Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Hoạ sĩ Lê Kinh Tài và những con Tò he*


Một tác phẩm của Lê Kinh Tài trong triển lãm "Tò He"


Thật sự là cái tên triển lãm “ Tò he” ( triển lãm cá nhân lần thứ 8) của hoạ sĩ Lê Kinh Tài đã gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ có tính bản thể học về công việc của một hoạ sĩ như anh. “Tò He” là tên gọi một đồ chơi dân gian cho trẻ em. Các đồ chơi này, thường là các hình người, thú, hoa hay các nhân vật cổ tích, được nặn bằng bột gạo, sau đó được tô nhiều màu sặc sỡ. Trong quá khứ, những nghệ nhân nặn Tò he thường chỉ xuất hiện vào các dịp lễ hội, đặc biệt là vào dịp tết trung thu ( tết dành cho trẻ em).

Đặt tên cho triển lãm của mình là “Tò he”, hẳn ít nhiều Lê Kinh tài cũng muốn qua đó đưa ra một ẩn dụ cho công việc hoạ sĩ của mình – một ẩn dụ mà ở đây, các tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ được tham chiếu tới công việc và sản phẩm của một nghệ nhân dân gian, tức người không hề đứng biệt lập trước cuộc đời, mà trái lại, đi vào cuộc đời, và bằng tài năng cùng sự sáng tạo của mình, đem lại niềm vui, trí tưởng tượng và niềm say mê cho chính cuộc đời

Không thể khác được, đứng trước loạt tác phẩm mới nhất này của hoạ sĩ Lê Kinh Tài, gồm 23 bức tranh (khổ lớn nhất 120cm x 500cm), và 9 tác phẩm điêu khắc (bản thân hoạ sĩ không hề muốn dùng chữ “tượng” cho loạt 9 tác phẩm điêu khắc này, mà anh muốn gọi chúng là 9 con “Tò he”), người ta không thể không trầm trồ, trước hết là ở khả năng lao động của hoạ sĩ, và sau nữa, quan trọng hơn cả, là chính các niềm hân hoan mà những tác phẩm ấy đem lại cho họ.

Chính ở đây, cái ẩn dụ có tính tận căn về vai trò của nghệ thuật- như thể một chiếc đũa thần, mà ngay khi chạm tới sự cảm thụ của người xem sẽ biến người xem đó thành trẻ thơ, đã được minh chứng rõ ràng. Trước thế giới đang ngày càng già nua và buồn chán này, trở thành trẻ thơ chính là một nhu cầu, thậm chí một đòi hỏi quyết liệt nhất cho chúng ta để có thể sống sót

Trở lại trẻ thơ, nói một cách nào đó, cũng chính là trở lại với khả năng ngạc nhiên mà chúng ta dường như đã quên mất, trở lại với năng lực nhận ra được các nhiệm mầu của đời sống, khả năng rung động sâu xa trước những điều mà khi đã lớn khôn, có lẽ chúng ta sẽ chỉ coi là những sự kiện thường nhật, và không để lại trong trí óc và tâm hồn chúng ta bất cứ dấu vết nào.

Trong những bức tranh và điêu khắc mới nhất của lê Kinh Tài, mầu sắc vẫn là mầu sắc, là những xanh, đỏ, vàng, cam, đen trắng, song, cũng giống như bột gạo đã không chỉ còn là bột gạo trong đôi tay của một nghệ nhân làm Tò he dân gian, những mầu sắc ấy cũng đã không còn chỉ là màu sắc đơn thuần. Chúng đã, theo một cách nhiệm mầu nào đó, rung vang, ngân lên, đôi khi hồn hậu, song cũng có khi giễu nhại, hài hước. Thậm chí ngay cả các con chữ được viết nguệch ngoạc lên trên mặt tranh, cũng đã bằng cách nhiệm mầu nào đó, tự chuyển hoá vai trò tạo nghĩa thông thường, để trở nên những yếu tố tạo hình, tạo sắc, mà nếu thiếu đi, các bố cục dường như sẽ không thể nào đầy đủ và tạo được ra nhiều niềm hân hoan đến thế.

Tuy nhiên ở đây, cái ẩn dụ “Tò he”, theo tôi cũng còn nên được đọc theo một góc độ khác, góc độ của một niềm-vui-ngoại-biên khi so sánh với thế giới đồ chơi hiện đại đang chiếm lĩnh toàn bộ không gian giải trí đương đại hiện nay.

Tôi rất muốn nhìn nhận tình thế ngoại biên của một nghệ nhân “Tò he” ở góc độ một chọn lựa, hơn là ở góc độ “một tình trạng bị động”. Cũng như thế, khi quan sát một hoạ sĩ, tức một kẻ sử dụng cọ vẽ, và vải tole để thực hành nghệ thuật trong thời điểm này, trên nền của một khung cảnh nghệ thuật Việt Nam đang diễn ra rất nhiều sự thay đổi, không chỉ về mặt nền móng cơ sở văn hoá xã hội, mà còn ngay ở các thủ pháp, phương pháp và công cụ thực hành nghệ thuật mới, hẳn chúng ta cũng có một cảm giác tương tự nào đó khi so sánh công việc ấy của người hoạ sĩ với công việc của một nghệ nhân nặn Tò he, và qua đó, có chút nhận định về một tình trạng “ngoại biên” của người nghệ sĩ này.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao, bất chấp thế giới đồ chơi hiện đại, tiện dụng, và sẵn có bán đầy trong các siêu thị, bất chấp các trò chơi ngày càng kịch tính trong các máy tính, đâu đây vẫn còn đó các nghệ nhân nặn Tò he xuất hiện nơi một góc đường nào đó trong thành phố, say mê nặn những con Tò he đầy màu sắc, và rồi xung quanh nghệ nhân ấy, vẫn có những đám trẻ em với ánh mắt háo hức, hân hoan và chứa đầy sự ngạc nhiên dõi theo đôi bàn tay khéo léo của người nặn Tò he. Câu trả lời ở đây vô cùng đơn giản. Bởi chính sự thừa mứa của các dạng đồ chơi hay trò chơi khác, vô cùng hiện đại, và được sản xuất hàng loạt, mà rồi chúng ta mới thấy nhu cầu cần thiết phải tìm lại bằng được niềm vui thơ ngây và trong veo của tuổi ấu thơ, tức niềm vui mà khi đứng trước nó, không phải chúng ta bỗng thấy vai trò của mình như một siêu nhân, cứu nhân loại hay thế giới ( như trong kịch bản thường thấy của các trò chơi điện tử), nhưng là niềm vui mà khi đứng trước nó, chúng ta chợt nhận thức đến sâu xa về khả năng ngạc nhiên của chúng ta trước những điều tưởng như vụn vặt và bình thường nhất, mà có lẽ lâu nay, vì vô minh, chúng ta thường đã lãng quên. Cũng ngay khi ấy, chúng ta cũng bắt đầu hiểu rõ rệt, và với lòng biết ơn rằng, chính nghệ nhân làm “Tò he” đã ý thức một cách rõ ràng về sự quan trọng của niềm vui đó trong thế giới này, và cũng vì lý do ấy, ông vẫn tiếp tục hiện diện lặng lẽ trong đời sống của chúng ta.

Các bức tranh và tác phẩm điêu khắc của Lê Kinh Tài, trong triển lãm “Tò he” lần này, theo tôi, cũng đã sở hữu được chính sức mạnh tạo ra được niềm vui thuần khiết như thế. Và nhìn từ góc độ ấy, cũng y hệt như một nghệ nhân dân gian, trong quá trình mải miết duy trì các niềm vui thuần khiết cho cuộc đời, đã cho thấy một sự chọn lựa chủ động để trở thành ngoại biên, để không bị nhoà chìm vào thế giới trò chơi hiện đại, tiện dụng, song vô cảm xung quanh, hoạ sĩ Lê Kinh Tài, trong quá trình mải miết lao động không ngơi nghỉ của mình, có lẽ cũng đã cho thấy phần nào cái chọn lựa chủ động để trở thành ngoại biên của anh, trước tất cả những gì có vẻ gọi là “hợp mốt”, song hoàn toàn giả tạo và vô cảm xung quanh anh

Và sự chọn lựa ấy của Lê Kinh Tài, ở trường hợp này, được minh chứng thuyết phục qua thế giới hình thể và mầu sắc tuyệt vời của anh, theo tôi thậm chí còn mang tính bản thể học của việc chỉ ra được ý nghĩa đích thực của niềm vui tận căn của con người, tức niềm vui chỉ có thể được đạt tới nhờ vào khả năng ngạc nhiên thơ trẻ của chúng ta, một khả năng mà, may mắn thay, có lẽ vẫn tiềm ẩn hiện hữu trong tầm hồn của mỗi chúng ta.



*Nguồn:
bài viết cho catalogue triển lãm cá nhân mang tên "Tò He" của hoạ sĩ Lê Kinh Tài tại Hà Nội ( khai mạc ngày 21 tháng 10, 2011, tại Viet Art Center)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét