trong Từ Điển và Danh Từ Triết Học của Trần Văn Hiến Minh( Tủ-Sách-Ra-Khơi, Saigon 1966), mà theo chú đã dịch/hiểu chữ participation tốt hơn – đó là chữ “thông phần”
…
Chỉ ngay hôm sau cuộc nói chuyện này, vào lúc 6 giờ chiều mùng 8 tháng 1, 2012, tôi bàng hoàng nhận được cú điện thoại của em Lang Minh, một người em gần gũi nhất với chú trong chúng tôi, cho biết trước đó một giờ chú đã đột ngột ra đi
…
Mấy hôm nay, tôi cứ nghĩ mãi, câu chuyện cuối cùng giữa chúng tôi về chữ participation có phải là một dạng điềm báo trước? Phải chăng giờ đây chú Chu Trung Can yêu quý của chúng tôi cũng đã dự phần vào một thế giới mà ở đó trước chú, những người khác như bác Cao Xuân Hạo chẳng hạn, cũng đã dự phần ( theo nghĩa cùng nhau, bằng sự dự phần của mỗi người-, tạo nên thế giới ấy) ? Một thế giới dành riêng cho các quý ông, cho những con-người-biết-cười, một thế giới bình yên, xứng đáng và đẹp đẽ hơn nhiều cái thế giới dưới này của chúng tôi.
Để kết vài dòng nhỏ bé này, tôi xin phép chú Can được đăng lại một note của chú ( nguồn: https://www.facebook.com/note.php?note_id=127648737287115)
“
….
Bằng vào lương thức thông thường, ta thấy mình là một sinh thể tuyệt vời biết mấy, và cũng với lương thức ấy, ta thấy mình nhỏ bé và với số lượng ít ỏi biết nhường nào so với cái vũ trụ – cả vĩ mô lẫm vi mô – mà ta sống trong đó. Cô đơn đến vậy sao? Không hề! Chúng ta hẳn phải có vô số bạn bè khắp trong vũ trụ bao la. Vì nếu có một đấng sáng tạo như Chúa hay các chư thần tối cao của nhiều tôn giáo khác, hay chính vũ trụ tự thân đã tạo nên vũ trụ này thì kẻ toàn năng ấy không thể nào “lãng phí không gian” đến như vậy được. Chỉ là chúng ta chưa có cơ may gặp được bạn bè, trong đó có thể có những bạn bè ngay cạnh ta thôi, đang vui vầy khắp nẻo đường vũ trụ, hoặc giả vũ trụ chỉ là cái gì đó thật bé nhỏ, và ta chính là vũ trụ, hoặc giả chúng ta hiện chỉ là những quả trứng đã giao hoan với tinh trùng đang còn nằm trong bào thai kín bưng để đợi một ngày kia cất tiếng chào đới, có thể đó là ngày mà chúng ta “chết” đi, vui vầy cùng bạn hữu, ngày chào đời kinh sợ biết bao mà cũng đẹp biết bao”
…
Như Huy, 10.1.2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Huy ơi chữ này dịch thế nào : Pre-Raphaelite
Trả lờiXóachắc chữ này phải có liên quan tới cả cụm : The Pre-Raphaelite Brotherhood. Hình như chưa ai dịch thì phải?
Trả lờiXóawiki cũng có: http://en.wikipedia.org/wiki/Pre-Raphaelite_Brotherhood