Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

"Lâu lâu mới nghe-nhưng hay phát biểu" :-)

Câu chuyện 1- Hôm qua tôi nhận được một email từ một người bạn. Anh này gửi mail cảm ơn cho việc tôi gửi thư và gọi điện mời tới buổi trình bày của Kim Younhoan, giám đốc trung tâmcư trú nghệ thuật Seoul, nơi có chương trình cư trú nghệ thuật dành cho các nghệ sỹ nước ngoài, và là nơi tôi rất muốn giới thiệu cho các nghệ sỹ trẻ Việt Nam tham dự. Trong lá thư, người bạn trẻ, sau khi cảm ơn tôi, đã viết: “ nhưng anh Huy ơi, bây giờ mà đi 4 tháng là quá lâu với em. Thế nên em không đến tham dự được. Khi nào có chương trình gì khoảng 1 tháng thôi thì anh giới thiệu cho em nhé”.


Buổi trình bày của Kim Younhoan tại Ga 0

Tôi rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư này. Lý do là vì, trong thư mời, tôi đã ghi rõ, chương trình này để nghị không gian làm việc, cư trú và các công cụ làm việc cho các nghệ sỹ “ có thể lên tới 4 tháng”- có nghĩa là phải hiểu rằng, bốn tháng là thời hạn “dài nhất” chứ không phải bắt buộc là phải 4 tháng. Bản thân nghệ sĩ cũng có thể vào website của chương trình để tìm hiểu về việc này. Và thêm nữa- dễ nhất là, dành thời gian đến gặp chính giám đốc của chương trình để đặt câu hỏi, liệu có thể có thời gian cư trú ngắn hơn không, điều kiện sẽ là gì, vv., và vv.

Tuy nhiên nghệ sỹ trẻ đó đã không tới chỉ vì cho rằng đây là chương trình cư trú 4 tháng.

Câu chuyện 2- Chuyện này tự động làm tôi nhớ lại hai chuyện khác mà bản thân tôi chứng kiến. Cách đây đã khá lâu, tôi có thực hiện một dự án với nhà làm phim tài liệu Trung Quốc Wu Wenguang. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về ông trên Internet, song ở đây, để nói ngắn gọn về ông, nhà văn Trang Hạ, khi bình luận về việc Wu Wenguang sang Việt Nam trong blog 360 yahoo của tôi trước đây - có nói rằng, với người Trung Quốc, Có hai thời kỳ phim tài liệu. Một là trước thời của Wu Wenguang, hai là sau khi có sự xuất hiện của Wu Wenguang.


Wu Wenguang

Thời điểm đó, tại Sài Gòn, Wu Wenguang, Tay Tong của ANA (Arts Networks Asian) và tôi đã cùng nhau thiết kế một chương trình nhằm gửi các nghệ sỹ trẻ Việt Nam sang Trung Quốc để thực tập. Ở Sài Gòn, chúng tôi đã gửi Lê Quý Anh hào và Ngô Lực, cùng Lê Thị Việt Hà, lúc đó vừa mới ra trường- sang trung tâm của Wu Wenguang học và thực tập. Lê Thị Việt Hà sau đó có làm một bộ phim tài liệu ngắn mà theo tôi rất xuất sắc ( dĩ nhiên dù còn nhiều vấn đề về kỹ thuật) mang tên Love Letter

Cả quá trình thực hiện dự án này có rất nhiều tình tiết hay ho, tuy nhiên đó không phải là chủ đề cho bài viết này. Điều tôi muốn kể ở đây là chuyện khác. Hồi đó, tại Sài Gòn, chúng tôi có tổ chức một workshop. Buổi workshop đó diễn ra trong ba ngày. Trong buổi workshop này, các sinh viên trẻ như Lê Quý Anh Hào, Ngô Lực, Lê thị Việt Hà sẽ trình bày một số đọan phim quay thử của họ. Wu Wenguang sẽ tham dự vào với vai trò là người bình luận. Đây cũng là buổi workshop mở, nên các công chúng có thể tới xem tự nhiên.

Trong buổi workshop này có sự hiện diện của một nhà báo. Đây là nhà báo chuyên viết về văn hóa nghệ thuật, và bản thân có làm phim tài liệu, cũng như từng đoạt được một số giải thưởng về phim tài liệu ở liên hoan phim Việt Nam khi còn học ở trường. Vào lúc Wu Wenguang muốn lắng nghe một số ý kiến từ các công chúng về các tác phẩm thực tập của một số nghệ sỹ trẻ Việt Nam, nhà báo này đã đứng lên và đưa ra ý kiến. Đó là các ý kiến chê bai kịch liệt. Lẽ ra sẽ không có gì đáng nói ở đây trước sự chê bai đó, bởi việc các bài thực tập đó- của những người vào thời điểm đó ( 2006)- mới lần đầu tiên cầm máy quay - thật ra vẫn còn rất sơ sài – và khó mà có thể nhận xét tốt về chúng. Tuy nhiên, điểm đáng nói ở đây nằm ở việc; toàn bộ các luận điểm phê phán của nhà báo đó nhắm vào các bài tập của các nghệ sĩ như Ngô Lực, Lê Thị Việt Hà, hay Lê Hào, mà hồi đó còn là sinh viên - lại chính là các phương pháp sáng tạo của Wu Wenguang, mà nhờ chúng, Wu Wenguang đã thay đổi hình hệ phim tài liệu của Trung Hoa, và là những phương pháp hiện ông đang tìm cách truyền bá cho các nghệ sỹ trẻ Việt Nam.

Cụ thể là, các phê phán của nhà báo đó nhắm vào việc, các nghệ sĩ trẻ đã không biết cầm máy quay, đã rung tay khi quay, đã không đánh sáng đầy đủ vào chân dung, các góc máy phỏng vấn không đạt được sự chẩn bị kỹ càng hay phải đặt ngang tầm và trực diện vào người được phỏng vấn, etc.

Éo le thay, các phương pháp của Wu Wenguang, tức phương pháp đã làm nên đặc tính của nghệ thuật tài liệu của ông nằm ở chỗ ông đã thay đổi cách tiếp cận với phim tài liệu không theo kiểu các phim tài liệu được dàn dựng, có kịch bản, và có đầy đủ các máy móc đèn chiếu cũng như có sự chuẩn bị đạo cụ kỹ càng. Phim tài liệu của ông, hay nói đúng hơn, chiêc máy quay của ông giờ đây chính là một con mắt thuộc về đời sống, rung cảm cùng tâm trạng của người quay, và có thể đi vào những nơi chốn riêng tư thầm kín nhất ( theo kiểu dạng nhiếp ảnh của nan Goldin,-click vào đây)

Vì lý do đó, trong hình hệ này, thay vì cần cả một đoàn phim, dạng phim tài liệu này sẽ ưa thích các thực hành đơn độc của một nghệ sỹ; thay vì cần một hệ thống máy quay, microphone, và đèn chiếu sáng rỡ ràng, nó sẽ chỉ ưa thích các chiếc máy quay kiểu du lịch, nhỏ bé, để có thể len lỏi tiếp cận vào các khu vực riêng tư và thầm kín nhất; thay vì phải có kịch bản nó lại ưa thích việc thu nhận nhiều nhất như có thể các dữ kiện thực từ bản thân đời sống để rồi sau đó, chính các dữ kiện thực đó sẽ lên tiếng thay cho cả lời bình và kịch bản, etc

click vào đây

Chính vì lý do đó, khi tôi nghe các bình luận của nhà báo Việt Nam trong buổi workshop, tôi đã hoàn toàn ngạc nhiên bởi việc, hình như nhà báo này đã hoàn toàn không nghe bất kỳ điều gì từ đầu cho tới lúc đứng lên phát biểu, hoặc giả trước khi tới với buổi workshop, nhà báo đó đã hoàn toàn không đọc hay nghiên cứu về bất kỳ điều gì liên quan tới cái tên Wu Wenguang …

Câu chuyện 3- Đây cũng là một câu chuyện thú vị khác. Lần này là về một kiến trúc sư Việt Nam. Tôi có dịp cùng anh này gặp gỡ một kiến trúc sư/nghệ sỹ nổi tiếng Nhật Bản (từng có dự án tham dự Documenta 12), và là giáo sư tại đại học nghệ thuật Tokyo. Trong buổi gặp gỡ này, kiến trúc sư/nghệ sỹ Nhật bản đã giới thiệu về một công trình/dự án nghệ thuật của anh ta. Xin nói sơ qua về công trình đó. Ở Tokyo có một ngôi trường trung học cũ. Theo quy hoạch đô thị, ngôi trường này sẽ bị buộc phải phá bỏ để xây dựng một khu trung tâm thương mại hiện đại. Tuy nhiên, chính kiến trúc sư này lại phản đối kế hoạch này của thành phố. Ông cho rằng kiến trúc không phải là việc tạo ra những tiện nghi hiện đại, mà là việc tạo được và duy trì những khía cạnh văn hóa và ký ức cho con người cư ngụ trong đó. Lý lẽ của ông trong việc muốn giữ lại không gian ngôi trường cũ đó rằng, theo thời gian, ngôi trường này đã không chỉ còn là một tập hợp của các khối gạch đá, xi măng, mà đã trở nên một dạng ký ức sống động, qua đó, dân cư ở đây có thể nhận diện được bản thân trong thời gian, và qua đó, họ có thể nhìn thấy dấu vết cụ thể của con người, của cuộc đời, của các mối quan hệ của họ.

Kiến trúc sư/nghệ sỹ này sau đó đề nghị một bản kế hoạch khác. Đó là việc, thay vì đập bỏ ngôi trường này để xây dựng một trung tâm thương mại và nhà ở, ông đề nghị giữ nguyên nó, và chỉ tìm cách thay đổi chức năng. Cụ thể là ông biến ngôi trường này – mà nay đã không còn được sử dụng, thành ra một khu phức hợp văn hóa nghệ thuật có các phòng trưng bày triển lãm cũng như các không gian cư trú nghệ thuật cho các nghệ sy từ quốc tế. Phía trước của khu trường cũ này, ông cho trồng một bãi cỏ rộng và trồng cây để cho mọi người có thể tới chơi vào buổi chiều. Tất cả các phòng trong ngôi trường được giữ nguyên theo cấu trúc cũ mà chỉ chuyển đổi chức năng. Và cả quần thể nghệ thuật này luôn mở cửa cho mọi người dân hay các học trò cũ của ngôi trường vào tham quan. Nhìn một cách ẩn dụ, ở đây, chính một kiến trúc- mà về mặt chức năng, đã chết, giờ đây đã được làm sống lại bằng cách chuyển đổi chức năng và qua đó, mang lại cả một không gian văn hóa và ký ức mới, ở đó, cái quá khứ, cái truyền thống, và cái hiện tại đã được trung giới bằng nghệ thuật.


Toàn cảnh trung tâm nghệ thuật

Một phòng trưng bày nghệ thuật trong hiện tại- vẫn giữ không gian theo kiểu lớp học khi xưa

Tuy nhiên trong buổi gặp gỡ đó, kiến trúc sư trẻ Việt Nam nọ, sau khi được hỏi ý kiến về dự án này, đã bất ngờ đứng lên phê phán thẳng thừng. Cũng như câu chuyện về workshop với Wu Wenguang trên kia, theo quan sát của tôi – các phê phán của kiến trúc sư Việt Nam này lại nhằm vào chính vào những gì mà người kiến trúc sư Nhật Bản/nghệ sỹ muốn thay đổi. Cụ thể là kiến trúc sư Việt Nam phê phán không gian kiến trúc- hiện là một trong những trung tâm nghệ thuật quan trọng nhất của Tokyo này kém về kỹ thuật, không có sắt thép, không có nhiều tầng, và không…hiện đại. Ngạc nhiên hơn nữa, sau đó nhà kiến trúc sư Việt Nam đã đưa card visit của mình cho nhà kiến trúc sư Nhật Bản nọ và đề nghị nếu lần sau ông có xây dựng, hãy liên lạc với công ty kiến trúc của anh ta…

Tôi tin chắc rằng, nhà kiến trúc sư Việt Nam nọ đã hoàn toàn không nghe bất kỳ chút gì khi ông kiến trúc sư Nhật Bản giới thiệu về dự án của mình.

Kết luận:

Kể lại ba câu chuyện trên, tôi không hề có ý muốn chê bai hay bài bác gì về vốn tri thức hay kiến thức tự thân của những nhân vật trong ba ví dụ ấy. Rõ ràng tôi hoàn toàn hiểu là mỗi người đều có một khả năng tri thức, quan điểm thẩm mỹ riêng, không ai giống ai cả, và sự phê phán luôn là điều đáng hoan nghênh.

Qua ba câu chuyện trên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là việc, dường như có một sự thiếu hụt trấm trọng nơi khả năng lắng nghe+hiểu, hay sâu xa hơn, nơi khả năng lao động để tìm hiểu người khác trước khi đưa ra ý kiến dù là khen hay chê của một số người Việt Nam mà tôi quen biết. Ở đây, bản thân sự phê phán không phải là điều đáng bị phê phán, mà chínhsự phê phán vô lối, vô trách nhiệm, bắt nguồn từ việc không tự giới ước năng lực bản thân, từ việc không chịu lắng nghe và tìm hiểu thật rõ điều mà ta cần phê phán trước khi khởi hoạt hành vi phê phán, - mới là điều đáng bị phê phán.


Cũng xin lưu ý với các bạn, cả ba nhân vật trong 3 câu chuyện nêu trên của tôi (đều là bạn hay người quen của tôi), theo tôi biết, trong chuẩn của người Việt nói chung, và trong phạm vi nước Việt Nam- đều là những nhân vật khá thành đạt.








N.H.

3 nhận xét:

  1. Tình cờ đọc được bài này hay quá! Cám ơn anh đã chia sẻ :-)

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Bài này hay quá. Cái sự nghe-hiểu đã không còn là những câu chuyện trừu tượng nữa :)

    Trả lờiXóa