Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Giới thiệu tác phẩm Lều-Thuyền-Lều của Simon Starling

Nhân đọc được thông tin về cuộc triển lãm "Du cư trong thành phố", xin giới thiệu về tác phẩm này của nghệ sỹ Anh Quốc, Simon Startling. Đây cũng là một tác phẩm được trao giải thưởng Tuner ( Tuner prize) năm 2005

-----

Giải thưởng Tuner ( Tuner prize) là một giải thưởng rất có uy tín cho nghệ thuật đương đại tại Anh, được trao cho các nghệ sỹ thị giác Anh dưới 50 tuổi. Giải thưởng này được Tate Gallery tổ chức và được trao tại Tate Britain. Tên của giải thưởng cũng là tên của họa sỹ J.M.W.Tuner. Từ khi thành lập vào năm 1984, nó đã trở nên một giải thưởng danh giá nhất cho nghệ thuật đương đại tại Anh nói riêng, và cùng với giải thưởng Hugo Boss, trở thành hai trong số giải thưởng cho nghệ thuật đương đại quan trọng nhất của thế giới.

Tuner Prize- giải thưởng lên tới 40.000 bảng Anh này - cũng tự tạo nên danh tiếng của mình bằng các cuộc trao giải gây tranh cãi, như cho tác phẩm "The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living" ( Tính bất khả của sự chết trong tâm trí một vài kẻ sống) của Damien Hirst, hay cho tác phẩm “My bed” (Giường của tôi) của Tracy Emin


"The Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living" ( Tính bất khả của sự chết trong tâm trí một vài kẻ sống)

“My bed” (Giường của tôi)

Vào năm 2005, giải thưởng đã được trao cho nghệ sỹ Anh Simon Starling với tác phẩm Shedboatshed (Mobile Architecture No 2) [ Lều-thuyền-lều (kiến trúc động số 2)] . Cho tác phẩm này, Starling đã tháo rời một túp lều gỗ và lắp ghép nó thành một chiếc thuyền. Được làm từ các mảnh của túp lều, chiếc thuyền này đã được đưa xuống dòng sông Rhine để từ đó chèo xuôi về Một bảo tàng ở Basel. Ở đây, nó lại được tháo rời ra, và lắp trở lại thành túp lều cũ và trưng bày trong bảo tàng như một tác phẩm nghệ thuật.



Điểm đặc biệt trong tác phẩm này của Starling là việc, qua hành vi chuyển hóa túp lều thành chiếc thuyền, và rồi từ chiếc thuyền trở lại thành túp lều cũ, Starling cũng đã biến một vật thể ( product) thành ra một tiến trình ( process), qua đó, tạo cho một vật thể chỉ có tính sử dụng (túp lều) thành ra một vật thể vị niệm ( conceptual ), tức một vật thể mang chứa trong đó các tư duy của nghệ sỹ về áp lực của tính hiện đại, sản phẩm đại chúng, và chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa.



Điểm cần lưu ý ở đây là việc yếu tính của tác phẩm hoàn toàn không nằm ở riêng túp lều, hay riêng chiếc thuyền, mà nằm ở chính tiến trình chuyển hóa, ở giai đoạn quá độ ở giữa hai vật thể ấy. Có nghĩa là bản thân túp lều, với các hàm chỉ của nó về cuộc sống hay chiếc thuyền, với các hàm chỉ của nó về sự chuyên chở và di chuyển không có ý nghĩa gìhết. Thật ra, nếu chỉ tập trung vào hai dạng hàm chỉ này, đây sẽ không còn là một tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ còn là các dạng thông tin minh họa theo kiểu thông tấn, báo chí, hay truyền thông mang đậm mầu sắc tuyên truyền ( propaganda)



Do đó, chính tiến trình ở giữa này mới là điều là vô cùng quan trọng để biến một vật thể thành một tác phẩm vị niệm, bởi chính nó chứ không phải ai hay gì khác mới là điều cấp nghĩa khái niệm (conceptual meaning) cho tác phẩm; chính nó mới phô bày ra lao động tư duy cũng như lao động thực tế của nghệ sỹ trong hành vi tạo lập nghĩa MỚI cho vật thể CŨ, tức một hành vi đã có lịch sử từ thời điểm khai sinh của nghệ thuật vị niệm, 1917, vào lúc Marcel Duchamp đặt một chiếc bồn tiểu giữa Gallery.



Về bề mặt, tác phẩm chỉ là một túp lều gỗ cũ kỹ được trưng bày trong một không gian chuyên dành để trưng bày tác phẩm. Song ở đây, bản thân túp lều đó đã không còn là một túp lều thông thường- được đưa từ chỗ khác về để tạo nên một cú sốc đơn sơ về mặt thị giác, hay - qua sự tương phản- nhằm gợi lên các sự thương cảm và phân tích theo kiểu lãng mạn hóa về xã hội. Hơn thế, chính túp lều đó, giờ đây đã trở nên một chỉ hiệu (index) của các tư duy và khái niệm lớn lao hơn, một chặng dừng trong tiến trình chuyển hóa miên viễn công dụng, hay các yếu tính của các vật thể, tức đã trở nên một ẨN DỤ sâu sắc về cuộc đời của chính chúng ta trong xã hiện tại.



Và đây mới là dạng thông điệp chiều sâu-tức thông điệp của mọi tác phẩm nghệ thuật vị niệm đúng nghĩa.

Phát biểu về tác phẩm của mình, Srtarling đã nói:”

Tôi không muốn bị coi là một gã lập dị, bởi tác phẩm của tôi không hề là như vậy. Đây là một công việc nghiêm túc, nhìn từ mọi cấp độ.

Nó có chút gì đó là một dạng kiến trúc động. Đây cũng là một nỗ lực biến một vật thể thông thường thành một nghệ phẩm, tức một nghệ phẩm thuộc công thái học ( ergonomic) và thuộc môi trường.

Tác phẩm này là về việc làm chậm lại đời sống, về việc làm chậm lại cái tốc độ của đời sống mà chúng ta đang sống”


Trong khi đó, các giám tuyển tại Tate thì cho rằng tác phẩm này đã lột trần ra bản chất ảo giác của toàn cầu hóa và các sự trao đổi của chủ nghĩa tư bản





N.H.

3 nhận xét:

  1. Cùng là lều mà khác nhau xa quá :(
    Tư duy or not tư duy, that is the question.

    Trả lờiXóa
  2. rất hay! Em thích Lều Thuyền Lều và Tính bất khả của sự chết trong tâm trí một vài kẻ sống. Nhưng em thích đặt tên của cái sau là "Chết khi đang sống" cơ :-D

    Trả lờiXóa