Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Lý thuyết nghệ thuật hậu hiện đại (2)

Như Huy dịch
Nguồn: chương 11 ( từ tr.322-374) trong "Nghệ thuật của kỷ nguyên hậu hiện đại" [ Art of the Postmodern Era], Iving Sandler, Westview Press xuất bản 1998, USA.

-----

Những cuộc công kích nhắm vào lịch sử mỹ thuật và phê bình nghệ thuật kiểu cũ đã được gia tăng cường độ cùng với những gì diễn ra trong thập kỷ 70, đặc biệt với sự phát triển cả về phạm vi và tính thuyết phục của Nữ quyền luận [Feminism] Song không thể thay đổi những cách nghĩ cũ chỉ trong một sớm một chiều, và cũng khó mà bắt những chuyên gia nghệ thuật theo kiểu cũ tin ngay vào điều mới mẻ .Ví dụ, Amy Goldin đã viết vào năm 1975:” Lịch sử mỹ thuật Hoa kỳ ( đã từng ) được coi là có tính tinh chuyên, phân biệt chủng tộc và giới”. Bà cũng bình luận thêm:“…Khiếu và chất lượng thẩm mỹ đang được giới thiệu cho sinh viên như thể một tính chất tối thượng của nghệ sỹ và nghệ phẩm. Song không ai đặt câu hỏi về cơ sở lý thuyết và xã hội của việc sử dụng chúng [ như tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật và nghệ sỹ]. Nghệ thuật phải được xem xét như một vấn đề thuộc thực hành xã hội. Các vật thể nghệ thuật cần được đánh giá theo tiêu chuẩn khác với tiêu chuẩn của các sử gia nghệ thuật- chỉ chú trọng vào giá trị nghệ thuật. các nghiên cứu nhắm mục đích trở nên bao quát và phổ quát, trong thực tế, chỉ là những nghiên cứu về “các lịch sử nghệ thuật phương Tây…có tính chuyên biệt và phân cấp, và chỉ dành rất ít chỗ cho nghệ thuật Hồi giáo, châu Phi hay tiền Colombo (1), chưa bàn tới dạng nghệ thuật của phụ nữ, người Mỹ gốc Phi, và các cộng đồng thiểu số khác

Sự thay đổi của phê bình nghệ thuật đã trở nên thanh thiên bạch nhật một cách đầy kịch tính vào thời điểm cuối năm 1975, khi các tác giả có tính dẫn đạo từng viết cho tạp chí Art Forum, tức pháo đài của dạng phê bình nghệ thuật [hình thức] kiểu Greenberg, đã rủ nhau cùng từ bỏ chủ nghĩa hình thức và vận dụng một tiếp cận xã hội học vào phê bình nghệ thuật. Max Kozloff, biên tập mới của artforum, với sự hỗ trợ của trưởng ban biên tập John Coplans, đã giới thiệu một loạt tiểu luận liên quan tới chủ đề “ai là kẻ điều khiển các phát ngôn thị giác và với mục đích gì?”. Kozloff kết luận “ cả hành vi sáng tạo lẫn hành vi diễn giải nghệ thuật đều không hề thoát khỏi vòng kiểm tỏa của ý thức hệ” (2). Hilton Krammer đáp trả trên tờ New York Time, buộc tội Art Forum về một ”học thuyết Marxism lộn xộn và ầm ĩ, chỉ khăng khăng vào một phân tích chính trị xã hội đầy định kiến nhắm vào mọi sự kiện nghệ thuật và nghi ngờ sâu sắc mọi xác quyết mỹ học (3). Tiếp ngay sau krammer, David Bourdon tuyên bố rằng Artforum “…bởi khung xương xã hội học của nó, giờ đây đã ít quan tâm tới nghệ thuật“(4)

Trong kháng biện lại Kramer, Coplans và Kozloff đã bảo vệ cho “nỗ lực phê bình của họ, nhằm liên nối nghệ thuật với các thực tại lịch sử và chính trị của công chúng. Họ tấn công sự đàn áp “trí tưởng tượng tự do” của Chủ nghĩa quốc xã, học thuyết Stalin và Mao, cùng lúc cũng phê phán “huyền thoại về sự tự do vô giới hạn” kiểu phương Tây…Tâm lý sai lầm này [ về sự tự do vô giới hạn] đã dẫn đến một chủ nghĩa hình thức mang tính lọc khử , tức điều quy cho nghệ thuật một tình trạng biệt lập và vô nhiễm. Một học thuyết như vậy đã ngăm chặn hiệu quả sự đưa vào nghệ thuật yếu tố thuộc tâm thần (psychic) [ của tác giả], các chất liệu về mặt tình dục, chủng tộc, các quan tâm mang tính tự sự, và sự bất đồng chính trị mà có khi chính là nguồn cơn ra đời của tác phẩm.

Nếu phê bình nghệ thuật không đối diện với những chủ đề như thế “ Nó chỉ đơn thuần phục vụ cho thị trường [ cũng như được thị trường dung dưỡng](5) và rốt cục trở nên, hoặc là ngây thơ, hoặc là xách mé.Trong một tiểu luận sau này có tên ” Nghệ thuật chính là một hành động chính trị” [Art is a Political Act], cả hai biên tập viên của Art forum đã tái nhấn mạnh “ sự dấn thân của tạp chí hướng về dạng phân tích chính trị xã hội”, cụ thể là trong ứng xử có tính phê phán của nó đối với hệ thống thị trường và cấu trúc định chế của thế giới nghệ thuật cùng những kẻ môi giới băng hoại, tự mãn và các huyền thoại cũ rích của thế giới ấy (6)

Kozloff và Coplans đã không được phép tiếp tục chính sách biên tập của họ. Charles Cowler, chủ biên của tạp chí , bị áp lực từ giới quảng cáo và nhận thức về mối quan tâm của giới nghệ thuật có vai vế về sự giảm sút số lượng những bài phê bình cho loại nghệ thuật hiện hành đã không ký tiếp hợp đồng với Coplan sau tháng 12 năm 1976. Kozloff cũng từ chức vào tháng sau và vị trí của ông đã được Joseph Masheck thay thế. Trong lá thư gửi tới Art Forum vào tháng 3 năm 1977, hơn 100 nghệ sỹ và các chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật đã phản đối “ sự sa thải và / hay khuyến khích nghỉ việc của tạp chí đối với John Coplan và Max Kozloff (7). Song, dẫu mất việc, quan điểm biên tập của hai người này cũng đã báo trước một sự tái định hướng tổng thể cho phê bình nghệ thuật

Khi Kozloff và Koplans rời khỏi Art Forum, Rosalind Krauss và Annette Michelson cũng từ chức biên tập ở đó (8). Vào mùa xuân 1976, họ cùng Jeremy Gilbert – Rolfe sáng lập tạp chí October. Với những cây viết cộng tác như Douglas crimp (người sau này trở nên một biên tập viên cộng tác và rồi -giám đốc điều hành), Craig Owens, Benjamin Buchloh, cùng những người khác, October đã trở thành một tạp chí lý thuyết nghệ thuật quan trọng tại nước Mỹ. Những quan tâm mang tính trí tuệ của nó đã được hồi ứng trong các tiểu luận của Owens và Hal Foster, in trong tạp chí Nghệ thuật Mỹ [Art in American]. Cả hai cây viết này, người đầu tiên thì từ tháng Mười hai năm 1981, người thứ hai từ tháng Giêng 1982, đều viết cho October

Cái tên của tạp chí “ Tháng mười “ ( October ) là nhằm “vinh danh” cuộc cách mạng Nga vào tháng 11 năm 1917. Cuộc cách mạng ấy, theo như những biên tập viên của tạp chí tuyên bố: “.. chính là khoảnh khắc quan trọng trong thế kỷ chúng ta khi thực hành cách mạng, truy vấn lý thuyết và sự cách tân nghệ thuật được kết nối lại với nhau trong một phong cách gương mẫu và độc đáo”. Cái tên đó cũng có ý nghĩa tưởng niệm tới bộ phim Tháng Mười ( 1927 – 1928 ) của đạo diễn Nga Sergei Eisenstein. Đây là bộ phim được làm ra để ghi nhớ về cuộc cách mạng(9). Thêm vào đó, việc lựa chọn cái tên đó cho tạp chí cũng có ý nghĩa rằng điện ảnh sẽ trở nên một khu vực quan trọng để tạp chí October khảo cứu. Các biên tập viên hy vọng rằng tạp chí của họ sẽ thi đua với các nghệ sỹ Bônsêvích trong việc trộn lẫn nghệ thuật tiền phong với những thực hành và ý thức hệ Mác Xít.Thật vậy, khẩu hiệu của October, xuất hiện trên bìa của mọi số tạp chí, là: Nghệ thuật/Lý thuyết/phê bình nghệ thuật/chính trị học. [art/theory/critism/politics]. Tạp chí không hề bám cứng vào bất kỳ chương trình chính trị cụ thể nào; mà chỉ hàm ý về một thế đứng đối lập với trật tự xã hội tư bản hiện tại “trong một thời đại của những phản ứng đang tăng cao”(10) October cũng nhắm tới việc thách thức các định chế nghệ thuật và các bộ chuẩn tắc thẩm mỹ của chúng. Tuy nhiên, ẩn dưới thái độ chống đối ấy là một sự chán ghét với những điều mà Charles Jencks từng gọi là (với một giọng điệu đồng lõa) )” Hình ảnh của giai cấp trưởng giả thành đạt và tự hài lòng với bản thân” (11). October cũng vinh danh một cách hiển ngôn các nghệ sỹ làm việc với những chủ đề nghệ thuật mang tính chính trị, hoặc những người làm việc với các chất liệu công nghiệp (Nhiếp ảnh, video, film..vv ). Chính sách của tạp chí gợi nhớ về chính sách của các nhà cấu trúc Nga, và đặc biệt hơn, là về chính sách của các thành viên thuộc chủ nghĩa vị sản xuất [productivist members] (chủ nghĩa vị sản xuất là một trào lưu nghệ thuật do các nhà cấu trúc Nga thành lập vào thời hậu cách mạng Nga. Trào lưu này tin rằng nghệ thuật nên có tính thực dụng, sắm một vai trò khả dụng trong xã hội-ND]. Tất cả các chất liệu mới mẻ này đều được dùng như công cụ tuyên truyền và có thể được phổ biến rộng rãi. Những nhà cấu trúc cũng từng sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật trừu tượng, song, điều làm họ nản lòng là đại chúng hoàn toàn không hiểu gì về ngôn ngữ trừu tượng, chứ đừng nói tới ngưỡng mộ. Khi Stalin nắm quyền lực, nhà nước đã không cho phép họ tiếp tục dạng nghệ thuật ấy, và sau đó đã đàn áp họ.

Cũng giống như những nhà vị sản xuất, các cây viết cho October cũng kêu gọi về một dạng nghệ thuật với nội dung”cấp tiến”, hạ thấp hội họa trước nhiếp ảnh và những phương tiện công nghiệp khác. Song các phiên bản người Mỹ này đúng như Michelson đã lưu ý (12), lại coi mình là”… thành viên của một giới trí thức trung -lưu đã hết ảo tưởng về bất cứ nhiệm vụ cách mạng nào…cũng như không có viễn kiến gì về một tương lai không tưởng. Họ cũng chẳng bị bị đe dọa từ sự kiểm duyệt và ngược đãi của Stalin như những nhà tiền phong nga và những người ủng hộ các nhà tiền phong đó xưa kia từng phải chịu đựng. Ngoài ra, các cộng tác viên của October còn hiểu rằng công chúng của họ không phải là đại chúng, mà là những đồng nghiệp thiên hữu [về chính trị] của họ. Nhóm October không hề tạo ra các nhà cách mạng thiếu vắng cuộc cách mạng, như kiểu Floyd Dell từng mô tả dân du mục sống ở làng Greenwich hồi đầu thế kỷ, mà là những đảng viên tự do tư sản, tức những người chỉ sử dụng phép tu từ cách mạng mà thôi. Tuy nhiên, cộng tác viên của October đều đã sống qua cái thời kỳ của các cuộc biểu tình náo loạn phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, của cuộc nổi loạn sinh viên vào năm 1968, của vụ Watergate, và do đó, chịu tác động sâu sắc từ các biến cố bi kịch này. Hậu quả là, họ có thái độ nghi ngờ, nếu không muốn nói là thù địch nhắm vào mọi định chế cũ cùng các bộ chuẩn tắc, các sự tái hiện và các lời biện minh của chúng.

-------


1- Amy Goldin , “Lịch sử mỹ thuật Hoa kỳ đã từng được coi là có tính tinh chuyên, phân biệt chủng tộc và giới. Những lời buộc tội mạnh mẽ” [ American Art History Has Been Called Elitist, Racist, Sexist. The Charges Stick], số tháng 4. 1975, tr.48, 49-50

2-M.K.[Max Kozloff], lời giới thiệu của tổng biên tập trong Art Forum, tháng 12, 1975, tr.7

3-Hilton Kramer, “ Chủ nghĩa Mác lộn xộn thế chỗ cho phê bình nghệ thuật tại Art Forum”[Muddled Marxism Replaces Criticism at art Forum], New York Times, 21 tháng 12 năm 1975, tr.40

4-David Bourdon, “ Nghệ thuật: Artforum chuyển qua chính trị,” Art: Artforum Goes Political] , Village Voice, số mùng 5 tháng Giêng, 1976. Tr. 68

5-John Coplans và Max Kozloff, “ Các lá thư; Artforum chống lại Kramer”, New York Times, ngày mùng 4 tháng Giêng, 1976, tr.2. Kozloff phát triển ý tưởng này trong buổi nói chuyện với chủ đề:” Phê bình nghệ thuật: điều gì đã xảy ra?” [ Art Criticism: What is to be done]tổ chức tại học viện Pratt, New york, mùng 4 tháng Ba năm 1977

6-Max Kozloff và John Coplans, “ Nghệ thuật chính là một hành động chính trị” [Art is a political act] , Village Voice, ngày 12 tháng giêng 1976, tr.71

7-“các lá thư”, Artforum, số tháng Ba năm 1977, tr.8

8-Về sự phân tích hoạt động bên trong của Artforum vào đầp và giữa thập kỷ 70, xem Rober Pincuswitten, “Những bữa trưa trần trụi” [Naked Lunchs], October 3 ( Mùa xuân 1977), 102-18, và Jack Burnham, “Danh sách biên tập viên Artforum mười năm trước” [ten years before Artforum masthead], New Art Examiner, số tháng Tư, 1978, tr 1, 6-7.

9-Lời các biên tập viên, “ về October”, October 1 ( Mùa xuân 1976): 3

10-Anette Michelson, “ viễn tượng trước mắt chúng ta” [The prospect before us], tr.119.

11-Phỏng vấn với Charles Jenck”, trong “ hậu Avand-Garde: Hội họa của thập kỷ 80, [ Post Avant-Garde, Painting of eithties] Charles Jencks biên tập (London: Academy Edition, 1987)

12- Michelson, “ viễn tượng trước mắt chúng ta”, tr.119.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét