Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Âm nhạc cổ điển thường thức (5)

Như Huy dịch


Các hình thức âm nhạc dành cho nhạc cụ

Châu Âu hiện đại đã có đóng góp vô cùng lớn lao cho thế giới nghệ thuật âm nhạc qua việc sang tạo ra các hình thức âm nhạc tuyệt vời cho nhạc cụ. Các nền văn minh khác có thể đã có những đóng góp về thi ca, kịch nghệ, hội họa, điêu khắc và kiến trúc, song duy chỉ châu Âu mới là nơi đóng góp cho thế giới các thể loại như Sonata, Concerto, Symphony, và các hình thức âm nhạc tuyệt vời cho nhạc cụ khác.

5-Giao hưởng

Giao hưởng là hình thức âm nhạc hiện đại nhất. Chính ở hình thức giao hưởng, rất nhiều nhà soạn nhạc lớn trong hơn hai thế kỉ vừa qua đã biểu lộ các tư tưởng và cảm xúc sâu sắc nhất của họ. Một bản giao hưởng cũng giống như một vở kịch lớn vậy- nó có độ rộng dài và sự tiếp nối giữa các chương. Hơn là một dạng âm nhạc chỉ làm thỏa mãn đôi tai người nghe, hình thức nhạc giao hưởng còn mang chở các suy tư, bình luận của nhà soạn nhạc về toàn bộ đời sống, trình bày ra viễn kiến của anh ta về thế giới

Vào giai đoạn khởi đầu của hình thức này, khoảng 1750, giao hưởng chỉ là một tác phẩm ngắn, được viết cho một nhóm nhạc công nhỏ trình diễn trong một khán phòng nơi lâu đài của nhà quý tộc. Vào thời đó, trong một khán phòng nhỏ, chỉ một nhóm với khoảng 18 đến 20 đã được coi là một dàn nhạc thính phòng rất lớn rồi.

Rất nhiều bản giao hưởng đẹp đẽ của Haydn hay Mozart đã đều được viết cho một dàn nhạc với kích cỡ nhỏ như vậy. Chúng phản ánh sự thanh nhã và vẻ yêu kiều phù hợp với các khán phòng nhỏ.

Tuy nhiên, đến thời của Beethoven, khi âm nhạc đã bắt đầu luôn được đưa ra trình diễn tại các buổi hòa nhạc lớn, dàn nhạc cũng bắt đầu tăng cả về số lượng người chơi lẫn sự đa dạng về nhạc cụ. Các nhạc cụ mới đã được đưa vào, và thế rồi, hình thức âm nhạc giao hưởng bắt đầu đạt tới quyền lực tối cao của nó.

Dĩ nhiên là không phải bản giao hưởng nào cũng kịch tính và mạnh mẽ. Có rất nhiều dạng giao hưởng khác nhau. Một số thì nhẹ nhàng và du dương, như bản giao hưởng Haffner của Mozart và bản giao hưởng Surprise của Haydn. Một số thì có chất hài hước, như bản giao hưởng cổ điển (Classical Symphony) của Prokofiev. Bản giao hưởng Pastorale của Beethoven lại rất nhẹ nhõm, tỏa ra không khí thi vị đồng quê. Thậm chí còn có những bản giao hưởng sử dụng các motives của nhạc Jazz, như bản giao hưởng Dance của Aaron Copland.

Tuy nhiên, những bản giao hưởng ấn tượng nhất chính là những bản giao hưởng mà ở đó biểu lộ được thân phận của con người, tức biểu lộ được nỗ lực lớn lao của họ trong cuộc đấu chống lại định mệnh. Ví dụ của các bản giao hưởng này bao gồm bản giao hưởng chưa hoàn tất (unfinished symphony) của Schubert, giao hưởng số 6 của Tchaikovsky, giao hưởng số 1 của Brhams, giao hưởng số 5 của Prokofiev, hay giao hưởng số 10 của Shostakovich.

Song, phải nói rằng, nhạc sĩ duy nhất, và có lẽ vẫn là vĩ đại nhất đã đưa được vào hình thức âm nhạc giao hưởng các vấn đề triết học và thân phận con người chính là Beethoven. Bản giao hưởng số 5 của ông, cho tới nay, vẫn là một trong những minh họa vĩ đại nhất bằng âm nhạc về cuộc đấu tranh của con người chống lại định mệnh.

Bản giao hưởng số 3 của ông, Eroica (anh hùng), lại trình bày ra niềm vinh quang và bi kịch luôn ẩn chứa trong số phận của những con người vĩ đại. Tuy nhiên, có lẽ bản giao hưởng kịch tính nhất trong 9 bản giao hưởng của ông phải là bản giao hưởng số 9

Trong toàn bộ ba chương đầu của tác phẩm tuyệt vời này, Beethoven đã dựng nên cả một không gian cảm xúc đầy bi kịch song cao quý. Để giúp bản giao hưởng đạt tới đỉnh điểm cao trào, Beethoven đã không chỉ sử dụng các nhạc cụ, mà còn đưa vào đó một giàn hợp xướng cỡ lớn (và đây chính là một sáng tạo vô tiền khoáng hậu của ông) hát vang lên lời thơ của bản “Ode of Joy” (tụng ca niềm vui) của Schiller. Bản giao hưởng số 9 này, tức một tác phẩm mang chứa sức mạnh kịch tính vĩ đại nhất, đã thông dịch toàn bộ các trải nghiệm của con người vào âm nhạc. Vì lý do đó, không phải không có lý khi rất nhiều người đã coi Beethoven chính là một Shakespeare của âm nhạc.

Các nhà soạn nhạc của thế kỷ 19 như Berlioz, Schuber, Mendelssohn, Tchaikovsky hay Dvorak lại là những người làm cho hình thức âm nhạc giao hưởng trở nên nhiều mầu sắc và có tính miêu tả hơn. 4 bản giao hưởng đồ sộ của Bhrams đã kết hợp được sức mạnh của một Beethoven với sự ấm áp và không khí tâm tình của một nhà lãng mạn.

Trong số các nhà soạn nhạc hiện đại, Prokofiev, Shostakovich và Vaughan-William cũng đã sáng tác những bản giao hưởng tuyệt vời.

(nói về giao hưởng hiện đại, các bạn cũng nên thử tìm nghe các bản giao hưởng của Gustav Mahler-ND)


Symphony n.5, Beethoven, mvt 1. Chỉ huy, Artuso Toscanini (bố vợ Horowitz)


Symphony n.9, Beethoven, đoạn hợp xướng “Tụng ca niềm vui”, chỉ huy Herbert Van Karajan


Symphony No. 10: Adagio - Part 1 of 3, Gustav Mahler, chỉ huy Leonard Bernstein


Nguồn: The invitation to music, by Elie Siegmeister, HARVEY HOUSE, INC., publishers, Irvington-on-Hudson, New York, 1966

(còn tiếp)

3 nhận xét:

  1. Giao hưởng định mệnh hay điệu nhảy của một con voi :))

    Trả lờiXóa
  2. Lâu lâu mới nhìn thấy Leonard Bernstein và những điệu múa điệu đà của ông :-) Artuso Toscanini thì điển hình cho kiểu chỉ huy mực thước, chính xác. CÒn bác Herbert Van Karajan hồi này mới bắt đầu thời kỳ chỉ huy theo trường phái tối giản nhỉ :-D

    ps: Comt của em bị mất hơi bị nhìu. Hận :-(

    Trả lờiXóa
  3. Mất comt nhiều, hận blog quá :-P

    Comt lại lần thứ n: Lâu lâu mới thấy lại phong cách chỉ huy của 3 người em rất thích. Artuso Toscanini mực thước, chính xác. Herbert Van Karajan bắt đầu lối chỉ huy tối giản nổi tiếng (do sức khỏe) . Leonard Bernstein điệu đà, bay bổng
    :-)

    Trả lờiXóa