Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Bài cũ trên yahoo ( 2008)| Nguyễn Huy Thiệp (NHT) [giải trí 30 phút trong khi đọc sách :)]

1-Tự nhiên nhớ về các truyện ngắn ngày xưa của NHT. Theo tôi, một trong những điểm thành công của NHT thời điểm đó – chính việc các truyện ngắn ấy thể hiện một mối băn khoăn không dứt mang tính bản thể học về Thiện-Tính (Thiện-Tính này, ở đây, tôi hiểu theo nghĩa bao gộp cả Kindness, Goodness, Beauty, Love, Charity ^^).

Thiện-Tính này xuất hiện xuyên suốt trong mọi câu chuyện của NHT, lúc thì hiện thân trong 1 anh giáo [hay anh chàng Nhâm nhỉ? (Thương Nhớ Đồng Quê)] – qua những bài thơ tuyệt đẹp và dịu dàng của anh chàng đó] , lúc thì hiện thân trong 1 cô gái (con ông Cơ| Tướng Về Hưu) [lộ diện qua câu nói của cô bé đó, đại loại, con ngốc lắm, ngây thơ cả tin lắm, rồi ông tướng ôm lấy cô và nói, đại loại, con có biết rằng cả tin và ngây thơ chính là sức mạnh để sống?], rồi lúc thì hiện thân qua cô con dâu nhà mấy anh em giai trong Không Có Vua [lộ diện qua câu nói cuối cùng: Khổ lắm, nhục lắm, nhưng mà thương lắm]

2- Tuy nhiên, có lẽ phải hiểu; hiện thân qua 1 nhân vật không đơn giản là việc: Thiện-Tính chỉ nằm trong mỗi nhân vật ấy. Nhân vật đó ở đây chỉ là 1 kiểu trạm điện để Thiện-Tính cư ngụ mà thôi. Từ trạm điện này – Thiện-Tính xuất hiện, giằng co, đấu tranh, băn khoăn thương thỏa và xung đột trong khắp các cảnh huống và đôi khi tụ lại và phát sáng ở các trạm điện khác. Đây chính là một thành công của NHT – khi không xây dựng nhân vật chính cụ thể nào - là hiện thân duy nhất của Thiện-Tính, mà xây dựng một-nhân-vật-chính-Thiện –Tính, tạm trú trong một trạm nhất định -để khởi chuyện, và rồi từ đó ẩn nấp, và xuất hiện (rất nhiều khi bất ngờ) trong, hoặc là một chi tiết hành vi (hoặc lời nói) nơi quan hệ giữa các nhân vật, hay trong bản thân chính một nhân vật sắm vai ác, hay cũng có khi, trong một phong cảnh đẹp đến thao thiết, hoặc trong một phát ngôn chủ động xen vào của tác giả -như người dẫn chuyện (thường ở các loạt truyện sau này )- như thể một không khí luôn di chuyển và phóng dật khắp nơi, không thể nắm bắt.

Chính sự xuất hiện bất ngờ này đó-về mặt thủ pháp - có lẽ đã tạo ra một cú shock về nhận thức cho người đọc (1)

3-Nhìn từ góc nhìn này, có thể thấy, cái nhân-vật-Thiện-Tính trong truyện ngắn NHT, nhìn trong góc độ sử tính, đã có 1 sự biến chuyển về chất. Từ đơn giản như trong muối của rừng hay truyện về trái tim gì đó [không nhớ tên ^^] (loạt Những Ngọn gió Hua tát )– đến phức tạp hơn trong hai người chết dịch (Loạt Những ngọn gió Hua Tát ) – khi Thiện-Tính bị đặt câu hỏi nghi vấn về sự vô nghĩa của nó trước hiện thực[câu cuối, nhớ đại loại: Mộ của 2 ông bà già đó, có lúc được gọi là mộ của 2 người yêu nhau, có lúc bị tụi trẻ con bảo: Mộ của 2 người chết dịch) hay trong truyện Qua sông – khi Thiện-Tính ở đây được đặt vào trong chính câu hỏi về mối quan hệ của nó với hành vi (tạm gọi là) Ác, hoặc hài hước và minh triết hơn, trong cú dẫm chân vào bãi cứt trâu của anh giáo trong thương nhớ đồng quê ngay khi đang thao thao bất tuyệt về cái Thiện (2)

Chính sự phát triển (tuy trong thời gian, song có lẽ không theo mô hình tuyến tính một chiều mà luôn giẳng co lúc này lúc khác) của Thiện-Tính , đã làm cho các truyện ngắn NHT trở nên như thể các nỗi băn khoăn dằn vặt không cùng về chính Thiện-Tính, về mọi vẻ dạng của nó, về quan hệ của nó với xã hội bên ngoài (thường là nhơ bẩn cùng khốn – cũng là 1 thủ pháp để soi rõ Thiện-Tính), về ý nghĩa của nó ( liệu nó có cần thiết không?), etc..

4-Tuy nhiên, ta cũng để ý rằng, các nhân vật là trạm lưu trú chính của Thiện-Tính luôn là những nhân vật sống sót đến cùng – hoăc là sống sót theo kiểu vật lý, trải qua mọi thăng trầm (Không có vua) hoặc là sống sót theo kiểu –(khi nhân vật-trạm -điện của Thiện-Tính- chết đi- hoặc về logic sẽ chết hay biến mất và không tìm lại được) vẫn lưu lại dư âm đến cuối truyện (các bài thơ của Đề Thám| Mưa Nhã Nam hay hình ảnh biểu tượng về mẹ Cả trong con gái Thủy thần]. Và đây có lẽ cũng là điểm làm cho một số truyện ngắn NHT thời đó mang dư vị của Aimatov (thì phải?). Nói chung, dù thế nào đi nữa, Thiện-Tính trong những truyện ngắn đó của NHT, đều sống sót đến cùng, dù có khi, không biết vì sao mà sống sót (đó là khi Thiện-Tính tồn tại như một mơ ước của NHT-có lẽ cũng của chúng ta- chứ không như một biến cố logic của câu chuyện). Và đây có lẽ cũng chính là điểm nhân văn làm nhiều người Việt Nam yêu mến NHT của thời điểm ấy.

5 – Từ góc nhìn chiếu văn cảnh, sự thành công của NHT với những truyện ngắn thời điểm đó cũng chính là một thành công của việc – đưa sự băn khoăn về Thiện-Tính vào một xã hội hình như đã mất mọi mối băn khoăn về điều đó từ lâu –hay nói cách khác – một xã hội Việt Nam suốt một thời gian dài hoàn toàn không có bất kỳ điểm tựa tâm linh nào tồn tại được (điểm tựa về tôn giáo – nói một cách nào đó– cũng là điểm tựa về tính Thiện cho mọi xã hội). Nói một cách hơi võ đoán, trước NHT, các nhà văn Việt Nam (đặc biệt là về truyện ngắn) chưa ai đặt ra một chuỗi băn khoăn liền mạch về Thiện-Tính trong một xã hội băng hoại về đạo đức tận gốc rễ (3)

6-Việc đọc NHT ở Việt Nam, hình như, hoặc thiên về hình thức (tìm các yếu tố hậu hiện đại trong truyện ngắn của ông) hoặc tâm linh (tìm những yếu tố về tính Nữ trong truyện ngắn của ông), thế cho nên, theo tôi, tiếc thay, đã chưa soi chiếu ( hoặc soi chiếu không đầy đủ) vào cách đặt vấn đề rất cổ điển của NHT. Đó là cách đặt vấn đề về chính Thiện-Tính, qua việc đưa nó vào một trường xung đột để khai triển các tư duy suy lý và có tính bản thể học về chính chân giá trị của nó. Chính điểm này theo tôi sẽ làm cho giá trị của các truyện ngắn của NHT thời đó sẽ còn tồn tại lâu dài –ít ra – xét trên một xã hội như VN hiện tại, khi nền tảng đạo đức chung trong mọi lãnh vực xuống cấp đến nản lòng

7-Từ góc độ này, có thể thấy ra, sự thất bại của NHT trong các tiểu thuyết gần đây, không phải là sự thất bại về hình thức, khi NHT không thạo sử dụng 1 mô hình khác (tiểu thuyết – thay vì truyện ngắn) cho các tư duy của mình, mà là một sự thất bại xảy ra khi cảm hứng về Thiện-Tính đã không còn nữa trong tư duy của NHT (có thể bởi cái cảm hứng ấy đã được "vật-chất-hóa-một-cách-tinh-thần"thành ra cái tượng Phật to tổ bố ở phủ chàng chăng ^^

8- Nói cách khác, cái làm nên truyện ngắn NHT chính là sự băn khoăn không ngơi nghỉ về Thiện-Tính. Khi đã hết băn khoăn, cũng hết chuyện luôn

9-Đây là entry giải trí nên xin miễn trích dẫn chú thích dài dòng (và chính xác ^^)

----

(1) quả thực là tôi có băn khoăn hơi lâu lâu - khi lựa chọn giữa chữ "nhận thức" (hiểu theo nghĩa là một hành vi đã có sự suy lý xen vào) với chữ " không gian tiếp nhận" (hiểu theo nghĩa một không gian rộng hơn hiện diện trước khi có sự suy lý tạo ra "nhận thức". Hai chữ này sẽ dẫn đến hai kết quả khá khác nhau.

Với chữ đầu " nhận thức" - thì sự xuất hiện bất ngờ của Thiện-Tính sẽ như một thủ pháp cụ thể (kiểu ngụ ngôn) - qua đó NHT chỉ ra sự tồn tại của cái bản thể Thiện tính trong mọi chủ thể - nhờ vậy, phát ra một thông điệp luân lý theo kiểu giáo dục (có lẽ là một chiều)cho người đọc. Còn trong trường hợp sau, " không gian tiếp nhận", thì sự bất ngờ này có lẽ không nhằm mục đích giáo dục một chiều như ở trường hợp đầu. Ngay khi "không gian tiếp nhận" duy nghiệm của độc giả đột ngột bị bị chuyển hướng(vào lúc Thiện-Tính xuất hiện ở nơi bất ngờ nhất), một sự giác ngộ tổng thể sẽ xẩy ra - không như một nhận thức(bài học luân lí) về cái bản thể Thiện tính luôn tồn tại trong chúng ta, mà như một thức nhận (episteme) lớn lao về toàn bộ lẽ phải- không chỉ nằm trong bản thân logic câu chuyện, mà còn trong chính cuộc đời thực. Vì lẽ đó, ở đây, cái thức nhận này không còn là thành quả của một "mẹo" giáo dục như trường hợp đầu, mà như một sự mở ra của cái Thiện phổ quát vào khi con người đột ngột bị đối mặt với hư vô và rồi ngay phút ấy - ý thức về một chân lý vượt khỏi mọi suy luận. (Hình như có điều gì đó tương tự theo kiểu cái kết"mở" của một bài Haiku ở đây). Dĩ nhiên, việc tôi vẫn chọn chữ "nhận thức"( dù có chút ngờ ngợ về khía cạnh "không gian tiếp nhận" cũng nói lên việc tôi chả tin lắm ( song không hẳn là hoàn toàn không tin) vào sự cao tay thế nào đó của NHT nhà ta . Nói khác đi, có lẽ tôi vẫn tin vào sự cao tay ấy - ít ra là ở góc độ nhìn nhận nó như thể một sự cao tay, song không ý thức, không tự biết)

(2) thật tiếc là trong bộ phim cùng tên làm theo truyện ngắn - sự kiện này đã bị đạo diễn(Đặng Nhật Minh thì phải) diễn giải ( theo tôi hiểu) theo kiểu quy giảm thành ra một chi tiết gây cười tầm thường - dù cũng nói về sự phi lý và nực cười khi Thiện-Tính bị đặt trong những hoàn cảnh trớ trêu. Song ở đây, tất cả những sự minh triết thông qua nỗi buồn bàng bạc và nằm nơi đáy sâu của sự hài hước đó đã bị tước sạch bách. Nói cách khác, sự hài hước bề mặt luôn xảy ra vào lúc Thiện-Tính phải đối mặt với cuộc đời thường nhật và khốn nạn (một sự hài hước minh triết kiểu triết lý dân gian mà Nguyễn Huy Thiệp rất hay sử dụng, và phải công nhận rằng-sử dụng rất cao tay) - khi bị đạo diễn tước sạch đi linh hồn của nó, lý do tồn tại (raison d'être) của nó - là nỗi buồn sâu thẳm -đã chỉ còn như một cái cù nách cơ học và ngây ngô].

(3) [có lẽ chính vì điểm này – một số người nhận ra sự phảng phất của không gian kiểu Dostoievski trong truyện ngắn của NHT chăng [đặc biệt kiểu không gian trong anh em nhà Karamazov – cũng là một không gian hiện diện sự băn khoăn khủng khiếp và tàn bạo về Thiện-Tính, giá trị, và sự sống sót của nó – trong chừng mực này, có lẽ nên hiểu câu nói của Dostoievski “ cái đẹp sẽ cứu chuộc thế giới – thành ra: “cái Thiện (hiểu theo nghĩa được đề cập ở đầu bài viết-có trường rộng hơn "Cái Đẹp") sẽ cứu chuộc thế giới” chăng?. Một hành vi có tính biểu trưng về nỗi băn khoăn về giá trị vĩnh cửu, đồng thời cũng là sự vô nghĩa của Thiện-Tính, đó là khi cha Zosima quỳ dưới chân anh cả nhà Karamazov hay khi Raskolnikov quỳ dưới chân Sonia (hành vi này - về sau được phản chiếu một cách rất hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Coetzer [khi viên giáo sư tìm tới tận nhà cô sinh viên mà vì cô - ông bị cáo buộc quấy rồi tình dục và bị cho thôi việc – để quỳ dưới chân cô]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét