Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

bài hát Tiếng Cồng quân Y thời Tây Tiến, và một chuyện liên quan tới Hà Nội ( có kèm thêm phần tư liệu mới)

Đây nguyên là một note tôi đã đăng trên facbook, nay có thêm tư liệu mới, nên tôi đăng lại ở blog- và có kèm thêm tư liệu mới đăng ở bên dưới note cũ. Tư liệu mới này tình cờ do gia đình mới gặp được một người trước làm binh vận thời chống Pháp, nắm rất rõ về các sự kiện thời đó, và nhờ ông viết lại, gửi email trực tiếp. Ngày tết đăng bài này, âu cũng là năm mới nói chuyện cũ:-)

1-NOTE CŨ:

Trong hồi ký Tô Hải, ở phần 5- Bước ngoặt định mệnh, có một đoạn như sau:


(Click vào hình để xem lớn)

Theo nhạc sỹ Tô Hải, Nhân vật đại đội trưởng trung đoàn tây tiến là Vũ Như Trang, là tác giả của bài hát “ Tiếng Cồng Quân Y”. Tuy nhiên, có lẽ do thời gian đã lâu, bác Tô Hải có một chút sai lầm trong trí nhớ nên nhớ sai HỌ của người đại đội trưởng đó ( tôi đã trực tiếp gọi điện cho bác Tô Hải để đính chính). Đúng ra tên thật của người đại đội trưởng ấy là NGUYỄN Như Trang chứ không phải VŨ Như Trang.

Tôi biết điều này bởi bác Trang ( NGUYỄN Như Trang) chính là bác ruột của tôi ( anh của bố tôi).Bác tôi hy sinh khi một mình bị quân Pháp bao vây trong một ngôi nhà sàn tại làng Mu, thôn Ngọc Lâu, châu Lạc Sơn. Chính tôi sau này đã đi dựng lại hai bài hát của bác, 1/ “Tiếng cồng quân y”, và 2/ “ Trấn biên cương”. Hồi đó, Lê Dung và Quang Thọ là hai ca sỹ do tôi mời để thu hai bài đó- và bản phối là của Đặng Hữu Phúc.

Ca khúc Tiếng Cồng quân Y



Ca khúc Trấn Biên Cương



Liên quan đến bác Trang, còn có một câu chuyện rất hay- đó là câu chuyện tình của bác với bác Tô, một cô gái Hà Nội. câu chuyện này sau được bác sỹ Lê Hùng Lâm, cũng là một chiến sỹ trong trung đoàn Tây Tiến kể lại với nhan đề là “ chuyện tình Tây Tiến” –và có đăng lại trong cuốn sách “ Một thời Tây tiến” (câu chuyện đó tôi sẽ đăng dưới đây)

cô gái tên "Tuyết" trong câu chuyện mà bác sỹ Lê Hùng lâm nhắc tới tên thật là “ Tuyết Tô”. Sau này, tuy bác Tô cũng đã có gia đình riêng, song tất cả các dịp giỗ chạp hay lễ tết, hoặc mỗi khi gia đình có việc quan trọng, bác vẫn đều tới và tự coi mình như con dâu trong nhà chúng tôi. Chồng con bác cũng biết rõ về mối tình đầu của bác với bác Trang tôi, và hoàn toàn tôn trọng mối quan hệ này giữa bác và gia đình chúng tôi. Ông nội tôi cũng có nhắc đến bác Tô trong một bài thơ, mà tôi quên hết, chỉ còn nhớ câu " Chị Tô cô gái sông Lô, hát hay giọng chẳng chịu thua tiếng đàn"
----

Chuyện tình Tây Tiến
Lê Hùng Lâm

Đêm đêm lính Tây Tiến thường kháo nhau đủ chuyện, sôi nổi nhất là chuyện tình. Thật hư đến đâu, nhiều ít thế nào, ai mà biết được. Càng thêm bớt càng li kỳ và đứa nào kể cũng bảo mình rõ mười mươi. Lâm kể mình biết chuyện tình của đại đội trưởng Trang. Hồi ấy trong đại đội, mình là chú bé nhỏ nhất, nhanh nhẩu nhất và hình như cũng xinh xẻo. Anh Trang chọn mình làm liên lạc viên. Mình thích được các anh trao giấy tờ, chạy như con thoi, tung tăng xuống các trung đội, tiểu đội. Bị trêu là “em gái” đại đội trưởng mình cũng thích thích. Tuy vậy càng sống cạnh anh mình càng thấy đại đội trưởng gì mà đánh trận thì hăng, về nghỉ lại mơ mơ màng màng. Có lúc anh thẫn thờ nhìn mình như nhìn một người khác. Anh còn bắt mình ngồi làm mẫu cho anh vẽ. Anh vẽ hàng chục, hàng trăm lần, nhưng cứ đến đôi mắt lại không vừa lòng, vẽ lại. Mình nghĩ anh vẽ mắt ai chứ không phải mắt mình.

Một hôm tiểu đội trưởng Phúc lên bù khú với đại đội trưởng, xưng hô mày tao. Thì ra họ là bạn cùng lớp trường Thăng Long. Phúc bảo: “Chỉ tao biết tại sao mày chọn cu Lâm làm liên lạc viên. Nó có đôi mắt giống con Tuyết thế! Cứ tưởng chiến đấu 2 tháng sau về giải phóng Hà Nội ngờ đâu 2 năm rồi. Mày có tin tức gì về Tuyết không?” Trang thở dài: “Nhớ quá! Sau trận này về tao phải tìm Tuyết”. Ngày ấy nghe nói có đứa con gái đẹp đứng bán sách ở phố Bà Triệu, các anh liền rủ nhau đi ngắm xem sao thì được chứng kiến tài đối đáp của cô hàng sách .Hai thanh niên đến hỏi: “Cô có Làm đĩkhông”. Tuyết tỉnh bơ: “Không, chỉ có Hai thằng khốn nạn”. Đó là tên hai cuốn tiểu thuyết đang bán chạy. Cũng từ đó Phúc và Như Trang la cà ở hiệu sách này. Đáo để với ai chứ với bộ đội thì cô đon đả, bắt chuyện rất nhanh.

- Nó mê mày cao to, đẹp trai, sao vành súng lục, chứ lùn tịt như tao ăn thua gì. Thế chúng mày yêu từ lúc nào?

- - Thư đầu tao nhắn Tuyết là bận chỉ huy không ra được, nhờ mách bảo có sách gì hay. Không ngờ thư gửi lại giới thiệu cuốn “Triết học Kăng” vừa xuất bản và Tuyết còn bình luận về Rút-xô, Mông-tét-xki-ơ… thư của chúng tao cứ chuyển dần sang triết lí tình yêu rồi yêu nhau thật. Những ngày sôi sục chuẩn bị đánh Tây cũng là những ngày cuối chúng tao dạo quanh hồ Gươm, tà áo dài của Tuyết cuốn quanh quân phục của tao. Hôm tác chiến ở Vĩnh Tuy moóc-chi-ê và pháo địch nã tan tành các chiến lũy. Tao về hầm chỉ huy chợt thấy Tuyết. Hỏi sao đến được đây thì Tuyết nói đưa gia đình đi tản cư về quê rời trở lại làm cứu thương hết mặt trẩn cửa ô này sang cửa ô khác để tìm tao. Cả mặt trận phía nam Hà Nội nổi tiếng đại đội anh Trang. Thế là tìm được. Lần ấy chúng mình thề gắn bó với nhau suốt đời, đến ngày chiến thắng sẽ cưới nhau. Tuyết vẫn mặc áo tím, cái áo dài tím nổi màu giữa hiệu sách, loang loáng ven bờ hồ nay được cắt ngắn và xuất hiện ở trận địa Tao bồi hồi, lúng túng khi ngửi thấy mùi nước hoa. Bao thằng cầm súng băng qua vẫn ngoái nhìn lại cái áo tím thoảng mùi hoa thơm. Tao nhớ rồi, ba ngày sau mày vẫn trêu tao là còn mùi nước hoa trên áo. Thế rồi đi Tây Tiến, bặt tin nhau.

Trú quân ở Mường Pùng, mỗi khi tắm suối về lính ta lại sôi nổi tả cảnh các cô tắm suối. Có anh một ngày đi tắm mấy lần. Đại đội trưởng thì khác, bảo là đi tắm nhưng anh vẫn quân phục chỉnh tề, mũ sắt chụp đầu, hiên ngang với khẩu “côn bát” và thắt lưng Mỹ trễ sườn, cứ như ra trận. Mình đi theo thấy lần nào anh cũng rẽ qua cái nhà sàn gỗ ấy và lần nào cũng thấy trong cửa sổ có mấy cô gái Lào khúc khích đấm nhau, Họ đẩy ra trước cô xinh nhất, mặc áo tím, gọi lơ lớ “anh bộ đội”. Đại đội trưởng mặt mày rạng rỡ. Chỉ huy gì mà cười tình tứ thế. Dịp ấy đúng lễ té nước, bộ đội đều được dân Mường Pùng té nước cầu phúc và cố chạy cho khỏi ướt. Riêng đại đội trưởng, cứ đứng cho cô áo tím giội hết cả bương. Đêm hôm đó anh lên cơn sốt rét. Mình nghe thấy trong tiếng run cầm cập anh gọi “la vi-ô-let” (violette = tím). Dọc đường Tây Tiến, gặp Trang anh em thường nheo mắt gọi “la vi-ô-let”, ít người biết cô áo tím nào.

Trong trận đánh Mường Lồ anh đang xông lên thì trúng đạn. Anh to nặng quá nhưng mình cũng cõng được ra bờ suối. Khi cái đau đã ngấm và gió rét nổi lên, anh ôm chặt mình vào lòng, hai anh em cùng ấm. Anh thều thào: “Nếu anh có sao, chú tìm gặp chị Tuyết nói là chị vẫn luôn luôn ở bên anh”. Mình quờ tay ngắt được một bông hoa dại giơ lên: “Anh ơi, hoa tím đây!”.

Sau trận chỉ huy anh dũng ấy, anh được thưởng huân chương và được nghỉ phép 10 ngày về thăm nhà. Anh xin bố mẹ anh tìm gặp bố mẹ chị, cho anh chị được đính hôn. Hai gia đình đều là nhà giáo, đang tản cư. Đêm trăng trên con đò nhỏ, hai ông bố họa thơ, hai bà mẹ chuẩn bị thức nhắm và đôi trai gái tự tình. Đã có một dòng sông kháng chiến chở một con đò đầy ắp hạnh phúc thanh cao đến thế.

Trờ về đại đội, mỗi khi kiểm tra các đơi vị hay trinh sát trận địa anh đều mang mình đi theo, có lúc hai anh em rong ruổi mỗi người một ngựa. Mình thích nhảy ngựa mà anh lại cứ đỡ mình. Mình trêu: “Giá em mặc áo tím phi ngựa theo anh thì tuyệt trần”. Anh bảo: “thế thì tớ bế cậu lên ngồi cùng”. Được anh quý như “em gái” mình cũng đỡ nhớ nhà và càng quấn quýt bên anh.

Một hôm có tiếng súng nổ ở đầu nhà. Báo động, cả đại đội bộ bật dậy, chạy ùa xuống cầu thang. Đại đội trưởng đã đứng đấy cầm roi quất vun vút, ra lệnh quay lại nhảy qua cửa sổ. Bị roi quất đau quá, mình kêu to: “Em đây mà, anh Trang, em đây mà”. Anh quát: “Em thì em” và cứ quất mạnh. Mình ôm đầu, quay lại nhảy qua cửa sổ. Bị đánh nhiều nhất, đau nhất, mình rất ức. Sớm hôm sau anh đến vỗ vai mình, mình quay mặt đi: “Sao đánh người ta đau thế” rồi quyết xin xuống tiểu đội chiến đấu. Từ đó xa anh nhưng nhờ cách rèn quân nghiêm khắc của anh mà bao lần mình thoát chết. Địch đột kích cứ nhằm cầu thang lia đạn, mình bao giờ cũng tìm cách nằm cạnh cửa sổ nhà sàn, có động là nhảy qua.

Chuyện anh hy sinh có nhiều người kể khác nhau, người bảo địch lùng sục tiêu diệt hết đội trinh sát do anh dẫn đầu, người nói anh đã bắn trả quyết liệt, địch gọi không hàng và dành viên đạn cuối cùng cho mình. Tên quan hai Pháp đã ngả mũ, nghiêng mình trước xác anh: “Tôi xin tỏ lòng khâm phục người anh hùng trẻ tuổi”. Riêng mình, mình biết mỗi lần cùng anh lau khẩu “côn bát”, anh lau rất kỹ viên đạn cuối cùng và nói sẵn sàng dành cho anh, quyết không để lọt vào tay giặc. Được tin anh hi sinh mình vô cùng ân hận, sao mình đã dỗi, đã bỏ anh, không ở bên anh chiến đấu bảo vệ anh, mình biết nói sao với chị Tuyết.

Dọc đường kháng chiến mình đi tìm chị. Tìm chị ở khu 3. Tìm chị ở Việt Bắc. Một chiều đông, hành quân qua Thanh Cù, ghé vào quán nước bên đường mình nghe một bà cụ than thở: “Thương cô giáo quá! Trẻ đẹp thế mà mang mãi khăn tang. Chồng đã cưới đâu mà cứ về săn sóc bố mẹ chồng, nuôi dạy đàn em chồng, thân thiết như ruột thịt. Đâu như đang ở hiệu ảnh Như Trang cuối phố”. Nghe tên Như Trang, mình bàng hoàng, bỏ bát nước, chạy vượt hàng quân đến hiệu ảnh. Sững người thấy chị áo tím sờn vai với vành khăn trắng, ngồi bóc sắn giữa đàn em nhỏ, mình gọi:

- Chị ơi, chị là chị Tuyết?

Chị ngước mắt nhìn lên. Ôi, đây là đôi mắt mà anh Trang vẽ mãi.
- Sao chú biết tên tôi? Chớp chớp mắt, chị cắn môi, run rẩy. Chú Lâm phải không? Vào đây kể chuyện anh Trang đi!
- Thưa chị, em đang vội hành quân. Mình nghẹn lời.

------

Ông bà nội tôi khi đó đã làm rất nhiều thơ về bác Trang, tôi chỉ còn nhớ láng máng mấy bài:

Thơ của Bà:


Hình bà nội tôi

1/ bài này làm khi tiễn bác Trang quay lại mặt trận

Thu về con biệt mẹ đi
Cánh đồng trước cửa xanh rì lúa non
Đến nay lúa chín đỏ ngòm
Thu đi đông đến mong con chưa về
Nhớ thương lo ngại nhiều bề
Gió đông lạnh lẽo làm tê tái lòng
Ngoảnh nhìn tới chốn thư phòng
Nhện chăng án sách bụi lồng bút nghiên…

( bài này quên mất mấy câu cuối)


2/ Bài này làm khi nghe tin bác hy sinh

Anh Trang mất làm đau lòng mẹ
Chí phục thù đâu nhẽ là thôi
Các con còn bé con ơi
Thù nhà nợ nước mặc người mới căm

Hồn người khuất còn nằm trông đợi
Mượn tay ai trả mối thù sâu
Đông về rồi lại sang thâu
Tháng ngày đi mãi thương đau vẫn còn

Nhìn trời đất nước non tồn tại
Anh các con đi mãi không về
Người đi vẹn một lời thề
Kẻ còn chăng nhớ hận kia ngập trời

Thơ của ông:

1/ Đắp mãi mồ con sợ nặng con
Hỏi con, còn, mất, mất hay còn
Tình cha đã nặng vun chi đất
Phủ nặng mình con nghĩa nước non

2/ ( bài này là bài ông nội làm vào ngày giỗ hết [ giỗ lần thứ ba] bác Trang

rằng hết rằng còn con hỡi con
Lòng cha ngao ngán mấy thu tròn
Tình nhà thương kẻ duyên tan nát
Tin nước mừng ai trận thắng dồn
Những ước nghìn đêm nghìn mộng mị
nào lo một giỗ một mai mòn
Ngày về rợp phố sao cờ đỏ
Khỏ tả niềm vui nước vắng con

3/ Bài này là bài tiễn bác Trang ( ông nội và bác Trang cùng làm chung khi chèo thuyến trên đầm Chính Công- trước khi bác Trang quay lại mặt trận)

Văn nhân ngồi với quân nhân
Dưới vầng trăng sáng thuyền lần sóng êm
Nhấp nhô muôn ánh sao chìm
Sóng đầm man mác sóng tim dạt dào
bầu trời đây mảnh chinh bào
Nước non đây dấu anh hào là đây
Trăng xưa cũng nước non này
Tình say nước biếc trăng say mặn mà
vẳng nghe nhịp trống xa xa
Chạnh niềm tưởng lúc quân ra sa trường
Một đi là để tình vương
Niềm thương nỗi nhớ duyên càng thắm tươi


2- TƯ LIỆU MỚI:

Về cái chết của Tiểu đoàn phó Như Trang

Cái chết của Tiểu doàn phó Như Trang là cái chết của người chiến sĩ dũng cảm ,anh hùng .Cái chêt của anh làm trấn động dữ dội trong hàng ngũ cán bộ , chiến sĩ trung đoàn 52 Tây tiến . Song , cái chết của anh ra sao ? như thế nào ?thì không có ai giải đáp nổi . Có những anh em chưa hề biết mặt Như Trang cũng tưởng tượng ra cái chết của anh . Và , tất nhiên ai cũng xác nhận đó là cái chết vì dân , vì nước .

Cho đến nay bè bạn , đồng đội ,gia đình anh cũng nghi vấn : tại sao TÔI , người viết những giòng chữ này hiểu anh một cách tường tận như vậy ? Tại sao TÔI biết được trận đánh và tên quan hai Pháp ngả mũ , cúi đầu trước thi thể người chiến sĩ trẻ tuổi , anh hùng – người đã tiêu diệt hàng chục tên lính Lê dương thuộc quyền của hắn ? Để cho sáng rõ câu chuyện trên , tôi viết thêm phần tham khảo và dị bản để minh chứng cho cái chết của người chiến sĩ mà đến kẻ thù cũng phải khâm phục .

Khoảng cuối năm 1947 đầu năm 1948 tôi bị sốt rét điều trị ở bệnh xá trung đoàn đóng quân ở Châu Trang . Anh Như Trang bị thương trận Mường Lồ cũng điều trị ở đó . Thương binh ngày đó it,chỉ có nhiều bệnh binh bị sốt rét . Tôi là chiến sĩ đại đội 121 , Như Trang là đại đội trưởng . Đại đội trưởng và chiến sĩ khoảng cách rất lớn , quan hệ với nhau bằng sự chỉ huy và phục tùng , nên hầu như biết mặt mà không hiểu nhau .

Tôi là học sinh trung học ở Nam Định , toàn quốc kháng chiến tham gia bộ đội và theo đơn vị lên Tây Tiến . Năm 13 tuổi tôi học ở trường giòng nhà thờ Nam Định Ở trong tốp thánh ca nên được học nhạc lý ,học các loại đàn Harmonium., ha –uy-di , băng dô, an tô . Ơn chúa , tôi băt đầu đọc thánh kinh , thứ sáu không ăn thịt . Mẹ tôi hoảng sợ - Cho thàng này học trường nhà giòng khéo thành cố đạo mất ! Bà không cho tôi học trường nha giòng nữa . Song , tôi đã hấp thu được chút ít nhạc lý với giọng thánh ca mượt mà , quyến rũ .

Tôi gặp Như Trang ở bệnh xá Châu Trang .Tất nhiên anh với tôi dính nhau như hình với bóng , hai tâm hồn đồng điệu . Anh coi tôi như người em nhỏ . Sau những lần trao đổi về âm nhạc , về ca hát , chuyện trên trời dưới đất anh thường tâm sư với tôi , Từ chuyện cãi nhau với Tây hồi đóng quân ở Lò Lợn ,Hà Nội , chuyện quan hệ tới đồng chí Trần Độ ( sau này là trung tướng phó chính ủy quân Giải phóng Miền nam VN , Bí thư Trung ương Đảng , Trưởng ban Tuyên huấn trung ương ) đến chuyện tình của anh với chị Tuyết Tô … Anh còn rủ tôi , khi có điều kiện lên Vũ Ẻn thăm gia đình anh tản cư ra đó .

Tôi và anh thường hát những ca khúc : Cô láng giềng , đêm đông , Đàn chim Việt , chiều Yên Thế , Thăng Long hành khúc … Khi anh đàn , tôi hát . Khi cả hai anh em cùng song ca . Anh em thương bệnh binh quây chung quanh ngọn lửa võ tay hoan hô hoặc cùng hát theo .Tiêng hát cua chúng tôi làm ấm lòng chiến sĩ xa nhà , xua tan những đói rét , đau đớn , khắc nghiệt của núi rừng

Ca khúc “ tiếng cồng quân y “ anh sáng tác , Tôi là người được hát đầu tiên . . Tiếng hát trong veo của tôi hòa cùng tiếng đàn băng dô ròn tan của anh trong ánh lửa bập bùng giữa núi rừng thanh vắng . Chúng tôi hát với linh hồn của hàng trăm chiến sĩ chết vì sốt rét , cùng tiếng cồng của người trưởng bản mỗi khi đem chôn anh em đã mất trong manh chiếu , tạo nên cảm giác ớn lạnh trong tâm hồn . Tôi hát đoạn một , đến đoạn hai “…người chưa muốn chết , nước non chưa yên , nhưng mảnh rừng ác độc đã đưa người xuống nơi tuyền đài …” Tiến đan bỗng tặt lim , anh rơm rớm nước mát . Rồi, cả hai chúng tôi cùng ôm nhau …khóc !. Chúng tôi không hát thêm được nữa . Đó là những ngày sâu đậm , nhiều ý nghĩa được sống cùng anh .

Đầu năm 1950 cuộc kháng chiến có bước phát triển mới , Bộ tư lệnh Liên Khu tổ chức trung đoàn chủ lực , quả đâm thép của Liên khu . Tiểu đoàn Ký Con do tiểu đoàn trưởng Bùi Sinh chỉ huy từ Hải Phòng lên . Tiểu đoàn Lê Lợi do tiểu đoàn trưởng Lê Ngọc Hiền từ Nam Định lên, Tiểu đoàn Nguyễn Huệ trong đó có đại đội 121của tôi do tiểu đoàn trưởng Hoàng Khải Tiến chỉ huy từ Tây Tiến xuống . Tiểu đoàn trợ chiến Hoàng Diệu mới thành lập do tiểu đoàn trưởng Hùng Quý chỉ huy . Trung đoàn chủ lực của Liên Khu được mang danh là “ Trung đoàn chủ lực Ký con ,phiên hiệu Trung đoàn 66 “. Các đơn vị về hội sư ở khu vực Ba Thá , Mỹ Đúc dọc sông Đáy . Sau đó , toàn đơn vị chuyển dịch về khu vực Quế Quyển , Vân Chu , Phù đạm , Phú Viên đối diện với thị xã Hà Nam cho gần mặt trận .

Tôi được điều động về tiểu ban Địch vận thuộc phòng Chính trị trung đoàn và được cử vào thành Nhà Hồ - Thanh Hòa , nơi đó có một đại đội hàng binh đóng quân . Tôi được phép tuyển chọn mấy anh em hàng binh về trung đoàn phục vụ cho công tác địch vận .

Lang thang ở đó hàng tuần lễ chưa biết chọn ai . Trời xui khiến thế nào , trong bữa cơm trưa , một hàng binh cao to như con gấu ngựa ngồi trước mặt tôi . Anh giới thiệu tên anh là Grand Wath Wath , người Angiªri . Trước khi đăng lính , anh là phu khuân vác ở cảng An giê . Tôi hỏi anh ở đơn vị nào trong quân đội Pháp ? Anh trả lời ở scadron Mường . ( ngày đó quân đội Pháp tổ chức xứ Mường tự trị đưa dân tộc Mường thành khu tự trị đối trọng với Chính phủ Kháng chiến của ta ,do quan lang Đinh Công Tuân đứng đầu ) . Tôi mừng như bắt được vàng .

-Scadron Mường rất rộng lớn ,anh đồn trú ở đâu ?

- Tôi đóng quân ở vùng Ngọc Lạc , Đầm , Nghẹ !

Tôi không tin ở tai mình

- Anh có biết trận Gò Mu ngày 20 tháng 10 -1947 không ? ( 1947 !?)

Anh nhìn tôi trân trân .

- Tại sao anh biết trận đánh đó ?

- Tôi là chiến sĩ đơn vị đó .

Mắt anh ta sáng lên .

Sau trận Gò Mu, tôi chạy sang hàng ngũ Việt Minh .

Nghe chuyện lạ , tôi gạn hỏi , Anh ta trả lời :

- Câu chuyện là thế này . Tôi là dân nghèo ở thủ đô An –giê , đăng lính để kiếm sống . Sĩ quan Pháp nói với tôi rằng : Việt Minh là tụi giặc cỏ , không cần đánh cũng tan . Chúng mày volontaire ( tình nguyện ) sang Việt Nam mà chơi . Con gái Mường đẹp lắm . Muốn mấy đứa cũng có . Vậy là tôi sang Việt Nam và đăng ký lên đất Mường .
-
Được sự thông báo và dẫn đường của tên Mường gian , trung đội Lê Dương dưới sự chỉ huy của viên trung uy người Pháp lần theo con suối cạn ,bất ngờ tấn công một căn nhà sàn không lớn lắm ở Gò Mu. Trung đội Lê dương ào lên không gặp phải sự chống cự nào . Một viên quan ba Việt Minh nhảy qua của sổ bị một băng Tôm sơn lia theo rụng như tàu lá . Còn một viên quan ba nữa chống cự với trung đội Lê dương từ 11 giờ 30 sáng tới 2 giờ chiều mới bị tiêu diệt .

Anh ta dừng lại , đôi mắt lim dim như hình dung lại trận đánh . Tôi hỏi :

- Tại sao anh biết được hai người ấy là hai ông quan ba ?
- Chúng tôi bắt được chiếc sà-cột , trong đó đựng giấy tờ và phương án tác chiến tấn công khu vực Ngọc Lạc , Lang Chánh . Chúng tôi chuẩn bị mọi phương án kháng cự . Nhưng không thấy các ông tiến hành chiến dịch .

- - Các anh có cả một trung đội Lê dương cùng chiếc nhà sàn nhỏ bé , chiến đấu với một chiến binh VN mà mấy tiêng sau mới hạ được thì …quá xoàng !

- Hắn lắc đầu -, Anh không biết đó thôi . Trung đội Lê dương này là những người linh sơn cước thiên chiến ,mà gần chục tên chết dưới chân cầu thang nhà sàn .Cách đánh của người chiến binh này rất lạ . Không hiểu ông ta học ở trường quân sự nào ?.Ai day ông ta mà giỏi thế ?.

- Nghe tiếng động , biết ông đứng một chỗ ,khi quân Lê dương xông lên thì đạn lại nổ một nơi . Bọn Lê dương leo lên đều trúng đạn vào mặt . Gần chục tên mất mạng . Loay hoay hơn ba tiếng đồng hồ mới hạ gục được đối phương .

- Tôi là lính cận vệ (garde corp )của viên trung úy nên theo sát từng bước người chỉ huy . Tiếng súng im rất lâu , bọn Lê dương và viên trung úy mới dám bò lên . Viên quan ba – Tôi sửa lại – Ông ta là quan tư (commandant ) chứ không phải quan ba – nằm gục trên khuông ( sàn tiếp giáp với nhà dùng để phơi phóng , rửa chân trước khi bước vào nhà ) máu loang đầy sàn , chẩy dài xuống đất , khẩu súng colt Bass vẫn cầm trong tay còn tỏa khói .

- Tôi đứng sau người chỉ huy , nên được chứng kiến câu nóiđầy thán phục của viên trung úy Pháp đối với người chiến sĩ VN .
- Je salut profond avant le mourir heroisquement du jeune officier! ( Tôi cúi đầu chào , thán phục trước caí chết anh hùng của người sĩ quan trẻ tuổi ).

- Trận đánh đó làm tôi hiểu ra rằng – Quân đội VN không phải là “bọn giặc cỏ không cần đánh cũng tan “ như bọn Pháp nói , mà là những người yêu nước , được tổ chức chặt chẽ Họ chiến đấu giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị ,áp bức của bọn thực dân phản động Pháp . Giống như quân du kich Angieri chúng tôi dang sống ở trên xa mạc, Đội quân đó đã từng đốt cháy hàng chục đoàn công – voa của bọn Pháp . Rất tiếc chúng tôi không có được người chỉ huy tài giỏi như các anh .

- Sau trận đó , cùng viên trung úy được thuyên chuyển về căn cứ Phương Lâm , Hòa Bình , tôi vác súng chạy sang hàng ngũ Việt Minh . Mong rằng quân du kích Angieri chúng tôi cũng có những chiến sĩ oai hùng , dũng cảm như các anh .

- Lần đó, tôi tìm được mấy anh hàng binh vệ phục vụ cho công tac địch vận trung đoàn : Grand Wath Wath , tên Việt là Cao , Verne ngưởi Đức tên Việt là Đức , Antoine Vaise người Đức tên Việt là An.. Jean Chapuis người Pháp ,tên Việt là Giăng và một anh người Hung-ga-ri tên Việt là Vinh .

- Chúng tôi sống với nhau một thời gian ngắn nhưng rất thuận hòa , yêu thương Ngày ấy đói lắm . Các anh to lớn ăn khỏe luôn luôn đói . Bà con thương lắm , để phần các anh rổ khoai , rổ sắn …. Chúng tôi còn hò nhau mò hến ở sông Đáy đem về nấu cháo ăn ….

- Khoảng năm1956 tôi được tin anh Cao lấy vợ và ở nông trường Ba Vì . It lâu sau nghe tin anh cùng vợ về Angieri . Khoảng năm 1985 tôi được tin anh cùng vợ sang Ha Nội đi tìm chúng tôi , nhưng rất tiếc không được gặp . Nghe tin anh là một nhà công nghiệp cán thẹp giầu có , nổi tiếng ở Angieri .

- Sáu chục năm lục tìm những ký ức , quả thực khó khăn ,mất ngủ . Sống lại những ngày xưa cũ , cùng những giọt nước mắt rơi trên bàn phím Tôi mong rằng những dòng chữ này của tôi làm sống lại những trang sử vẻ vang của đoàn quân Tây tiên; ,làm sống lại phần nào hình ảnh để tri ân tiểu đoàn phó Như Trang , người chỉ huy lỗi lạc ,chiến sĩ kiêu hùng của trung đoàn Tây Tiến chúng ta .


Xong lúc 15 giờ ngày 15 tháng1 -2012 ( 24tháng chạp Kỷ Mão )

Trần Kỳ
Tập thể Hàng Không , Thụy Khuê , Bưởi
Tây Hồ , Hà Nội .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét