Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

video clip tác phẩm trình diễn của Wen Yau

Wen Yau là một nhà nghiên cứu, nghệ sỹ liên phương tiện, người viết về nghệ thuật, giám tuyển và là một nghệ sỹ trình diễn nổi bật của châu Á. Tác phẩm của cô luôn tập trung vào các sự sai biệt văn hóa và sự xung đột của hai dạng không gian thầm kín và không gian công cộng

Click vào đây để xem CV của Wen Yau:

Tác phẩm trình diễn được tôi giới thiệu lần này của Wen Yau là, “ A Homage to the work “ON THE TABLE “ của Seiji Shimoda (Một nghệ sỹ trình diễn, và là giám đốc nghệ thuật của NIPAF, click vào đây để biết về tác phẩm này ). Với tác phẩm này của Wen Yau, theo tôi, một trong những đặc tính quan trọng nhất của nghệ thuật trình diễn đã được lộ ra trọn vẹn.


Tác phẩm gốc ON THE TABLE của Seiji Shimoda

Thật vậy, một trong những đặc tính quan trọng nhất của nghệ thuật trình diễn là việc, đối với một tác phẩm trình diễn, bởi nghệ sỹ trình diễn luôn lấy thân thể của chính mình làm chất liệu nghệ thuật, thế nên, quá trình thực hiện tác phẩm sẽ làm xuất hiện một không-gian-ở-giữa [in-between space], giữa chủ thể (nghệ sỹ- kẻ thực hiện tác phẩm) và đối tượng (cơ thể nghệ sỹ- vật thể nghệ thuật/tác phẩm). Chính không-gian-ở-giữa này sẽ là một địa bàn mở ngỏ cho mọi phát biểu đa dạng nhất của nghệ sỹ, và cũng chính nó sẽ mở ra vô số chiều kích diễn giải từ phía tiếp nhận- là công chúng. Vì lẽ đó, thông điệp của một tác phẩm trình diễn không bao giờ là dạng thông điệp minh họa hay một chiều (được phát ra từ một chủ thể tĩnh tại và từ một ý thức nhất quán) mà nó luôn có tính loãng động liên miên, nhập nhòa giữa điều định nói, và điều đã nói, điều có thể nói và điều bất khả, kết luận sau cuối và các khả thể cho sự nghi hoặc vô tận. Chính trong khoảnh khắc ở-giữa này, bản thân cơ thể của nghệ sỹ cũng sẽ trở nên một thực thể bán độc lập, mà mỗi cử chỉ, tiếng động, sự đau đớn, dấu vết da thịt, hình dạng, sự cân đối hay mất cân đối của nó đều cùng lúc được nghệ sỹ khách thể hóa ra ngoài và được công chúng chủ thể hóa vào trong bản thân họ.

Vì tất cả các lý do nêu trên, việc trình diễn lại( thậm chí là chính xác) một tác phẩm trước đó, đối với nghệ sỹ trình diễn, luôn không phải là một hành vi mô phỏng hay tái diễn giải theo kiểu sắm-vai-người-khác trong kịch nghệ. Do yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật trình diễn nằm ở sự tham gia về mặt cơ thể (với trọn vẹn mọi nghĩa của từ này- từ vóc dáng, kích thước, màu da, sự nhạy cảm, cấu tạo sinh học, phản ứng vô thức và ý thức v.v.) của bản thân mỗi nghệ sỹ trình diễn, thế nên, mỗi tác phẩm trình diễn, dù lặp lại nguyên si một tác phẩm nào có trước đi chăng nữa, vẫn tự mình trở nên một thực thể nghệ thuật độc lập, theo nghĩa tạo ra được không gian tri cảm và tiếp nhận tuyệt đối riêng biệt

Trở lại tác phẩm A homage to the work ON THE TABLE by Seiji Shimoda, cùng là những động tác ngẫu hứng bên chiếc bàn như trong tác phẩm Seiji Shimoda, song, với Wen Yau, một không gian khác biệt đã được mở ra. Ở đây chúng ta đang thấy các nỗ lực của một cơ thể nữ, dường như trong một cuộc vật lộn với không gian, với thời gian, cũng như với chính cơ thể ấy, như thể một chiếc lồng giam các xung lực bên trong. Ở đây, chính cơ thể của Wen Yau đã lên tiếng, và do đó, tác phẩm không còn là một sự bắt chước hay mô phỏng ý tưởng nơi tác phẩm Seiji Shimoda. Do chính ý tưởng (concept) cũ, giờ đây đã hợp một vừa khít với cơ thể, bản sắc, kinh nghiệm, và loại giống khác, thế nên, chính ý tưởng ấy cũng đã phá vỡ được căn nhà ngục của lo-gic ngôn ngữ và khái niệm để đạt tới một cuộc hóa thân ngoạn mục, nơi tất cả những khái niệm trừu tượng như bản sắc, văn hóa, nghệ thuật, hay ý tưởng chung chung và phổ quát, nay đều đã được quy chất thành ra từng tiếng động do da thịt đập vào vật chất, ra từng động tác vặn vẹo khó khăn, ra từng nhịp thở hổn hển như báo hiệu về sự hiện hữu của một hữu thể cụ thể.

Mỗi động tác của Wen Yau (dường như đều được suy tính kĩ lưỡng trước đó), tuy vẫn duy trì vẻ đẹp của thực tại, của sự ngẫu hứng, song cũng đã như thể phối hợp vô cùng chuẩn xác và hoàn hảo với toàn bộ không gian ánh sáng của căn phòng, với chính vẻ khẳng khiu song vững chãi và vô hồn của chiếc bàn mầu vàng, để đem lại cho chúng ta một không gian của vô số ảo ảnh chồng lớp như kiểu các ảo ảnh nơi những bức tranh của Egon Schiele hay Francis Bacon: Tức những ảo ảnh mà qua chúng, người xem chúng ta dường như được khai sáng đến tận chân tơ kẽ tóc về nỗi cô đơn tuyệt cùng của mọi hữu thể, song cùng lúc, về nỗ lực vô tiền khoáng hậu của mọi hữu thể tìm cách đạt tới nhau, qua đó sống sót và có thể thoát khỏi nỗi cô đơn ấy





NOTE: Tác phẩm này của Wen Yau do tôi quay lại bằng điện thoại di động trong buổi trình diễn tham khảo thuộc hội thảo về nghệ thuật trình diễn châu Á do Asian Art Archieve tổ chức năm 2010 tại Hongkong.

Tôi giới thiệu tác phẩm này trong blog cá nhân, chỉ với mục đích chia sẻ nghệ thuật với các nghệ sỹ. Tôi giữ toàn bộ bản quyền của video clip này. Yêu cầu chỉ xem tại đây và không phát tán ra các nơi khác.

This video clip is shot by myself. I post it here (with my critical introduction) on my personal blog with only a purpose to share art material with Vietnamese artists who are practicing performance art and Vietnamese audience who are concerned on performance art in Vietnam. Please do not share it in anywhere else. Thanks!




N.H.

1 nhận xét: