Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Bài thơ tình hay nhất thế giới ^^ [ for 14-2 :-)]





D(iễn)ịch tặng một cơ số các bạn :)


Dù có nói bằng giọng điệu của con người hay của Thiên thần, nếu không phải do tình yêu-thương, lời ta nói cũng chỉ giống như tiếng loảng xoảng của các tấm đồng hay tiếng chũm chọe đập vào nhau

Dù có tài tiên tri, dù hiểu rõ mọi điều huyền bí, dù sở hữu mọi tri thức trên đời đi chăng nữa; thậm chí, dù đang nuôi dưỡng một niềm tin lớn lao đến mức có thể dời núi chuyển non, nếu không phải do tình yêu-thương, tất cả đều vô nghĩa

Dù hiến tặng tất cả tài sản cho người nghèo, dù tự hành hạ cơ thể mình đến thế nào đi chăng nữa, nếu không phải do tình yêu-thương, tất cả đều vô ích

Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ biết nhẫn nại
Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ biết tha thứ
Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ không ghen tị
Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ không khoe khoang
Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ không kiêu ngạo

Tình yêu-thương không phô mình ra trong dáng vẻ của sự hỗn hào
Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ vượt qua sự ích kỉ
Tình yêu-thương không nằm trong sự giận dữ
Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ không lo âu sợ hãi

Tình yêu-thương không đưa người ta kết bè cánh với nhau trong điều sai trái, mà giúp họ gặp được nhau trong sự thật

Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ bao dung mọi sự, tin cậy mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự

Tài tiên tri có lúc sẽ mất, lời hay ý đẹp có lúc phải ngừng, tri thức và hiểu biết có lúc sẽ lụi tàn; duy có tình yêu-thương là còn mãi

Đó là bởi chúng ta không thể biết hết mọi sự, chúng ta không để đoán trước mọi sự, tất cả chỉ là hữu hạn và bất toàn, Và khi bị đem so với cái toàn hảo, cái vô hạn, tức tình yêu-thương, mọi cái hữu hạn và bất toàn đều buộc phải tự lộ diện

Cũng như khi còn con nít, người ta nói năng và suy xét kiểu con nít

Song khi đã trưởng thành, tự người ta sẽ nhận thấy rằng những lời ăn nói và sự suy xét kiểu con nít ngày xưa ấy nó ngớ ngẩn đến thế nào

Cũng như khi soi vào tấm gương mờ, ta làm sao có thể thấy rõ khuôn mặt ta? Thế rồi đến một ngày, khi tấm gương ấy được lau sạch bụi, tự nhiên ta sẽ thấy rõ khuôn mặt ta

Giờ đây, ta chỉ biết được một phần nhỏ thôi, song sẽ đến ngày ta hiểu hết, y như Chúa hiểu ta vậy

Giờ đây, chỉ còn lại ba điều quan trọng

Niềm tin, hy vọng, và tình yêu-thương

Song duy chỉ tình yêu-thương là quan trọng nhất



Như Huy dịch :-)



Nguồn: http://academic.udayton.edu/vernelliarandall/poetry/love.htm

----

Bài "diễn dịch" này đã đăng facebook của tôi. Sau đó bạn Thái Linh đã bổ sung thêm một số thông tin trong phần comment. Tôi cũng xin phép bạn Thái Linh đưa phần bổ sung đó lên đây luôn để các bạn đọc nắm được văn cảnh chung của bản gốc và bản dịch. Thanks Thái Linh for this.

Tụng ca tình yêu” là đoạn Kinh Thánh bức thư thứ nhất của sứ đồ Paul thành Tarsus gửi tín hữu Corinth (1 Corinthians 13, 1-13), là bài hát ca ngợi tình yêu cũng như cố gắng diễn giải và đưa ra các đặc tính của tình yêu. “Tụng ca tình yêu” đôi khi được gọi là Diễm ca (Diễm tình, Diệu ca) của Tân Ước. Trong thông tri đầu tiên của giáo hoàng Benedict XVI “Deus caritas est” (Chúa là tình thương yêu), "Tụng ca tình yêu" được gọi là “Magna Charta (hiến chương) của toàn bộ cống hiến Công giáo”.

Theo sứ đồ Paul, quà tặng tình yêu đem lại ý nghĩa và gía trị cho mọi đức tin. Ông cho rằng Tình yêu là sự khao khát điều thiện và hạnh phúc. Đó là món quà bất vụ lợi, là sức mạnh chiến thắng sự ích kỷ.

Trong Tụng ca tình yêu, sứ đồ Paul dùng từ "ảγάπη" để chỉ khái niệm tình yêu, một từ với nguồn gốc không chắc chắn. Trong ngôn ngữ tiền Kinh Thánh, từ này hoàn toàn không được dùng dưới dạng danh từ. Nó chỉ được dùng như động từ (ảγαπãν) hay tính từ (ảγαπητός). Ở dạng động từ, nó có nhiều nghĩa ( biểu lộ tình thân ái, thuyết phục, âu yếm, khao khát, thỏa mãn, hài lòng v.v), nhưng ý nghĩa thông dụng nhất của nó là “biểu lộ tình yêu”. Tính từ ảγαπητός được dùng trong các trường hợp như „đứa con yêu” để chỉ đứa trẻ được yêu nhất trong số các con. Dạng danh từ được đưa vào lần đầu tiên trong bản dịch Sách Diễm ca, nơi nó được dùng để chỉ tình yêu, và trong Tân Ước nó đã trở thành từ cơ bản của khái niệm tình yêu. Nhưng từ ảγάπη không có chút „sức mạnh kỳ diệu” nào của từ ẻρãν (yêu đương), mà nó có cái gì đó thuộc về tình thân ái của φιλεĩν (yêu quý, quý mến). Trong Kinh Thánh ở Hy Lạp nó được dùng để chỉ tình yêu của Chúa.

Trong bản dịch tiếng Latin cổ và bản Vulgate, người ta sử dụng các từ Latin tương ứng là caritas hay dilectio. Từ caritas được sử dụng trong “Tụng ca tình yêu”, ngoài ra rất ít khi được sử dụng. Nhưng từ caritas thường được liên tưởng tới lòng nhân từ và là một từ nghèo nàn về ý nghĩa hơn ảγάπη rất nhiều.

Giờ đây chỉ còn lại ba điều quan trọng: niềm tin, hy vọng và tình yêu-thương.
Song duy chỉ tình yêu-thương là quan trọng nhất"

Chỉ trong Tụng ca tình yêu, tình yêu thương mới được đưa lên hàng đầu. Người Hy Lạp khao khát sự thông thái, người La Mã coi trọng sức mạnh, nhưng sứ đồ Paul đã đưa ra thang giá trị mới: tình yêu thương.

4 nhận xét:

  1. Người Hy-lạp có 3 từ ngữ để diễn tả tình yêu. Từ thứ nhất là Eros. Ban đầu, người Hy-lạp chỉ sử dụng từ này để diễn tả Tình Bạn hay Tình Yêu Tự Nhiên, bao hàm cả: yêu thơ ca, yêu phong cảnh, yêu nghệ thuật…vv. Khi nhà tâm lý học Sigmund Freud xuất hiện, ông biến Tình Yêu Tự Nhiên thành Tình Dục (Eros thành Erotic). Vì vậy, trong thời Hiện Đại, từ Eros thường mang một nghĩa tiêu cực. Từ thứ hai là Philia. Từ này không dùng để diễn tả tình yêu lứa đôi, nhưng diễn tả tình yêu đại đồng, yêu tri thức, tình yêu nhân loại [philosophy- là được tạo thành từ dạng tình yêu này: philo+sophos: yêu sự minh triết, kiến thức]. Từ thứ ba là Agape. Từ này đã được sử dụng trước thời của Chúa Giêsu, tuy nhiên nó không mang một nghĩa cố định. Khi tình yêu giữa Thiên Chúa và con người xuất hiện qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, từ Eros và Philia không đủ để diễn tả thực tại cao vời này. Từ này dùng để diễn tả một tình yêu siêu nhiên, hay một tình yêu tự dâng hiến.

    Trả lờiXóa
  2. Thêm vào đây hai còm của tôi bên facebook:-)

    1- theo một người bạn biết tiếng Hy lạp, đọc bản gốc, họ nói rằng cái tình yêu-thương trong bản gốc là sử dụng chữ Agape - có nghĩa rằng một tình yêu siêu vượt khỏi con người. Tiếng Hy lạp - như trong bản các bạn đọc trên blog - tôi đã ghi chú có ba khái niệm về tình yêu, Eros, Philia, và Agape, trong đó Agape chỉ tình yêu siêu vượt, tức tình yêu Thiên Chúa. Tuy thế, khi đọc nhiều lần bản này ( dĩ nhiên qua tiếng Anh:-)), tôi có cảm giác cái tình yêu-thương ở đây có thể hàm nghĩa cả ba, eros, philia, và Agape. Ví dụ như philia chẳng hạn, rõ ràng một người yêu sách vở (tri thức) thực sự- sẽ luôn khác hẳn với người không yêu nó thật sự - ít ra ở điểm:" Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ không khoe khoang/Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ không kiêu ngạo. Hoặc nếu một người yêu...lý tưởng thực sự chẳng hạn-chắc chắn sẽ có liên quan tới "Tình yêu-thương không đưa người ta kết bè cánh với nhau trong điều sai trái, mà giúp họ gặp được nhau trong sự thật". Và lẽ dĩ nhiên, vẫn liên quan tới :" Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ không khoe khoang/Nếu đúng là yêu-thương, người ta sẽ không kiêu ngạo

    Dĩ nhiên, ở đây, chúng ta đang đề cập tới sự thông diễn, sự diễn giải, sự hiểu - thế nên chả có gì là sự thật tuyệt đối cả. Song có lẽ vì thế mà chính văn bản này là một văn bản đáng đọc và suy ngẫm nhiều nhất- ít ra trong hoàn cảnh Việt Nam, khi cả cái gọi là tình yêu lý tưởng ( dẫn chúng ta đến đâu mọi người đều biết ^^) ,cái gọi là tình yêu trai gái ( rất nhiều vụ trai cắt cổ gái vì..yêu), tình yêu tri thức (rất nhiều tiến sĩ ...giấy ^^) hình như đều...có vấn đề :-)

    Chính vì thế- theo tôi đây là một văn bản đáng để chúng ta suy ngẫm, suy ngẫm, suy ngẫm. ^^

    2- Một điểm cần lưu ý. Anh bạn tôi- đang học thần học ở nước ngoài và tương lai sẽ là một mục sư, trong một cuộc trò chuyện với tôi có lưu ý về khổ cuối của Corinthians 13.

    "Giờ đây chỉ còn lại ba điều quan trọng: niềm tin, hy vọng và tình yêu-thương.
    Song duy chỉ tình yêu-thương là quan trọng nhất"

    Thật ra, trong tiếng Hy Lạp, theo anh nói, cái mô hình so sánh ở đây không phải là so sánh nhất/bét, mà chỉ là so sánh hơn/kém.

    Và như vậy, nếu dịch đúng ra, câu này phải là:

    "Giờ đây chỉ còn lại ba điều quan trọng: niềm tin, hy vọng và tình yêu-thương.
    Song duy chỉ tình yêu-thương là quan trọng HƠN ( niềm tin và hy vọng)"

    Theo tôi, việc trong câu này - mô hình so sánh là so sánh hơn/kém, chứ không phải so sánh nhất/bét ^^ không chỉ thuộc về vấn đê ngôn ngữ, mà có thể còn là một mẫu nhận thức.

    Ly do của tôi là bởi; nếu ở đây là so sánh hơn/kém, tình yêu-thương - dù cho có thể đứng cao hơn niềm tin, và hy vọng, sẽ vẫn không rơi vào trường hợp của việc ( nếu mẫu so sánh ở đây là so sánh nhất/bét ) trở nên là điều gì đơn độc, đứng tách biệt khỏi "niềm tin" và "hy vọng"- qua đó, có hàm ý về việc nếu buộc phải chọn lựa, người ta (có thể) bỏ hy vọng và niềm tin - để chọn lấy tình yêu-thương.

    Nếu như vậy, có vẻ như ở đây, Tình yêu-thương đã tự mình giải hóa các đặc tính của nó như nêu ở phần trên. Và điều này sẽ làm cho nó tự mâu thuẫn với chính nó

    Việc cái mô hình ngữ pháp ở đây là so sánh hơn/kém chứ không phải so sánh nhất/bét, do đó, đã trở nên một mẫu nhận thức - qua đó, đặt tình yêu thương vào tam giác ( ba ngôi) tình yêu-thương, hy vọng, và niềm tin, mà ở đây, không thể có cái nào tồn tại biệt lập khỏi cái nào. cả ba yếu tố này, dù trong đó tình yêu-thương có đứng cao hơn một chút, đều buộc phải hiện diện cùng nhau, và nói một cách nào đó - tạo-nên-nhau

    Điều này hoàn toàn logic, vì rõ ràng là, không thể nào có được một tình yêu-thương, mà thiếu đi sự trợ giúp của hy-vọng, và niềm-tin, và cũng không thể có được hy-vọng và niềm-tin. mà không có tình yêu-thương

    Trả lờiXóa
  3. Ồ, bài này cũng rất tuyệt nè! Em cũng có cảm giác về yêu thương y như vầy :-)

    Trả lờiXóa