Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

"Xạo-Đụ" [Fake-Fuck] - Jérôme Sans phỏng vấn Ai Weiwei

Như Huy dịch
"
Nguồn: "Kể chuyện Trung Hoa", phỏng vấn 32 nghệ sĩ đương đại Trung Hoa (China talks, interviews with 32 contemporary artists by Jérôme Sans), Time Zone 8 xuất bản năm 2009

------

Về Jérôme Sans: Jérôme Sans là một trong những giám tuyển có kinh nghiệm và nổi tiếng nhất thế giới. Ông từng là giám đốc trung tâm Ullens dành cho nghệ thuật đương đại tại Bắc Kin , và là giám tuyển văn hóa toàn cầu cho Le Meridien hotel, Paris. Cùng với triết gia Nicolas Bourriaud, cha đẻ của mỹ học vị quan hệ (relational aesthetics) ông sáng lập một định chế nghệ thuật đương đại năng động và rất có ảnh hưởng tên là Palais de Tokyo ở paris, và cũng là đồng giám đốc ở đây từ 2002-2006. Từ 2006-2008, Jérôme Sans là giám đốc chương trình tại trung tâm nghệ thuật đương đại Baltic tại gateshead, UK, và từ 2001-2003 là giám tuyển tại học viện nghệ thuật thị giác Milwaukee, Wisconsin, Mỹ. Từ 1998-1999ông là giảng viên tại trường nghệ thuật và thiết kế saint Martin, London. Ông từng giám tuyển biennale Đài Loan (2000), Biennale Lyon (2005), và triển lãm Nuit Blanche, Paris (2006). Ngoài ra ông còn là tác giả của vô số đầu sách như "phỏng vấn Daniel Buren", Flammarion xuất bản 1998, "Araki by Araki", Taschen Verlag xuất bản năm 2001, "phỏng vấn Chen Zhen", 2003, v.v.


Ai Weiwei

Về AiWeiwei: Có cha là một thi sỹ Trung Hoa nổi tiếng, Ai Qing, Aiweiwei hiện là một nghệ sỹ thuộc hàng xuất sắc nhất Trung Hoa hiện tại. Ông từng theo học tại Học viện điện ảnh Bắc Kinh, cùng trường với Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca. Vào năm 1978, ông là một trong những người sáng lập nhóm tiền phong “ các ngôi sao” [Xingxing] [Starts]. Năm 1997, ông cũng là người sáng lập China Arts Archieves và Warehouse, là các trạm thử nghiệm cho các nghệ sỹ trẻ trung Hoa.


------

Jérôme Sans (JS): Làm thế nào anh có thể miêu tả hay định nghĩa về thực hành nghệ thuật của anh: như một nghệ sĩ, một giám tuyển, một kiến trúc sư, hay một nhà thiết kế

Ai Weiwei (AW): Nếu có thể, tôi không muốn là bất kỳ ai trong số các nhân vật trên. Tôi chỉ muốn là một con người- kẻ làm các việc khác nhau

JS: Một câu trả lời quá ngắn gọn. Nhưng anh có hãng kiến trúc phải không?

AW: Một văn phòng ư? Đúng, chúng tôi làm kiến trúc cùng nhau. Để làm các tác phẩm nghệ thuật tôi cũng có một nhóm khoảng 20-30 người, hoặc tôi phải làm việc với các nhà máy. Với các tác phẩm nhiếp ảnh đôi lúc tôi cần tới hơn 10 người. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng ở đây là việc làm sao làm việc được với một nhóm người để cùng nhau hoàn tất điều gì đó cho mọi người, bất kể họ là những công nhân, hay là chuyên gia (nghệ thuật)

JS: Nhưng anh định nghĩa thực hành của mình như thế nào?

AW: Hỗn loạn, song mở được ra mọi hướng. Hoàn toàn không có các kế hoạch thực sự cho những hướng khác nhau.

JS: Nhưng có vẻ là các kế hoạch của anh đều sở hữu một thái độ chung và một bộ từ vựng chính xác

AW: Dĩ nhiên, tôi luôn có một thái độ. Thậm chí khi không có kế hoạch nào cả, tôi vẫn có một thái độ. Có lẽ lúc nãy tôi trả lời không chính xác lắm. Tôi không chỉ là một con người, mà là một con người với một thái độ.

JS: Anh mô tả nghệ thuật của anh là hỗn loạn, song thực sự là chúng mang nhiều vẻ của nghệ thuật tối giản. Hoàn toàn không có sự hỗn loạn trong nghệ thuật hay kiến trúc của anh.

AW: Có sự hỗn loạn trong sự không hỗn loạn. Các tác phẩm đó có vẻ không hỗn loạn, song ở đó có tính phân liệt (schizophrenia), một sự bất khả ngôn, một sự mất liên lạc giữa ngôn từ và tư tưởng

JS: Nhưng anh có thể trả lời câu hỏi về việc định nghĩa thực hành của mình không? Nếu không tôi sẽ ngồi đây cả ngày đấy

AW: Đây là câu hỏi lớn lao nhất- thật sự là tôi đang suy nghĩ điều gì? Không đùa chút nào, và cũng chẳng phải tìm cách lẩn tránh gì đâu. Khi thức giấc vào buổi sáng, tôi luôn nghĩ tôi nên làm gì đây, và câu hỏi này ám ảnh tôi mỗi lần tôi làm một cuốn sách, một triển lãm, hay một tác phẩm

JS: Tôi chia sẻ với anh về sự khó trả lời này. Song anh có một mối quan hệ đặc biệt với lịch sử. Anh mô tả thế nào về điều này, vì anh có các tác phẩm như các chiếc ghế làm từ đá cẩm thạch chẳng hạn

AW: Lịch sử của đất nước tôi, lịch sử cá nhân tôi, hay lịch sử của những người sống quanh tôi, tất cả đều là vô số những mảnh lẻ rời rạc. Thật khó để có thể ghép chúng lại với nhau. Phải cần đến một trí tưởng tượng phi thường để có thể giải hòa chúng, để ghép chúng vào một số cấu trúc đơn nhất, song thực sự thì dạng cấu trúc này không hiện hữu.

JS: Song với tác phẩm “ghế cẩm thạch”, anh đã biến điều gì đó có tính phù du như gỗ, thành ra đá cẩm thạch (một thứ có tính bền vững), hay (ở tác phẩm khác) anh lại liên kết hai cái bàn thành một điều gì khác hẳn. Cách làm này như thể sự kết hợp lịch sử nghệ thuật tối giản với truyền thống Trung Hoa. Anh có thể nói rõ hơn về cách anh sử dụng lịch sử nghệ thuật tối giản và truyền thống cùng nhau


Ghế cẩm thạch

AW: Tôi luôn tin rằng nhân tính sở hữu một hệ thống giá trị và một tập hợp thực hành sản tạo ra các vật thể. Ngôn ngữ chung và thói quen của con người sẽ thiết cấu nên hệ thống giá trị này. Cách chúng ta sử dụng các vật thể, thật sự là, sẽ tạo nghĩa cho chúng. Cùng lúc, tôi lại nghi ngờ các nghĩa này. Vì thế tôi tìm cách thay đổi cách sử dụng vật thể, ví dụ, qua việc làm ra một chiếc ghế bằng đá cẩm thạch với cùng kỹ thuật để làm ra một chiếc ghế gỗ. Và thế là sự mâu thuẫn xuất hiện. Tác phẩm có vẻ là một sự kính ngưỡng ( truyền thống), song nó cũng có thể là một sự tấn công (truyền thống)

JS: Song giá trị sử dụng của chúng đã biến mất

AW: Nó được sử dụng kiểu khác, ở chỗ nó gợi nhắc cho chúng ta về một sự trống rỗng tinh thần; nó trở nên một sự tưởng tượng về chính quá khứ của nó. Thậm chí, ngay trước mắt chúng ta, theo một cách nào đó, tác phẩm vẫn gợi tưởng về chất liệu gỗ, hay về quá khứ của nó, hay về những gì đã bị bôi xóa khỏi lịch sử. Để làm ra một chiếc ghế bằng đá cẩm thạch, ta phải xẻ một khối đá lớn, đục đi các phần thừa, và bỏ đi rất nhiều. Chính những sự gợi tưởng về quá trình thực hiện này sẽ dẫn công chúng tới các suy nghĩ về sự sử dụng.

JS: Nhưng dù thế nào, đây đều là các vật thể được sử dụng thường nhật trong truyền thống Trung Hoa; Chiếc bình, chiếc ghế, chiếc tràng kỷ, các đồ gỗ, tức những gì phản lại trào lưu tối giản thuộc chủ nghĩa Hiện đại.

AW: Hiện tôi sống tại Trung Hoa. Nếu sống tại Pháp hay Ấn Độ, tôi sẽ sử dụng ngôn ngữ khác. Nhưng tôi từng quen giao tiếp theo cách này từ khi còn là một đứa trẻ, và tôi đã luôn thích thú được nói chuyện và trao đổi với những người xung quanh tôi, những nông dân và những tài xế vận tải. Vì lẽ đó, tôi đã sử dụng những gì mà tôi quen thuộc, ghế, hay bàn, để làm chất liệu nghệ thuật của tôi. Nếu đây là Paris, có lẽ tôi sẽ sử dụng các ly rượu vang hay lọ nước hoa chẳng hạn. Nhưng tôi lại chỉ quen thuộc với những vật thể ở đây mà thôi. Về phần sự tiếp cận có tính “tối giản”, tôi cảm thấy chỉ khi sử dụng các cú pháp đơn giản nghĩa mới có thể bật ra được, và chỉ khi đó, tôi mới có thể biểu lộ bản thân mình thẳng thắn. Ở đây không phải việc thích hay không thích hình thức nghệ thuật tối giản, mà là việc hình thức nghệ thuật này đã cho phép tôi phát biểu một cách rành mạch và rõ ràng.


Bàn

JS: Có vẻ như điều này như thể đang nói một cách chính xác về anh. Anh sinh ra tại Bắc Kinh và sống tại Mỹ. Là một Hoa kiều Mỹ, hay một người Mỹ gốc Hoa. Chúng tôi không biết phần nào trong hai phần này là Ai Weiwei thực. Phần Mỹ, hay phần Hoa?

AW: Thậm chí có chỉ là một người Trung Hoa đi nữa, thì cái nước Trung Hoa ngày tôi rời đi, và nước Trung Hoa ngày tôi quay lại sau một thập kỷ cũng đã là hai nước Trung Hoa khác nhau. Trước khi sang Mỹ, chúng tôi sống trong một quốc gia khắc nghiệt của một chủ nghĩa toàn trị kiểu cộng sản. Mười hai năm sau, khi quay về, tôi đã thấy một nước Trung Hoa tư bản vị vật chất. Như thế, thậm chí cả hai nước Trung Hoa này vẫn ở chung một vị trí địa lý, thế giới đã thay đổi. Ngày tôi rời Trung Hoa, tôi đã muốn tìm kiếm sự thay đổi nào đó, đi vòng quanh thế giới để tìm kiếm một điều gì khác. Nhưng khi trở về thì tất cả như thể là một giấc mơ vậy – quê hương cũ đã thay đổi một cách vô tiền khoáng hậu. Và có lẽ đây chính là lý do làm các tác phẩm tôi có vẻ rơi vào tình trạng tâm thần phân liệt

JS: Điều này thể hiện chính xác qua những gì đang xảy ra với quá khứ tại Bắc Kinh, nơi mà hầu hết các ngôi nhà cũ đã không còn, và nơi mà mọi thứ đang biến đổi nhanh chóng; tất cả đều đang rơi vào quá trình công nghiệp hóa, biến mất, và rồi trở nên điều gì đó khác hẳn. Như thế, cũng giống với tác phẩm các bình cổ được phủ sơn công nghiệp của anh, – chúng đã chấm dứt thuộc về lịch sử, chúng là hiện tại, một hiện tại-phì đại (hyper-present). Phải chăng qua các tác phẩm của mình, anh đang nói tới sự thay đổi tại Trung Hoa ngày nay, từ sự khuôn sáo (cliché) nơi tính vĩnh cửu thuộc quá khứ, tới cái-hiện-tại-tua-nhanh-về-phía trước thuộc hiện tại?

AW: Thật vô cùng khó khăn để hiểu hay tranh cãi về sự thay đổi này, và về ý nghĩa của nó. Nó thực sự có ý nghĩa gì cho nhân dân, hay cho Trung Hoa? Nhưng đây chính là các câu hỏi nằm trong tác phẩm những cái bình cổ đó ( Ai Weiwei luôn sử dụng các bình cổ thật, khoảng 300-400 năm trước Công Nguyên và vẽ sơn hay khắc lên-ND). Chúng ta đã hết còn thấy các lớp mầu men cổ. Giờ đây chúng đã chìm sâu dưới lớp sơn công nghiệp. Giờ đây, chúng ta chỉ còn có thể tưởng tượng hay tin rằng chúng đang nằm phía dưới lớp sơn ấy. Bề mặt đã che đi tất cả.


Bình lọ cổ

JS: Có vẻ như khi anh khắc lên chiếc bình cổ chữ Coca Cola, hay khi anh thả cho rơi vỡ tan một chiếc lư đời Hán, đó là khi anh đang kể về sự chuyển hóa của lịch sử vào nhãn hiệu của các thánh tượng mới của xã hội chúng ta, tức các nhãn hiệu xuất hiện tại mọi thành phố vòng quanh thế giới, và kể về việc quá khứ đã bị mọi người bỏ lại theo một cách rất tự nhiên, qua một động thái vô cùng đơn giản (thả tay)

AW: Tôi cho rằng khi mua bán bất kỳ vật gì, hoặc một chiếc Lư gốm cổ đời Hán, hoặc một lon Coca Cola, chúng ta đều nghĩ rằng chúng ta đang mua bán một vật thể - chúng ta phải công nhận giá trị của nó, hệ tư tưởng của nó. Thậm chí cả khi mọi người mua chúng một cách vô thức, những giá trị hay hệ tư tưởng đó vẫn tồn tại. Các tác phẩm nói trên của tôi cho thấy một khả thể văn hóa, tức một khả thể cho câu hỏi miên viễn về giá trị.

JS: Vậy nền văn hóa của ngày nay là gì?

AW: Văn hóa ngày nay là một điều gì đó còn hơn cả là bất định. Trạng thái bất định này, một mặt là sản phẩm từ sự khoe khoang quá mức của chúng ta về các giá trị, cảm xúc, và các luân lý khác nhau thuộc thế giới này, mặt khác chúng ta cùng lúc lại hoàn toàn không tin vào các giá trị, cảm xúc hay luân lý đó. Chúng ta vẫn đang mỏi mòn chờ đợi một điều gì mới mẻ hơn sẽ xuất hiện, để hy vọng có thể bước vào một trạng thái khác.


Thả rơi một lư cổ đời Hán

JS: Vậy theo anh trạng thái mới đó sẽ như thế nào?

AW: Tôi nghĩ trước hết chúng ta phải công nhận rằng chả có nơi nào để tới nữa đâu. Song tôi cũng nhận thức rõ ràng rằng ta không thể ở mãi chỗ này.

JS: Vậy sẽ đi đâu?

AW: Tôi không biết

JS: Có một nơi mà tự anh đã dựng nên- anh đã thiết một nhà hàng có tên là “ đi đâu?” (“where to go?”)

AW: Đúng vậy

JS:Vì sao anh lại thiết kế nhà hàng đó?

AW: À thì là để có chỗ ăn uống

JS: Thật lạ lùng. Anh sống trong làng (khu làng nghệ thuật Cao changdi, ngoại ô Bắc Kinh-ND). Ấy vậy mà lại mở nhà hàng tại thành phố. Phải chăng đó là lý do để anh phải vào thành phố. Hay đó cũng là một văn phòng của anh?

AW: Tôi không có liên hệ trực tiếp nào với thành phố cả, nhưng tôi vẫn muốn biết rằng nó có đó, rằng đó là Bắc Kinh. Thật ra, khi nghĩ về việc này tôi mới nhận ra rằng ngoài việc đi lên nhà hàng đó tại bắc Kinh thì tôi chả đi đâu nữa cả. Như thế, có lẽ nhà hàng là một biểu tượng cho mối quan hệ của tôi với Bắc Kinh –tôi đến đó để ăn, hay để gặp bạn, nhưng chỉ có thế. Ngoài ra tôi không có liện hệ gì tới Bắc Kinh

JS: Và anh chắc là anh vẫn biết về thành phố chứ?

AW: Thành phố này đã không còn lôi cuốn được sự tò mò của tôi nữa. Tôi tin rằng không có gì ở đó mà tôi không biết. Tôi cho là tôi biết nhiều về nó đến mức chả còn cảm xúc nào nữa.

JS: Và đó là lý do anh dựng nên cả một ngôi làng cho mình?

AW: Ai cũng cần nơi nào đó để sống. Nó không nhất thiết ở tại đâu, nhưng phải ở đâu đó.

JS: Thế nhưng sao lại phải ra ngoài thành phố?

AW: Chỉ bởi vì đất ở đó rẻ. Tôi không cần tiêu tốn nhiều tiền lắm mà vẫn có thể xây được căn nhà lớn. Tuy việc xây dựng này không hẳn là hợp pháp, nhưng nó được cho phép.

JS: Thế nhưng đây không chỉ là một ngôi nhà, mà hoàn toàn là cả một khu phức hợp

AW: Đầu tiên, tôi chỉ xây một căn nhà, và sau 7 năm không ai hỏi han gì tới tôi hết. Chỉ mới trước đây hai năm, mọi người bắt đầu nhận ra lợi thế của việc có căn nhà của tôi ở đây, và họ cũng muốn có căn nhà giống vậy. Những người cùng làng đã bắt đầu thuê tôi thiết kế các ngôi nhà tương tự để họ có thể cho các galleries hay nghệ sỹ thuê lại. Dĩ nhiên là tôi nhận lời. Đó là hàng xóm láng giếng của tôi và đây không phải công việc khó khăn gì. Tôi đã làm rất nhiều căn nhà trong ngôi làng này, căn này tiếp căn khác. Chúng hoàn toàn không có bản thiết kế, mà chỉ có các bản phác thảo sơ sài. Song chúng cũng không cần đến thiết kế gì nhiều lắm, bởi các căn nhà đó hầu như rất đơn giản, dẫu cũng cần có một sự điều phối nào đó, song không quá phức tạp với tôi. Tôi thực hiện xây dựng các căn nhà đó chỉ với mục đích không làm cho khu này xập xệ quá. Tôi không nói những gì tôi làm là hay, nhưng tôi tin nó ngăn cản được việc trở nên xập xệ và xấu đi

JS: Thật là một việc hiếm có khi nghệ sĩ thiết kế cho mình cả một khu dân cư sống bên cạnh.

AW: Đúng vậy. Chỉ mãi về sau tôi mới nhận ra điều này. Giờ đây tôi mới ý thức rằng mình đã dựng nên khoảng 40-50 ngôi nhà trong làng và ngôi làng đã trở nên như một hiện tượng. Rất nhiều việc trong đời tôi đã xảy ra theo kiểu này. Tôi luôn luôn ở tình trạng mãi sau này mới ý thức rằng” Ôi trời, tôi đã trở thành một kiến trúc sư, và sẽ tham gia vào việc thiết kế sân vận động Olyimpic. Nó luôn như thể một sự bất ngờ

JS: Tuy nhiên không thể gọi là một hành vi bất ngờ khi anh thể hiện các động thái không thích hợp trước các thánh tượng kiến trúc về văn hóa và chính trị như tháp Effel, Nhà Trắng. Anh được biết tới như một nghệ sĩ thẳng thắn, trực ngôn, và đôi khi phản ứng thẳng thừng trước quyền lực, trước các chủ đề chính trị.


Một trong loạt tác phẩm "ngón tay thối" của Ai Weiwei

AW: Tôi nghĩ rằng mình đã được sinh ra trong một xã hội rất có tính phê phán, nơi sự tự phê là một giá trị. Chủ tịch Mao đã dạy chúng tôi phải vừa biết phê vừa biết tự phê. Và như thế, chúng tôi luôn nhìn vào mọi sự vật với một cái nhìn phê phán. Có lẽ hành vi của tôi trong một số tác phẩm mà anh nhắc tới ở trên là khá đơn giản, song đây là một kiểu thái độ luôn tồn tại trong tôi, và nó có thể nhắm vào một định chế văn hóa, một chính quyền, một cá nhân, hay một hệ thống quyền lực. Nó có thể ngớ ngẩn hay vô nghĩa, song vẫn thể hiện ra được quan điểm cá nhân.

JS: Vậy theo anh, vai trò của nghệ sĩ là gì? Kẻ phê phán chăng?

AW: Đúng, tôi nghĩ điều này rất quan trọng với tôi bởi nó làm tôi luôn cảnh giác, ý thức về cuộc sống. Điều cơ bản nhất là anh phải luôn cảnh giác.

JS: Song có vẻ đây không phải là một thái độ thường thấy tại Trung Hoa – nó gần nhiều hơn với phương Tây thì phải.

AW: Tôi không biết nữa. Có lẽ nó không còn gần với Trung Hoa trong hiện tại. Tôi rất ngạc nhiêu là hầu hết mọi nghệ sĩ đều, hoặc là sống trong trạng thái vô ý thức, hoặc trộn lẫn ý thức hệ của mình với ý thức hệ của Đảng hay đất nước. Tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên vì chuyện này

JS: Vậy nước Trung Hoa ngày nay ra sao trong mắt anh? Một cách đại thể?

AW: Tôi nghĩ Trung Hoa đang ở trong một tình trạng rất đáng thất vọng. Nó thiếu các cuộc thảo luận đích thực, thiếu sự tự ý thức. Không hề có các thảo luận về mỹ học hay lý thuyết, không có một sự hiểu biết có tính triết học về vị thế của nó, trong mối quan hệ với thế giới, hay thậm chí với chính lịch sử của nó. Và như thế, nó hoàn toàn lạc lối. Ở đây không hề có nền tảng cho sự khởi tạo nên một nhà nước-quốc gia (nation-state), mà chỉ có sự hỗn độn (confused) và các vấn nạn phải giải quyết (problematic)

JS: Anh đánh giá ra sao về mối quan tâm mới mẻ đối với nghệ thuật đương đại Trung Hoa? Tại sao lại có một cú bùng phát như vậy ở đây?

AW: Tôi cho rằng chính hệ thống chính trị, kinh tế và thông tin toàn cầu đã, thế nào đó, tạo nên Trung Hoa như thể một hiện tượng lạ lùng, để qua đó, mua bán nghệ thuật Trung Hoa. Giờ đây, nó được mua bán với tầm mức không thể tin nổi, và thị trường đã bùng nổ. Sự bùng nổ này là chưa từng có trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa. Tôi nghĩ, nghệ thuật đương đại Trung Hoa đã được tạo ra nhờ vào cách hiểu mới mẻ về nghệ thuật như thể một sự kinh doanh, hay như thể một thị trường, khác với cách hiểu cũ về ý nghĩa và thực hành nghệ thuật. Nghệ thuật trở nên một món hàng mới mẻ có thể đem lại sự giàu có cho cá nhân và cho các tập đoàn. Với tôi, đây là một hiện tượng hoàn toàn mới.

JS: Anh có nghĩ rằng nghệ sĩ nên kháng cự lại trước sức hút của thị trường?

AW: Tôi nghĩ rằng, với nghệ sĩ, việc cưỡng lại hay tham dự nên bắt nguồn từ năng lực phán đoán rạch ròi. Nếu nghệ sĩ không có năng lực phán đoán rạch ròi về đạo đức hay triết học, sự kháng cự sẽ chỉ là làm dáng và vô nghĩa. Ví dụ có một số nghệ sĩ đang chống lại một cuộc triển lãm tổ chức tại Pháp. Và tôi thấy điều này là ngu ngốc. Nó đưa ra một thông điệp kỳ quái.

JS: Song anh không nghĩ rằng, không may, đây lại là một hiện tượng có tính toàn cầu ư? Nó không chỉ có tính khu vực. Nghệ sĩ nào cũng muốn có phần. Tất cả đều muốn trở nên nghệ sĩ quan trọng và kiếm được nhiều tiền.

AW: Vấn đề là ở chỗ đó. Khắp thế giới, người ta đều nói giống nhau rằng, tôi đã đạt tới thành công, dù đó là thành công trên thị trường chứng khoán hay trong một vụ kinh doanh nhỏ. Tất cả đều được đo bằng các con số, và câu hỏi chung là; anh bán được bao nhiêu? Và tất cả đều không có thời gian hay hứng thú để đặt câu hỏi, hay thậm chí bàn luận về bất kì điều gì khác. Chắc anh biết rằng mọi tác phẩm đều được tạo ra từ một dạng dục vọng cộng đồng, tức một dạng quái vật chỉ muốn thỏa mãn cơn đói hay dục vọng truyền kiếp của nó. Và chúng ta chỉ là nạn nhân trong các bữa tiệc này mà thôi.

JS: Vậy việc cầm đũa bát của các nạn nhân chỉ là một sự giả vờ?

AW: Đúng, tôi sẽ gọi đây là một sự giả vờ, bởi mọi hệ giá trị của chúng ta, dù cổ điển hay đương đại, đều phải được đánh giá bằng sự vững vàng nơi mối quan hệ của chúng ta với thực tại, tức khả năng phân biệt đâu là thực tại, đâu là ảo giả, của chúng ta

JS: Cũng như trong tác phẩm của anh, đâu là cũ, đâu là mới

AW: Đây luôn là câu hỏi cốt tử, làm thế nào tạo ra năng lực phán đoán, làm thế nào định giá trị cho hệ giá trị của chúng ta?

JS: Có vẻ như hệ giá trị được đặt cao hơn các con số?

AW: Nếu chỉ chú tâm tới các con số, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên quá đơn sơ, và nó sẽ tạo ra một kiểu u buồn. Bỗng nhiên chúng ta cảm thấy xa lạ với bản thân, hay với thế giới của chúng ta. Chúng ta đã từng quen thuộc với nơi chốn ấy, thế nhưng, giờ đây bỗng cảm thấy tuyệt đối xa lạ.

JS: Và đây có phải lý do mà anh luôn chụp ảnh ?

AW: Ví dụ như một con khỉ chẳng hạn. Ta luôn cảm thấy thương xót nó. Tại sao nó cứ leo trèo liên tục như vậy chứ? để làm gì? Chắc có lẽ cũng sẽ có ai đó ở trên cao đang nhìn xuống chúng ta và tự hỏi, tại sao gã đần độn kia cứ làm loanh quanh mấy cái việc vớ vẩn đó

JS: Vậy lý do vì đâu mà anh cứ chụp ảnh như thế?

AW: Bởi cảm thấy rằng mình không còn có thể giữ quan hệ với thực tại nữa. Dù làm bất cứ điều gì, ta vẫn cảm thấy không chạm được vào con người, hay tính duy lý, hay lý trí. Ta không còn có thể hiểu nổi điều gì, và dường như đang ở ngay trạng thái miên viễn bên bờ vực của sự điên rồ

JS: Vậy chiếc máy chụp ảnh là một sự nới rộng cho trí tuệ hay cho đôi tay của anh?

AW: Nó được coi là sẽ giúp thu ghi lại một cách trung thực tình huống hiện tại hay điều kiện thực, khoảng cách, ánh sáng, vị trí. Song điều gì là ý nghĩa của các hiện tượng được thu ghi lại này? Làm thế nào kết nối chúng? Và liệu ta có thể thực sự hiểu tất cả những thực kiện mà ta thu ghi lại trước mắt ta hay không?

JS: Đặc biệt là với các máy chụp ảnh kĩ thuật số, mà với nó ta có thể chụp hàng ngàn bức ảnh.

AW: Đúng, càng chụp nhiều, ý nghĩa của các bức ảnh càng mất đi. Bởi sau đó ta sẽ không còn biết làm gì với chúng nữa

JS: Và như thế, sẽ không có khởi đầu, không có kết thúc, chỉ như một khả thể cứ lặp đi lặp lại hàng ngàn lần AW: Phải rồi. ý nghĩa sẽ bị tàn phá nếu chúng ta cứ hỏi đi hỏi lại hết lần này đến lần khác

JS: Lần đầu tiên thấy anh, tôi có ý nghĩ về anh như thể con trai của Andy Warhol vậy. Với cái máy chụp ảnh trong tay, và không ngừng chụp.

AW: Thật sự tôi nghĩ Andy Warhol đã đi trước thời đại của mình. Khi ông còn sống, kĩ thuật số chưa ra đời. Ông đã chống lại sự không hoàn hảo của kỹ thuật. Khi làm tác phẩm, ông đã bắt nhà máy in phải in đi in lại các bản in lụa của ông cả trăm lần. Thế nhưng vào ngày nay, ta chỉ cần gõ nhẹ bàn phím là có thể in ra hàng ngàn bản in hoàn hảo. Như thế, thật may mắn cho ông là ông đã không sống vào thời nay, khi chả còn có thể làm gì nữa. Ông đã rất đúng vào thời của mình, và đây là những gì làm Andy Warhol trở nên Andy Warhol. Điều này cũng làm cho ông trở thành cổ điển. Không ai có thể bắt chước được ông.


Ghế cẩm thạch

JS: Mọi sự thay đổi quá nhanh vào ngày nay. Kẻ mà ngày xưa trông giống một gã ma cà bông, thì ngày nay có thể được coi là một nghệ sĩ.

AW: Đúng, con người bị thương tổn bởi chính dục vọng của , bởi chúng ta muốn quá nhiều, tốc độ phải ngày càng nhanh, mỗi ngày chúng ta đnóón nhận lượng thông tin có thể nhiều bằng lượng thông tin của cả trọn một cuộc đời trước đây. Càng thấy nhiều, cảm xúc và lý trí của chúng ta càng bị thách thức, đòi hỏi, bởi chúng ta càng không thể hiểu rõ đâu là thực đâu là ảo. Như thế, chúng ta đang không hề tập trung được vào bất cứ điều gì sâu xa hơn các hiện tượng, hay các con số. Chúng ta chỉ có mỗi một dạng câu hỏi, “ai kiếm được nhiều nhất”, và rồi vào vài năm sau, chúng sẽ lại hỏi, “trời, sao gã này vẫn còn ở vị trí cũ ư?”. Tất cả đều biến thành một dạng ganh đua kiểu thể thao.

JS: Thậm chí tôi còn cho rằng đây là một thế giới trước khi có sự xuất hiện của con người biết tư duy bằng não bộ, tức một con người có một thái độ mang tính lịch sử

AW: Não bộ hoạt động rất khác. Tư duy giờ đây đã trở nên điều gì đó lỗi thời. Chúng ta chỉ còn biết nhận thông tin và phản ứng. Ta không thực sự còn cần thiết phải tìm cách hiểu rõ mọi việc. Kết quả sẽ được chuyển tới trước khi ta cần suy nghĩ thấu đáo về nó. Tất cả những gì ta cần hiện giờ chỉ là đọc báo và qua đó biết về mọi kết quả.

JS: Anh có mối quan hệ thế nào với việc viết lách? Anh có viết không?

AW: Tôi viết chứ. Viết để bày tỏ thái độ của mình. Tôi nghĩ viết vẫn là một cách tốt nhất để bày tỏ thái độ, và để sau đó mọi người có thể nói rằng, ồ, gã này đã nói điều gì đó vào đúng khoảnh khắc đó. Tôi muốn tạo cho mình một sự khó khăn nào đó trong cuộc sống, và viết giống như thể đi bộ vậy. Có vô số cách đi bộ khác nhau.

JS: Và anh cũng xuất bản chứ?

AW: Xuất bản không phải là việc thú vị lắm. Để xuất bản thì luôn rất mất thời gian. Và như thể một kiểu dạng trình diễn vậy.

JS: Có các nghệ sĩ nào mà anh cảm thấy gần gũi?

AW: Anh nói vào khoảnh khắc này ư? Đó là anh đấy

JS: (cười to) Nhưng anh có cảm thấy gần gũi với nghệ sĩ nào khác không? Ví dụ, tôi nghĩ anh nên gặp ai đó như Daniel Buren, người cũng rất trực tiếp trong thực hành nghệ thuật, và suốt đời luôn nói thẳng ra với người khác những gì mình nghĩ

AW: Ai cơ?

JS: Daniel Buren

AW: Tôi biết rất ít về nghệ sĩ này

JS: Vậy có nghệ sĩ nào ở Trung Hoa mà anh thấy gần gũi?

AW: Tôi là kẻ luôn chỉ quan tâm tới các sự vật nằm ngoài lãnh địa nghệ thuật

JS: Ví dụ?

AW: Ví dụ như động đất, như mèo, như các thức ăn mà tôi ăn, hay lý do vì sao người ta lại thích ăn chay?

JS: Có vẻ như hoàn toàn về đời sống?

AW: Đúng vậy, bản thân cuộc sống đã rất hoang đường rồi. Và ta có thể dành trọn đời để hân hưởng nó mà còn không đủ.

JS: Tôi thì lại muốn sống nhiều hơn, chứ không phải lâu hơn

AW: Anh thật là đầy tham vọng

JS: Tôi không hẳn tham vọng mà là đói. Tôi luôn đói và thèm sống

AW: Anh còn trẻ mà

JS: Không, tôi nghĩ chúng ta gần như bằng tuổi. Anh bao nhiêu tuổi vậy?

AW: Tôi 51

JS: Tôi sắp tròn 48. Rất ngang nhau đấy

AW: Ồ, cái bản lề là ở tuổi 50. Sau 50, thế giới sẽ hoàn toàn khác.

JS: Một người bạn của tôi từng nói, từ 1 đến 50 tuổi ta đi thẳng về phía trước. Sau 50 ta quay lại, đi lùi, và có gắng níu kéo quá khứ.

AW: Tôi không muốn nói quá nhiều về điều này, nhưng thật sự là khi đạt ngưỡng 50, sẽ chẳng còn nhiều vui thú đâu.

JS: Tôi e là sẽ còn nhiều hơn cơ đấy

AW: Tôi nghĩ đạt đến ngưỡng đó sẽ khá thú vị. Vì vào lúc ấy, ta sẽ tri thiên mệnh, và điều này thì rõ là một điều hay.

JS: Các kế hoạch cũng thay đổi theo tuổi tác. Anh có để ý có sự thay đổi nào trong tác phẩm khi anh đạt ngưỡng 50?

AW: Nói một cách trung thực, mỗi lần ngắm tác phẩm của mình, tôi đều có chút xấu hổ, bởi tôi không thể trả lời rõ ràng câu hỏi rằng liệu chúng có cần thiết? Hay tại sao tôi đã làm việc này mà không làm việc khác? Tôi không thể trả lời các câu hỏi này. Tác phẩm chỉ còn như thể bằng cớ tội ác vậy. Khi không còn lý do và đam mê, tự thân các bằng cớ trở nên xa lạ, và cũng bởi nó còn có sự liên quan tới các tội ác khác nữa, với các kết quả hoàn toàn khác. Có nghĩa là, tôi đã không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn và hợp lí cho các tác phẩm, bởi giờ đây, chúng đã không còn cần thiết nữa.

JS: Có vẻ là anh giống một kẻ giết người hàng loạt, vẫn đang tiếp tục tạo ra các bằng cớ tội ác mới?

AW: Rất có khả năng đấy. Đây là vấn đề thuộc về sự trung thực – tại sao ta đã không trở thành một kẻ giết người hàng loạt. Lý do của tôi là sẽ rất khó để giấu xác. Nếu có cách nào làm cho một cái xác biến mất- vấn đề sẽ trở nên nguy hiểm

JS: Nhưng một nghệ phẩm, khi rời khỏi xưởng làm việc của anh, khi rời khỏi tay anh, phải chăng trở nên một xác chết?

AW: Đúng vậy, ngay trước khi ra khỏi xưởng, nó đã tỏa mùi hôi rồi (cười lớn)

JS: Và đây chính xác là những gì chúng tôi nghĩ tới khi trông thấy tấm váy bằng gốm nằm xõa trên sàn. Rất rõ ràng.


Váy gốm

AW: Đó cũng chính là lý do tại sao tôi không hề muốn làm tác phẩm trong xưởng của mình, tại sao tôi phải sử dụng một nhà máy, hay các xưởng làm việc khác, hay tại sao tôi thích thực hiện các tác phẩm sắp đặt định giới, bởi tôi muốn để các xác chết lại đó. Tôi không muốn thấy chúng trong bếp nhà tôi

JS: Tôi rất thích tác phẩm cái bình sứ được đổ sơn chảy này

AW: Anh có thể hỏi thêm một câu hỏi nữa

JS: Sự chảy sơn này nói chính xác về ý nghĩa các tác phẩm của anh – sơn dầu đổ vào nước – nó sẽ không bao giờ chìm được xuống dưới. Tác phẩm của anh chính xác là về điều này

AW: Đúng, không bao giờ chìm xuống, và cũng không bao giờ mất đi

JS: Nhưng nó cũng không bao giờ bay mất, bởi sơn dầu, thậm chí trên quần áo chăng nữa, cũng để lại dấu vết. Nó luôn ở đó. Và tác phẩm của anh cũng là về sự không thể bay mất này

AW: Nó là về việc đó. Về một vết bẩn, về một vấn đề, về một vấn nạn cần phải giải quyết, và về một dấu vết


Bình lọ cổ

JS: Và sẽ phải mất nhiều thời gian để tẩy rửa

AW: Không hề được mong đợi, song nó đã xảy ra một cách không thể khác. Như thơ vậy. Nhưng câu hỏi của anh là gì? Tôi nghĩ giờ đã tới lúc cho các câu hỏi kết

JS: Tôi nghĩ thế đấy. Tuy nhiên giờ là câu hỏi cuối. Anh có ám ảnh gì với các bản đồ không? Với việc vẽ bản đồ chẳng hạn?

AW: Thật là xuẩn ngốc khi coi Trung Hoa như thể một hình dạng. Theo cách ấy, ta bắt đầu phải nghĩ tới việc điều gì là quốc gia tính? Các biên giới là gì? Tại sao chúng lại ở đó? Tất cả những điều này đều hoàn toàn vô nghĩa. Chính vì thế, ta phải tạo ra điều gì đó không mang tính chức năng

JS: Và đây là lý do tại sao anh tạo ra những cái đèn chùm?

AW: Đó là một thiết kế thuần khiết chứa đựng ánh sáng. Anh làm một cái đèn chùm, và nó trở nên điều gì đó nhiều hơn việc chỉ để chiếu sáng. Nó trở nên một vật trang trí bắng ánh sáng, hay ánh sáng có tính trang trí. Nó như thể mối quan hệ của ta với chính bản thân. Chỉ để hiện hữu, thì chúng ta chả cần gì đến nghệ thuật, thế nhưng rồi sẽ có câu hỏi đặt ra rằng: nghệ thuật là gì? Nó là đồ trang trí cho ánh sáng? Hay là ánh sáng dùng để trang trí?

JS: Câu hỏi này luôn chạy vòng quanh. Có vẻ là chiếc đèn tạo ra một cấu tố mang tính diễn cảnh, cảm xúc, vật lý và xã hội trong không gian. Nó luôn tạo ra kịch tính.


Đèn chùm

AW: Đúng, nhờ nó, chúng ta cảm thấy an toàn, cảm thấy được chiếu rọi, cảm thấy rằng chúng ta là một phần của nó bởi ánh sáng chạm vào chúng ta. Chúng ta cảm thấy như thể một kiểu hào phóng. Ở Trung Hoa, chúng tôi đã làm dự án đèn này, một cơ hội cho các kiến trúc sư. Và cơ hội cho người Trung Hoa là họ có dịp được xem các tay chơi quốc tế. Việc này là hay hay dở, tôi cũng không biết. Dự án này như thể triển lãm Fuck Off ( Triển lãm Ai Weiwei giám tuyển cùng Fengboy vào năm 2000-ND) vậy. Dù hay hay dở, cả hai bên đều có các cơ hội. Chúng tôi cũng có cơ hội, vậy thì tại sao không?

JS: Anh chọn các kiến trúc sư như thế nào?

AW: Tôi không chọn, bởi tôi chả quen biết ai cả. Herzog & de Meuron làm việc đó. Họ cung cấp cho tôi một danh sách. Tôi không chọn ai. Đó là nghề của họ. Họ phải chọn.

JS: Có vẻ sẽ có một bảo tàng kiến trúc đương đại ngoài trời

AW: Tôi nghĩ dự án này sẽ để lại dấu ấn cho kiến trúc đương đại, một dạng dấu vết

JS: Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói về một dự án kiến trúc ngoài trời do một nghệ sĩ giám tuyển. Dự án này có một dấu hiệu Fake (Fake Design Studio: tên xưởng kiến trúc của Ai Weiwei-ND). F ở đây là dành cho Fuck, hay dành cho Fake ( giả, xạo)?

AW:Với người Trung Hoa, cả hai nghĩa này đều là một

JS: Thật là một kết thúc hay ho.





NOTE: Như Huy giữ bản quyền toàn bộ bài dịch (phi lợi nhuận, chỉ cho mục đích nghiên cứu và chia sẻ thông tin) . Đề nghị không đăng lại ở bất cứ đâu, và nếu có trích dẫn trong các bài viết thì phải dẫn nguồn, để link vào blog này. Xin cảm ơn)

8 nhận xét:

  1. Trời, hay quá anh ạ.
    Em thích câu "Tôi luôn đói và thèm sống " - y như em vậy ^^

    Trả lờiXóa
  2. A có đúng ông này là Ngải Vị Vị đang bị nhà cầm quyền TQ bắt giam ròi lôi đi đâu ko rõ ko anh :-(

    Trả lờiXóa
  3. Com của em lại mất òi :-(

    Em thích cả bài này quá , ấn tượng vô cùng, và khi đọc câu " tôi luôn đói và thèm sống" thì thấy i chang mình à :-D

    Có phải đây là Ngải VỊ Vị đang bị bắt và đưa đi đâu không rõ ở TQ ko anh?

    Trả lờiXóa
  4. có bị mất đâu. Tụi google nó reset lại blogger nên nó treo bài này 2 ngày đấy. Còn Ngải Vị Vị thì theo anh biết, bị cấm đi khỏi TQ, và chỉ được ở tại gia. Nhưng hồi anh sang đó, bạn anh tới thăm ( hôm đó anh có seminar k đi cùng được), thì thấy bảo ông này tuy bị giam tại gia mà vẫn trang bị internet đây đủ lắm. ANh nghĩ Chính quyền TQ cũng không dám làm mạnh đâu

    Trả lờiXóa
  5. ĐỌc cuốn "Thế mà là nghệ thuật ư" anh dịch, em học được nhiều từ mới ghê. "hân hưởng" chẳng hạn :-D Từ đó trong tiếng ANh là gì ạ?

    Trả lờiXóa
  6. Chỗ Ngải Vị Vị nói Trung Quốc ngày nay đang ở trong một tình trạng đáng thất vọng, vì không có thảo luận đích thực, không có hiểu biết mang tính trí tuệ mà chỉ có hỗn độn và nhiều vấn nạn, em thấy điều ông nói cũng đúng cho Việt Nam mình bây giờ nữa. Ai làm những con đường đẹp và rợp bóng cây, ai lập các công viên nhiều hoa và nhiều người đi dạo, ai lập những khu phố sạch sẽ? Hình như chính quyền không quan tâm những điều ấy, họ không có lí tưởng đẹp, và họ không khuyến khích những người có lí tưởng đẹp. Vẻ đẹp trên đất Việt phần nhiều là di sản của các thế hệ trước. Hi vọng sau thế hệ này chúng ta sẽ văn minh hơn, có nhiều vẻ đẹp hơn, và nhiều nghệ sĩ có cá tính và óc sáng tạo cái đẹp hơn.

    Trả lờiXóa
  7. Hoàn toàn đồng tình với Tuyết Đỏ Rơi, chỉ có điều mình không hi vọng được như bạn :-)

    Trả lờiXóa
  8. Bài này Huy chọn và dịch hay quá.

    Chỉ có một băn khoăn về cách dịch Fake-Fuck thành Xạo-Đụ. Fake là một cái gì đó rất Tàu và nó là đặc điểm của hàng hóa made in China, những hàng xa xỉ được nhái lại và bán với giá rẻ; những nhu yếu phẩm hay hàng tiêu dùng từ cực đến khá rởm, đểu. Song "Xạo" thì dường như chỉ chỉ đặc điểm của một 'lời nói' mà thôi...

    Chưa kể, "F." trong tiếng Anh cũng mang chở một trường liên tưởng rộng và "đen tối" như "Đ." trong tiếng Việt mình nên dịch là "xạo-đụ" thì tên của dự án phần nào mất đi những ánh nghĩa.

    "Đểu" liệu có là 1 option khá hơn "xạo"?

    Trả lờiXóa