Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

sự-mất-kiểm-soát-mỗi-khi-tập-trung-suy-nghĩ-tới-em

Là cửa sổ, là tấm gương soi, là mặt nước rung rinh, là tất cả những gì sở hữu yếu tính phản chiếu hay bị xuyên thấu, ngôn ngữ giúp anh chạm đến khuôn mặt xa cách của em

Là bức vẽ lập thể, là bản scan mờ, là một trang photocopy bị lỗi, là tất cả những gì sở hữu yếu tính sai lạc và biến hình, ngôn ngữ giúp anh thực hữu hoá nỗi ngạc nhiên của việc chầm-chậm-bị-em-bỏ-rơi

Là ngọn lửa đang cháy trong bếp than củi, là các từ vựng bị dùng sai nghĩa, là một bức ảnh được xử-lý-bừa bằng photoshop, là tất cả những gì sở hữu yếu tính bất ngờ và không thể làm chủ, ngôn ngữ giúp anh cảm thấy sự bất an khi quan sát bức chân dung em đang hiền dịu (hay hung dữ?)mỉm cười

Là những vết-chân-hươu-thanh-thoát, là giọt cà-phê không thể giặt sạch trên cổ áo, là chiếc máy tính bị vỡ màn hình, là tất cả những gì sở hữu yếu tính của một điều gì đã mất, song từng hiện hữu, ngôn ngữ giúp anh nhận ra nỗi khổ sở của việc tìm cách suy diễn không ngơi nghỉ về em

Là cơn đau-bụng-tiêu-chảy lúc gần sáng, là bát mì nấu vội vẫn còn sượng, là chiếc bàn là bị hỏng và mất đi khả năng làm nóng, là tất cả những gì sở hữu yếu tính gây phiền toái và không thể cải thiện ngay, ngôn ngữ bắt anh hiểu ra tình trạng thật của anh: sự-mất-kiểm-soát-mỗi-khi-tập-trung-suy-nghĩ-tới-em



Như Huy © 2011

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Hoạ sĩ Lê Kinh Tài và những con Tò he*


Một tác phẩm của Lê Kinh Tài trong triển lãm "Tò He"


Thật sự là cái tên triển lãm “ Tò he” ( triển lãm cá nhân lần thứ 8) của hoạ sĩ Lê Kinh Tài đã gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ có tính bản thể học về công việc của một hoạ sĩ như anh. “Tò He” là tên gọi một đồ chơi dân gian cho trẻ em. Các đồ chơi này, thường là các hình người, thú, hoa hay các nhân vật cổ tích, được nặn bằng bột gạo, sau đó được tô nhiều màu sặc sỡ. Trong quá khứ, những nghệ nhân nặn Tò he thường chỉ xuất hiện vào các dịp lễ hội, đặc biệt là vào dịp tết trung thu ( tết dành cho trẻ em).

Đặt tên cho triển lãm của mình là “Tò he”, hẳn ít nhiều Lê Kinh tài cũng muốn qua đó đưa ra một ẩn dụ cho công việc hoạ sĩ của mình – một ẩn dụ mà ở đây, các tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ được tham chiếu tới công việc và sản phẩm của một nghệ nhân dân gian, tức người không hề đứng biệt lập trước cuộc đời, mà trái lại, đi vào cuộc đời, và bằng tài năng cùng sự sáng tạo của mình, đem lại niềm vui, trí tưởng tượng và niềm say mê cho chính cuộc đời

Không thể khác được, đứng trước loạt tác phẩm mới nhất này của hoạ sĩ Lê Kinh Tài, gồm 23 bức tranh (khổ lớn nhất 120cm x 500cm), và 9 tác phẩm điêu khắc (bản thân hoạ sĩ không hề muốn dùng chữ “tượng” cho loạt 9 tác phẩm điêu khắc này, mà anh muốn gọi chúng là 9 con “Tò he”), người ta không thể không trầm trồ, trước hết là ở khả năng lao động của hoạ sĩ, và sau nữa, quan trọng hơn cả, là chính các niềm hân hoan mà những tác phẩm ấy đem lại cho họ.

Chính ở đây, cái ẩn dụ có tính tận căn về vai trò của nghệ thuật- như thể một chiếc đũa thần, mà ngay khi chạm tới sự cảm thụ của người xem sẽ biến người xem đó thành trẻ thơ, đã được minh chứng rõ ràng. Trước thế giới đang ngày càng già nua và buồn chán này, trở thành trẻ thơ chính là một nhu cầu, thậm chí một đòi hỏi quyết liệt nhất cho chúng ta để có thể sống sót

Trở lại trẻ thơ, nói một cách nào đó, cũng chính là trở lại với khả năng ngạc nhiên mà chúng ta dường như đã quên mất, trở lại với năng lực nhận ra được các nhiệm mầu của đời sống, khả năng rung động sâu xa trước những điều mà khi đã lớn khôn, có lẽ chúng ta sẽ chỉ coi là những sự kiện thường nhật, và không để lại trong trí óc và tâm hồn chúng ta bất cứ dấu vết nào.

Trong những bức tranh và điêu khắc mới nhất của lê Kinh Tài, mầu sắc vẫn là mầu sắc, là những xanh, đỏ, vàng, cam, đen trắng, song, cũng giống như bột gạo đã không chỉ còn là bột gạo trong đôi tay của một nghệ nhân làm Tò he dân gian, những mầu sắc ấy cũng đã không còn chỉ là màu sắc đơn thuần. Chúng đã, theo một cách nhiệm mầu nào đó, rung vang, ngân lên, đôi khi hồn hậu, song cũng có khi giễu nhại, hài hước. Thậm chí ngay cả các con chữ được viết nguệch ngoạc lên trên mặt tranh, cũng đã bằng cách nhiệm mầu nào đó, tự chuyển hoá vai trò tạo nghĩa thông thường, để trở nên những yếu tố tạo hình, tạo sắc, mà nếu thiếu đi, các bố cục dường như sẽ không thể nào đầy đủ và tạo được ra nhiều niềm hân hoan đến thế.

Tuy nhiên ở đây, cái ẩn dụ “Tò he”, theo tôi cũng còn nên được đọc theo một góc độ khác, góc độ của một niềm-vui-ngoại-biên khi so sánh với thế giới đồ chơi hiện đại đang chiếm lĩnh toàn bộ không gian giải trí đương đại hiện nay.

Tôi rất muốn nhìn nhận tình thế ngoại biên của một nghệ nhân “Tò he” ở góc độ một chọn lựa, hơn là ở góc độ “một tình trạng bị động”. Cũng như thế, khi quan sát một hoạ sĩ, tức một kẻ sử dụng cọ vẽ, và vải tole để thực hành nghệ thuật trong thời điểm này, trên nền của một khung cảnh nghệ thuật Việt Nam đang diễn ra rất nhiều sự thay đổi, không chỉ về mặt nền móng cơ sở văn hoá xã hội, mà còn ngay ở các thủ pháp, phương pháp và công cụ thực hành nghệ thuật mới, hẳn chúng ta cũng có một cảm giác tương tự nào đó khi so sánh công việc ấy của người hoạ sĩ với công việc của một nghệ nhân nặn Tò he, và qua đó, có chút nhận định về một tình trạng “ngoại biên” của người nghệ sĩ này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao, bất chấp thế giới đồ chơi hiện đại, tiện dụng, và sẵn có bán đầy trong các siêu thị, bất chấp các trò chơi ngày càng kịch tính trong các máy tính, đâu đây vẫn còn đó các nghệ nhân nặn Tò he xuất hiện nơi một góc đường nào đó trong thành phố, say mê nặn những con Tò he đầy màu sắc, và rồi xung quanh nghệ nhân ấy, vẫn có những đám trẻ em với ánh mắt háo hức, hân hoan và chứa đầy sự ngạc nhiên dõi theo đôi bàn tay khéo léo của người nặn Tò he. Câu trả lời ở đây vô cùng đơn giản. Bởi chính sự thừa mứa của các dạng đồ chơi hay trò chơi khác, vô cùng hiện đại, và được sản xuất hàng loạt, mà rồi chúng ta mới thấy nhu cầu cần thiết phải tìm lại bằng được niềm vui thơ ngây và trong veo của tuổi ấu thơ, tức niềm vui mà khi đứng trước nó, không phải chúng ta bỗng thấy vai trò của mình như một siêu nhân, cứu nhân loại hay thế giới ( như trong kịch bản thường thấy của các trò chơi điện tử), nhưng là niềm vui mà khi đứng trước nó, chúng ta chợt nhận thức đến sâu xa về khả năng ngạc nhiên của chúng ta trước những điều tưởng như vụn vặt và bình thường nhất, mà có lẽ lâu nay, vì vô minh, chúng ta thường đã lãng quên. Cũng ngay khi ấy, chúng ta cũng bắt đầu hiểu rõ rệt, và với lòng biết ơn rằng, chính nghệ nhân làm “Tò he” đã ý thức một cách rõ ràng về sự quan trọng của niềm vui đó trong thế giới này, và cũng vì lý do ấy, ông vẫn tiếp tục hiện diện lặng lẽ trong đời sống của chúng ta.

Các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của Lê Kinh Tài, trong triển lãm “Tò he” lần này, theo tôi, cũng đã sở hữu được chính sức mạnh tạo ra được niềm vui thuần khiết như thế. Và nhìn từ góc độ ấy, cũng y hệt như một nghệ nhân dân gian, trong quá trình mải miết duy trì các niềm vui thuần khiết cho cuộc đời, đã cho thấy một sự chọn lựa chủ động để trở thành ngoại biên, để không bị nhoà chìm vào thế giới trò chơi hiện đại, tiện dụng, song vô cảm xung quanh, hoạ sĩ Lê Kinh Tài, trong quá trình mải miết lao động không ngơi nghỉ của mình, có lẽ cũng đã cho thấy phần nào cái chọn lựa chủ động để trở thành ngoại biên của anh, trước tất cả những gì có vẻ gọi là “hợp mốt”, song hoàn toàn giả tạo và vô cảm xung quanh anh

Và sự chọn lựa ấy của Lê Kinh Tài, ở trường hợp này, được minh chứng thuyết phục qua thế giới hình thể và mầu sắc tuyệt vời của anh, theo tôi thậm chí còn mang tính bản thể học của việc chỉ ra được ý nghĩa đích thực của niềm vui tận căn của con người, tức niềm vui chỉ có thể được đạt tới nhờ vào khả năng ngạc nhiên thơ trẻ của chúng ta, một khả năng mà, may mắn thay, có lẽ vẫn tiềm ẩn hiện hữu trong tầm hồn của mỗi chúng ta.



*Nguồn:
bài viết cho catalogue triển lãm cá nhân mang tên "Tò He" của hoạ sĩ Lê Kinh Tài tại Hà Nội ( khai mạc ngày 21 tháng 10, 2011, tại Viet Art Center)

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Chữ thuần tuý (đọc thơ)



Anh tìm về những chữ thuần túy là "Mỗng" hay là "Sãng". Sự thuần túy này có triệt để không? anh nào biết, anh chỉ biết "Mỗng" là một điều gì tồn tại nơi ranh giới của "Muỗng" và "Mãng", "Sãng" là một điều gì tồn tại nơi ranh giới của "Suyễn" và "Sáng".

Anh tìm về một trò chơi thuần túy, khi anh ghép " Suyễn" và "Sáng" vào với nhau, "Muỗng" và "Mãng" vào với nhau. Nhưng éo le thay, " Sãng" đã không phục hồi lại được, " Mỗng" đã không phục hồi lại được, đã mất đi vĩnh viễn, và chỉ còn lại một cái gì rỗng rỗng như thể là "SsUáYnỄgN", một cái gì rỗng rỗng như thể là "MmUãỖnNgG".

Ngay tại đây, anh bắt đầu thấu hiểu nỗi buồn vô hạn của những chữ thuần túy khi đã lạc mất nhau và không làm sao có thể phục hồi lại nổi những mối quan hệ cũ.



Trong tập "Những câu phức", NXB Hội nhà văn và công ty bách Việt, 2008

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Giáo dục nghệ thuật tại Mỹ, con đường đi từ Mỹ Thuật tới Nghệ thuật thị giác, từ Hoạ sĩ tới Nghệ sĩ thị giác* (1)

...

Thị năng, thiết kế, và cái tên gọi “nghệ thuật thị giác”

Khi một uỷ ban tiến hành một khảo cứu về việc giảng dạy nghệ thuật tại Harvard đưa ra kiến nghị của họ vào năm 1956, gợi ý đầu tiên của uỷ ban này là việc nên thay đổi tên của chương trình giảng dạy lịch sử nghệ thuật đáng tôn kính từ “Mỹ Thuật”, tức cái tên được sử dụng tại Harvard từ thời giáo sư Norton, thành : Lịch sử nghệ thuật. Khoa lịch sử nghệ thuật được thay tên này sẽ được đưa vào khoa được đề nghị lập mới: Khoa thiết kế, tức một chương trình giảng dạy nghệ thuật dành cho sinh viên đại học trong một ban mới là ban nghệ thuật thị giác. Trên giấy tờ, chương trình giảng dạy cho khoa thiết kế mới mẻ này cho thấy dấu vết sâu sắc của trường Bauhaus. Một “ bộ môn về lý thuyết thiết kế, được cải tiến với phương pháp và các nhu cầu hiện đại và được phối kết hợp với các nghiên cứu về kỹ năng vẽ nét, vẽ tranh, và điêu khắc,” đã được đề nghị như một cơ sở chung và cần thiết cho các môn học tiên tiến về thực hành ở các nhánh khác nhau của ngành thiết kế, nhấn mạnh vào vật liệu và quy trình xây dựng, vẽ nét, hội hoạ, điêu khắc và nghệ thuật đồ hoạ, cũng như các dạng nghệ thuật công nghiệp và trang trí”. Để giải thích việc cần phải từ bỏ cái tên “Mỹ thuật” và thay vào đó là sử dụng tên “ nghệ thuật thị giác”, uỷ ban khảo cứu thuộc đại học Harvard đã biện luận về sự tối quan trọng của thị năng (vision)-“ thị giác được sử dụng nhiều nhất trong các giác quan của ta…Ấn tượng thu được từ thị giác là vô cùng đa dạng”. Họ cũng thuyết phục về việc thị năng nghệ thuật sắm vai trò chính trong việc tổ chức tri giác:” để trở nên nghệ thuật, vật thể phải được con người làm ra. Chúng phải được tổ chức. Chính bởiviệc tổ chức các tính chất khả thị của vật thể, như màu sắc, đường nét, và khối- mà nghệ thuật thị giác trở nên có ý nghĩa- dù được tiếp cận từ bất kỳ góc độ nào, lịch sử, lý thuyết, hay sáng tạo.

Thuật ngữ “nghệ thuật thị giác” nhắm tới việc xác định lại mối quan hệ phân cấp giữa mỹ thuật và nghệ thuật công nghiệp, được viết bởi Kant, khi ông tìm cách định vị những gì gọi là mỹ thuật. Theo Bách khoa toàn thư về nghệ thuật, được lập vào cuối chiến tranh thế giới lần thứ II, thuật ngữ này được cho là bắt đầu xuất hiện vào lúc Harvard sử dụng nó. Trong lĩnh vực giáo dục, nó được “ giới thiệu vào bộ từ vựng giáo dục nghệ thuật trong một nỗ lực …từ khước sự phân chia giữa các khái niệm mỹ thuật và phi mỹ thuật, ứng dụng và phi ứng dụng, thực hành và phi thực hành “.Uỷ ban về nghệ thuật thị giác đã miêu tả bộ môn cơ sở mà họ đề ra cho dạng nghệ thuật trong studio bằng một ngôn ngữ giống y như thế: “Sự phân chia giữa mỹ thuật, nghệ thuật ứng dụng, và nghệ thuật chức năng nên được huỷ bỏ bởi lý do các đặc tính giống nhau của chúng, tức ngành thiết kế đương đại”. Dưới cái tên “nghệ thuật thị giác” và dưới “đặc tính chung của ngành thiết kế, nghệ sĩ và nhà thiết kế chỉ là một. Rõ rang là hai người này có chung một cơ sở tri thức, tức cơ sở mà trường Bauhaus trước đây đã giới thiệu và hiện tại Harvard tìm cách tiếp nhận.

Nghệ thuật thị giác, cái tên của uỷ ban Harvard, vừa đặt cho bản thân, vừa cho khoa mà nó cổ vũ, đã tạo nên một nỗ lực tái định vị nghệ sĩ và tái định nghĩa nghệ thuật trong đại học Mỹ vào những năm tháng trước và sau thế chiến II. Đề nghị của Harvard xuất hiện ở vào cuối của thời kì mà David Deitcher đã đặc tính hoá như thể “một khuynh hướng lớn dần trong các trường đại học từ giữa 1930s qua suốt cuối thập kỉ 1940s, nhằm đào tạo nghệ sĩ với kỹ năng của nhà thiết kế, trong khi đào tạo các nhà thiết kế có thể tri giác được về nghệ nghiệp của mình như thể công việc của nghệ sĩ”(9). 15 năm trước khi có bản báo cáo của Harvard, Royal Bailey Farnum thuộc trường thiết kế Rhode Island đã khẳng quyết về căn tính của nghệ sĩ và của nhà thiết kế:” nghệ sĩ chính là nhà thiết kế mà toàn bộ các hành vi của anh ta là không hề có giới hạn…các sự thể hiện của anh ta bao trùm mọi lĩnh vực của hình thức thị giác, anh ta không nên bị giới hạn trong trí óc của chúng ta chỉ như thể một kẻ dung cọ vẽ và vẽ những bức tranh mà thôi…”

Rõ ràng là, hành vi mà Farnum tham chiếu tới không phải là dạng hành vi bình thường mà là có tính thị giác và cấu trúc; có nghĩa là ông đối lập nó một cách tường minh với tính vô dụng và tính thủ công nơi phiên bản cũ hơn về một nghệ sĩ và đề nghị cho nó một chương trình giáo dục mới. Phương pháp mới mẻ của Farnum rất gần với- đặt cơ sở trên, nếu không muốn nói rằng được đặt tên bằng chính môn học trước đó của trường Bauhaus, tức phương pháp mà Farnum đã phân biệt rõ ràng khỏi chương trình đào tạo của trường Mỹ Thuật kiểu Pháp ( Beaux-Arts) qua việc đặt sáng tạo đối lập với sao chép., thử nghiệm đối lập với mệnh lệnh buộc phải tuân theo, và tổng hợp với chia rẽ (các ngành nghệ thuật với nhau). Khác hẳn với các tàn dư của một truyền thống kinh viện đặt nền tảng trên việc vẽ thân thể con người và “ sự thể hiện bắt buộc và tỉ mỉ thân thể đó bằng than, chỉ, phấn màu hay sơn…được hỗ trợ bằng các bài giảng riêng biệt về phép viễn cận, bố cục, anatomy, và các cách dung mầu sắc khác nhau”, môn giáo dục nghệ thuật mới lại đặt cơ sở trên ý niệm về sự tự do thử nghiệm ngay từ ban đầu, và nhờ đó, các nguyên tắc về thiết kế và kỹ thuật được rút ra nhờ vào sự tự khám phá…Thảo luận, chỉ dẫn ( hơn là áp đặt ý tưởng) và chính sự tự xây dựng nguyên tắc này sẽ dẫn sinh viên tới một hiểu biết rõ ràng hơn về các đòi hỏi của sự biểu lộ trong nghệ thuật

Hàm chứa trong thuật ngữ “nghệ thuật thị giác”, và trong bài giảng về thiết kế, cũng như trong thuật ngữ “Mỹ thuật” là hai chương trình giảng dạy hoàn toàn khác nhau. Chính vì thể sự vứt bỏ thuật ngữ “Mỹ Thuật” tại Yale và Harvard đã tạo nên một dấu ấn của việc tái định giá nghệ thuật, thậm chí một sự phê phán có tính lịch sử về giả định cũ xưa về vai trò của nghệ thuật. Mỹ thuật xưa kia thường được hiểu như sự tái hiện, mô phỏng. ý tưởng này được thành lập vào thế kỷ 18, ở đó Beaux-Arts ( mỹ thuật) lien kết hội hoạ, điêu khắc, và kiến trúc với thi ca và âm nhạc dưới một nguyên tắc tái hiện chung, tức nguyên tắc mà Abbe Charles Batteux tóm tắt vào năm 1746 là “ sự mô phỏng thiên nhiên đẹp đẽ”. Về mặt chức năng và định chế, thuật ngữ “mỹ thuật” này đặt cơ sở trên sự phân chia giữa các nghệ sĩ mô phỏng, được đào tạo trong học viện bằng các bài học mô phỏng hình thể và các tượng cổ điển, và những nghệ nhân học về nghệ thuật ứng dụng. Trường Beaux-Arts nhấn mạnh về ”biên giới hiện nay chia rẽ sự tái hiện, mô phỏng tự nhiên và các vật tạo tác khác. Sản phẩm mô phỏng chính là điều phân biệt một nghệ sĩ khỏi một nghệ nhân. Thêm nữa, mỹ thuật thì tất yếu có tính nối tiê`p lịch sử; các kỹ năng nào đó mà các nghệ sĩ học được, như Thierry de Duve đã lưu ý, “luôn là điều được kế thừa từ quá khứ, cùng lúc họ luôn bị chi phối bởi các ý niệm gần như vĩnh cửu, tức các ý niệm được định vị từ trong lịch sử - trong thời cổ đại. Trong mọi học viện mỹ thuật, dạy vẽ luôn đồng nghĩa với việc dạy kế thừa di sản từ quá khứ”.

Thuật ngữ “nghệ thuật thị giác” lại được đưa ra để biện luận cho một nỗ lực không còn nhất định chỉ được hiểu theo kiểu tham chiếu về quá khứ.; đây là một thực hành nghệ thuật, gắn bó sâu sắc tới hiện tại. “Chúng tôi có ấn tượng”, Hội đồng nghệ thuật thị giác viết, “ bởi tầm mức lớn lao mà nhờ đó công việc này ( tức công việc của đại học- thuộc dạng nghệ thuật trong studio)có thể cung cấp cơ hội cho sinh viên được sự hiểu biết về các phương pháp biểu lộ nghệ thuật phổ quát từng được đưa ra bởi các nghệ sỹ đương thời quan trọng. Nhắc lại và hạ tầm mức quan trọng của các lý lẽ trước đây biện luận cho sự đánh giá cao trường nghệ thuật và các môn học vẽ ban đầu. họ tiếp tục:” Đây không đơn thuần là một câu hỏi của việc làm sâu sắc hơn quyền lực của sự quan sát, hay thậm chí việc làm tươi mới năng lực tưởng tượng của chúng ta. Hơn thế, đây là câu hỏi về sự tham dự vào việc cho và nhận của chính thời đại chúng ta. Các hình thức sáng tạo chắc chắn phải là bộ phận của thời đại gần nhất cũng như sự phát triển mới mẻ nhất trong tư duy khoa học và chính trị vậy. Thị năng luôn thuộc về hiện tại; Nó luôn nhìn ra phía trước. Hơn là một nhánh có tính văn chương và cũ xưa và thất bại thuộc khoa học nhân văn, “nghệ thuật thị giác” sẽ được ghép vào cùng khoa học.

George Wald, một giáo sư sinh học và thành viên của hội đồng nghệ thuật thị giác đã đưa ra sự phân biệt này khi biện luận về nghệ thuật trong studio, và quan trọng hơn, nghệ sĩ trong studio tại Harvard. “hầu hết các khoa của các trường đại học ngày nay, ông lý luận, chỉ tiếp tục “truyền thống học tập trung cổ”:” Nó kể về sự hiểu biết mà nó cất giữ và phong thánh”. Chống lại truyền thống học hành vẫn thể hiện trong các lớp học và thư viện, Wald ghép cặp cho studio của nghệ sĩ và phòng thí nghiệm của nhà khoa học.

“ Tình huống của nghệ sĩ trong trường đại học rất giống với tình huống của nhà khoa học…các khoa khác của trường đại học quan tâm rất nhiều tới việc suy niệm, đặt ra luật tắc, và đánh giá cao các hành vi của người khác; trong khi đó, bản thân nhà khoa học tự sản xuất vật liệu cho lãnh vực học tập của mình…các thử nghiệm thành công trong khoa học luôn tràn ngập các chất lượng của trực giác và sự tưởng tượng, tức những gì làm cho nó trở nên một trải nghiệm sang tạo. Nó bao gồm một màn diễn tương tác tương tự giữa cái đầu và đôi tay nghệ sĩ tức điều sẽ chuyển hoá thành sự sản xuất ra một tác phẩm nghệ thuật. Cũng như việc phòng thí nghiệm của nhà khoa học trở nên một điều gì đáng kính trọng trong phạm vi kinh viện, studio của nghệ sĩ, tức nơi tạo ra thời gian và cơ hội, cũng cần được nhìn nhận như vậy"

Rõ ràng mô hình cho nghệ sĩ ở đây là nghiên cứu khoa học độc lập, tức sự sản xuấttri thức mới trong các lĩnh vực mới, thay vì chỉ là sự bình chú về, và tái sắp xếp cái cũ. “ Hoạ sĩ hay điêu khắc gia là một nhân vật nghiên cứu thuần tuý trong lãnh vực hiện tượng thẩm mỹ và thực tại biểu lộ,”, David Durst thuộc đại học Arkansas khẳng định Bởi anh ta nghiên cứu và bởi nghiên cứu đó có tính thuần tuý, nghệ sĩ có một địa vị không thể bàn cãi trong đại học.

Việc hình ảnh của nghệ thuật đồng dạng với hình ảnh khoa học chứ không phải văn chương – và hoàn toàn khác xa với kinh tế hay giáo dục – đã giúp xác định vị trívà đặc tính của nó trong đại học vào thời hậu chiến.; Như thể họ hàng với khoa học, nghệ thuật cư trú nơi một lãnh địa thị giác được điều khiến không nhờ vào một truyền thống được kế thừa hay các đòi hỏi kinh tế, mà nhờ vào các lực vật lý, và sinh lý được khám qua thông qua các thí nghiệm, thử nghiệm; Nghệ thuật hứa hẹn các sự phát triển có tính quy tiến và các sự khám phá xa hơn. Như Harold Rosenberg phát biểu vào năm 1969, trong trường đại học” sự sáng tạo được coi là đồng nghĩa với quy trình sản xuất và được phân tán thành tập hợp của các vấn đề và giải pháp”. Thật vậy, các hình thức của thực hành đương đại – dự án, chuỗi, và quan trong nhất, ý tưởng về việc làm nghệ thuật, về những gì ta làm trong studio, như sự “giải quyết vấn đế” – đã đi theo mô hình về nghệ sĩ như thể một nhà nghiên cứu. Theo bản hướng dẫn của hiệp hội các trường quốc gia về nghệ thuật,” năng lực quan trọng đầu tiên mà sinh viên cử nhân hội hoạ cần có là “một sự hiểu biết về các nguyên tắc, khái niệm, chất liệu, và khuôn khổ thiết kế cơ bản. Do đó, sự phát triển của các giải pháp cho các vấn đề thiết kế và thẩm mỹ nên tiếp tục suốt dọc theo chương trình học. Mục đích của bằng thạc sĩ nghệ thuật, nếu ai đó muốn tiếp tục học lên bằng này, là nâng cấp sự phát triển của “các cá nhân có khả năng để giải quyết các vấn đề đương thời trong mọi lãnh vực của nghệ thuật thị giác và để khám phá và định vị các chủ đề và câu hỏi mới”. Để vạch ra các vấn đề này, như Harvard đã làm vào giữa thập kỉ 50s, trong hình ảnh của “ tư duy khoa học và chính trị”, hay để định vị giải pháp cho chúng trong các nghiên cứu liên nguyên tắc đặt trọng tâm theo mẫu hình khoa học, như MIT làm với Trung Tâm Cho Nghiên Cứu Thị Giác Tiên tiến vào năm 1967 – cần phải khẳng định rằng các vấn đề của nghệ thuật thị giác nằm ngoài và xa hơn phạm vi studio. Khi các chương trình giáo dục nghệ thuật thuộc studio được trường Harvard thành lập vào năm 1963, nó cũng được đặt tên theo mô hình khoa học như là Khoa nghiên cứu môi trường và nghệ thuật thị giác, đặt trong trung tâm carpenter cho nghệ thuật thị giác, có chút khoảng cách với các sử gia nghệ thuật, tức những người quyết định giữ cái tên “Mỹ thuật”.

Gyorgy Kepes, người từng giảng dạy tại trường Bauhaus mới của László Moholy-Nagy tại Chicago và tại học viện công nghệ Masachuset, nơi ông thành lập Trung Tâm Cho Nghiên Cứu Thị Giác Tiên tiến, đã liên kết thị giác, chính trị, và khoa học bằng một sự thuyết phục đáng kể trong cuốn “Ngôn ngữ của Thị Giác”, tức cuốn sách mà một nhà văn khác, một thập kỷ sau ngày xuất bản cuốn sách vào năm 1944, đã gọi là “ một cuốn sách quan trọng nhất về giáo dục nghệ thuật trong thập kỷ 40s, và đầu thập kỷ 50s” . Với Kepes, “ Nhiệm vụ của các nghệ sỹ đương đại là làm phát lộ và mang vào hành động xã hội các lực năng động nơi thế giới hình ảnh thị giác. Cũng như các nhà khoa học đương thời nỗ lực giải phóng năng lượng không bao giờ cạn kiệt của nguyên tử, các hoạ sĩ vào thời đại chúng ta phải giải phóng năng lượng vô tận đang chứa chất trong các sự liên tưởng thị giác”. Hoạ sĩ của Kepes, cũng như nhân vật nghệ sĩ của Farnum, - hoàn toàn không phải là một hoạ sĩ, dẫu cho những gì được sản xuất ra từ các studio-phòng thí nghiệm là những bức tranh. Cùng lúc, gã nghệ sĩ-nhà thiết kế này cũng không phải là một nghệ nhân/nghệ sĩ; Sự hợp nhất mà anh ta là đại diện không còn là sự hợp nhất của nghệ thuật ứng dụng và mỹ thuật. Sự hợp nhất trong nhân vật nhà thiết kế và trong ý thể của nghệ thuật thị giác là một dự án trí tuệ; nó diễn ra nơi cấp độ của sự nghiên cứu.

(còn tiếp)

------------

*Như Huy lược dịch từ chương 3, thực hành của chủ nghĩa hiện đại (the practice of modernism), trong cuốn Các chủ thể nghệ thuật, tạo ra nghệ sĩ trong đại học Mỹ (Art subjects, making artists in the american university), của Howard Singerman, University of California, Berkeley, Los Angeles, London, xuất bản năm 1999. Tên bài do Như Huy tự đặt. Bản lược dịch không chính thức trên facebook và blog này nhằm mục đích tạo không gian tham chiếu cho dự án "Làm thế nào trở thành nghệ sĩ" của tạ Mỹ Nhàn tại Ga 0:

https://www.facebook.com/event.php?eid=249332161780303

Do đó ở đây chúng tôi chưa dịch phần chú thích. Bản dịch chính thức sau này sẽ có đầy đủ cả các phần chú thích.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Hai giáo trình đào tạo thạc sĩ nghệ thuật của Trung Hoa *

(Như Huy dịch)

Vào năm 2004, một số nghệ sĩ, giám tuyển và lý thuyết gia nghệ thuật đương đại Trung Hoa bao gồm Cai Guo-Qiang, Lu Jie, Qiu Zhijie, Chen Danging, Gao Minglu, Gao Shiming. Liu Dahong, Sui Jianguo, Zhang Peli, etc., đã tổ chức một cuộc thảo luận về giáo dục nghệ thuật đương đại. Toàn bộ cuộc thảo luận này đã được đưa vào tạp chí | Nghệ thuật| tạp chí nghệ thuật Trung Hoa đương đại ( Yishu|Journal of Contemporary Chinese art), số tháng Chín, năm 2006. Đáng chú ý trong tạp chí này ngoài các bài viết và thảo luận, là hai chương trình đào tạo do hai nghệ sĩ quan trọng của nghệ thuật Trung Hoa đương đại- Cai Guo Qiang, và Zhu Jijie lập ra. Trong hai chương trình đào tạo này, chương trình của Cai Guo Qiang là một chương trình có tính đề đạt, còn lại chương trình của Zhu Jijie hiện đã được đưa vào giảng dạy tại học viện nghệ thuật Hàng Châu từ năm 2003 đến nay, nơi ông cũng chính là trưởng khoa “nghệ thuật tổng lực” ở đó.

Nhân dự án “làm thế nào trở thành nghệ sĩ” của Tạ Mỹ Nhàn, cộng tác với ga 0, là một dự án đặt câu hỏi về không chỉ giáo dục nghệ thuật, mà còn mối quan hệ của giáo dục nghệ thuật với đời sống đương đại tại Việt Nam, sẽ được khởi động trong tuần tới,


Click vào đây và vào đây để xem chi tiết:

tôi xin dịch hai chương trình giáo dục này để chúng ta tham khảo. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tìm cách thu xếp thời gian để dịch một số phần khác trong cuốn tạp chí, với mục đích để chúng ta phần nào hiểu rõ một trong những nguyên nhân , theo tôi là, đứng sau sự thành công vượt bậc lâu nay của nghệ thuật đương đại Trung Hoa trên trường thế giới. Hai giáo trình này cũng để các bạn sinh viên và nghệ sĩ trẻ từng theo học ở các trường mỹ thuật Việt Nam so sánh với các chương trình học của mình.

----------

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THẠC SĨ NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI
(do nghệ sĩ Cai Guo-Qiang lập ra)

MỤC TIÊU: đào tạo các nghệ sĩ đương đại xuất sắc và khảo sát một hệ thống giáo dục nghệ thuật đương đại mang đặc tính Trung Hoa

CHƯƠNG TRÌNH:

1- năm thứ nhất ( 30 học phần)

Các môn bắt buộc của bộ giáo dục Trung Hoa: Tiếng Anh, Chính trị học ( Marxist-Leninism), triết học ( bao gồm triết học hiện đại)

CÁC BÀI GIẢNG VÀ CÁC SÁCH ĐỂ ĐỌC:

Lịch sử nghệ thuật Trung Hoa và thế giới, Lịch sử văn minh Trung Hoa và văn minh thế giới, lịch sử triết học và tôn giáo Trung Hoa, Các trường phái và thực hành chủ yếu của nghệ thuật hiện đại phương Tây, lịch sử của sự phát triển của khoa học và công nghệ, kiến trúc hiện đại, lý thuyết thiết kế, thiết kế quần áo hiện đại, thiết kế phong cảnh, mỹ học và thư pháp, ngôn ngữ học, các nghiên cứu tâm lý học và thần kinh học, khoa học của Qi Gong ( phát triển năng lượng ẩn giấu của đời sống), âm nhạc, kịch nghệ, và múa, nghiên cứu phim.

CÁC MÔN HỌC CHÍNH

Chất liệu và kỹ năng:

Kỹ thuật computer ( thiết kế đồ hoạ, phim hoạt hình 3D, thiết kế Web); các chất liệu thép ( gò kim loại, hàn, đổ khuôn), các công việc lien quan đến nhựa, in ấn ( in lụa, khắc gỗ, in litho, in kẽm), nghề mộc, gốm

(Sinh viên buộc phải hoàn tất ít nhất một nửa các học phần này)

Nghệ thuật trình diễn

Trình diễn trên sân khấu; nghệ thuật trình diễn thị giác, trình diễn tương tác với công chúng, trình diễn kết hợp công nghệ ( video, âm thanh, âm nhạc, etc)

(Sinh viên buộc phải hoàn tất ít nhất một nửa các học phần này)

Video và nhiếp ảnh

Kỹ thuật; phân tích các tác phẩm quan trọng

Các hình thức 2 chiều:

Vẽ nét, vẽ kỹ thuật, dán ghép, tranh mực, tranh sơn dầu

(Sinh viên buộc phải hoàn tất ít nhất một nửa các học phần này)

Các hình thức 3 chiều:

Sắp đặt, điêu khắc, nghệ thuật môi trường, nghệ thuật công cộng

(Sinh viên buộc phải hoàn tất ít nhất một nửa các học phần này)

Lập dự án nghệ thuật:

Tự lựa chọn chủ đề, các chủ đề bắt buộc, nghệ thuật tiếm dụng và làm lại tác phẩm cũ, mô phỏng

Kết hợp với môn về các trường phái và thực hành của nghệ thuật hiện đại phương tây

Triển lãm:

Open Studio; triển lãm tác phẩm sinh viên

2- Năm thứ hai ( 30 học phần)

Các môn bắt buộc của bộ giáo dục Trung Hoa: Tiếng Anh, Chính trị học ( Marxist-Leninism), triết học ( bao gồm triết học hiện đại)

CÁC BÀI GIẢNG VÀ CÁC SÁCH ĐỂ ĐỌC

Nghiên cứu so sánh lịch sử nghệ thuật Trung Hoa và thế giới; viết lại lịch sử nghệ thuật và các đối tượng của nó; phê bình nghệ thuật và các kỹ năng, lịch sử mỹ học, lịch sử nghệ thuật hiện đại phi phương Tây, hệ thống nghệ thuật ( bảo tàng, gallery, các quỹ nghệ thuật, các tài trợ và văn hoá từ tập đoàn lớn), các chiến thuật tồn tại trong thế giới nghệ thuật và kỹ năng quản lý kinh tế cho nghệ sĩ, các điều kiện hiện tại và viễn cảnh của nghệ thuật đương đại, cái nhìn bao quát về các Biennale, triennale, các hội chợ nghệ thuật quốc tế và các vấn đề của chúng, chính trị học quốc tế, lịch sử quan hệ quốc tế, các điều kiện hiện tại và các viễn cảnh cho khoa học và ngành công nghệ cao, lịch sử chiến tranh và các chiến lược quân sự, dẫn luận về ngành quảng cáo, nghiên cứu văn hoá đại chúng, các ngành khoa học của đời sống, các nghiên cứu có định hướng về tính dục, giống và giới ( thuyết nữ quyền, tình dục đồng giới, etc), thuyết thần bí và thuật chiêm tinh, phong thuỷ, Đông Y và huyền thoại học

CÁC MÔN CHÍNH

a/Phân tích các nghệ sĩ quan trọng và các tác phẩm quan trọng

b/Thực hành và phản tư trong việc truy tìm cái mới

c/Lý thuyết và thực hành vể bản sắc văn hoá

d/Các phương pháp để liên nối khái niệm lý thuyết và các hình thức biểu hiện

e/Tìm hiểu thực tế/ thực tập ( các triển lãm quốc tế, các bảo tàng nghệ thuật, các gallery, các studio của nghệ sĩ)

Triển lãm: các triển lãm theo hai nhóm ( một là triển lãm các tác phẩm của sinh viên và thầy giáo, hai là các tác phẩm của sinh viên với nhau); triển lãm các tác phẩm kết khoá ( bao gồm khảo sát ở các địa điểm cụ thể, xin quỹ, sản xuất và dàn dựng tác phẩm, quảng cáo về triển lãm, xuất bản catalogue, ghi hình, và quản lý triển lãm)

LƯU Ý:

-Năm đầu tiên nhấn mạnh vào việc nghiên cứu lịch sử, lý thuyết và đào tạo kỹ năng

-năm thứ hai nhấn mạnh vào thực hành sang tạo và triển lãm

-Hai chương trình gáio dục bao gồm tổng số 60 học phần; sinh viên nào trước khi đăng ký học chưa biết gì về nghệ thuật phải thay thế 10 học phần bằng một khoá đào tạo nền tảng nghệ thuật

-Các sách đọc sẽ được cung cấp theo từng giai đoạn; các bài giảng chỉ giảng một lần theo mỗi đề tài

-Các sinh viên được cung cấp một studio nhỏ, một phòng đọc/giảng chung, và các phòng workshops

-Mỗi năm một hoặc hai nghệ sĩ nổi tiếng sẽ được mời đến làm việc tại studio

-Nếu được chấp nhận từ khoa, sinh viên có thể theo học các môn khác

-Tất cả các tác phẩm và dự án phải được trình bày trước lớp để thảo luận và phê bình chung

-Cho mỗi triển lãm nhóm và cá nhân , một buổi phê bình và thảo luận trước triển lãm phải được tổ chức trong phạm vi các sinh viên cùng lớp và các nhân vật từ giới nghệ thuật

PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY

Chương trình này nhằm tạo cho sinh viên năng lực tự khám phá, khả năng hiểu quá khứ, hiện tại và tương lai của nghệ thuật đương đại một cách đầy đủ, qua đó, đạt tới năng lực sáng tạo và sự tập trung lớn lao hơn. Nó sẽ cho phép sự sáng tạo của sinh viên được đặt cơ sở trên các vấn đề và câu hỏi, và cho phép họ sở hữu sự tự khảo sát và tự phê phán

--------

II- TÓM TẮT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT THỬ NGHIỆM TRUNG HOA
(do nghệ sĩ Qiu Zhijie lập ra)

GIÁO DỤC CƠ SỞ

1.Lịch sử nghệ thuật đương đại và hiện đại, lịch sử nhiếp ảnh và phim

2. Các kỹ thuật của nghệ thuật tạo hình

3.Cách viết tiểu luận

GIÁO DỤC LÝ THUYẾT

1.Tư tưởng truyền thống Trung Hoa

2.Triết học phương Tây hiện đại

3.Nghiên cứu hiện đại hoá

4.Giới thiệu về "nghệ thuật tổng lực”

CÁC NGHIÊN CỨU PHƯƠNG PHÁP

1. Khảo sát xã hội
-nghiên cứu trường hợp: nghiên cứu công viên Zhongshan,

(chú thích của người dịch: trong cuộc nghiên cứu này, các sinh viên sẽ phải quan sát công viên Zhongsan từ quê hương của họ, hoặc trong một thành phố bên cạnh. Các kỹ thuật ghi tư liệu bao gồm vẽ tranh, nhiếp ảnh, âm thanh, video sưu tầm tư liệu viết, lập sơ đồ, phỏng vấn, etc, sẽ phải được thực hiện. Cuối cùng , các sinh viên sẽ phải thiết kế một dự án nghệ thuật công cộng cho công viên này. Mục đích của việc khảo sát này là để tạo cho sinh viên một quy trình làm việc mới mẻ, bắt đầu với các vật thể đời thường, tìm cách để phát hiện các ý nghĩa văn hoá của chúng, phát triển các câu hỏi, và quan trọng là đưa tất cả những điều ấy vào nghệ thuật),

nghiên cứu khu ngoại vi của thành phố Beijing, các bệnh viện “ nghệ thuật tổng lực”

(chú thích của người dịch: Trong dự án này sinh viên chia thành nhiều nhóm và tổ chức các cuộc khảo sát vào các bệnh viện quanh khu vực Hàng Châu, sưu tầm các vật liệu và biến chúng thành các dự án sang tạo. Dự án cuối cùng của bệnh viện nghệ thuật tổng lực là một chiến lược và khái niệm giám tuyển cho phép một sự kết nối giữa các tác phẩm và một sự thống nhất của các tác phẩm trong các chất liệu khác nhau)

2. nghiên cứu ký hiệu học. Nghiên cứu trường hợp: mười điểm nhìn về dự án Tây Hồ ( dự án nghệ thuật của Qiu Zijie-ND) khảo sát Tây Hồ.

3.Nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật truyền thông mới.
-Nghiên cứu trường hợp: nghiên cứu về ý hệ của phim hoạt hình, nghệ thuật tiếm dụng các bức ảnh cũ

4. Bảo tàng học và thực hành giám tuyển thử nghiệm.
-Nghiên cứu trường hợp: Dự án “lấp đầy chỗ trống” (fill in the blanks project), dự án chiếc hộp vàng ( Yellow Box Project)

5.Nghệ thuật như thể cuộc đời: các yếu tố tinh thần và thực dụng của thiết kế.
-Nghiên cứu trường hợp: Nhà hát múa rối kiểu mới, nhà hát rối bóng kiểu mới, đồ nội thất có tính tinh thần.

6.phương pháp luận hậu cảm năng: Cách tự tăng cường sức mạnh và cách làm việc nhóm.
-Nghiên cứu trường hợp: tác phẩm cái chết của mummy, maze.

CHẤT LIỆU VÀ VẬT LIỆU NGHỆ THUẬT

1. Hội hoạ: cọ, hình ảnh, các chất liệu khác

2. Nhiếp ảnh: Bản chất và các thể loại

3. Âm thanh

4. Video, phim hoạt hình, và internet. Nghiên cứu trường hợp: dự án “9 zigzags”

5. Vật liệu, vật thể, và sắp đặt

6. Tiến trình, chuyển động, và tính tương tác

7. Nhà hát và nghệ thuật sống.
-Nghiên cứu trường hợp: tác phẩm cái chết của mummy, maze

NGHỆ SĨ NHƯ MỘT NGHỀ NGHIỆP

1. Tự quản lý và tổ chức diễn ngôn

2. Nghiên cứu hệ thống triển lãm và thị trường nghệ thuật

3. Các văn bản cơ sở và văn hoá dân gian kiểu mới

4. Không gian công cộng và thời gian cá nhân



*NGUỒN: Yishu|Journal of Contemporary Chinese Art, Sept 2006