Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

...rồi lại Xuân ( đăng lại)



Mùa Xuân Đầu Tiên
Sáng tác: Văn Cao, 1976
Đạo diễn: Đinh Anh Dũng
Hòa âm: Bảo Phúc
Ca sĩ: Thanh Thúy

Có 2 bài hát của Văn Cao mà tôi rất thích, 1 là “Tình ca Trung Du”, và 2 là “ Mùa Xuân Đầu Tiên”. Cả 2 bài hát, theo tôi biết, đều là những sáng tác ở giai đoạn sau của Văn Cao, giai đoạn Hậu - Nhân Văn Giai Phẩm. Song nếu với bài “Tình Ca Trung Du”, sự quyến rũ nằm ở các nét phát triển rất bất ngờ của giai điệu, của các đoạn chuyển điệu (khá) phức tạp cùng ca từ vô cùng trong sáng và đầy thi ca: “Miền quê núi thắm, ở cuối sông một cánh tay sông Hồng, một cánh tay sông Lô, hai cánh tay như ôm Trung Du…” thì ở bài “Mùa xuân đầu tiên”, sự quyến rũ lại nằm ở cấu trúc và không gian âm nhạc vô cùng giản dị, trong sáng, nhưng cũng thật xót xa. Không hiểu sao, bản thân tôi luôn có 1 sự liên tưởng bài hát này với bản Sonata số 5, cung Fa trưởng, có tên “ Mùa Xuân”, viết cho cho Violon và Piano của Beethoven. Cũng một cảm giác mong manh như thế, một giai điệu/chủ đề mảnh dẻ (lẽ dĩ nhiên, với Beethoven, do khác biệt về thể loại, nên chủ đề đã được phát triển phức tạp hơn rất nhiều) như thuỷ tinh sắc cứa lên nỗi xót xa của một cảm giác như khi, vào một ngày nào đó trong cuộc đời ngắn ngủi này, ta bất chợt đối diện với một điều gì đẹp đẽ và kỳ diệu, song ngay phút ấy, ta cũng chợt hiểu rất rõ rằng, cái điều mong manh kỳ điệu đó đang qua lướt rất mau khỏi chúng ta, và rồi chúng ta - những con người mang theo biết bao nhiêu giới hạn - không bao giờ có thể nắm giữ nổi vẻ đẹp đẽ, kỳ diệu rung thoảng mơ hồ của nó.

Đặc biệt phần ca từ trong bài hát “Mùa Xuân Đầu Tiên” của Văn Cao, theo tôi, cũng đã đạt tới vẻ tối giản của những suy ngẫm rất sâu sắc. Chúng ta cũng nên biết rằng, bài hát “Mùa Xuân Đầu Tiên” này đã được Văn Cao viết vào năm 1976, 1 năm sau ngày 30/4/1975. Vào thời điểm đó, dường như đã có một cơn vui chính thống và tập thể đang trào lan khắp Việt Nam, thể hiện qua vô số ca khúc chính thống, mà có lẽ hầu hết những ai sống ở Việt Nam lúc ấy hẳn còn nhớ như:” Đất Nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà, rồi một bài hát mà tôi quên tên có những ca từ như ” Biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa, nước non một nhà….”, hay bài “ Như có bác Hồ” của Phạm Tuyên, hoặc bài “ Tiếng hát từ thành phố mang tên người” của Cao Việt Bách, vv và vv. Tất cả các bài hát nói trên (và nhiều bài khác nữa) đều có chung đặc điểm là, được viết hầu hết trong giọng trưởng, với nhịp điệu mạnh mẽ, sảng khoái, giai điệu và ca từ vỡ òa trong những cơn vui dường như đã đạt tới độ thăng hoa.

Tuy nhiên, lạ thay, cái cơn vui và hân hoan tập thể hồng rực và thăng hoa ấy hoàn toàn không hề được phản chiếu chút nào trong bài hát nhỏ bé “ Mùa Xuân Đầu tiên” của Văn Cao. Trái lại, Ở đây, chúng ta chỉ thấy một "mùa bình thường nay đã về”, thấy hình ảnh đơn sơ của một “người mẹ nhìn đàn con nay đã về”, của những giọt “nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh”, để rồi thấy cái niềm vui hội ngộ sao chợt đậm lên vị mặn “long lanh” của giọt nước mắt- không phải giọt nước mắt ồn ào theo kiểu “vui sao nước mắt lại trào” của Xuân Hồng mà là giọt nước mắt thầm lặng, thấm thía chỉ ánh lên khe khẽ mà thôi.

Xuyên suốt bài hát, dù đâu đây, qua ca từ, hiện lên những hình ảnh của hội ngộ, của thanh bình như “tiếng gà gáy trưa bên sông”, hay của “niềm vui phút giây như đang mênh mông”, trội hẳn lên là một nỗi man mác xót xa, trước hết là trong giai điệu, được chở vừa khít bởi sự khoan nhặt của nhịp võng đưa ¾, và sau đó, là trong ca từ, vừa hiện thực vừa biểu tượng, thẩm thấu trọn vẹn vào giai điệu. Chính nỗi xót xa man mác này, với tôi, đã làm nên vóc dáng “tiên tri” (nếu có thể gọi được như vậy) của bài hát mà Văn Cao – trong vai trò một nghệ sỹ - vào thời điểm đó, do những nghịch cảnh, phải mang một thế đứng độc lập, ngoại biên – đã chỉ ra. Đây hoàn toàn không chỉ là một nỗi xót xa mỹ học theo kiểu Beethoven, mà là một nỗi xót xa của hiện thực, của hành vi suy ngẫm, của một nhắc nhở tiên tri về những khía cạnh khác, những versions khác, những khả năng khác của “chiến thắng”. Nói cách khác, đây chính là một nỗi xót xa đầy nhân văn, vượt lên trên mọi hân hoan hào hùng tập thể và chính thống để trông rõ được các cách ngăn khó bề san lấp, các nỗi đau, các chia cách về tâm lý, về quá khứ…mà rồi sẽ còn mãi đeo đẳng tất cả những người Việt Nam cho tới tận ngày hôm nay.

Chính tại nơi đây, chúng ta trông rõ tầm vóc của Văn Cao – trong vai trò của một nghệ sỹ, kẻ-ngoại-biên, kẻ mà định mệnh là luôn đứng ra ngoài bất kỳ hệ thống thống trội nào (dù ta hay địch, dù triết học, chính trị, hư vô, vô thần hay thần học...) để có thể - bằng sự nhạy cảm tiên tri (hình như thừơng làm hắn ta trở nên một kẻ kỳ quặc trong mắt kẻ khác) của mình - nhắc nhớ về những khả năng khác của mọi hiện-thực-được-đồng-thuận, thậm chí ngay cả khi những hiện thực ấy được đồng thuận tới mức độ 99,99999999 …%

Cũng bởi thế, với riêng tôi, mấy câu hát trong đoạn điệp khúc của bài “Mùa Xuân Đầu Tiên” viết vào năm 1976 (ngay sau 1 năm của cuộc hợp nhất đầy khó khăn và đớn đau của nước Việt Nam) của Văn Cao:

Từ đây người biết yêu người.
Từ đây người biết thương người.
Từ đây người biết quê người.

Cho tới giây phút này, (đã)vẫn tự chứng minh trọn vẹn là những câu hỏi, Những-câu-hỏi-tiên-tri:

Từ đây người biết yêu người?
Từ đây người biết thương người?
Từ đây người biết quê người?



Như Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét