Đánh gục
Vasily Shukshin
Vasily Makarovich Shukshin (Васи́лий Мака́рович Шукши́н; 25 July 1929 – 2 October 1974)
---------
Nhà bà cụ Agaphia mới có ông con trai Conxtantin về chơi, cùng với vợ và con gái.
Làng Novaia là làng nhỏ, trong khi ông Conxtantin lại thuê xe con, và cả hai vợ chồng với đứa con gái phải khuân mãi mới hết số va-li để trong thùng xe vào nhà. Ngay lúc ấy cả làng đều biết tin nhà bà cụ Agaphia có khách, ông con trai thứ hai về chơi, đem theo cả gia đình, giàu có, học thức cao.
Đến gần tối, mọi người biết thêm vài chi tiết nữa. Ông Conxtantin là phó tiến sĩ, vợ cũng là phó tiến sĩ, con gái là học sinh. Họ chở về biếu bà cụ chiếc ấm pha trà chạy bằng điện, một chiếc áo liền váy bằng vải hoa và một bộ thìa bằng gỗ sơn.
Tối hôm ấy cả làng tụ tập trước nhà bác Glep để đợi bác.
Glep trạc bốn chục tuổi, môi dầy, tóc trắng, chịu khó đọc sách và tính tình cay độc. Làng Novaia tuy nhỏ, nhưng lại lắm người làm to: Một đại tá, hai phi công, một bác sĩ, một nhà báo…Bây giờ lại đến ông Conxtantin này là phó tiến sĩ. Không biết từ bao giờ đã thành cái lệ, mỗi khi có vị khách danh giá nào về thăm quê, thì ngay tối hôm đó dân làng kéo đến thăm hỏi chật nhà, để nghe người ở xa về kể các chuyện kỳ lạ, đồng thời cũng để kể cho khách nghe về những chuyện trong làng. Chính trong những dịp như thế mà bác Glep mò đến và "đánh gục" vị khách danh giá kia. Nhiều người không ưa cái thái độ ấy, nhưng cũng nhiều người, nhất là các ông nông dân chỉ mong có dịp để được nhìn thấy bác Glep kia đánh gục một vị khách danh giá nào đó. Mà không phải họ chỉ mong, thậm chí họ còn kéo đến nhà bác ta trước rồi mới cùng bác đến nhà vị khách kia. Họ hào hứng như đi xem diễn kịch vậy.
Năm ngoái bác Glep này đã đánh gục một vị đại tá, mà lại đánh gục một cách đẹp mắt nữa chứ. Chẳng là đang câu chuyện về cuộc chiến tranh 1812(1)…Glep phát hiện ra, ông đại tá kia không biết người nào đã ra lệnh thiêu hủy thành phố Maxcơva. Nói cho đúng hơn: Không phải ông hoàn toàn không biết. Ông biết có một vị công tước, nhưng ông quên mất tên, lại nhớ nhầm thành Raxputin. Thế là bác Glep bèn lợi dụng chỗ sơ hở ấy quật liền và đánh gục vị đại tá…Mọi người đều hồi hộp. Ông đại tá thì văng tục và đòi tìm đến nhà bà giáo dạy sử để hỏi lại. Trong khi đó bác Glep ta vẫn đàng hoàng, trịnh trọng ngồi chờ giờ phút quyết định, chỉ nhẹ nhàng bảo:” Thưa đồng chí đại tá, đồng chí cứ bình tĩnh, có phải chúng ta đang ngồi ở Phili đâu(2)?” Cuối cùng bác đã thắng. Vị đại tá kia đấm mạnh lên đầu và bản thân ngơ ngác. Ông uất lắm. Mãi về sau dân làng còn nhắc đến chuyện này và nhớ câu của bác Glep:” :” Thưa đồng chí đại tá, đồng chí cứ bình tĩnh, có phải chúng ta đang ngồi ở Phili đâu?” Ai cũng sợ bác ta, các cụ già trong làng hỏi tại sao bác lại nói như thế, thì Glep chỉ cười. Thỉnh thoảng bác ta lại nheo cặp mắt mưng mọng đầy vẻ cay độc. Ông bà già nào có con cái làm nên đều rất ghét Glep và sợ bác ta nữa.
Và hôm nay đến lượt vị phó tiến sĩ.
Đi làm về (Glep làm ở xưởng cưa điện), bác rửa ráy, thay quần áo…không ăn bữa tối vội, bước ra cửa gặp đám nông dân.
Họ hút thuốc, rồi nói chuyện này chuyện nọ, cố né tránh nói về phó tiến sĩ Conxtantin. Sau đấy bác ta hai lần đưa mắt về phía ngôi nhà của bà cụ Agaphia, rồi hỏi:
-Bà cụ Agaphia có khách về thăm à?
-Hai vợ chồng đều là phó tiến sĩ!
-Phó tiến sĩ cơ à?-Bác Glep ngạc nhiên-Chà, thứ này đánh gục không dễ đâu
Đám nông dân cười khúc khích, nhưng họ tin vào mồm miệng của bác Glep. Họ nhìn cả vào bác.
-Nếu vậy thì ta đến thăm các vị phó tiến sĩ-Glep nói giọng khiêm tốn
Và họ kéo nhau đi.
Glep đi trước mọi người một chút, dáng bình thản, hai tay thọc vào túi, mắt nheo lại nhìn về phía nhà bà cụ Agaphia, nơi đang có hai vị phó tiến sĩ. Trông như đám nông dân đang giải bác ta đi, hoặc đang kéo theo sau một tay anh chị cầm đầu trong một cuộc đánh nhau sắp tới.
Dọc đường họ nói rất ít.
-Họ là phó tiến sĩ thuộc lĩnh vực gì?-Glep hỏi
-Thuộc ngành chuyên môn nào chứ gì? Ai mà biết được…Bà cụ chỉ nói là phó tiến sĩ thôi. Cả ông ta lẫn bà vợ.
-Có phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật, có phó tiến sĩ khoa học cơ bản, loại này lý lẽ khá lắm đấy.
-Hồi nhỏ cậu ta rất giỏi toán-Một người trước cùng học với Conxtantin lên tiếng.
Glep sinh trưởng ở làng bên cạnh, nên ít biết về những người danh giá gốc ở làng này.
-Để rồi xem, để rồi xem – bác ta hứa một cách chung chung – bây giờ phó tiến sĩ như lợn con ấy mà.
-Ông ta thuê taxi đến tận nhà.
-Thì cũng phải giữ lấy tiếng chứ!-Glep cười mỉa mai.
Phó tiến sĩ Conxtantin tiếp khách khứa một cách nồng nhiệt, loay hoay lo bàn tiệc đãi khách…Khách khứa ngồi khiêm tốn đợi cho bà Agaphia dọn các thứ. Họ nói chuyện với phó tiến sĩ, nhắc lại những kỉ niệm thuở nhỏ
-Chà, tuổi thơ, tuổi thơ-phó tiến sĩ nói-Nào xin mời các bạn ngồi vào bàn.
Mọi người ngồi vào bàn. Glep cũng ngồi. Lúc này bác chưa nói gì. Nhưng rõ ràng bác đang chuẩn bị cho cú đánh. Bác cười, đệm thêm vào những kỷ niệm thuở nhỏ, vừa liếc nhìn ông phó tiến sĩ để ước lượng cự li
Có rượu và thức nhắm vào, câu chuyện càng rôm rả. Mọi người đã bắt đầu quên Glep.
-Ông tự thể hiện trong lĩnh vực nào vậy?
-Nghĩa là tôi làm việc ở đâu chứ gì?-người phó tiến sĩ không hiểu câu bác ta hỏi
-Vâng.
-Ở khoa ngữ văn.
-Nghĩa là triết học?
-Không hoàn toàn như thế, nhưng tạm cho là như thế cũng được.
-Môn cực kỳ quan trọng đấy-Glep rất cần khai thác môn này – Thế tình hình về quan niệm tính có trước thế nào?
-Tính có trước nào?-Câu này phó tiến sĩ cũng lại không hiểu rõ. Ông chăm chú nhìn Glep. Mọi người cũng nhìn bác ta.
-Tính có trước của vật chất hay tinh thần ấy-Glep ra chiều, thái độ thản nhiên, đợi đối phương tỏ thái độ. Câu của Conxtantin có nghĩa là đã nhận nghênh chiến.
-Vẫn thế thôi-ông ta trả lời-vấn để vẫn là vật chất có trước.
-Còn tinh thần?
-Linh hồn có sau. Thế sao?
-Điều này cũng nằm trong chương trình tối thiểu (3) chứ nhỉ-Glep cũng cười-Ông tha lỗi, chúng tôi sống ở đây xa những trung tâm văn hóa, cho nên rất thèm được biết thêm điều này điều nọ. Thế bây giờ triêt học xác định khái niệm về sự vô trọng lượng ra sao?
-Xưa nay vẫn xác định như thế. Sao bác lại hỏi bây giờ?
-Nhưng hiện tượng này mới được phát hiện gần đây, -Glep cười và nhìn thẳng vào mắt đối phương – Chính vì vậy nên tôi mới hỏi. Triết học tự nhiên chẳng hạn, xác định theo một cách, trong khi triết học chiến lược thì lại xác định theo cách khác.
-Nhưng làm gì có thứ triết học nào là triết học chiến lược?-ông phó tiến sĩ khó chịu-Ông định nói đến chuyệng gì vậy?
-Đúng thế, nhưng có biện chứng tự nhiên-Glep trả lời ôn tồn. Bác ta cảm thấy mọi người đang chăm chú theo dõi câu chuyện-Mà tự nhiên thì lại do triết học xác định. Một trong những yếu tố của tự nhiên mà người ta mới phát hiện gần đây là tính vô trọng lượng. Bởi vậy tôi mới hỏi trong giới triết gia có sự bất đồng nào về khái niệm này không?
Conxtantin thật thà phá lên cười. Nhưng ông cảm thấy chỉ mỗi mình ông cười chứ không có ai hưởng ứng. Ông thấy ngượng, bèn gọi vợ:
-Valia, em ra đây, người ta đang bàn đến những chuyện lạ lắm.
Bà Valia bước ra nhưng ông chồng vẫn cảm thấy ngượng vì mọi người đang chờ câu trả lời của ông.
-Hãy xác định rõ vấn để chúng ta đang bàn là vấn đề gì đã-ông đề nghị một cách nghiêm túc.
-Thôi được. Xin hỏi thêm câu nữa: cá nhân ông suy nghĩ thế nào về vấn đề đồng thiếp ở một số vùng phương Bắc?
Hai vợ chồng chủ nhà cười rũ ra. Glep cũng gượng gạo cười, nhưng kiên nhẫn chờ cho hai vị phó tiến sĩ cười xong.
-Không, tất nhiên có thể bỏ qua, coi như vấn đề ấy không có. Tôi sẵn sàng cùng cười với hai ông bà về chuyện này…-Glep lại cười một cách lành hiền, và đặc biệt cười với vợ vị phó tiến sĩ, cũng là một nữ phó tiến sĩ-Nhưng không phải vì thế mà vấn đề này không còn là vấn đề nữa. Đúng không nào?
-Ông nói nghiêm chỉnh đấy chứ ạ?-Valia hỏi
-Nếu như ông bà cho phép – Glep hơi rướn người lên và khẽ cúi đầu vẻ trịnh trọng – Thật ra vấn đề này không lớn lắm, nhưng chúng tôi lại rất tò mò muốn biết.
-Vấn đề nào kia chứ?-ông Conxtantin kêu lên.
-Thái độ của anh với đồng thiếp-Valia lại không nhịn được cười. Nhưng chợt nhớ ra, vội im bặt rồi hướng về phía Glep-Xin lỗi!
-Không sao,-Glep nói-Tôi hiểu đó không phải là chuyên môn của ông bà…
-Làm gì có cái vấn đề ấy kia chứ!-ông phó tiến sĩ lại gạt đi một cách thẳng thừng. Đáng lẽ ông không nên làm như thế.
Bây giờ thì Glep cười lớn:
-Nghĩa là không có vụ án thì không cần quan tòa chứ gì?
Đám nông dân chăm chú nhìn vị phó tiến sĩ.
-Ông bảo làm gì có,-Glep nói-vậy những người nhảy múa, rung nhạc, hò hét thì là cái gì? Tất nhiên nếu không muốn bàn đến nó thì cứ tạm cho là không có vấn đề đi, cho nhẹ thân. Thôi cũng được. Bây giờ xin hỏi câu thứ ba. Ông nghĩ sao về chuyện Mặt trăng là sản phẩm của trí tuệ?
Conxtantin nhìn Glep, không đáp. Glep nói tiếp:
-Các nhà bác học giả thuyết rằng mặt trăng nằm trên đường quỹ đạo nhân tạo, và họ đoán có những sinh vật cao cấp cư trú trong lòng mặt trăng.
-Vậy thì sao?- ông phó tiến sĩ hỏi-Nghĩa là thế nào?
-Các ông tính toán đường bay thiên nhiên ra sao? Nói chung toàn bộ khoa học vũ trụ được ông dùng vào công việc gì?
Đám nông dân chăm chú nghe Glep nói:
-Trên cơ sở quan niệm rằng nhân loại sẽ ngày càng hay đến thăm vị láng giềng trong vũ trụ, thì cũng có thể quan niệm rằng, vào một ngày nào đó, những sinh vật cao cấp, có tư duy Lo-gic kia cũng sẽ đến thăm chúng ta. Liệu các nhà bác học của chúng ta đã chuẩn bị thế nào để có thể trò chuyện với họ được?
-Bác hỏi ai vậy?
-Hỏi các ông, những nhà thông thái.
-Thế còn bác, bác đã chuẩn bị chưa?
-Chúng tôi đâu phải người khoa học. Chúng tôi có ăn lương bác học đâu. Nhưng nếu ông muốn biết, thì tôi có thể bày tỏ những điều mà chúng tôi, những người dân tỉnh nhỏ, suy nghĩ về chuyện này. Ta cứ giả thử như một sinh vật cao cấp sống trong lòng Mặt trăng leo lên bề mặt Mặt trăng gặp chúng ta…Lúc ấy ông bảo chúng ta sẽ phải làm gì? Sủa gâu gâu như chó chăng? Hay gáy cúc cu như gà?
Đám nông dân cười phá lên. Họ xôn xao. Rồi lại chăm chú lắng nghe bác Glep kia nói.
-Thế mà hai bên lại cần phải hiểu được nhau. Đúng thế chứ gì? Ông công nhận chưa?-Glep ngừng lại như đợi câu trả lời, rồi nhìn đám thính giả của bác ta. – Tôi đề nghị một cách thế này: vạch trên đất sơ đồ của thái dương hệ rồi trỏ vào Trái đất, để tự giới thiệu. Đồng thời cũng để họ biết rằng, mặc dù chúng tôi đang mặc áo giáp và bay trong vũ trụ đây, nhưng chúng tôi vẫn là những sinh vật có trí khôn. Để khẳng định điều đó, có thể hỏi lại họ, từ đâu đến, bằng cách trỏ vào Mặt trăng rồi trỏ vào họ. Bằng cách đó, chúng ta sẽ nhận cùng là hàng xóm của nhau trong vũ trụ. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, còn cần phải giới thiệu cho họ rõ chúng ta phát triển theo những quy luật nào để đạt được trình độ như hiện nay, đồng thời cũng cho họ biết chúng ta đang ở trong thời kỳ nào trên quá trình tiến hóa…
-Chà…chà-Ông phó tiến sĩ cựa mình rồi chăm chú nhìn vợ - Vấn đề thú vị đấy: Chúng ta phát triển theo những quy luật nào?
Câu nói thật là dại dột, vì Glep đã bắt được ý đó, bèn chớp lấy để bay vút lên cao rồi sẽ bổ xuống đầu ông. Và trong những cuộc trò chuyện với những người danh giá về thăm làng, Glep đều chớp lấy cái thời cơ ấy để bay vút lên cao rồi bổ xuống. Lúc này bác ta rất mừng rỡ, vì kẻ địch đã để hở sườn và chẳng cần vất vả gì cũng đánh gục được ngay.
-Ông định rủ bà nhà cùng cười giễu chúng tôi chứ gì?-Glep hỏi giọng bình tĩnh nhưng ai cũng thấy rõ nỗi căm giận của bác ta chất chứa trong lòng, mà bác ta chủ động tạo ra để kích động đám nông dân có mặt-Được lắm…Nghĩa là ông cho rằng chúng tôi còn ngu dốt lắm, còn phải học nhiều, kể cả học cách đọc báo chí chứ gì. Nhưng xin lỗi, các vị phó tiến sĩ cũng không phải đã biét cách đọc báo chí đâu.
-Bác nghe tôi nói đã!
-Chúng tôi đã nghe rồi! Các ông thú vị thấy chúng tôi ngu si chứ gì? Xin phép được nói rằng, cái bằng phó tiến sĩ không phải là bộ cánh, mua xong là cứ mặc mãi. Thậm chí bộ quần áo cũng cần phải thỉnh thoảng đem giặt. Đằng này cái bằng phó tiến sĩ không phải một bộ quần áo, nên lại càng phải chăm sóc giữ gìn – Glep nói không to giọng , nhưng rành rọt và thao thao bất tuyệt. Lúc này trông ông phó tiến sĩ thật thảm hại. Ông lúng túng, bối rối, hết nhìn vợ lại nhìn Glep, rồi lại nhìn đám khách khứa. Những người nông dân cố tránh nhìn vào mặt chủ nhà – Các ông có thể chọc chúng tôi dễ dàng. Nào ngồi trên xe taxi đến tận cửa, nào lôi trong xe ra hàng dăm bẩy chiếc va-li. Nhưng ông quên mất rằng làn sóng thông tin ngày nay lan đều khắp mọi nơi. Ý tôi muốn nói rằng, các ông đừng có khinh rẻ chúng tôi. Các ông tưởng chúng tôi không được thấy phó tiến sĩ bao giờ. Trái lại, chúng tôi tiếp xúc với đủ loại, phó tiến sĩ có, giáo sư có, tướng tá có. Và chúng tôi giữ lại ấn tượng rất tốt đẹp về họ, bởi vì họ đều giản dị, khiêm tốn. Cho nên xin phép được khuyên ông một câu. Thưa đồng chí phó tiến sĩ, đồng chí nên đặt chân xuống mặt đất. Đó là một công việc hợp lẽ và lỡ có khi nào ngã thì cũng không đến nỗi đau lắm.
-Việc mà bác vừa làm ấy, người ta thường gọi là “hạ bệ”, - người phó tiến sĩ nói-Nhưng tôi chưa hiểu tại sao tự nhiên bác lại nổi khùng, như con chó giằng đứt xích ra cắn hết người này đến người nọ như vậy? Hay là…
-Tôi hiểu, tôi hiểu –Glep vội ngắt lời chủ nhà – Tôi không hiểu thế gọi là gì, nhưng tôi hoàn toàn không phải tuột xích – Glep đưa mắt nhìn những người nông dân - Ông đã dùng những lời lẽ không hay ho gì. Ông nhìn xem, bà vợ ông đang trợn tròn mắt ngạc nhiên, con gái ông cũng sẽ thấy. Ông nên nhớ, trong cuộc đấu tranh, không phải muốn dùng phương tiện nào cũng được đâu. Vì thế, ông nên bỏ những lời lẽ du côn ấy. Với chúng tôi, không phải muốn khinh rẻ thế nào cũng được. Chúng tôi cũng đọc báo, đọc sách, cũng xem vô tuyến truyền hình, cho nên chúng tôi cũng không dốt nát gì lắm. và không phải các ông ai cũng là thiên tài cả. Chúng tôi cũng đủ sức đánh giá được ai giá trị đến đâu. Cho nên ông nên khiêm tốn hơn.
-Chà, giọng mị dân và vu khống điển hình,-người phó tiến sĩ quay sang nói với vợ. – Đầy đủ tất cả mọi triệu chứng của cái thói xấu này.
-Ông nói thế lại càng sai. Từ bé chưa bao giờ tôi viết thư nặc danh, tôi chưa hề vu khống ai,-Glep quay sang các nông dân, và họ đều hiểu là bác ta nói đúng – Ông phó tiến sĩ ơi, ông đánh trượt rồi. Ông có biết đặc tính của tôi là gì không?
-Không!
-Tôi có cái tính, hễ thấy kẻ nào vênh váo không đúng với tài năng thật, là tôi lập tức búng vào mũi hắn cho hắn bớt ngông ngênh đi. Sống ở đời, phải khiêm tốn ông ạ.
-Nhưng bác thấy chúng tôi đã làm điều gì không khiêm tốn đâu nhỉ?-Valia không nhịn được, thốt lên.-Điều gì nào?
-Thôi được, sau khi chúng tôi về, ông bà hãy bình tâm suy nghĩ và sẽ thấy. – Glep nhìn hai vợ chồng người phó tiến sĩ với vẻ như thương hại. –Có thể nhắc đi nhắc lại hàng trăm lần chữ “mật”, nhưng lưỡi vẫn chẳng thấy ngọt chút nào. Muốn hiểu được điều đó, đâu phải cứ bảo vệ luận án phó tiến sĩ? Có thể viết hàng trăm hàng ngàn lần chữ “nhân dân” trong các bài báo, các công trình, nhưng vẫn không hiểu được “nhân dân” nghĩa là thế nào. Cho nên mỗi lần xuống với nhân dân, ông bà nên chuẩn bị cẩn thận, nên nghiên cứu thấu đáo mọi thứ, kẻo bị thua cuộc lúc nào không biết đấy. Xin chào. Chúc ông bà nghỉ ngơi vui vẻ trong…nhân dân – Glep cười mỉa mai rồi đứng dậy từ từ bước ra ngoài. Bác ta có thói quen một mình tách ra khỏi những người danh giá.
Bác ta không nghe thấy, đám nông dân sau khi ra khỏi nhà hai vợ chồng phó tiến sĩ đã bàn nhau những gì.
-lão ta chơi người ta ác thật!...Đúng là quân chó đểu. Mà sao lão ta lại biết cả đến chuyện mặt trăng nữa nhỉ?
-Lão ta đánh một nhát gục!
-Lão kiếm đâu ra những thứ ấy không biết?
Và những người nông dân lắc đầu vẻ khó hiểu.
-Lão ta đểu thật. Quật túi bụi. Tội nghiệp cái ông Conxtantin. Mà cả chị vợ nữa chứ, lão cũng làm chị ấy ngớ ra.
-Có gì lạ? Ông Conxtantin cũng định đập lại đấy chứ, nhưng vừa mở miệng thì đã bị thằng cha chặn lại. Ông ta nói một thì lão nói mười.
-Đúng là loài chó đểu!
Rõ ràng các nông dân thương hại, thông cảm với hai vợ chồng người phó tiến sĩ. Nhưng họ lại vẫn cứ thần phục Glep như ngày trước. Tất nhiên thán phục chứ không yêu mến. Đúng, họ không yêu gì bác ta. Glep cay độc, mà sự cay độc có bao giờ ở đâu được người ta yêu mến?
Hôm sau, đến nơi làm việc, Glep làm như tiện thể, hỏi những người nông dân:
-Vị phó tiến sĩ ấy sao rồi?
Và bác ta nhếch một nụ cười độc ác
-Bác đánh gục ông ta rồi còn gì,-mọi người nói với bác ta
-Không sao – Glep nói giọng độ lượng – âu cũng là một bài học để họ suy nghĩ cho bớt vênh váo đi…
Quỳnh Dung dịch
Trong “ mặt trời, ông già và cô gái”,
NXB Tác Phẩm Mới, 1987
------
(1) Cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Napoleon ( chú thích của dịch giả Quỳnh Dung)
(2) Nơi đóng đại bản doanh của tướng Cu-tu-dốp, tổng tư lệnh quân đội Nga trong chiến tranh 1812 (Chú thích của dịch giả Quỳnh Dung)
(3) Của kỳ thi bảo vệ luận án phó tiến sĩ ( Chú thích của dịch giả Quỳnh Dung)
Bác này còn là một nhà làm phim rất giỏi nữa chứ. Nha em cũng có tập truyện ngắn của bác này. Đọc thừ hôi lớp 9 :D
Trả lờiXóa