Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Vài kỷ niệm nhỏ với thầy Tuệ Sỹ ( bài cũ)


Thầy Tuệ Sỹ đang chơi đàn

Người dắt tôi tới thăm thầy Tuệ Sỹ lần đầu tiên là nhà văn Nguyễn Đạt. Đó là thời điểm vào năm khoảng 2005 ( tôi không chắc lắm về thời gian, chỉ nhớ khi ấy, thầy Tuệ Sỹ vẫn còn bị quản thúc tại chùa Già Lam). Tôi để ý, khi tôi và Nguyễn Đạt bước vào cửa chùa, ở phía trước cổng luôn có khoảng 4, 5 thanh niên ngồi café đọc báo. Nguyễn Đạt bảo tôi, kệ, cứ vào đi, gửi xe ở đấy. Thế là chúng tôi đi vào.

Thầy Tuệ Sỹ ở tít phía trong chùa, trong một căn gác nhỏ có hai buồng đơn sơ, phía ngoài là một balcony nhìn xuống khoảng sân dưới-một khu vườn nhỏ sau chùa. Trong khu vườn ấy, tôi nhớ, có một hai cây cổ thụ lớn tỏa bóng xuống cái balcony – là nơi thầy Tuệ Sỹ tiếp khách.


Nơi thầy Tiếp khách

Bất cứ khi nào có khách, thầy Tuệ Sỹ, dù đang làm việc gì, ăn uống chẳng hạn, luôn dẹp ngay lại các việc đang làm để đón khách. Nhân đây, tôi thấy phục vụ cho thầy là một Phật Tử cũng đã trọng tuổi – có khuôn mặt rất khiêm nhường ( mà sau này, tôi thấy rất giống - ở cái dáng vẻ tinh thần – với cậu thư ký của ông Bùi Văn Nam Sơn, người mà ông nói vui là” tôn giả Anan của ông", và là người, cũng theo ông " thuộc làu-có thể đọc xuôi đọc ngược mấy cuốn Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, Phê Phán Năng Lực phán Đoán, Phê Phán Lý Tính Thực hành, hay một hai cuốn khác của Hegel" mà ông Bùi Văn Nam Sơn dịch).

Ấn tượng thứ nhất tôi thấy ở thầy Tuệ Sỹ là đôi mắt cực sáng, và bởi vẻ gầy gò của thầy, cái hốc mắt sâu còn làm cho đôi đồng tử sáng rực ấy càng lộ ra thêm- thật sự là tôi có một so sánh cái khuôn mặt xương xẩu ấy, với đôi mắt sáng rực ấy với khuôn mặt xương xẩu và đôi mắt sáng rực của Hồ Chí Minh- trong một bức ảnh khi đang đọc diễn văn ở Liên Xô thì phải ( tôi không nhớ rõ lắm). Cũng xin lỗi những ai cảm thấy khó chịu về lối so sánh này – nhưng quả thật, về mặt hình dáng, với tôi, chúng giống đến nỗi không thể không nói ra

Ấn tượng thứ hai của tôi về thầy Tuệ Sỹ là cái cười của thầy. Nói thật sự, tôi ít khi thấy ai có một cái cười hiền lành như thế. Đó là 1 cái cười, không hề rạng rỡ, tỏa chiếu ra ngoài mà là một cái cười quấn quít vào trong, với giọng cười khẽ nức lên từ trong tâm, hơi e thẹn thì phải-theo kiểu hai cậu học trò ngoan khoảng trên dưới 10 tuổi đang đùa nhau điều gì và rất lấy làm thích thú. Đó là một cái cười-hẳn nếu ai có máu diễn giải, sẽ nói là, thoát tục lụy, hay nhi hóa. Một cái cười làm cho người đối diện thấy nhẹ lòng và vui lây lập tức – cái cười sảng khoái của một kẻ có máu buồn mà chỉ ai cù nhẹ đã rúc rích cười nấc và làm cho mọi người cảm thấy an toàn- không phải sự an toàn như kiểu người ta thường nói về nụ cười an nhiên vĩnh cửu của Đức Phật, hay nụ cười lĩnh hội rạng rỡ hạnh phúc của Kasipa- đều ít nhiều có tính giáo dục, mà là một kiểu cười hồn nhiên như lá rụng trước gió, như gió thoảng qua mặt hồ nước và làm rung tỏa lên các gợn sóng nhẹ và hiền. Nếu cứ liên hệ với những năm ở trong tủ và một lệnh tử hình được xóa vào phút cuối, cái cười này thật là lạ lùng (hay không lạ lùng chi hết? )

Có một lần, chúng tôi tới đó cùng một chàng thi sỹ trẻ, – thuộc lứa @, theo cách đặt tên của nữ sỹ ^^Phan Huyền Thư [thì phải?] . Khi đến chơi, tôi mau mắn giới thiệu, hôm nay đưa hai thế hệ đến gặp nhau, thế hệ @ và thế hệ lưng còng, thầy Tuệ Sỹ cười, và chỉnh luôn, "thế hệ @ và thế hệ “chân còng” chứ nhỉ". Phải mất vài giây sau tôi mới nhận ra cái ẩn ý vui đấy của Thầy.

Một lần khác, đến chơi, nói chuyện về âm nhạc, thầy có 1 ý kiến ( nếu tôi nhớ không nhầm), là so với Beethoven, thì Chopin nghe không vào mấy, và nhạc Beethoven, nhất là mấy chục Sonatas cho Piano viết về cuối đời mới là những thứ tinh túy, bản thân thầy cũng chơi rất tốt bản Sonata Ánh Trăng của Bethooven. Mà thầy kể nhiều khi phải tập chay-không có đàn, nên phải vẽ phím ra rồi tập. Sau này tôi cũng đã tặng thầy 1 bộ CD của Ashkenazy, chơi toàn bộ các Sonatas của Beethoven – cũng hơi tiếc vì vào thời điểm đó, đĩa gốc ở nhà tôi chỉ có bộ đĩa đó của Ashkenazy, mà tôi thì không muốn tặng thầy đĩa chép. Đáng tiếc là bởi theo tôi, với các Sonatas của Beethoven, Ashkenazy chưa phải là người chơi chơi thỏa mãn nhất

Một lần nữa, tới chơi với thầy, anh Nguyễn Đạt dắt theo một cậu con trai. Cậu này nhỏ, khoảng 17, 18, học về IT, mà theo anh Nguyễn Đạt, có nhiều tư duy rất lạ. Và không phải chờ lâu, ngay trong buổi nói chuyện uống trà đó, cậu ấy đã chứng tỏ cho chúng tôi cái tư duy lạ của cậu ấy bằng việc hỏi thầy Tuệ Sỹ 2 câu, câu thứ nhất” Thầy có tin vào Phật không? “, và câu thứ hai “ Có lẽ Phật cũng không rõ hẳn về những điều ngài nói” ( hay câu gì đại loại thế - thắc mắc về một vấn đề gì kiểu bất khả tư nghì của Đức Phật). Khi nghe hai câu hỏi ấy, tôi nhìn sang thầy Tuệ Sỹ, lúc đó đang ngồi phía bên kia, tựa vào cái lan can, thấy thầy chăm chú nghe, và có vẻ không hiểu tôi nhìn có đúng không, cứ co lại như kiểu tránh tránh một cái gì mạnh mẽ, hay môt tiếng ồn quá to. Sau đó, thầy trả lời, với vẻ rất chăm chú, cân nhắc và nghiêm túc, là: " bảo tôi có tin không, thì tôi tin đấy, thế nhưng đòi hỏi chứng minh thì tôi không chứng minh được. lẽ dĩ nhiên nếu người hỏi là một người khác, chẳng hạn một bà già trầu phật Tử, hỏi với cái tâm muốn biết thực sự, với băn khoăn thật sự, thì tôi trả lời ngay được, nhưng anh hỏi thế, thì tôi cũng cố gắng trả lời được thế thôi, tin thì tôi tin, nhưng mà nếu anh bắt chứng minh thì tôi không chứng minh cho anh được”. Còn câu hỏi thứ hai, thầy bảo, đại loại," thật ra thì, bản thân chúng ta, cũng chả nên phán xét Đức Phật thấu hiểu hay không thấu hiểu điều gì, bởi lẽ, ngài như thể đại bàng vậy, còn chúng ta là chim sẽ, thế nên rất khó để dùng trí tuệ chim sẽ để đoán định nổi đường bay của đại bàng”

Hồi đó, cứ thỉnh thoảng chúng tôi lại xuống chơi, nói đủ thứ chuyện, chuyện về Nguyễn Đức Sơn, chuyện về Bùi Giáng, có lần, tôi kể thầy nghe, câu thơ đầu tiên tôi đọc của Bùi Giáng làm tôi đã bị chinh phục ngay ( tôi nhớ tôi đọc trên kiến thức ngày nay thì phải, rất lâu rồi), thầy hỏi câu nào, tôi bảo câu: “ Hồn phố thị cũng xa bay như gió/Cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu/bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó/Lối đào nguyên anh khoác áo khinh cừu”. thế là thầy cười và bảo, đấy cũng là một trong những câu thơ của Bùi Giáng thầy thích nhất.

Sau đận ấy, hình như tôi cũng đi nước ngoài vài tháng, rồi khi về SG, cũng không mấy có dịp xuống thăm thầy, cũng nghe nói thầy đã hết bị quản thúc. Cũng có lần tôi gọi điện cho anh Nguyễn Đạt định rủ anh tới thăm thầy, thế nhưng rồi cả hai anh em đều bận – nói theo ngôn ngữ nhà phật là duyên chưa tụ. Bản thân tôi, về mặt một người vẽ, thấy khuôn mặt thầy mà vẽ chân dung sẽ rất đẹp, và cũng định khi nào có dịp và đủ duyên, xuống vẽ thầy, ấy vậy mà cũng chưa có khi nào cả. Cái entry này có lẽ -nói theo ngôn ngữ Blog, là xếp gạch – để rồi trong tương lai, nếu khi nào tâm bình bình một chút, lại xuống thầy chơi, và nếu may mắn, sẽ vẽ một(vài) bức chân dung thầy





N.H.

1 nhận xét:

  1. Anh Như Huy may mắn quá, thầy Tuệ Sỹ là một trong ít trí tuệ hiếm có của nước Việt. Em có gặp thầy Lê Mạnh Thát rồi ở Viện Phật Học cách đây ba năm, mà chưa biết khi nào có duyên gặp thầy Tuệ Sỹ. Đọc những sách và kinh thầy dịch ai không ngưỡng mộ sở học uyên bác của thầy? Em follow blog của anh Huy nhé.

    Trả lờiXóa