Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Thanh Tâm Tuyền- Chúng ta đã thắng GIỮA cuộc đời

Mặt trời mọc
Mặt trời mọc
Rưng rưng mùa hoa gạo ...


Mây đục đậu bên bờ cửa sổ
người nằm ôm chăn mỏng nhớ đời
bệnh viện thành công viên khuất nẻo
người ngủ một mình đợi chúng tôi
trời cao trời cao xin xanh biếc
hơi thở rất tròn quanh vành môi
không trách chúng tôi nhiều quên lãng
cửa ngoài chưa thỏa vút tiếng cười
còn thương những kẻ đau rỏ máu
những chuyện hôm qua chuyện núi đồi
mai kia thân thể hoang từng mảnh
nằm đây rồi cũng rõi mây trời
Thoại ơi Thoại ơi không biết khóc
nhưng giòng nước mắt ướp mặn môi
không chết trần truồng không thể được
chúng tôi đập vỡ những hình hài
cuộc sống phải thừa như không khí
cuộc sống phải thừa như sớm mai
Đường hanh bệnh viện dòn tiếng bước
chúng tôi vào giữa lúc Thoại ngồi
xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
chúng ta đã thắng giữa cuộc đời

-----

Hai câu cuối của bài thơ này với tôi thật đặc biệt. “Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng/Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời”. Sự đặc biệt ở đây nằm ở giới từ “GIỮA”. Chiến thắng của thi sĩ không phải là thắng cái gì, thắng ai, thậm chí thắng cuộc đời. “Chúng ta đã thắng GIỮA cuộc đời"- hiểu một cách nào đó, là một chiến thắng không có kẻ chiến bại, không có đối tượng bị khuất phục, không có sự kiêu ngạo của một chủ thể chinh phục. "Chúng ta đã thắng GIỮA cuộc đời" – hiểu một cách nào đó- là ngay giữa cuộc đời này, gã thi sĩ đã chiến thắng, song cũng có thể hiểu, vì vẫn còn đó- ngay giữa cuộc đời [là một dasein], gã thi sĩ đó đã không bị cuộc đời khuất phục, thậm chí không khuất phục nó, thay vào đó, hợp một với nó – để trong cuộc khám phá nó cũng khám phá bản thân. Chính vì thế, gã thi sĩ đã chiến thắng GIỮA lòng nó; Hay cũng có thể hiểu cái chiến thắng này chỉ có ý nghĩa khi xảy ra ngay giữa cuộc đời-hiện tại, chứ không ở cõi tâm thức - và vì thế, là chiến thắng của thi sĩ-cơ thể, chứ không phải của thi sĩ-ngôn ngữ [ hãy nhớ tới đoạn thơ trên của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền – đầy các sở chỉ của cơ thể- “trần truồng”, “thân thể hoang từng mảnh”, “hơi thở tròn ( sao lại tròn?) quanh vành môi”, “đập vỡ hình hài]”, vì lẽ đó - chiến thắng GIỮA cuộc đời còn là một chiến thắng của sự tự-nhận thức và tự- ý thức – trong một khoảnh khắc giác ngộ vượt qua mọi câu hỏi và trả lời siêu hình học – vượt khỏi mọi giới hạn của ngôn ngữ - song không rơi vào cõi mù mờ huyền học bất khả tư nghì– mà để đạt tới sự hợp một với cơ-thể.

Không nghi ngờ gì, đây dứt khoát là một lời tuyên bố về cơ-thể, về một thứ thơ làm ra để “đập vỡ mọi hình hài chữ nghĩa” trong cuộc hóa thân thành cơ thể; một thứ thơ vượt ra khỏi thân phận các chỉ hiệu để hợp một với chính thực tại-đối tượng

“Chúng ta đã thắng GIỮA cuộc đời” không phải một dạng tuyên bố kiêu ngạo. Trái lại –nó chỉ là một tự nhủ nhỏ nhoi trong hơi thở phào của một kẻ vừa làm xong, vừa hoàn tất một công việc nào đó, bất chấp công việc đó có thể là rửa một chiếc bát con, hay vác cả một cây thập giá- yêu thương lên tới đỉnh ngọn đồi- số phận. Nó không phải là một lời tuyên bố đao to búa lớn của một kẻ ý thức về sức mạnh tuyệt đối của hắn sau khi chinh phục kẻ thù- cuộc đời, – mà đã thành một nụ cười mãn nguyện và hiền hòa nhoẻn khẽ trên môi của đứa con lưu lạc nay đã tìm lại lối về giữa lòng mẹ- cuộc đời.

Ngay lúc này đây – đứa con lưu lạc ấy biết rằng nó và cuộc đời đã nhận ra nhau, và vì thế, nó đã sống –sót.

Từ góc độ này, "Chúng ta đã thắng GIỮA cuộc đời" còn có thể hiểu là “ Chúng ta đã SỐNG-SÓT giữa cuộc đời”

Bởi với thi sĩ:

Sống-sót-như-một-thi-sĩ, tức là chiến thắng



N.H. 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét